Sân khấu hài ngày xuân:

Đạo diễn Phạm Đông Hồng(Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nghe nhìn Thăng Long): Không có lãi, vẫn làm !

Thứ Ba, 17/02/2009, 10:45
Cách này so với việc đem tiền đi quảng cáo trên các phương tiện truyền thông thì hiệu quả hơn nhiều chứ. Vì thế, dù không có lãi, thậm chí là lỗ chúng tôi vẫn làm và lấy lãi ở những chương trình khác bù vào. Kỳ vọng vào doanh thu của đĩa hài gần như là điều không tưởng.

-Thưa đạo diễn Phạm Đông Hồng. Được biết, những năm gần đây, ông luôn làm đạo diễn của các đĩa hài Xuân với niềm say mê đặc biệt. Ông bắt đầu công việc của mình từ khi nào?

+ Thực ra tôi bắt đầu làm hài lâu rồi. Năm 1999, khi đó tôi còn công tác ở Hồ Gươm Audio, tôi đã thử nghiệm làm tiểu phẩm hài "Râu quặp". Không ngờ được khán giả khắp nơi đón nhận nồng nhiệt.

Hồi ấy công nghệ sao - in đĩa chưa phát triển như bây giờ, chỉ là sao chép thủ công nên đĩa in ra không kịp bán. Tôi nhận ra rằng, đĩa hài có thể là món ăn tinh thần cho đông đảo công chúng (nhất là ở các miền quê) khi năm hết tết đến.

Từ đó, năm nào tôi cũng đạo diễn ít nhất một sản phẩm hài. Việc ra đĩa hài tết gần đây trở thành một trong những sự kiện quan trọng nhất trong hoạt động của công ty mỗi năm.

- Hàng năm, ông và công ty của mình có kế hoạch chuẩn bị cho hoạt động này như thế nào?

+ Từ 6 tháng trước ngày dự kiến phát hành, chúng tôi đã bắt đầu chuẩn bị từ khâu kịch bản, diễn viên, bối cảnh… và nhà tài trợ. Nhu cầu xem hài của công chúng rất lớn, nhưng hiện nay họ vẫn chủ yếu là mua… đĩa lậu với giá chỉ vài ngàn đồng. Vì thế rất khó khăn cho công ty của tôi thu hồi được vốn.

Chúng tôi phải "sống chung với lũ" nhiều năm rồi mà chưa có cách gì khống chế được vấn nạn in lậu. Vài năm trở lại đây nhiều doanh nghiệp đã thấy được lợi ích từ việc quảng cáo qua băng đĩa hài, nên đã chủ động tìm đến với chúng tôi để hợp tác.

Nhờ vậy cũng giúp chúng tôi thu hồi một phần vốn đầu tư. Nói thật, làm đĩa hài vui thì ai cũng thấy, nhưng lãi nhiều như mọi người vẫn nghĩ thì không có đâu.

- Các mẩu quảng cáo trong đĩa hài Xuân vài năm qua khiến khán giả có cảm giác các tiểu phẩm bị "băm nát". Vậy mà ông nói rằng "chỉ thu hồi được một phần vốn" thôi ư?

+ Các đơn vị khác thì tôi không biết, nhưng với Thăng Long, để một đĩa hài ra mắt, chúng tôi thường phải đầu tư khoảng 700 triệu đồng, đấy là chưa kể đến khấu hao thiết bị.

Riêng "Giấc mơ của Chí Phèo" năm nay, công ty tôi phải đầu tư lên tới gần 1,5 tỉ đồng vì phải phục dựng bối cảnh cổ rất tốn kém, diễn viên quần chúng đông. Tiền thu được từ quảng cáo của các doanh nghiệp chỉ được chừng 300-400 triệu thôi. Đấy là chưa kể, để doanh nghiệp đồng ý chi tiền, họ phải được xem kịch bản, rồi đến khi dựng xong lại phải mời họ đến xem rồi mới lấy được tiền chứ không đơn giản đâu.

