Công nghiệp điện ảnh không thể dựa vào dòng phim Remake

Thứ Sáu, 08/12/2017, 08:04
Điện ảnh tư nhân áp đảo điện ảnh Nhà nước là có thật. Không chỉ ở Liên hoan phim Việt Nam, mà ở Giải thưởng Cánh Diều của Hội Điện ảnh Việt Nam cũng vậy. Thế nhưng, nếu không có giải pháp kịp thời thì sự mai một dòng phim chính thống sẽ gây ra nhiều hệ luỵ cho đời sống văn hoá....


Những người yêu điện ảnh thật bất ngờ khi Ban tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 (diễn ra tại Đà Nẵng vào cuối tháng 11- 2017) quyết định đưa phim remake vào hạng mục tranh giải chính thức. Điều lệ của Liên hoan phim ghi rõ rằng: "Phim làm lại (remake) từ kịch bản/ phim nước ngoài có thể đăng ký tham dự tất cả các chương trình của Liên hoan phim. Trường hợp phim được tuyển chọn vào vòng dự thi sẽ được xét các giải thưởng cho cá nhân, trừ giải thưởng cho tác giả kịch bản và giải thưởng dành cho phim".

Sự chấp nhận này chứng tỏ ngày hội điện ảnh muốn có những ứng viên là phim ăn khách, hay phản ánh thực trạng nghiệp dư đang xâm chiếm đời sống nghệ thuật nước nhà?

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 được tổ chức cuối tháng 11-2017 tại thành phố Đà Nẵng. Đây là một sự kiện văn hoá quan trọng, hai năm mới diễn ra một lần. Sau khi ban giám khảo tuyển lựa, các tác phẩm dự thi có chất lượng cao được công chiếu tại ba đô thị lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để công chúng thưởng thức và đánh giá. Tuy nhiên, điều băn khoăn nhất là trách nhiệm phát triển nền nghệ thuật thứ bảy nước nhà lại đang đặt trên vai các hãng phim tư nhân!

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 chắc chắn không có hãng phim Nhà nước nào góp mặt. Bởi lẽ, những đơn vị điện ảnh được nuôi dưỡng bằng ngân sách tiêu biểu như Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim truyện 1 và Hãng phim Giải Phóng suốt hai năm qua đều không có tác phẩm mới nào được triển khai. Vấn đề tài chính trở ngại ư?

Không hẳn, lương bổng vẫn cấp đầy đủ cho đội ngũ biên kịch, đạo diễn, quay phim… của các hãng phim Nhà nước. Cho nên, sự im hơi lặng tiếng của họ rất khó hiểu và rất khó lý giải. Bế tắc đề tài chăng? Khủng hoảng nhân lực trẻ chăng? Không tiếp cận được khán giả chăng? Câu hỏi nào cũng có câu trả lời đầy ái ngại.

Bộ phim remake "Sắc đẹp ngàn cân"!  

Điện ảnh tư nhân áp đảo điện ảnh Nhà nước là có thật. Không chỉ ở Liên hoan phim Việt Nam, mà ở Giải thưởng Cánh Diều của Hội Điện ảnh Việt Nam cũng vậy. Thế nhưng, nếu không có giải pháp kịp thời thì sự mai một dòng phim chính thống sẽ gây ra nhiều hệ luỵ cho đời sống văn hoá.

Thứ nhất, các phim tư nhân chỉ chạy theo thị hiếu để đáp ứng thị trường, khó có tác phẩm trụ lại với công chúng dài lâu. Thứ hai, các phim tư nhân chỉ khai thác hệ thống rạp chiếu đô thị, không có nhu cầu và không có nghĩa vụ phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa. Một khi không có phim do Nhà nước đầu tư, thì không thể có nguồn phim chủ lực để các trung tâm phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh thành trình chiếu cho bà con nông thôn được thưởng thức điện ảnh!

Nếu không có các hãng phim Nhà nước thì không nói làm gì. Thế nhưng, đã có hãng phim Nhà nước thì khán giả có quyền đòi hỏi những tác phẩm tầm cao về yếu tố lịch sử cũng như yếu tố nhân văn. Hãng phim Nhà nước phải chứng minh sứ mệnh của mình, chứ không thể bỏ mặc thịnh suy của nền điện ảnh dân tộc cho các hãng phim tư nhân vốn chỉ chạy theo lợi nhuận trước mắt.

Năm nay Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 không có hạng mục giải thưởng phim truyện video, nhưng lại cổ vũ sự tham gia của dòng phim làm lại (remake). Phong trào làm lại phim nước ngoài, mà dân trong nghề gọi là remake càng ngày càng nở rộ. Dấu vết đầu tiên để khẳng định phong trào remake xâm lấn thị trường phim Việt chính là cơn sốt vé bộ phim "Em là bà nội của anh" làm lại từ bộ phim "Miss Granny" của Hàn Quốc.

Như một món lạ đánh trúng vào tâm lý sính ngoại, "Em là bà nội của anh" đã đạt được doanh thu nhiều tỷ đồng. Các đạo diễn khác đã nhìn vào sự thành công bất ngờ từ "Em là bà nội của anh" như tìm thấy thần dược cho sự lười nhác sáng tạo đang bao phủ làng nghệ thuật thứ bảy nước nhà.

