Cuộc chiến bảo vệ tác quyền âm nhạc: Quyết liệt đến cùng

Thứ Năm, 14/02/2019, 16:00
Hành vi vi phạm tác quyền của Công ty Cổ phần Sky Music hiện đang là vấn đề nổi cộm khiến giới nhạc sĩ vô cùng bất bình vì số lượng bài hát bị xâm phạm cực lớn, thời gian vi phạm kéo dài. Đưa Sky Music ra tòa được xem là hành động quyết liệt nhằm bài trừ nạn "xài chùa" ngày càng tinh vi trong kinh doanh âm nhạc.


Kiện theo án hình sự để răn đe

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết, Trung tâm đã hoàn tất hồ sơ để khởi kiện Sky Music xâm phạm bản quyền tác giả. Để chuẩn bị một cách bài bản theo đúng luật pháp Việt Nam lẫn quốc tế, ông đã mời đến năm luật sư.

"Sau hai năm bền bỉ, chúng tôi chuẩn bị chu đáo cho cuộc ra trận rất lớn này. Hai luật sư của Mỹ sẽ lo vấn đề pháp lý liên quan đến Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam - Hoa Kỳ, Công ước Berne, bản quyền về âm nhạc quốc tế... Ba luật sư Việt Nam lo về Luật Sở hữu trí tuệ của nước ta. Tôi mong muốn trong quý I năm nay sẽ giải quyết dứt điểm vụ kiện này" - ông nói.

Việc Sky Music xâm phạm quyền tác giả đã từng bị các nhạc sĩ phát hiện và lên tiếng từ năm 2016. Khi được phản ánh, VCPMC đã nhiều lần làm việc và khuyến cáo Sky Music về hành vi trái pháp luật này, nhưng rồi mọi thứ lại đâu vào đấy.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam theo đuổi vụ kiện Sky Music đến cùng để tạo tiền lệ răn đe nạn xâm phạm bản quyền.

Giọt nước tràn ly khi tháng 5- 2018, 40 nhạc sĩ, trong đó có nhiều tên tuổi như nhạc sĩ Hoài An, Trần Minh Phi, Võ Thiện Thanh, Nguyễn Văn Chung… bức xúc tố cáo Sky Music vi phạm bản quyền và sẽ ủy quyền cho VCPMC khởi kiện nếu Sky Music không chấm dứt hành vi. Đầu tháng 1-2019, VCPMC cũng nhận được văn bản ủy quyền của tỷ phú Hoàng Kiều, cháu ruột nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ về việc khởi kiện Sky Music vì số lượng bài hát bị ăn cắp của chú mình cực lớn.

Ông Hoàng Kiều hiện là chủ sở hữu các tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và là thành viên của VCPMC. Mức bồi thường ông dự kiến đòi Sky Music chi trả lên đến 150.000 USD mỗi bài. Đến nay, đã có gần 100 nhạc sĩ và 10 tổ chức tập thể quyền tác giả quốc tế gửi đơn kiến nghị VCPMC giải quyết vụ việc.

Theo rà soát, VCPMC phát hiện Sky Music xâm phạm bản quyền của 700 tác giả trong nước và quốc tế, trong đó có gần 2.000 tác phẩm thuộc VCPMC quản lý. Sky Music kinh doanh dịch vụ cung cấp giải pháp phát nhạc với tên gọi X-Music Station. Công ty này còn cung cấp dịch vụ sử dụng nhạc bản quyền cho các bên thứ ba, các chuỗi dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, quán cà phê.

Trên website của mình, Sky Music tự giới thiệu: "Sky Music được thành lập với sứ mệnh tạo lập thị trường âm nhạc lành mạnh, minh bạch và tôn trọng bản quyền cũng như hỗ trợ ca sĩ về mặt truyền thông và các kênh phát hành. Sky Music tự hào là đơn vị tiên phong trong việc bảo vệ tác quyền và coi việc tôn trọng sức sáng tạo nghệ thuật là sứ mệnh của mình". Tuy nhiên, nhiều nhạc sĩ cho biết họ không hề nhận được đồng tác quyền nào từ công ty.

Đại diện trung tâm VCPMC cho biết, khi làm việc với VCPMC hồi tháng 5-2018, phía Sky Music đồng ý ký vào biên bản ghi rõ họ chỉ có quyền bản ghi, quyền liên quan của ca sĩ, nhà sản xuất chứ không có quyền tác giả như họ tuyên bố với đối tác phẩm.

Do vậy, Sky Music phải dừng khai thác tác phẩm và có nghĩa vụ bồi thường tiền tác quyền cho các nhạc sĩ là thành viên VCPMC. Số tiền này lên đến 3,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó, công ty không thực hiện như biên bản đã ký. Khi bị các nhạc sĩ phản ứng và đòi kiện, công ty này thậm chí còn đòi kiện ngược VCPMC với lý do cạnh tranh không lành mạnh.

Tại Hội nghị Ban chấp hành cuối tháng 11, Hội Nhạc sĩ Việt Nam - cơ quan chủ quản của VCPMC đã ra Nghị quyết về việc bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Hội yêu cầu VCPMC tiến hành ngay các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền tác giả, thống nhất khởi kiện Sky Music theo án hình sự.

Thông thường, việc tranh chấp bản quyền sẽ thuộc án dân sự. Tuy nhiên, vụ xâm phạm này khiến làng nhạc phẫn nộ bởi mức độ vô cùng nghiêm trọng, cố ý gây thiệt hại lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu quyền tác giả. Qua thu thập chứng cứ, tài liệu để củng cố hồ sơ khởi kiện, VCPMC nhận định Sky Music có hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại Điều 20 và Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ và có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự.

