Đạo diễn sân khấu trẻ và những bứt phá ngoạn mục

Thứ Hai, 30/01/2012, 09:00
Mặc dù lâu nay, sân khấu phía Bắc vốn bị cho là im ắng, buồn tẻ khác hẳn cái náo nhiệt của sân khấu phía Nam, thế nhưng, vẫn có những đơn vị, nghệ sĩ miệt mài giữa cái khó khăn ấy để sáng tạo, tìm tòi không ngừng với mong muốn giữ gìn nét đẹp của sân khấu truyền thống cũng như kéo khán giả quay trở lại với sân khấu Thủ đô...

Trong cái rét cắt da, cắt thịt của những ngày cuối năm, mặc cho những hối hả lo toan của cuộc sống thường nhật đang sầm sập ngoài kia, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai cùng các nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Việt Nam vẫn miệt mài tập luyện để kịp ra mắt vở diễn đầu tiên về đề tài hiện đại với tên gọi "Vú cát". Giống như Hoàng Quỳnh Mai, những đạo diễn trẻ khác như Triệu Trung Kiên, Trần Quang Hùng ở phía Bắc cũng đang đầy ắp kế hoạch, dự định cho những vở diễn mới. Cùng thời điểm này, các đạo diễn trẻ phía Nam như Đức Thịnh, Vũ Minh, Thành Lộc cũng đang tất bật chuẩn bị những kịch mục đặc sắc dành cho khán giả nhân dịp Xuân về. Không thể phủ nhận, dấu ấn sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ đang lan rộng ở sân khấu kịch, hoàn toàn cho chúng ta hy vọng vào một tương lai sân khấu phát triển và sôi động hơn.

1. Mặc dù lâu nay, sân khấu phía Bắc vốn bị cho là im ắng, buồn tẻ khác hẳn cái náo nhiệt của sân khấu phía Nam, thế nhưng, vẫn có những đơn vị, nghệ sĩ miệt mài giữa cái khó khăn ấy để sáng tạo, tìm tòi không ngừng với mong muốn giữ gìn nét đẹp của sân khấu truyền thống cũng như kéo khán giả quay trở lại với sân khấu Thủ đô. Trong khi nhiều đơn vị nghệ thuật khác luôn e dè và ngại ngần khi giao vở mới cho các đạo diễn trẻ thì ở Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Cải lương Việt Nam, những đạo diễn trẻ luôn được tạo cơ hội để thể hiện tài năng của mình. Tại Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp gần đây nhất, trong 3 vở diễn của Nhà hát tham dự thì có tới 2 vở diễn của các đạo diễn trẻ. Đó là "Kiều Loan" của NSƯT Anh Tú và "Ai sợ ai" của NSƯT Chí Trung. Dù đây là hai nghệ sĩ đã có thâm niên trong nghề diễn, ghi dấu ấn với nhiều vai diễn khác nhau nhưng ở vai trò đạo diễn thì họ vẫn là những đạo diễn trẻ.

Một gương mặt đạo diễn phía Bắc nổi bật trong thời gian qua là Hoàng Quỳnh Mai. Lần đầu tiên mang quân đi tham dự Liên hoan sân khấu trẻ toàn quốc, chị đã khiến khán giả "đất cải lương" phía Nam bất ngờ trước "sức mạnh" của cải lương đất Bắc và mang về giải A với sự tâm phục, khẩu phục của toàn thể thành viên ban giám khảo cho vở "Cung phi Điểm Bích" - kịch bản sân khấu từng bị quên lãng 18 năm đã được dàn dựng lại một cách công phu, tinh tế. Sau sự mở màn ấn tượng đó, Hoàng Quỳnh Mai luôn chứng minh được tình yêu cải lương sâu đậm và sức sáng tạo dồi dào của mình. Hầu như năm nào Hoàng Quỳnh Mai cũng ra mắt vở mới và tạo ấn tượng đặc biệt với khán giả, từ "Bến nước Ngũ Bồ", "Trọn đời trung hiếu với Thăng Long", "Duyên kiếp Bạch Trà", "Gươm thiêng trao trả hồ thần" và gần đây là "Vú cát"... Xem vở diễn của Hoàng Quỳnh Mai, khán giả thường bị cuốn hút bởi nét nữ tính tinh tế nhưng cũng không kém phần sâu sắc quyết liệt ở người nữ đạo diễn này.