Thấy người ta ăn khoai thì mình cũng phải vác mai đi đào, hàng loạt phim remake thi nhau ra đời, nhằm đáp ứng thị hiếu nhất thời của một bộ phận công chúng, như bộ phim "Bạn gái tôi là sếp" làm lại từ phim "ATM: Er Rak Error", bộ phim "Sắc đẹp ngàn cân" làm lại từ phim "200 Pounds Beauty", bộ phim "Yêu đi, đừng sợ!" làm lại từ phim "Spellbound", bộ phim "Cô nàng ngổ ngáo" làm lại từ phim "My Sassy Girl"...

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh phân bua cho dòng phim remake đang gây dư luận trái chiều: "Nhiều người lầm tưởng rằng remake một bộ phim ăn khách cực dễ bởi không cần sáng tạo gì nhiều, cứ bản gốc mà bám vào là có ngay phim hay. Nếu đúng như họ suy nghĩ thì các tác phẩm remake thành công đã vô số kể chứ không phải ít ỏi như bây giờ. Bởi đây là xu hướng thịnh hành trên thế giới, đến cả Hollywood dù không thiếu kịch bản hay, họ vẫn làm lại kịch bản thành công của các nước khác vì muốn tiết kiệm thời gian đầu tư vào một kịch bản phim hay nhằm đạt hiệu quả cao. Nhưng thành công hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và là thử thách không phải ai cũng vượt qua".

Những ai đã xem bản gốc thì sẽ thấy sự bắt chước lộ liễu và ngây ngô của các đạo diễn Việt khi làm lại phim nước ngoài. Remake ban đầu chỉ là vay mượn kịch bản, nhưng thực tế hoàn toàn khác hẳn. Phim Việt cứ hồn nhiên copy từ phục trang nhân vật cho đến từng khuôn hình chi tiết. Nghĩa là phong trào làm lại phim nước ngoài mang màu sắc của sự cổ súy những sản phẩm nhái theo phương pháp của những bản photocopy nhem nhuốc và lố bịch!

Bất cứ sự nhố nhăng nào trong đời sống cũng được dừng lại ở thái độ biết đắn đo của những người khôn ngoan. Đáng tiếc thay, tính chuyên nghiệp của điện ảnh Việt còn lại quá ít ỏi. Ngay cả diễn viên được trao tặng danh hiệu NSƯT là Hồng Ánh cũng góp mặt vào bộ phim "Tháng năm rực rỡ" được Việt hóa từ bộ phim "Sunny" của Hàn Quốc.

Đành rằng, bộ phim "Sunny" từng thu được 51 triệu USD ngay trên xứ sở kim chi, nhưng chắc gì "Tháng năm rực rỡ" có thể mô phỏng một cách dễ dàng. "Sunny" khai thác bản sắc văn hóa của Hàn Quốc, còn "Tháng năm rực rỡ" khai thác bản sắc văn hóa gì? NSƯT Hồng Ánh đã ngừng đóng phim nhiều năm để chuyển sang làm đạo diễn, bây giờ quay lại làm diễn viên mà chọn một bộ phim như "Tháng năm rực rỡ" để tham gia thì thật khó hiểu cho trình độ và bản lĩnh của Hồng Ánh!

Những nhà biên kịch trong làng phim Việt đang nghĩ gì về thực trạng sử dụng kịch bản nước ngoài để làm phim phục vụ cho người Việt. Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân khẳng định, bản thân ông cũng học hỏi được ít nhiều khi tham gia vào các dự án remake, nhưng đôi lúc rất tự ái và tủi thân.  Bởi lẽ, với thể loại phim remake thì vai trò của nhà biên kịch bị đặt xuống khá thấp. Nói đúng hơn, khi làm phim remake thì nhà biên kịch chỉ là người sửa chữa và chăm chút sao cho những chi tiết mang dấu ấn nước ngoài được Việt hóa một cách dễ hiểu hơn. Nghĩa là, biên kịch phim remake thì chỉ làm thao tác kỹ thuật, chứ không có yếu tố sáng tạo gì!

Chủ đề của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 là "Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh hiện đại và nhân văn". Nếu so với những khẩu hiệu mà những nhà điện ảnh từng phô diễn như "hội nhập và phát triển bền vững" thì khái niệm "nền công nghiệp điện ảnh" cụ thể hơn, thiết thực hơn. Tuy nhiên, để có một nền công nghiệp điện ảnh thì tầm vóc một ngày hội như Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 xem chừng đáng âu lo làm sao! Điện ảnh Việt đang khan hiếm những nhà biên kịch tài năng, đó là thực trạng cần phải đầu tư nghiêm túc để cải thiện chất lượng kịch bản. Thế nhưng, không thể vì lúng túng kịch bản nội địa mà những nhà làm phim dựa dẫm vào những bộ phim làm lại từ kịch bản nước ngoài.

Tuy Hòa
.
.