Cuộc đua tiền thưởng giữa các chương trình tương tác

Thứ Bảy, 12/08/2017, 08:00
Trẻ con đi thi hát để kiếm tiền? Đó không phải một thắc mắc mang tính đùa cợt! Cùng cạnh tranh trên sóng VTV3 có hai sân chơi dành cho các em nhỏ, "Thần tượng âm nhạc nhí 2017" bước vào chung kết thì "Giọng hát Việt nhí 2017" khởi động vòng loại. 


Ngoài mục đích cùng khuyến khích tuổi thơ trổ tài ca hát, hai game show này cũng tìm mọi cách để giành giật thí sinh lẫn nhau. Bên cạnh việc mời mọc giám khảo đang "hot", "Thần tượng âm nhạc nhí" và "Giọng hát Việt nhí" cũng mở cuộc đua về... giải thưởng vật chất. Chưa biết "mèo nào thắng mỉu nào", nhưng các chương trình tương tác của lứa tuổi hồn nhiên mà đặt nặng vấn đề tài chính thì không khéo gây ra nhiều hệ lụy...

Nghệ thuật mà nói đến tiền bạc thì e chừng hơi buồn cười. Thế nhưng, khi nhà tài trợ nhìn vào tỉ lệ người xem để móc ví, thì tiền thưởng dành cho thí sinh trực tiếp chứng tỏ đẳng cấp của mỗi game show. Chỉ sau bốn mùa tổ chức, tổng tiền thưởng "Giọng hát Việt nhí" đã tăng gấp đôi.

Mùa đầu tiên, "Giọng hát Việt nhí 2013", quán quân Quang Anh nhận được tổng giá trị giải thưởng khoảng 500 triệu đồng, thì thí sinh nào đăng quang "Giọng hát Việt nhí 2016" sẽ nhận được tổng giá trị giải thưởng khoảng 1 tỷ đồng. Tiền thưởng tăng lên, dĩ nhiên không đồng nghĩa với chất lượng tăng lên, nhưng đó là tín hiệu cạnh tranh ngấm ngầm giữa các game show tương tự "Giọng hát Việt nhí" như "Thần tượng âm nhạc nhí", "Người hùng tí hon", "Gương mặt thân quen nhí". 

Dù dư luận đã hơn một lần kêu ca, nhưng các game show vẫn liên tục nở rộ trên sóng truyền hình, từ đài địa phương đến đài quốc gia. Ngoài các game show mua bản quyền nước ngoài, các game show tự biên tự diễn gọi là thuần Việt cũng đua nhau sản xuất ồ ạt. Chính vì game show nào cũng khuyến khích thí sinh làm nghệ sĩ, nên thị trường nghệ thuật bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bây giờ, danh hài, diễn viên hay ca sĩ chỉ hứng thú với các game show mà không hề quan tâm trau dồi nghề nghiệp chính của họ.

Xem một game show thì thấy thú vị, nhưng xem game show thứ hai, game show thứ ba thì thấy lặp lại. Rất nhiều game show na ná nhau, từ cách thức chơi đến phương pháp bình chọn. Khán giả bội thực game show, nhưng các chương trình khác như phim truyện hay ẩm thực không thể cạnh tranh trên sóng truyền hình. Nhà đài dồn sức vào game show hòng tìm kiếm lợi nhuận, thì công chúng chỉ còn game show để xem, chứ không có sự chọn lựa nào khác.

Giám khảo "Giọng hát Việt nhí 2017".

Nói thẳng ra, không có đài truyền hình nào tự bỏ vốn để làm game show. Tất cả game show đều do các công ty giải trí tư nhân đứng ra lo liệu, sau đó thỏa thuận hợp tác phát sóng với đài truyền hình để chia sẻ quảng cáo. Tỉ lệ người xem càng cao thì giá quảng cáo càng cao. Đứng đầu danh sách do các công ty thăm dò thị hiếu đưa ra, thì các game show ca hát vẫn chiếm ưu thế. Nhà nhà ca hát, người người ca hát, dù không ai tin về giá trị đích thực của những sân chơi tương tác trên màn ảnh nhỏ. Thế nhưng, khi người xem đã hăng hái nhắn tin bình chọn, thì đơn vị tổ chức thắng lớn về doanh thu.

Các game show ca hát như "Thần tượng âm nhạc Việt Nam", "Giọng hát Việt", "Nhân tố bí ẩn", "Thần tượng bolero" hoặc "Tuyệt đỉnh tranh tài" đều không có nét gì riêng biệt. Do đó, các game show này cạnh tranh gay gắt để thu hút thí sinh. Không chỉ cạnh tranh nhau về việc mời những gương mặt hot làm giám khảo, mà còn cạnh tranh trực tiếp bằng tiền thưởng.

Nếu như năm trước game show "Giọng hát Việt" vẫn giữ kỷ lục với số tiền thưởng dành cho quán quân là 500 triệu đồng, thì năm nay cô gái Phillippines - Janice Phương đoạt giải nhất "Thần tượng âm nhạc Việt Nam" đã được nhận đến 600 triệu đồng. So với chính game show "Thần tượng âm nhạc Việt Nam" thì tiền thưởng cho thí sinh xuất sắc đã tăng gấp 3 lần qua 7 mùa đăng cai. Quán quân "Thần tượng âm nhạc 2007" Phương Vy chỉ nhận được 200 triệu đồng! 

