Đại biểu dân cử phải có đủ trí, tâm, tầm, tài

Thứ Năm, 25/06/2020, 10:48
Ngày 20-6-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.


Chỉ thị yêu cầu cấp ủy các cấp kiên quyết không giới thiệu ứng cử với những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

Chỉ thị cũng yêu cầu phải giới thiệu, lựa chọn bầu được những đại biểu thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn…

Chủ trương là quá đúng, nhưng nhân dân còn không ít băn khoăn xung quanh việc chuẩn bị nhân sự ứng tuyển đại biểu xưa nay vẫn nặng về cơ cấu, khép kín, nếu vẫn còn tình trạng bố trí "quân xanh, quân đỏ" thì sẽ lại rơi vào tình trạng một số người được bầu chỉ là đại biểu ngồi dự và gật đầu đồng thuận, không đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri.

Việc nhận diện đại biểu, cán bộ tham vọng quyền lực trên thực tế không phải dễ, bởi họ hay giấu mình. Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thì "đừng thấy đỏ tưởng là chín", đừng chỉ thấy "cái mã bên ngoài che đậy cái sơ sài bên trong".

Nhân dân phải có con mắt tinh tường để chọn ra những đại biểu xứng đáng.

Để nhận diện, không có gì tốt hơn bằng việc thực hiện công khai, minh bạch, lấy ý kiến nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị. Thông qua các kênh giám sát này, người dân sẽ phát hiện, báo cáo với Đảng về những người không đủ điều kiện, phẩm chất, năng lực, từ đó các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, thanh tra thì hoàn toàn có thể sàng lọc được những kẻ tham vọng quyền lực, cơ hội chính trị.

Ví dụ: Công khai tài sản khi tham gia ứng cử để quần chúng nhân dân biết, vì chẳng có gì có thể giấu được người dân. Tại sao con anh mới gần 30 tuổi mà có biệt phủ, có xe hơi, có khối tài sản khổng lồ như vậy? Tại sao với mức thu nhập của một cán bộ, công chức mà có thể cho mấy người con đi du học tự túc, còn anh đi đánh golf hằng tuần? Những vấn đề đó người dân đều đặt câu hỏi và đều có câu trả lời hết.

Chúng ta biết rằng Quốc hội, HĐND là cơ quan quyền lực cao nhất, không chỉ xây dựng, ban hành ra các chính sách pháp luật, nghị quyết mà còn là nơi giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách, nghị quyết góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thế nên, nếu chất lượng các đại biểu trong hai cơ quan này mà không tốt, chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống xã hội.

Chuyện chạy luân chuyển, chạy quy hoạch, chạy phiếu bầu là câu chuyện thường thấy trước mỗi kỳ bầu cử, đại hội đã làm hư hỏng cán bộ, suy yếu hệ thống rường cột nước nhà, làm xói mòn lòng tin của nhân dân. Người phải "chạy" chắc chắn là không đủ uy tín, không đủ năng lực nhưng tìm mọi cách để lọt vào cơ quan quyền lực nhà nước, vì thế trong họ đã sẵn có mầm mống của tính cơ hội, tha hóa chất Đảng. Những bài học về bầu cử, nể nang trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm sai cán bộ thời gian qua đã để lại mối hậu họa được gọi là "tham nhũng quyền lực".

Để tránh "lọt lưới" những đại biểu không đủ phẩm chất, năng lực, chúng ta phải có chủ trương, quy trách nhiệm cho những người để "lọt lưới", nhất là những người giới thiệu. Thời phong kiến cũng đã có chế độ đó. Vua có thể phạt những người giới thiệu quan chức không xứng đáng, đồng thời thưởng cho những người giới thiệu quan chức xứng đáng. Chúng ta hiện đang phát triển nguyên tắc này, nhưng rất tiếc là nó vẫn chỉ tồn tại trong ý tưởng mà chưa cụ thể hóa bằng các quy định, chế tài.

Nếu chúng ta không gác cửa, không có một "dây chuyền sàng lọc đại biểu" trong sạch, dứt khoát sẽ cho ra những sản phẩm lỗi. Đó không chỉ là nguyên tắc trong kinh tế, trong sản xuất mà trong cả công tác cán bộ.  Phải quy trách nhiệm cho những người làm ở từng bộ phận và đặc biệt người đứng đầu của bộ phận đó, cũng như người đứng đầu của cơ quan tổ chức. Nếu chất lượng người ứng cử không đảm bảo, chắc chắn họ phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm chứ không có chuyện đổ lỗi cho những yếu tố khác.

Đây là một trong những khâu đặc biệt quan trọng để có được bộ máy làm công tác cán bộ tốt, từ đó tạo ra được những sản phẩm cũng tốt, chuẩn, trong sạch. Đánh giá cán bộ nói chung và đại biểu Quốc hội, HĐND nói riêng đều phải trên nguyên tắc toàn diện. Trên cơ sở tiếp cận không chỉ đức mà là cả tài, mà đức là gốc của tài năng. Đặc biệt đối với các đại biểu dân cử thì phải là những người có đủ tài, có tâm, có tầm. Rất cần những người trong hội đồng bầu cử có tâm sáng, lòng trong, có con mắt tinh tường để nhận biết "đỏ đấy" nhưng mà "chưa chín"!

Cù Tất Dũng
.
.