Danh dự và trách nhiệm

Thứ Sáu, 19/08/2016, 16:02
Sức nóng của chiếc Huy chương vàng (HCV) Thế vận hội đầu tiên trong lịch sử ngành thể thao Việt Nam đã được thể hiện rất rõ, không chỉ từ những câu chuyện phủ đầy mặt báo về cái tên Hoàng Xuân Vinh; không chỉ từ những chia sẻ dồn dập của cộng đồng mạng xã hội trong những ngày sau đó, đặc biệt là ở ngày Hoàng Xuân Vinh tiếp tục với một nội dung khác và đoạt Huy chương bạc… mà còn từ chính hình ảnh những người hâm mộ đón đợi anh ở nhà ga quốc tế sân bay Nội Bài đêm 14/8. 


Với tất cả, Hoàng Xuân Vinh là điều kỳ diệu. Với tất cả, Hoàng Xuân Vinh là một động lực để sống, để xoa dịu những vất vả nhọc nhằn mà mỗi người gặp phải trong cuộc đời. Và trên hết, với tất cả, Hoàng Xuân Vinh là niềm tự hào, để mỗi người đều cảm nhận rõ ràng nhất về dân tộc, Tổ quốc, danh dự và trách nhiệm.

Nói đến danh dự và trách nhiệm, chúng ta có thể sẽ suy nghĩ rất nhiều sau sự kiện Hoàng Xuân Vinh đoạt HCV, đồng thời xác lập kỷ lục Olympic. Đất nước chúng ta bé nhỏ, tiềm lực vẫn còn khiêm tốn, bất cập vẫn còn tồn tại mỗi ngày.

Nhưng những con người hiếm hoi như Hoàng Xuân Vinh đã tạo ra một động lực mạnh mẽ để chúng ta ý thức được rằng, danh dự mình sẽ bị tổn thương nếu cứ để cho Tổ quốc mình tiếp tục ở trong trạng thái ấy. Và từ chính sự tổn thương danh dự kia, chúng ta ý thức rõ hơn về trách nhiệm của mỗi cá nhân với chính bản thân mình, và với chính tổ quốc. Để rồi chúng ta có thể khẳng định với nhau rằng, trong mỗi con người Việt Nam hôm nay và ngày mai đều cần phải có một "Hoàng Xuân Vinh" tồn tại.

Người hâm mộ vây quanh xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.

Sẽ là lạc quan thái quá và duy ý chí đến mức tự cho rằng khẳng định kể trên đồng nghĩa với việc mỗi cá nhân chúng ta đều có thể lập được một kỳ tích lớn lao như việc Hoàng Xuân Vinh giành HCV Thế vận hội. Thực sự, đạt đỉnh cao trước thế giới là việc cực khó khăn và việc ấy chỉ có thể được thực hiện bởi những cá nhân ưu việt, xuất sắc vượt trội so với những người xung quanh mình.

Ngay cả với những công dân ở những nước văn minh, tiên tiến, giàu có cũng không thể nào có khả năng chinh phục đỉnh cao thế giới như Hoàng Xuân Vinh chứ đừng nói gì đến mỗi chúng ta, những con người Việt Nam bình thường.

Bởi vậy, sẽ là lệch lạc nếu chúng ta hiểu câu "trong mỗi con người cần phải có một Hoàng Xuân Vinh" theo hướng thành tựu mà Hoàng Xuân Vinh đã đạt được. Điều cần hiểu đúng ở đây đơn giản hơn, đó chính là một ý thức, nghị lực và tinh thần trong cuộc sống, thứ mà bấy lâu nay mỗi chúng ta vẫn còn thiếu, còn yếu và thờ ơ với chính cái thiếu, cái yếu của mình.

Câu chuyện sau khi Hoàng Xuân Vinh thất bại ở giây phút cuối cùng ở Thế vận hội 2012 tại London và không thể giành được tấm Huy chương Đồng lẽ ra đã ở trong tầm tay chắc sẽ làm mỗi chúng ta học hỏi được rất nhiều.

"Như một người điên", như nhiều người đã nhận xét thế, Hoàng Xuân Vinh bắt đầu mỗi buổi tập của mình bằng tiếng hô dõng dạc "Tôi là VĐV giành huy chương Olympic". Đó chính là cái cách Hoàng Xuân Vinh trui rèn chính mình. Chúng ta sẽ nghĩ gì đây nếu như Vinh buông xuôi, nhất là khi quay lại nhìn sự vất vả của môn thể thao mình theo đuổi, nhìn và so sánh về đời sống vật chất của gia đình mình với nhiều gia đình khá giả hơn trong xã hội?

Có lẽ, chúng ta cũng sẽ thông cảm thôi, như cái cách mỗi người vẫn tự thông cảm với chính mình, tự an ủi mình bằng câu nói "đời sống nó là như thế". Nếu mỗi người tự thức tỉnh mình, suy ngẫm lại, ta sẽ thấy có rất nhiều hoài bão lớn đã bị xếp lại chỉ vì chính chúng ta thỏa hiệp với mình, bằng cái câu nói "đời sống nó là như thế".

Nhưng Hoàng Xuân Vinh thì không. 1400 ngày hô vang cái khẩu hiệu mà nhiều người ắt sẽ lôi ra đàm tiếu như trò hề nếu anh lại tiếp tục thất bại đã mang lại cho anh kết quả mà anh muốn vươn tới. Bài học ấy quá sâu sắc với mỗi con người, kể cả là khi nếu ta học nó rồi, ta vẫn không thể nhìn thấy thành công mà mình mong đợi.

Mỗi chúng ta cần phải có một tinh thần Hoàng Xuân Vinh trong mình, để thực hiện cho hết sức mình tất cả những bổn phận, trách nhiệm của mình với chính mình, với gia đình, với xã hội. Chính sự buông xuôi mới khiến đất nước mình còn khiêm tốn và bé nhỏ chứ không phải lỗi tại một thời gian quá dài trải qua chiến tranh, lạc hậu đói nghèo.

Những người được gọi là nhà khoa học hãy nghĩ đến tinh thần Hoàng Xuân Vinh ấy, và kiểm chứng lại bằng những công trình mà mình đã có; những doanh nhân cũng vậy thôi, hãy kiểm chứng lại bằng những thành tựu mà mình đã giành được; những người cầm bút hãy kiểm chứng bằng chính những gì mình đã viết ra… Chúng ta rồi sẽ nhận ra, thực ra khi mình chưa làm được gì đáng để mình có thể tự hào, mình không thể nào đòi hỏi rằng Tổ quốc phải mang lại gì cho mình cả.

Thành công của một vận động viên thể thao như Hoàng Xuân Vinh quả thực đã xảy ra rất đúng thời điểm. Chúng ta đã có một động lực lớn, từ thành công ấy, một động lực để mỗi con người phải bước vào cuộc sống với một tinh thần khác, có trách nhiệm hơn, ý thức rõ ràng nghĩa vụ của mình hơn và quyết tâm theo đuổi nghĩa vụ ấy tới cùng.

Chỉ khi ấy, Việt Nam mới là đất nước không còn nhỏ bé và nghèo nàn nữa. Đơn giản, tạo ra của cải đã khó nhưng tạo ra những thế hệ công dân văn minh, có nhận thức rõ ràng về việc mình cần phải làm, và dám dấn thân hết mình còn khó hơn nhiều, bởi đó mới là kho tàng tài sản qúy giá nhất mà bất kỳ quốc gia nào cũng mong muốn có được.

Hà Quang Minh
.
.