Tôi cũng từng nói vui rằng, nếu tất cả mọi người mua đĩa hài của tôi mà đó không phải là đĩa lậu thì chắc tôi đã giàu to, đã mua trực thăng từ lâu rồi. Tiếc là người ta vẫn đang ngang nhiên kiếm lời trên lưng vốn, trên công sức của chúng tôi.

- Thiệt đơn thiệt kép như vậy, đâu là lý do để năm nào các ông cũng cho ra mắt các đĩa hài Xuân?

+ Cũng phải nói rằng, nhờ tính "phổ cập" của đĩa hài, trong đó chủ yếu là đĩa lậu, mà tên tuổi của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Thăng Long được nhiều người biết đến như hôm nay.

Chúng tôi chú trọng đầu tư làm đĩa hài ngoài việc đĩa hài từ lâu gắn với thương hiệu của chúng tôi mà còn vì đó là một cách quảng cáo rất tự nhiên cho tên tuổi công ty. Đó là lợi nhuận không tính được bằng tiền.

Cách này so với việc đem tiền đi quảng cáo trên các phương tiện truyền thông thì hiệu quả hơn nhiều chứ. Vì thế, dù không có lãi, thậm chí là lỗ chúng tôi vẫn làm và lấy lãi ở những chương trình khác bù vào. Kỳ vọng vào doanh thu của đĩa hài gần như là điều không tưởng.

- Năm nào cũng làm đĩa hài và quy tụ gần như đủ mặt các "sao" hài từ Bắc chí Nam như Xuân Hinh, Quốc Anh, Thanh Thanh Hiền, Vân Dung, Hán Văn Tình, Hồng Vân, Thúy Nga…, anh có thể tiết lộ về cátsê mà công ty trả cho các ngôi sao này?

+ Các sản phẩm hài của chúng tôi thường tập trung khai thác đề tài dân gian nên rất hợp với các diễn viên như Quốc Anh, Xuân Hinh, Thanh Thanh Hiền… Về cátsê cụ thể thì tôi xin không tiết lộ. Chúng tôi là doanh nghiệp kinh doanh, thù lao cho diễn viên cũng không có barem nào.

Thông thường là, diễn viên nào được công chúng thích hơn thì chúng tôi trả thù lao cao hơn và chắc chắn thù lao cho mỗi diễn viên đều cao hơn nhiều lần một sô diễn thông thường.

- Nhiều ý kiến cho rằng, cái cười trong nhiều tiểu phẩm hài của các ông còn nhạt và "rẻ tiền" vì doanh nghiệp chủ yếu quan tâm đến lợi nhuận chứ không chú trọng đến chất lượng nghệ thuật. Là đạo diễn của hầu hết các đĩa hài do công ty phát hành, lại là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của công ty, ông nói sao về điều này?

+ Nói để các bạn hiểu và cũng là chia sẻ với doanh nghiệp chúng tôi là: Chúng tôi là đơn vị kinh doanh, vì thế luôn phải cân đối giữa yếu tố nghệ thuật và thị trường.

Tôi cũng nhận được những ý kiến là chúng tôi còn chưa được ở chỗ này, chỗ kia. Nhưng xin thưa, chúng tôi đang hàng ngày tự gồng mình lên, tự bỏ tiền túi ra để làm các sản phẩm vì thế luôn mong mỏi sản phẩm của mình bán được và có lãi.

Tôi cho rằng, khi vẫn còn khán giả là sản phẩm của chúng tôi vẫn được đón nhận và nó vẫn có những giá trị riêng của nó. Sẽ như thế nào nếu như sản phẩm làm ra được đánh giá là có giá trị nghệ thuật cao mà không có người xem, chỉ ngồi khen nhau?

Chúng tôi không làm thế được, sản phẩm chúng tôi làm ra phải có khán giả, để chúng tôi còn nuôi bộ máy, nuôi nhân viên và trả cổ tức cho cổ đông hàng năm.

- Xin cảm ơn đạo diễn Phạm Đông Hồng!

Việt Hà (thực hiện)
.
.