Đạo lý Việt Nam trong Di chúc Bác Hồ
Những dòng chữ Bác Hồ viết thêm vào bản Di chúc năm 1965 đều nằm trọn ở phần "Trước hết nói về Đảng". Đó là mấy chữ "phục vụ Tổ quốc" trong đoạn "Trước hết nói về Đảng - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc…", và mấy chữ "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau" trong đoạn "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau".
Ở đây, nhân nói về việc phê bình và tự phê bình trong Đảng, tôi chỉ xin nói kỹ hơn một chút về mấy chữ "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau" - một phương châm xử thế rất đáng lưu ý, lưu tâm trong công cuộc tự phê bình và phê bình của chúng ta hiện nay.Tại sao và từ đâu Bác của chúng ta phải thêm vào bản Di chúc của mình mấy chữ đó?
Đồng chí Vũ Kỳ, người thư ký tận tụy của Bác từ những năm đầu Cách mạng cho tới khi Người từ giã cõi đời, trong cuốn "Bác Hồ viết Di chúc và Di chúc của Bác Hồ" (NXB Chính trị Quốc gia phối hợp với NXB Kim Đồng xuất bản năm 2007) đã cho biết: Từ ngày 12/5 đến 14/5/1965 (quãng thời gian Bác viết bản Di chúc có chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn), Bác họp Bộ Chính trị: "Chính trong những ngày này, Bác đã ghi thêm một câu đặc biệt ở phần đoàn kết". Đó là câu: "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng".
Tuy nhiên, theo đồng chí Vũ Kỳ, sang tháng 5 năm 1966, khi đọc lại bản Di chúc, Bác không sửa chữa gì ngoài việc viết thêm mấy chữ "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau" như đã nói ở trên. Về tình tiết này, đồng chí Vũ Kỳ xúc động nhận xét: "Cán bộ, đảng viên của chúng ta từ Trung ương đến các chi bộ chắc sẽ xúc động biết chừng nào khi biết rằng, sau một năm trời, Bác Hồ chỉ dặn thêm chúng ta một câu như thế".
Chúng ta đều biết, nhân vô thập toàn. Con người, đã làm việc, không ai là không mắc sai lầm, khuyết điểm. Tự phê bình và phê bình chính là cách để giúp ta thấy được sai lầm của mình (và của đồng chí, đồng đội), từ đó giúp nhau có hướng sữa chữa, "căn chỉnh" lại. Sinh thời, Bác Hồ từng đứng ra xin lỗi nhân dân vì những sai lầm trong một số quyết sách của Đảng. Người nói: "Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn".
Trong Báo cáo Chính trị đọc tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II diễn ra cách đây 63 năm, sau khi chỉ ra "mấy khuyết điểm và nhược điểm lớn" mà các cán bộ, đảng viên của ta thường mắc phải, Người đặt ra nhiệm vụ: "Phải mở rộng phong trào phê bình và tự phê bình ở trong Đảng, ở các cơ quan, các đoàn thể, trên các báo chí cho đến nhân dân. Phê bình và tự phê bình phải thường xuyên, thiết thực, dân chủ, từ trên xuống và từ dưới lên. Sau hết là Đảng phải có sự kiểm tra chặt chẽ".
Như vậy, Bác đòi hỏi tinh thần tự phê bình và phê bình của mỗi cán bộ, đảng viên phải rất kiên quyết.
Tuy nhiên, vẫn theo quan điểm của Bác: "Mỗi con người đều có cái thiện, cái ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng…".
Chính bởi cách nhìn hướng thiện vậy mà trong bước đường cách mạng đầy sóng gió của Bác Hồ, ta luôn thấy toát ra những bài học xử thế vô cùng cao đẹp, từ đó nó có tác động trở lại, tạo thuận lợi cho phong trào chung, góp phần vào việc ích nước lợi dân. Có thể nói, một trong những thành công lớn trong đời Hồ Chí Minh chính là thành công trong việc dùng người. Mà cái gốc của nó bắt đầu từ việc thực sự tin tưởng và thương yêu Con Người.