Một cảnh trong vở "Nỏ thần" của đạo diễn Đức Thịnh.

Cùng tâm huyết với cải lương và trở thành một "hiện tượng" của sân khấu phía Bắc như Hoàng Quỳnh Mai còn có đạo diễn Triệu Trung Kiên. Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Mẹ anh vốn là diễn viên chính của Nhà hát Cải lương Việt Nam, bố nguyên là Trưởng khoa Kịch hát dân tộc của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Bảy tuổi, Trung Kiên đã lên sân khấu đóng vai Trần Quốc Toản.

Hơn 14 năm sáng tạo nghệ thuật, Trung Kiên được khán giả và bạn bè đồng nghiệp nhớ đến ở giọng hát chuẩn mực và lối diễn đa dạng qua nhiều loại vai. Mấy năm gần đâu, Triệu Trung Kiên nổi lên với vai trò tác giả - đạo diễn trẻ nhiều triển vọng, đạt nhiều thành tích cao trong Liên hoan sân khấu. Với vở diễn đầu tay "Dấu ấn thời gian", Triệu Trung Kiên lập kỷ lục khi vừa là tác giả kịch bản, vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên. Tiếp tục với thành công của "Dấu ấn giao thời", Triệu Trung Kiên liên tục dàn dựng các vở như "Con côi họ Triệu", "Công chúa Ngọc Hân", "Trời Nam"...

Một gương mặt đạo diễn nữa cần phải nhắc tới của sân khấu kịch phía Bắc là Trần Hoàng Mai. Vốn là nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Hải Phòng, nhan sắc đằm thắm của chị được nhiều đạo diễn phim truyền hình mời đóng. Nhưng rồi sân khấu vẫn là sức cuốn hút khó cưỡng của nữ nghệ sĩ xinh đẹp này. Không ngại kịch bản "Trầu Cau" từng được Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng, Hoàng Mai vẫn hoàn toàn tự tin dựng lại vở này theo phong cách riêng để tham dự các Liên hoan sân khấu. Chị cũng luôn ấp ủ khát vọng hiện đại hóa sân khấu chèo ở mỗi vở diễn.

2. Với sự năng động lâu nay, phải nói rằng, sân khấu phía Nam đã trở thành sân chơi của các đạo diễn trẻ tài năng, tâm huyết. Một trong những đạo diễn trẻ tiêu biểu phía Nam phải kể tới Đức Thịnh. Anh vốn được biết tới như một diễn viên với những vai diễn ngồ ngộ, gây cười ở lĩnh vực phim truyền hình, bởi vậy,  những gì Đức Thịnh thể hiện trên sân khấu kịch với vai trò đạo diễn lại khiến khán giả và đồng nghiệp hoàn toàn bất ngờ. Ngay từ khi ra mắt khán giả vở diễn "Cánh đồng gió", Đức Thịnh đã xây dựng cho mình phong cách trẻ trung, lãng mạn và tiếp tục khẳng định phong cách này ở "Người đàn ông của trời", "Chuyện tình mùa thu", "Em và ngôi sao"... Khi chuyển sang đề tài lịch sử, Đức Thịnh cũng thể hiện sự chắc tay của mình khi "rinh" về giải Vàng tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 với vở diễn "Nỏ thần".

Là nghệ sĩ trẻ nhưng Đức Thịnh có suy nghĩ khá sâu sắc về nghề: "Những người làm sân khấu thực thụ luôn có ý thức trả lại vẻ đẹp cho sân khấu. Làm nghệ thuật cần phải có khát khao vươn lên tìm đến những giá trị đẹp, khát khao thể hiện mình".