Vụ việc của Sky Music khiến người ta ngán ngẩm nhìn lại thực trạng xâm phạm tác quyền âm nhạc. Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành đã 14 năm nhưng tình trạng vi phạm bản quyền vẫn diễn ra nhan nhản, đặc biệt là trên không gian mạng.

Nhạc sĩ Trần Minh Phi cho rằng ý thức về bản quyền của công chúng, đơn vị kinh doanh và ngay cả những người làm nghệ thuật còn chưa đầy đủ và nghiêm túc. Nhưng đáng báo động nhất vẫn là việc nhiều đơn vị, cá nhân hiểu biết pháp luật nhưng vẫn bất chấp vì lợi nhuận béo bở.

Việc xử lý vẫn dừng lại ở mức phạt hành chính "gãi ngứa" trong khi chuyện đã rồi nên đối tượng sai phạm không sợ. Lâu nay, VCPMC cũng chỉ giải quyết theo hướng cảnh cáo, yêu cầu chi trả tác quyền hoặc gỡ bỏ tác phẩm "xài chùa". Dù có nhiều vụ sai phạm bản quyền âm nhạc nhưng chưa có tiền lệ về một vụ kiện. Do đó, vụ kiện Sky Music được giới chuyên môn hy vọng là quả bộc phá nhắm thẳng vào vấn nạn này.

Câu chuyện tác quyền thời 4.0

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho hay, vì nhiều nhạc sĩ (đa phần là cao tuổi) không ý thức rõ quyền tác giả của mình nên xảy ra không ít chuyện đáng buồn. Một trong số đó là các đơn vị, cá nhân tung mánh lới trục lợi bằng cách dụ dỗ ngon ngọt, mua đứt bản quyền của các nhạc sĩ rồi ung dung hưởng tiền tác quyền dài dài. Tức là nhạc sĩ bán độc quyền vĩnh viễn ca khúc bằng một số tiền thỏa thuận.

Nguyễn Văn Chung là một trong những tác giả bị xâm phạm bản quyền nhạc phẩm nhiều nhất.

Lúc này nhạc sĩ chỉ còn quyền nhân thân (tức vẫn được đứng tên tác giả ca khúc) nhưng họ vĩnh viễn không được hưởng tiền tác quyền vì đã bán cho người khác. Công ước quốc tế mà chúng ta tham gia cũng như Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định: từ lúc tác giả mất thì hàng thừa kế tiếp theo sẽ thừa hưởng tác quyền trong 50 năm nữa.

"Vừa qua có một số đơn vị mua tác phẩm rồi ủy quyền lại Trung tâm để Trung tâm thu giùm họ. Một nhạc sĩ nổi tiếng có 12 bài hay nhất bị người ta mua đứt bằng mấy chục triệu, trong khi chỉ một quý, số tiền tác quyền Trung tâm thu cho chú là ba, bốn chục triệu.

Giờ đây, số tiền tác quyền đó người ta được hưởng và nếu chú ấy mất thì 50 năm tới người ta vẫn được hưởng tiếp. Nhẩm tính sẽ thấy họ nhận được số tiền khủng như thế nào. Khi nghe tin nhạc sĩ Giao Tiên có ý định bán đứt gần 300 tác phẩm chỉ với 300 triệu đồng, tính ra mỗi bài hơn một triệu đồng, tôi tức tốc gọi điện để can ngăn nhưng không kịp. Chú bán để lấy tiền lo cho đứa con bệnh tật.

Thấy người ta đến Trung tâm nhận tiền tác quyền rồi đi, mình đau và thương các chú quá mà không biết làm thế nào. Nhiều nhạc sĩ thiếu hiểu biết bị người ta dụ dỗ bán đứt bản quyền mà không hề hay biết. Đến khi lên Trung tâm khiếu nại thì mới hỡi ôi, bút sa gà chết" - nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn chua xót.

Bảo vệ bản quyền trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 là vấn đề cấp bách mà VCPMC cố gắng hoàn thiện. Hiện Trung tâm đang tích cực số hóa dữ liệu, thiết kế lại website và tạo lập tài khoản để các nhạc sĩ tự theo dõi bảng phân phối tác phẩm để việc chi trả tác quyền diễn ra nhanh gọn, tiện lợi. Theo lộ trình, Trung tâm sẽ từng bước xóa bỏ kiểu chi trả, biên nhận thủ công gây mất thời gian đi lại và rối rắm mà sẽ chuyển khoản qua ngân hàng, rà soát dữ liệu trên website hoặc email.

Môi trường số được đánh giá là nơi tình hình bản quyền diễn biến rất phức tạp. Tuy nhiên, sự cải tiến không ngừng của VCPMC với đội ngũ kỹ sư IT, phần mềm chuẩn quốc tế đã giúp nhạc sĩ kiểm soát tác quyền âm nhạc khá chặt chẽ. Năm 2018, thành công nổi bật của VCPMC là đạt được thỏa thuận với đối tác lớn như YouTube, Facebook.

Nhờ vậy, năm qua, trung tâm đã phối hợp với YouTube gỡ trên 2.000 đường link vi phạm bản quyền và thu về số tiền bản quyền không nhỏ cho các nhạc sĩ.  Việc tiệm cận với chuẩn quốc tế, bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm đảm bảo sự minh bạch, thực thi quyền tác giả âm nhạc trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đảm bảo những cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Mai Quỳnh Nga
.
.