Đám đông hay câu chuyện: Khi mình còn chẳng tin mình

Thứ Sáu, 19/03/2021, 07:56
Hình ảnh du khách chật kín chùa Tam Chúc đã trở thành một đề tài bàn luận khá nhiều trên báo chí và mạng xã hội. Một lần nữa, câu chuyện về hội chứng đám đông, tâm lý đám đông lại được dư luận nhắc tới như một căn bệnh nan y, một thói xấu khó thay đổi. Nhưng, thử nhìn ở một góc khác: Điều gì tồn tại cũng có cái lý của nó, đám đông cũng có cái lý của mình?


Chúng ta cũng từng sống dựa trên những chỉ số về mặt số lượng. Một quán ăn đông khách hẳn phải ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm, có thái độ phục vụ tốt. Một cơ sở giáo dục hay một bênh viện có chất lượng, hà cớ gì lại không ai tìm đến? Số đông hiển nhiên là thước đo nhiều giá trị. Ta tìm thấy niềm vui ở đám đông như một điểm tựa đúng theo cách nói của nhiều người: đông mới vui. Trong kinh doanh, đám đông giúp bạn thu được lợi nhuận rất lớn. Các loại đám đông là sự cộng sinh.

Trong thời đại công nghệ, sự tương tác quyết định đến sự tồn tại, dường như ai cũng tìm cho mình những nền tảng. Đó là yoga, là các hoạt động thiện nguyện, là đọc sách, ăn chay… nếu không được kiểm chứng, nếu không thật sự hữu ích, những nên tảng ấy sao có thể tồn tại, sao trở thành điểm tựa, sao tạo nên lợi ích cho rất nhiều con người.

Hàng vạn người đổ về chùa Tam Chúc (Hà Nam) trong khi dịch COVID-19 vẫn đang còn nguy cơ bùng phát cao.

Mặc dù, nhà tâm lý học người Pháp Gustave Le Bon định nghĩa kinh điển về đám đông: “Những đám đông luôn bị vô thức tác động, họ xử sự như người nguyên thủy, người dã man, không có khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng, họ không kiên định, thất thường, và đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất. Đó là một tâm lý có thiên hướng tiêu cực, vì vậy cha mẹ nên kéo con ra khỏi “bầy đàn” trước khi trẻ mất phương hướng”. 

Nhưng, cũng còn những điểm cần bàn luận thấu đáo. Công bằng mà nói, con người ngày càng nhận ra, sự cần thiết phải có một đời sống tinh thần tốt, góp phần tạo nên sự vững bền trong mỗi gia đình. Từ những “tế bào” khỏe mạnh ấy, mới mong tạo ra một xã hội bình đẳng, văn minh và tiến bộ. Bởi thế, cần phải vun vén, cần chăm lo cho cuộc sống riêng nhiều hơn trước những bất cập, nguy cơ ngoài xã hội. Tuy nhiên, cuộc sống đang là sự gắn kết tất yếu. 

Đành rằng, nếu bạn ở những căn hộ chung cư cao tầng, sẽ không còn tình chòm xóm sâu sắc như truyền thống, nhưng chính các dịch vụ công cộng buộc bạn phải gắn kết. Đó là một thứ trách nhiệm gắn với lợi ích mà chỉ khi thuận theo số đông, hòa vào đám đông, tôn trọng cộng đồng, bạn mới có được. 

Chẳng phải, các cụ ta đã nói: “Buôn có bạn, bán có phường” hay “Ba anh thợ da hơn một Gia Cát Lượng" đó sao? Các chuỗi liên kết, hay chính sự vận hành của nền kinh tế thị trường với các dịch vụ là kết quả từ sự phối hợp của rất nhiều mắt xích mang tính cộng đồng.

Khi mạng xã hội và các lợi ích của internet được khai thác, lợi ích từ đám đông càng được khẳng định. Bạn có thể kinh doanh dựa trên những dịch vụ của đám đông, đám đông của sự bình đẳng, dân chủ và trí tuệ. 

Một ví dụ điển hình: Threadless, công ty sản xuất áo thun có trụ sở tại Chicago (Mỹ), đã thành công trong việc tận dụng sức mạnh đám đông vào thiết kế các mẫu áo. 

Năm 2007, bất kỳ ai truy cập vào Threadless.com cũng có thể bình chọn mẫu áo yêu thích và sau đó, mẫu yêu thích nhất sẽ được sản xuất để bán ra thị trường. Nhà thiết kế thắng giải nhận được 2.000 USD tiền mặt, giấy chứng nhận kèm phần quà trị giá 500 USD.

Nhưng, đám đông của niềm tin lại hoàn toàn là một câu chuyện khác. Có nhiều định nghĩa về niềm tin khác nhau, nhưng suy cho cùng, niềm tin bắt nguồn từ sự hiểu biết, quan niệm sống và cả những mong muốn. Sự giàu có, cuộc sống hạnh phúc là những thành quả mà niềm tin hướng tới. Đôi khi, tham vọng khiến người ta phó mặc niềm tin một cách lầm lạc. 

