Công nghiệp thu âm và cuộc chiến bản quyền

Thứ Năm, 02/04/2015, 08:10
Cuối tháng 2 vừa qua (27/2), các đại diện hoạt động trong ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu đã đi đến thống nhất chọn ngày thứ 6 hàng tuần là ngày đồng loạt phát hành các album mới trên toàn thế giới. Đây là nỗ lực mới nhất của ngành công nghiệp âm nhạc trong việc chống lại nạn xâm phạm bản quyền đang ngày càng ngang nhiên, trắng trợn hơn.

"Xanh nhà hơn già đồng"?

Trong những năm gần đây, một số ca sỹ đã chọn cách bất ngờ ra album không báo trước, đôi khi còn bán trước ở dạng số trước khi tung album ra thị trường để tránh nạn sao chép trái phép vô tội vạ.

Trường hợp "đánh úp" gây ấn tượng nhất là album Beyoncé của nữ ca sĩ Beyonce bất ngờ phát hành trên iTunes vào cuối tháng 12/2013. Không chỉ cho ra lò album mới toanh không báo trước, cô ca sĩ 32 tuổi khi ấy còn khiến các fan hoa mắt với 17 video âm nhạc (MV) cho cả 17 bài hát trong album.

Với "cú ra đòn" bất ngờ khiến giới sao chép đĩa lậu không kịp trở tay, chỉ trong vài ngày Beyonce đã phát hành được hàng triệu bản album mới trên toàn thế giới. Và chắc hẳn doanh thu từ "vụ gặt" này đã góp phần đưa cô trở thành nữ ca sĩ có thu nhập cao nhất năm ngoái, ước tính khoảng 115 triệu USD.

Nữ ca sĩ Beyonce nhận giải Trình diễn giọng nữ R&B xuất sắc nhất và Bài hát R&B xuất sắc nhất với ca khúc "Drunk in love" tại sân khấu Grammy lần thứ 57 ngày 8/2 vừa qua tại Los Angeles, California. Ảnh: Reuters.

Bị cho là "bắt chước" Beyonce, tháng 4 năm ngoái, nữ ca sĩ Mariah Carey cũng bất ngờ tiết lộ "việc đã rồi" của album sắp ra lò của cô. Tuy nhiên, sau đó không rõ vì lý do gì mà hãng thu âm Island Records đã lặng lẽ gỡ tên Mariah Carey khỏi danh sách nghệ sĩ sắp sửa có album phát hành ngày 6-5 theo dự kiến.

Tiếp đó là trường hợp bất ngờ phát hành sớm trên mạng 6 ca khúc mới của ca sĩ Madona trên hệ thống iTunes vào trước dịp Giáng sinh năm ngoái sau khi bị rò rỉ album "Rebel heart" (Trái tim nổi loạn). Trước đó một số bài hát không đầy đủ trong album này đã bị rò rỉ trên mạng Internet.

Nữ ca sĩ 56 tuổi phản ứng dữ dội trước vụ việc. Bà là người đã từng đưa lên tài khoản Instagram hình một chiếc iPod vỡ vụn với lời giải thích "đó là biểu tượng của trái tim tôi đang tan nát. Âm nhạc của tôi bị đánh cắp, tôi đã bị xâm phạm".

Và để phản ứng lại hành vi mà bà cho là "cưỡng bức nghệ thuật" và "khủng bố" này, Madona đã quyết định công bố sớm 6 bài hát để những người hâm mộ có thể được thưởng thức trọn vẹn các ca khúc thay vì nghe những bản không đầy đủ trên mạng.

Tuy nhiên, một vài trường hợp đối phó tự phát đó xem ra chưa phải giải pháp hiệu quả và toàn diện trong lĩnh vực công nghiệp âm nhạc. Đó là chưa kể các phi vụ "đánh úp" theo kiểu "gặt lúa non" rõ ràng cũng khiến nghệ sỹ mệt mỏi, còn doanh nghiệp phát hành thì luôn thấp thỏm.

Một ngày phát hành album chung cho toàn thế giới

Có lẽ vì thế mà sau 9 tháng tham vấn các tổ chức, cá nhân trong ngành công nghiệp âm nhạc thế giới (trong đó có cả các đại diện kinh doanh nhạc số), các tổ chức chủ chốt đại diện giới bán lẻ âm nhạc, các hãng thu âm và giới nghệ sĩ đã nhất trí với nhau chọn thời điểm phát hành album mới đồng loạt trên toàn cầu vào thời điểm 1 phút sau nửa đêm (tính theo giờ tại mỗi địa phương) vào thứ 6 hàng tuần.

Theo bà Frances Moore, Chủ tịch Liên đoàn Ghi âm quốc tế (IFPI), quyết định trên được đưa ra và dự kiến chính thức áp dụng từ mùa hè tới tại Bắc bán cầu.

