Cuộc chiến chống COVID-19: Cầm vàng đừng để vàng rơi

Thứ Năm, 30/07/2020, 11:58
Cầm vàng đấy rồi lại để rơi vàng ngay đấy. Không thể ngờ, chính những ngày yên ả sau giãn cách xã hội đã khiến nhiều người chủ quan, lơ là và thậm chí hành động bất chấp chỉ vì cái lợi nhỏ.


Ngày 28/7, trong cuộc họp trực tuyến với các bệnh viện tuyến đầu trong cả nước về công tác điều trị các bệnh nhân COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã nhấn mạnh, đại ý: Cả hệ thống chính trị, trước hết là ngành y tế cần phải "chia lửa" với Đà Nẵng, không phân biệt bệnh viện tuyến Trung ương với địa phương, hoặc địa phương với địa phương. 

Những chỉ đạo của Phó Thủ tướng là rất rõ ràng, sát sao và kịp thời. Nhưng qua những gì ông nhắc đến, có lẽ chính mỗi người dân chúng ta cần phải suy ngẫm. Và điều chúng ta cần ý thức, đó là không chỉ "cả hệ thống chính trị, trước hết là ngành y" cần "chia lửa" với "ổ dịch Đà Nẵng" mà mỗi người dân Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID cam go này đều phải tự biết và có ý thức "chia lửa" với Đà Nẵng.

Một số đối tượng đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bị CSGT công an tỉnh Lào Cai bắt giữ.

Chưa bao giờ ý thức công dân được đòi hỏi lớn lao như lúc này. Quay trở lại với câu chuyện chống dịch COVID-19, chúng ta hãy nhớ lại thời điểm từ quý 1 năm 2020, đã có lúc chúng ta tưởng như mình tạo được một thành trì vững chãi trước đại dịch của thế giới. Nhưng rồi chỉ một sơ suất nhỏ của những cá nhân, mà điển hình như bệnh nhân số 17, công tác chống dịch lại phải bắt đầu lại từ đầu với nhiều khó khăn chất chồng hơn. Chính Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi ấy, dù cay đắng lắm, nhưng vẫn thể hiện khí chất của người đầu tàu bằng tuyên bố rằng "Chúng ta sẽ làm lại từ đầu".

Ý thức xã hội đã được đánh thức mạnh mẽ bởi trong mỗi người, ngoài mối lo ngại về bệnh dịch là cả sự nuối tiếc về chuyện một cơ hội vàng chiến thắng dịch COVID-19 đã bị bỏ lỡ. Từ đó, người dân nghiêm chỉnh chấp hành hơn và chính sự nghiêm chỉnh ấy đã là liều thuốc bổ biệt dược để ngành y Việt Nam đối đầu sóng dữ, chiến thắng sóng dữ. 

Và chúng ta đã vượt qua khi gần 100 ngày không có ca nhiễm mới là một kỳ tích trong khi tình hình thế giới đang ngày càng "hỗn loạn" vì dịch bệnh. Một lần nữa, chúng ta lại "cầm vàng" trong sự thán phục của quốc tế cũng như sự tự hào của từng người dân Việt.

Song, cầm vàng đấy rồi lại để rơi vàng ngay đấy. Không thể ngờ, chính những ngày yên ả sau giãn cách xã hội đã khiến nhiều người chủ quan, lơ là và thậm chí hành động bất chấp chỉ vì cái lợi nhỏ. Những người nhập cảnh trái phép vào sâu được tới nội địa Việt Nam là do ai, nếu không phải là sự tiếp tay của những người Việt? Những tin tức về chuyện phát hiện người Trung Quốc nhập cảnh trái phép ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh liên tục được phát đi trong mấy ngày qua. 

Cảm giác tiếc nuối và lo sợ bắt đầu quay trở lại và thậm chí còn đậm nét hơn lần "đánh rơi vàng" hồi tháng 3/2020. Đơn giản, sau giãn cách xã hội, mọi việc bắt đầu có vẻ trở lại với sự bình thường, du lịch nội địa bắt đầu rục rịch trở lại nhờ những nỗ lực rất lớn của ngành du lịch cũng như các địa phương. Và khi bóng ma ám ảnh về chuyện đời sống sẽ có thể bị đình trệ lần nữa khiến con người ta phải hoảng hốt. 

Rồi sẽ bao nhiêu người mất việc nữa đây? Rồi có xảy ra đói kém hay không? Rồi nếu có đói kém như thế, liệu an ninh quốc gia có đảm bảo khi con người ta vô công rồi nghề và tự nuôi thêm cho mình những bức xúc, ẩn ức do sự đình trệ kinh tế mang lại?

Thử thách lần này có thể sẽ không lớn như ở đợt giãn cách xã hội trước đây nhưng nó phải là một lần đòi hỏi khắt khe và nghiêm túc trách nhiệm công dân của mỗi người. Cái trách nhiệm ấy dứt khoát không thể được hình thành từ nỗi sợ bệnh tật, mà nên được hình thành từ nỗi hổ thẹn với cộng đồng để từ đó tạo ra thói quen sống tuân thủ pháp luật và có trách nhiệm với xã hội. Nếu đạt được điều đó, chúng ta sẽ lại cầm vàng, và cầm rất chắc. 

Dễ hiểu, bởi đó không chỉ là "vàng" trong thành tựu chống dịch, được quốc tế ghi nhận như trước, mà nó còn là một thứ "vàng" quý hơn là xây dựng được một xã hội "bình thường mới" với những cá nhân có ý thức thượng tôn luật pháp, có ý thức mình vì cái chung, có ý thức hành xử theo lẽ phải như một tập quán thực sự. Và một xã hội như thế là một xã hội lành mạnh, đủ tạo động lực cho phục hồi và phát triển không chỉ kinh tế mà còn cả ở nhiều lĩnh vực khác.

Cơ hội không bao giờ đến hai lần. Người ta thường nói vậy về những cơ hội kiểu trời cho. Còn những lần chúng ta chiến thắng, vượt qua đại dịch vừa rồi là do nỗ lực của cả một hệ thống xã hội, những nỗ lực của cá nhân và cả cộng đồng, đặc biệt là từ sự hi sinh cao cả của các y bác sĩ. Đó không phải là may mắn nào cả, mà đó là cơ hội tự chúng ta tạo nên. 

Hãy nhìn vào sự vất vả của các y bác sỹ chưa được thả lỏng sau chuỗi ngày dài căng thẳng được bao lâu, giờ đã lại phải lao vào cuộc chiến mới mà cảm thấy trách nhiệm riêng của mình. Và hãy hỏi: "Liệu ta đã giúp được gì cho họ chưa hay có khi ta lại đang góp phần khiến cho họ vất vả thêm?" để biết mình có phải là người đáng được tự hào hay đáng phải hổ thẹn.

Còn niềm tin thì lúc nào cũng đầy, như cái cách mà nhạc sỹ Đức Trí chia sẻ trên facebook hôm 27/7 vừa rồi về COVID-19 rằng: "Xin được viết sai ngữ pháp một lần là: We did it and we will did it again" (Chúng ta đã làm được và chúng ta sẽ lại "Đã làm được" lần nữa).

Hà Quang Minh
.
.