Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 4:

Cuộc đua của những ứng cử viên nặng ký

Thứ Sáu, 04/11/2016, 08:02
Đến hẹn lại lên, với thông lệ 2 năm một lần, Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (gọi tắt là Liên hoan phim) lần thứ 4 diễn ra từ ngày 1-11 đến ngày 5-11 tại Hà Nội. Với khẩu hiệu "Điện ảnh - Hội nhập và Phát triển bền vững", Liên hoan phim đã quy tụ 146 bộ phim từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ. 


Đây không chỉ là cơ hội để giới thiệu tới khán giả yêu những tác phẩm điện ảnh xuất sắc, giàu tính nhân văn mà còn giúp những người làm điện ảnh trong nước giao lưu, học hỏi với những nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới đồng thời khích lệ những tài năng mới của điện ảnh phát triển...

Theo Ban tổ chức cho biết, Liên hoan phim lần thứ 4 năm nay có sự vượt trội so với Liên hoan phim lần thứ 3 về số lượng phim tham dự và khách mời quốc tế. Trong số 146 phim từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ có nhiều phim của những nền điện ảnh phát triển hiện đại như Mỹ, Anh, Ấn Độ, Đức, Nga, Nhật, Pháp...

Tại cuộc họp báo khai mạc, bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng cho biết để chọn lọc được số lượng phim trên, Ban tổ chức đã phải làm việc ngay từ đầu năm 2016 và chỉ kết thúc trước khi Liên hoan phim khai mạc 2 tháng.

Tại LHP Quốc tế lần này, khán giả sẽ được gặp gỡ và giao lưu với ngôi sao điện ảnh Pháp Catherine Deneuve trong phim “Đông Dương”.

Tại Liên hoan phim năm nay, cùng với Hạng mục phim dự thi (phim dài, phim ngắn) được tuyển chọn từ các nền điện ảnh thế giới còn có các chương trình phim đặc sắc như "Toàn cảnh điện ảnh thế giới", "Tiêu điểm điện ảnh Ấn Độ", "Chùm phim ASEAN", "Chương trình phim Việt Nam hiện đại"...

Điện ảnh Việt Nam có 2 phim dài (phim truyện), 10 phim ngắn (phim truyện ngắn, tài liệu, hoạt hình) dự thi. Ngoài ra, 17 phim ở các thể loại được tuyển chọn để chiếu trong các chương trình.

Nét mới là tại Liên hoan phim năm nay là sự mở rộng đối tượng tham gia khi lần đầu tiên, Liên hoan phim tiếp nhận các bộ phim từ mọi quốc gia trên thế giới thay vì chỉ bó hẹp trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương như 3 kỳ Liên hoan phim trước.

Phim dự thi năm nay được tuyển chọn từ các nền điện ảnh thế giới chỉ với một điều kiện: Phim chưa dự thi tại các Liên hoan phim quốc tế trong khu vực Đông Nam Á. Bộ phim "Tôi là Daniel Blake" của đạo diễn Ken Loach từng được giải Cảnh cọ vàng 2016 tại Cannes của Anh sẽ được chọn làm phim chiếu khai mạc.

Ban tổ chức cũng tiết lộ chi phí bản quyền để mang bộ phim này về chiếu ở Việt Nam không hề nhỏ. Tuy nhiên, chúng ta đã nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ kinh phí lớn từ phía Hội đồng Anh cho việc này.

Một trong những điểm đặc biệt được duy trì tại các kỳ Liên hoan phim là Ban giám khảo uy tín với những tên tuổi điện ảnh nổi tiếng trong và ngoài nước. Chủ tịch Ban giám khảo phim dài năm nay là ông Resgis Wargnier, đạo diễn, nhà sản xuất, nhà biên kịch điện ảnh Pháp nổi tiếng.

Người được công chúng Việt Nam biết tới với vai trò đạo diễn phim "Đông Dương" với khá nhiều bối cảnh quay tại Việt Nam.

Ngoài ra, là những cái tên như ông Adoor Gopalakrishnan - đạo diễn, nhà sản xuất, nhà biên kịch Ấn Độ; bà IzaCalzado, diễn viên người Philippines... Phía Việt Nam, góp mặt ở thành phần ban giám khảo là là những đạo diễn tên tuổi như NSND Đào Bá Sơn, NSND Phương Hoa, nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn...

Trong số các nghệ sĩ quốc tế thì sự có mặt và giao lưu với truyền thông của nữ diễn viên nổi tiếng Catherine Deneuve (vai nữ chính trong phim "Đông Dương") tại sự kiện nhân kỷ niệm 25 năm bộ phim "Đông Dương" khởi quay tại Việt Nam chắc chắn sẽ là một điểm nhấn thú vị.

Hay, gương mặt quen thuộc của điện ảnh Xô Viết với khán giả Việt Nam thế hệ trước là NSND Zinaid Kirienko - từng tham gia các bộ phim như "Sông Đông êm đềm", "Số phận một con người" cùng nhiều kỷ niệm mà bà đã có ở Việt Nam mang lại nhiều cảm xúc với người hâm hộ. Sự có mặt của hơn 200 đại biểu quốc tế (các kỳ Liên hoan phim trước chỉ trên dưới 100 đại biểu) đã chứng minh sức hút và uy tín ngày càng tăng của sự kiện này trong mắt bạn bè quốc tế.