Số tiền thưởng 600 triệu đồng của "Thần tượng âm nhạc Việt Nam" chắc chắn không thể tồn tại quá lâu với vị trí "sân chơi có tiền thưởng cao nhất". Để lôi kéo thí sinh, những game show có thể bỏ ra hàng tỷ bạc để mời giám khảo thì tại sao không nâng tiền thưởng lên để trấn áp đối thủ. Không khó khăn gì để dự đoán, năm tới "Giọng hát Việt" hoặc "Nhân tố bí ẩn" sẽ đẩy mức tiền thưởng lên cao hơn nữa. Sau hai lần trao giải quán quân cho Giang Hồng Ngọc và Trần Minh Như, những nhà tổ chức "Nhân tố bí ẩn" không ngần ngại tuyên bố tổng giải thưởng dành cho quán quân "Nhân tố bí ẩn" mùa thứ ba lên đến 2 tỷ đồng.

Ở đây, cần làm rõ thêm một chút về khái niệm "tổng giải thưởng". Con số cộng dồn nghe có vẻ hoành tráng, nhưng số tiền mặt đến tay quán quân rất hiếm khi được phân nửa. Bởi lẽ, có nhiều phần thưởng phải nhận bằng hiện vật, ví dụ một năm sử dụng miễn phí phòng tập thể hình, hoặc hai năm sử dụng miễn phí… kem đánh răng, dầu gội đầu của nhà tài trợ.

Một trong những phần thưởng rất khó đoán định giá trị là hợp đồng thu âm. Ban tổ chức khẳng định, quán quân nhận được một hợp đồng thu âm trị giá khoảng 300 triệu đồng, nhưng thu một album gồm nhiều bài hát, hay một đĩa đơn vỏn vẹn một bài hát thì quán quân không có quyền quyết định.

Hơn nữa, khi không phải "tiền tươi thóc thật" thì giá trị bị thổi lên rất kinh khủng. Cũng giống như trao một cái nhẫn kim cương 1 tỷ đồng, nhưng viên hạt xoàn bé xíu chỉ tầm 100 triệu, còn tiền chế tác đến… 900 triệu đồng. Tóm lại, ban tổ chức có đủ tư cách để ngạo nghễ rằng, chúng tôi đã có quán quân cái danh phận rồi, còn đòi hỏi vật chất gì nữa!

Do vậy, thí sinh nào may mắn đoạt được quán quân "Giọng hát Việt nhí 2016" cũng đừng tưởng bở là sẽ có trong tay 1 tỷ đồng ngon lành. Năm ngoái, thí sinh Hồng Minh đăng quang "Giọng hát Việt nhí 2015" cũng chỉ thực nhận có 300 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền ấy cũng đã gấp rưỡi so với quán quân "Thần tượng âm nhạc nhí 2016" Hồ Văn Cường chỉ nhận được 200 triệu đồng.

Game show nào muốn có tiền thưởng ngất ngưởng đều có sự nhúng tay của các công ty giải trí. Những đại gia như Cát Tiên Sa, Đông Tây, Sóng Vàng hoặc BHD luôn biết cách thuyết phục nhà tài trợ để game show của họ có tiền thưởng cao hơn các game show của những đơn vị yếu kém tiềm lực hơn như Sen Vàng, Điền Quân hoặc Khang! Và bao giờ những cuộc thi giống nhau sẽ "soi" nhau khủng khiếp về tiền thưởng. Dù chỉ dành cho các thí sinh vô danh, nhưng tiền thưởng của quán quân "Thần tượng bolero 2016"- Trung Quang được 250 triệu đồng. Trong khi, "Tình bolero" đều là những nghệ sĩ đã có chút tên tuổi tham gia, nhưng tiền thưởng cho diễn viên Quý Bình giành vị trí cao nhất chỉ được 200 triệu đồng.

Một trong những game show được yêu thích "Ai là triệu phú" cũng phải tăng số tiền thưởng cao nhất từ 100 triệu đồng lên 120 triệu đồng cho những ai trả lời được tất cả 15 câu hỏi. Thế nhưng, dù sao "Ai là triệu phú" cũng đề cao kiến thức của người chơi, do đó số tiền thưởng không khiến nhiều người băn khoăn.

Ngược lại, những chương trình chỉ mang tính bắt chước như "Gương mặt thân quen" mà tiền thưởng dành cho người chơi xuất sắc nhất mỗi tuần cũng lên đến 100 triệu đồng thì không thật khó hiểu. Và giải nhất chung cuộc của game show "Gương mặt thân quen" là 700 triệu đồng. Xã hội chúng ta đang dùng tiền để khuyến khích điều gì?

Đăng quang các game show âm nhạc chỉ là giải nhất của những người tập tành ca hát, vậy mà có thể nhận đến số tiền hơn nửa tỷ đồng. Bất chợt nghĩ đến những tác phẩm nghệ thuật và những công trình khoa học với thù lao ít ỏi mà chua chát và ngậm ngùi!

Không ê chề sao, khi đến hôm nay Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu nào thành lập giải thưởng dành cho những phát minh phục vụ đời sống dân sinh. Không ái ngại sao, khi những người cả đời sáng tạo và cống hiến để được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Giải thưởng Nhà Nước mà số tiền họ nhận được khiêm tốn hơn rất nhiều so với các chân dài váy ngắn nhún nhảy trên tivi?

Tuy Hòa
.
.