Cùng với Đức Thịnh, sân khấu kịch phía Nam còn có sự góp mặt của khá nhiều đạo diễn trẻ được khán giả yêu mến như Thái Hòa với "Tứ hỷ lâm môn", "Sự lừa dối đáng yêu" và kỷ lục là  "Người vợ ma" với hơn 200 suất diễn; Lý Khắc Linh với "270 gram", Minh Nguyệt với "Cánh đồng bất tận", Hữu Nghĩa với "Hồn ma báo oán"...

3. Một điều dễ nhận thấy, khi các đạo diễn trẻ vào cuộc, họ đều ít nhiều đem lại một không khí mới, những dấu ấn trẻ trung, độc đáo cho sân khấu. Lâu nay, không ít đơn vị nghệ thuật có tâm lý chưa tin tưởng các đạo diễn trẻ. Nhưng hãy thử nhìn vào sân khấu phía Nam. Mỗi trung tâm sân khấu ở đây đều xây dựng được những tên tuổi đạo diễn trẻ riêng. Những đạo diễn này đã thuyết phục được khán giả tin tưởng hằng đêm đến thưởng thức những sáng tạo của họ. Họ luôn luôn được thả sức sáng tạo và phát huy tài năng. Ngược lại, tình yêu mến của khán giả cũng là động lực để họ phát huy được sức sáng tạo mãnh liệt của mình.

Đạo diễn Đức Thịnh, chỉ trong vòng 4 năm đã dựng tới 11 vở. Không nhiều cơ hội như các đạo diễn phía Nam nhưng những đạo diễn như Hoàng Quỳnh Mai, Trịnh Trung Kiên mỗi năm cũng đã dựng 1-2 vở. Tại các Liên hoan sân khấu, vở diễn của họ không hề thua kém các bậc cây đa cây đề, thậm chí còn nhận được giải thưởng cao và trở thành những "hiện tượng" sân khấu.

Một điểm chung dẫn đến thành công ở những đạo diễn trẻ này là sự học hỏi nghiêm túc. Họ luôn biết lắng nghe ý kiến của người khác và luôn biết rằng mỗi vở diễn là một quá trình sáng tạo không ngừng nghỉ. Đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang cho rằng, đi tìm cái riêng, tự chọn cho mình một phong cách riêng là bí quyết để các nghệ sĩ trẻ khẳng định mình. Hầu hết những đạo diễn trẻ thành công là những người luôn biết tìm cho mình cách đi riêng. Như với Đức Thịnh là phong cách lãng mạn, Thái Hòa gây bất ngờ với kịch kinh dị... Hay như ở Hoàng Mai là sự nữ tính, tinh tế nhưng không kém phần sâu sắc; NSƯT Chí Trung là chất hài hước, trẻ trung gây cười...

Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ năm 2007, các thành viên Ban giám khảo cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc tuyên bố, họ đã tìm thấy những đạo diễn sân khấu trẻ tài năng để yên tâm trao sứ mệnh sân khấu nước nhà. Tuy nhiên, sự thành công sẽ không đến với bất kỳ ai nếu như họ coi thường việc học và thu nhập kiến thức từ nhiều nguồn để tích lũy kinh nghiệm. Đã từng có những đạo diễn trẻ mở màn rất ấn tượng nhưng sau đó mải "chạy sô", làm thêm đã không có điều kiện trau dồi nghề nghiệp để rồi "mất tăm" sau đó.

Hằng năm, số lượng đạo diễn trẻ ra lò không ít nhưng tồn tại được với nghề lại không nhiều. Cho nên, để chúng ta có thể hy vọng vào thế hệ đạo diễn trẻ thì ngoài sự tin yêu, giúp đỡ của các thế hệ đi trước, một điều vô cùng quan trọng là tài năng và thái độ làm việc nghiêm túc của chính họ

VNCA Xuân Nhâm Thìn
.
.