Ngoài những buổi chiếu phim miễn phí tại 4 cụm rạp tại Hà Nội, Liên hoan phim lần thứ 4 được đánh giá là khá phong phú các hoạt động. Nền điện ảnh Ấn Độ phát triển sâu rộng và mạnh mẽ sẽ được chọn là tiêu điểm phim năm nay.

Poster Liên hoan phim Quốc tế lần thứ IV.

Đây sẽ là cơ hội cho các nhà làm phim trong nước học hỏi các nhà sản xuất phim lớn hàng đầu thế giới này những bí quyết để chinh phục khán giả toàn cầu. Lần đầu tiên, Liên hoan phim sẽ tổ chức chương trình chiếu phim ngoài trời, giao lưu với nghệ sĩ điện ảnh kết hợp với biểu diễn thời trang Việt Nam - Italia tại vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ.

Triển lãm "Bối cảnh Việt Nam trong một số phim nước ngoài" do Viện phim Việt Nam thực hiện là cơ hội để khán giả được chiêm ngưỡng nhiều bối cảnh tuyệt đẹp của Việt Nam hiện diện trong phim của các nhà làm phim quốc tế.

"Trại sáng tác tài năng trẻ" cùng "Chợ Dự án" sẽ là những hoạt động chuyên môn không thể thiếu tại Liên hoan phim năm nay nhằm khích lệ, động viên những tài năng mới của điện ảnh, tạo cầu nối và những cơ hội đầu tư, hợp tác sản xuất điện ảnh trong nước và quốc tế.

Tham gia Liên hoan phim lần thứ 4, 2 đại diện của Việt Nam là "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" và "Trúng số" dự thi ở thể loại phim dài. Đây là hai bộ phim tiêu biểu của điện ảnh Việt Nam được đánh giá cao thời gian qua cả ở khía cạnh nghệ thuật lẫn doanh thu phòng vé.

"Trúng số" - một bộ phim mới của đạo diễn Dustin Nguyễn với những câu chuyện đời thường, hài hước, nhẹ nhàng nhưng không kém phần nhân văn, sâu sắc. Hiệu ứng của "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" suốt thời gian dài vừa qua sau khi phim ra mắt đã cho thấy những gí trị to lớn mà bộ phim mang lại.

Hai đại diện tiêu biểu của Việt Nam đã cho thấy phim Việt đã phần nào thoát khỏi những hạn chế đó là cốt truyện cứng nhắc, lồng ghép trong đó những lý thuyết suông mà thay vào đó là những câu chuyện nhẹ nhàng, gần gũi giản dị nhưng chạm sâu vào trái tim khán giả.

Khách quan đánh giá, đây thực sự là hai đối thủ nặng ký, hoàn toàn có thể cạnh tranh giải thưởng với các phim dự thi của các nước khác. Ngoài ra, phim "Cuộc đời của Yến" đại diện cho Việt Nam dự chương trình "Toàn cảnh điện ảnh Thế giới". Phim "12 chòm sao: vẽ đường cho hươu chạy" dự chương trình Phim ASEAN. 15 phim  khác sẽ tham dự sự kiện chùm Việt Nam đương đại gồm "Nhà tiên tri", "Bao giờ có yêu nhau", "Yêu", "Người trở về", "Tấm Cám - Chuyện chưa kể"...

Có thể thấy rằng, một thuận lợi cho đại diện Việt Nam lần này là có khá nhiều sự lựa chọn phim tham gia Liên hoan phim khi số lượng phim sản xuất hàng năm ngày càng nhiều hơn. Trong số các phim Việt Nam tham dự Liên hoan phim lần thứ 4 khá đa dạng về thể loại và cách thức sản xuất.

Có những bộ phim đạt được doanh thu khủng thời gian qua như "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Em là bà nội của anh", "Tấm Cám - Chuyện chưa kể"... Có những bộ phim được dư luận và giới điện ảnh đánh gia cao về chất lượng nghệ thuật như "Người trở về"; có nhưng phim từng được giải cao ở những Liên hoan phim quốc tế như "Cuộc đời của Yến"; có phim vừa ra mắt như "Người hầu gái"...

Đề tài trong phim cũng khá phong phú từ phim tình cảm lãng mạn đến phim hành động, kinh dị, từ đề tài lịch sử, cổ tích đến hiện đại. Bên cạnh những bộ phim của những đạo diễn tên thuổi thì Liên hoan phim lần này có sự góp mặt của không ít những bộ phim của các đạo diễn trẻ như "Chàng trai năm ấy", "12 chòm sao: Vẽ đường cho hươu chạy", "Taxi em tên gì"... Những cái tên như Đặng Thái Huyền, Đinh Tuấn Vũ thực sự là niềm hy vọng của điện ảnh Việt Nam.

Bên cạnh cơ hội vàng cho khán giả Việt được xem những bộ phim xuất sắc của khu vực và quốc tế thì "Liên hoan phim lần thứ 4 là nơi học hỏi giao lưu giữa điện ảnh Việt Nam và quốc tế" như lời của Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên phát biểu tại buổi họp báo khai mạc. Mỗi đạo diễn, dù đã nhiều năm kinh nghiệm hay mới chập chững bước vào nghề thì đây sẽ sự soi chiếu cần thiết để biết mình đang ở đâu trong hoạt động nghề nghiệp, từ đó kích thích những sáng tạo, khám phá với trong bộ môn nghệ thuật thứ 7.

Thảo Duyên
.
.