Câu chuyện về những lá bùa yêu, ấn vua ban, ngày giờ, thời khắc nào may mắn không thể bỏ lỡ, được nhiều người đồn thổi. Khi ấy, chất lượng của tin đồn nghiễm nhiên được chúng ta xếp ngang hàng với chất lượng các sản phẩm khác.

Nhớ lại hình ảnh thí sinh dồn về Hà Nội của các kì thi tuyển sinh đại học trước đây; cảnh người dân ngồi đường vái vọng ở chùa Phúc Khánh (Hà Nội); bát hương, chân hương, túi nilon ở bờ sông, bờ hồ dịp Hăm ba tháng Chạp; cảnh khóc lóc, hôn ghế, ngất xỉu, khi gặp thần tượng ca nhạc… và cảnh chùa Tam Chúc “vỡ trận”… nhiều người sẽ lắc đầu. 

Có thể các biện pháp xử lý và điều chỉnh, có thể, nỗi lo sợ lây nhiễm COVID- 19 khiến nhiều người dần từ bỏ thói quen đến chỗ đông người trong các hoạt động không cần thiết. Chỉ có điều, thói quen dựa dẫm vào niềm tin của đám đông thì hẳn sẽ còn bám víu dai dẳng trong suy nghĩ của mỗi người. Những điều ấy gợi ra cho chúng ta những suy ngẫm:

Hàng nghìn người dân ngồi tràn cả ra đường để dâng sao giải hạn tại Tổ đình Phúc Khánh.

Trong xã hội, nhiều người nhiệt tình, hăng hái tham gia các hoạt động cộng đồng. Họ sống chu đáo với bạn bè nhưng lại đối xử rất tệ với… chính bản thân mình. Câu chuyện thương tâm khi một người phụ nữ nghe lời thày bói giết cháu nội mình; Nghe lời thày bói dùng súng bắn chết anh trai vì nghi làm ma chò, ma chài; Vụ án mẹ giết con rồi tự sát vì thầy dự báo "tương lai mù mịt"… cũng xuất phát từ sự đánh mất niềm tin ở chính mình. Bản năng, trách nhiệm, tình mẫu tử đã bị loại bỏ để rước vào tâm trí mình sự nhẫn tâm. Họ đã phạm tội với người khác, nhưng đúng hơn, họ đã còn đối xử tệ với chính mình. Đó là một sự thật đáng báo động.

Những đám đông không chỉ nói lên thói quen bầy đàn mà đôi khi còn là sự tập hợp của những người muốn nổi trội. Họ âm thầm nhưng cuối cùng thì vẫn đụng phải nhau bằng những ý nghĩ tưởng như độc, lạ, bất ngờ… không ai có chứ không phải vì họ chung chí hướng, đức tin như ở nhiều quốc gia. 

Ý thức về bản sắc văn hóa, văn minh, giá trị lịch sử, nhân văn ở họ đôi khi chỉ là con số không. Họ là những mảnh vỡ đáng thương chứ không phải sự gắn kết của những đam mê. Đi để đúng dịp, để không bị vượt qua, để không quê mùa, đi để cho thiên hạ biết.

Cuộc sống có một quy luật hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng. Bạn cần đến với cộng đồng, nhưng cộng đồng cũng cần đến bạn. Nếu bạn lặng lẽ  sống một cuộc sống khoa học, sáng tạo dù kín đáo đến đâu, mọi người cũng sẽ biết đến bạn và những giá trị bạn có được trở thành tài sản chung để tất cả cùng chia sẻ. 

Hay nói một cách khác, những gì tốt đẹp, hài hòa sẽ tìm thấy nhau, tạo nên giá trị chung. Khi con người ta quyết định nhập vào trào lưu nào cũng cần một tâm thế, tâm thế ấy không chỉ quyết định đến sự thành công của bạn mà nhìn rộng ra nó còn quyết định đến vận mệnh của trào lưu này.

Một xã hội tốt đẹp là khi được tạo nên bằng những tâm hồn, ý thức lành mạnh, thấu đáo, sâu sắc chứ không thể là sự tập hợp của những cá nhân sùng bái. Trước hết, chúng ta cần một niềm tin ở chính mình. Đến với các ngôi chùa lớn, đền thiêng, lễ hội hoành tráng… tất cả chỉ để cuối cùng trở về xây dựng “ngôi đền thiêng” trong chính tâm hồn mình. Những gì ta cầu mong, ta học được để dành thực hành trong cuộc sống, để vận dụng vào những ứng xử trong đời sống thường nhật. 

Còn khi, mình còn chẳng tin mình, niềm tin phó mặc cho đám đông, cho sự trôi dạt thì chẳng có giá trị thật sự nào đến với bạn. Dẫu bạn có kết nối, hòa theo xu thế, bạn vẫn thấy lo lắng, thất vọng và cô đơn. Khi mình còn chẳng tin mình thì hiển nhiên sẽ còn chen lấn, xô bồ, còn những hẫng hụt. Hãy làm đầy ắp tâm hồn mình bằng lẽ sống rồi mới mong hướng đến những giá trị tinh thần khác…

Lương Việt
.
.