Điều này nói ra nghe tưởng cũ, nhưng sự thực không phải ai cũng làm được, bởi muốn làm được thì tâm phải lớn. Bây giờ, nhiều tài liệu chính thống được công bố đã cho chúng ta thấy, từng có thời, tại một số nước cùng hệ tư tưởng với ta, đã có những vị lãnh đạo có lối sống kênh nhau, thậm chí trong một số trường hợp, quan điểm chính trị còn không được thuận chiều với nhau. Vậy là, khi vị này lên, vị kia xuống, lập tức có người bị bôi nhọ, thậm chí còn bị phủ nhận tuốt tuột mọi công trạng trong quá khứ. Có trường hợp còn bị xử lý mạnh tay hơn. Điều đáng nói là chuyện đó xảy ra một cách phũ phàng, bạo liệt ngay trong thời điểm Bác viết bản Di chúc.
Với Bác Hồ, không giống như lãnh tụ của một vài nước nọ, Người luôn có cách nhìn nhận rạch ròi đâu là sai lầm thuộc về phương pháp, đâu thuộc về phạm trù đạo đức. Thậm chí, trong trường hợp có những vi phạm về đạo đức, Người cũng gắng tìm cách mở ra hướng để người ta có thể tu chỉnh mình, nói giản dị là để họ "có cơ hội làm lại cuộc đời". Và Người luôn lấy tiêu chuẩn "yêu Tổ quốc, yêu đồng bào" làm thang bậc để đo tư cách, đạo đức của mỗi con người. Từ đó, những người cùng chung tình cảm yêu nước, thương dân, dẫu đường hướng hoạt động có khác nhau, song bao giờ cũng nhận được ở Người sự kính trọng.
Có lẽ không phải vị lãnh đạo nào cũng có cách nhìn cởi mở mà chân xác như thế này: "Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội", từ đó Người có niềm tin nếu các vị ấy còn sống, họ vẫn có thể ngồi chung với nhau "như những người bạn thân thiết".
Ở đây, lại phải nói lại: Không phải ai cũng có thể dung hòa được như vậy. Phải có trái tim lớn và có cách nhìn minh triết. Lịch sử của nhiều nước từng có những trang "bỏ trắng" chỉ bởi người lên nắm quyền không dung nạp được người có quan điểm, đường hướng khác mình.
Trong khi thực tế, vấn đề này đối với Hồ Chí Minh thì sao?
Những ai nghiên cứu sâu giai đoạn Nguyễn Ái Quốc được thả ở Hồng Kông tới trước giai đoạn Người về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng (năm 1941), sẽ thấy đây là một giai đoạn Người gặp nhiều khó khăn, thậm chí còn bị hiểu lầm, không được tạo điều kiện hoạt động. Do nhận thức vấn đề có chỗ khác nhau, cũng cả do thiếu thông tin nên đã có đồng chí giữ cương vị lãnh đạo Đảng khi ấy ra văn bản phê phán khá nặng nề quan điểm của Nguyễn Ái Quốc (điều này một số cuốn sách do NXB Chính trị Quốc gia ấn hành những năm gần đây đã nêu rõ). Vậy nhưng, đối với các đồng chí này, trước sau Người vẫn thể hiện một thái độ hết sức trân trọng.
Trong các thư từ gửi một số đồng chí có trách nhiệm của Quốc tế Cộng sản khi ấy, ta thấy Người có thể trình bày quan điểm riêng, suy nghĩ riêng của mình trước một số vấn đề, song bao giờ cũng thể hiện một thái độ thân ái, yêu thương đối với những người đang chống chọi nơi đầu sóng ngọn gió để duy trì phong trào cách mạng trong nước.
"Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau" - lời nhắc nhở của Bác cũng là điều trăn trở của các vị đứng đầu Đảng, Nhà nước ta hiện nay. Không dưng trong nhiều Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bên cạnh việc yêu cầu các tổ chức Đảng phải nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện việc "tự phê bình và phê bình" theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), đã không quên cảnh báo: Không được lợi dụng chủ trương này để triệt hạ nhau, thổi phồng khuyết điểm, yếu kém, gây chia rẽ nội bộ. Thì trong Di chúc của Bác Hồ, Bác chẳng yêu cầu Đảng ta thực hiện "tự phê bình và phê bình" là để "củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng" đó sao? Vậy nếu sự phê bình không trên tinh thần "đồng chí thương yêu lẫn nhau" thì mục tiêu ấy rất khó thực hiện.
Có thể nói, với những gì thể hiện trong đời sống và cả trong bản Di chúc bất hủ, Bác Hồ đã tạo ra trong Đảng ta một lối xử thế mang đậm đạo lý Việt Nam. Và đó chính là tiền đề để tạo nên sự đoàn kết trong Đảng