Lâu nay, các album mới thường được phát hành tại Anh và Pháp vào thứ 2, tại Mỹ vào thứ 3, tại Nhật vào thứ 5 và tại Úc và Đức vào thứ 6.

Việc phát hành như vậy đã và đang trở nên lạc hậu trong bối cảnh công nghệ tải và nghe nhạc trực tuyến ngày càng phát triển, vô tình tiếp tay cho giới kinh doanh chợ đen âm nhạc.

Không những giải quyết được phần nào nạn xâm phạm bản quyền, việc thống nhất chung ngày phát hành album toàn cầu theo bà Moore cũng sẽ tạo thêm sức hút cho thị trường âm nhạc.

Mặc dù rất đông các bên ủng hộ đề xuất này nhưng vẫn có một số nhà bán lẻ tại Mỹ (thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới) phản đối vì cho rằng, thứ 6 là thời điểm bận rộn nhất trong tuần, giới mộ điệu sẽ không có nhiều thời gian cho việc mua sắm âm nhạc, theo đó có thể làm giảm lượng khách.

Bà Frances Moore cho rằng, quyết định chọn ngày thứ 6 hàng tuần là một khuyến nghị được đa số đại diện trong ngành đồng thuận, nhưng không phải là điều khoản bắt buộc về mặt pháp lý với cá nhân hay tổ chức vẫn muốn giữ ngày phát hành của họ. Tuy nhiên, theo bà, rốt cuộc mọi người cũng sẽ cùng tuân thủ điều này.

Ngành công nghiệp âm nhạc đã sụt giảm doanh thu đáng kể từ khi các album được số hóa khoảng 15 năm trước. Theo IFPI, doanh thu âm nhạc toàn cầu năm 2013 đã giảm đi 3,9%, chỉ còn 15 tỉ USD.

Người Nhật vẫn trung thành với CD

Trên toàn thế giới, ngành kinh doanh âm nhạc đã chuyển sang xu hướng tải về hoặc nghe trực tuyến từ lâu, nhưng ở Nhật - quốc gia luôn cập nhật sớm nhất các tính năng công nghệ hiện đại - CD vẫn chiếm thế thượng phong.

Sự "thiết tha" với CD của người dân nước này đã khiến họ hoàn toàn khác biệt với phần còn lại của nền công nghiệp âm nhạc toàn cầu.

Mặc dù doanh thu từ CD đang giảm sút trên toàn thế giới, kể cả ở Nhật, nhưng vẫn chiếm khoảng 85% doanh thu thị trường âm nhạc Nhật, thị trường âm nhạc lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ.

Trong khi đó, ở những quốc gia phổ biến nghe nhạc trực tuyến như Thụy Điển chẳng hạn, doanh thu từ CD chỉ còn khoảng 20%.

Khi doanh thu nhạc số đang tăng lên ở mọi thị trường âm nhạc hàng đầu, nó lại mau chóng tụt dốc ở Nhật. Theo thống kê của Hiệp hội công nghiệp thu âm Nhật, mức doanh thu này chỉ đạt 400 triệu USD, giảm nhiều so với gần 1 tỉ USD của năm 2009.

Đặc thù của thị trường Nhật góp phần tạo nên xu hướng gắn bó với CD, nhưng các yếu tố văn hóa cũng đóng vai trò đáng kể. Chẳng hạn người Nhật thích mua những món hàng có thể làm thành bộ sưu tập. Các album nổi tiếng nhất bán rất chạy ở Nhật một phần vì có bao bì được làm tỉ mỉ, chăm chút nghệ thuật.

Hay như nhóm nhạc nữ nổi tiếng AKB48 dẫn đầu doanh thu CD vì đã có chiến lược độc đáo, được xem như đã vực dậy thị trường CD: Họ bán các CD nhạc kèm theo những chiếc vé. Các vé này về sau có thể được dùng để xem các chương trình biểu diễn trực tiếp của ban nhạc.

Ở Mỹ, từ lâu doanh thu nhạc số đã lấn lướt doanh thu CD. Nhưng CD vẫn chiếm 41% trong tổng số 15 tỉ USD doanh thu của thị trường âm nhạc thu âm toàn cầu.

Cùng với Nhật Bản, các thị trường âm nhạc lớn như Đức, doanh thu phần lớn vẫn phụ thuộc vào CD.

Một số chuyên gia kinh tế khẳng định, nếu các nước này không đi theo xu hướng nhạc trực tuyến, chắc chắn quá trình sụt giảm tất yếu của doanh thu CD sẽ gây thiệt hại lớn hơn cho ngành công nghiệp âm nhạc.

Đỗ Dương
.
.