Công dân toàn cầu và định tính quốc gia
- Sẽ đưa nội dung giáo dục công dân toàn cầu vào chương trình học?
- Chương trình “Bật nút công dân toàn cầu” lan rộng tại miền Tây
- Đầu tư sang Mỹ, hưởng quyền công dân toàn cầu
Sự xuất hiện bất ngờ, thậm chí có thể nói là gây sốc của doanh nhân Donald Trump trên ghế Tổng thống Hoa Kỳ có thể sẽ là khởi đầu cho những biến động lớn. Ở châu Âu, dư chấn của đợt trưng cầu Brexit năm ngoái vẫn còn nguyên và trước những ẩn số hoàn toàn có thể trở thành sự thực của bài toán chính trị quốc tế, khả năng EU phân rã, hoặc suy yếu là rất lớn, đặc biệt là năm 2017 này cũng làm năm bầu cử ở Pháp.
Nước Pháp già nua, cồng kềnh về quản trị đang rất cần những thay đổi lớn khi mà tầng lớp tinh hoa già nua của họ ngày một cho thấy sự bất tín nhiệm đối với công chúng bởi sự thiếu minh bạch, thiếu liêm chính và cả sự chậm chạp, nếu không nói là bế tắc trong các cải cách cần thiết.
Gương mặt nổi trội của chính trường Pháp hôm nay là Emmanuel Macron, cựu Bộ trưởng Kinh tế mới 39 tuổi. Sự thất sủng của ứng cử viên Fillon (vì vụ scandal "Penelopegate": khai man công việc cho vợ con để biển thủ gần 1 triệu euro) đã khiến Macron tràn trề cơ hội vào vòng 2. Như vậy, với sự nổi trội của Macron và bà Marine Le Pen, chắc chắn nước Pháp sẽ có nhiều biến chuyển lớn sau đợt bầu cử vào tháng 5 tới.
Cả Marine Le Pen và Emmanuel Macron cùng mang tính cách quyết liệt, dám đập bỏ và thách thức những nền tảng cũ và bởi vậy, có thể chính họ sẽ là những người ra nước cờ quyết định tạo nên biến cố lớn trên bản đồ chính trị thế giới năm 2017 này.
Giáo dục Việt Nam đang đặt ra mục tiêu đào tạo ra những công dân toàn cầu. |
Và cùng với việc nước Anh đứng trước cuộc khủng hoảng mang tên Brexit, Hoa Kỳ với những chính sách giật gân của Donald Trump, rõ ràng những bất ổn đang tiềm tàng rất gần. Một trong những nguyên nhân sâu xa của những bất ổn ấy đến từ chính các quan điểm chính trị nặng về chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa quốc gia mà chính phát biểu của Donald Trump gần đây về Brexit là ví dụ điển hình nhất.
Tân Tổng thống Hoa Kỳ cho rằng "Nước Anh rời khỏi EU là sáng suốt và chẳng thiệt hại gì.Mỗi quốc gia đều cần giữ vững định tính của nó.Nước Mỹ cũng thế".
Rõ ràng, điều Donald Trump nói, vốn được hiểu ở một ngữ cảnh khác, cho chúng ta nhận thấy một điểm khá quan trọng trong giai đoạn toàn cầu hoá đến mức sâu sắc như hôm nay. Đó chính là định tính của quốc gia.
Chính sự hoà nhập trong trào lưu toàn cầu hoá đã khiến nhiều quốc gia, nhất là những nước nghèo, đang phát triển, vô tình đánh mất định tính quốc gia để đánh đổi lấy tăng trưởng thần tốc. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng là một quốc gia có nguy cơ đánh mất định tính quốc gia khi các thế hệ tiếp nhận giá trị quốc hồn quốc túy ngày một gần gũi hơn với thế giới nhưng lại nhạt nhẽo hơn với cái gốc truyền thống của mình.
Trong buổi thăm và làm việc đầu năm mới với ngành giáo dục hôm 4/2 vừa rồi, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đào tạo ra những công dân toàn cầu nhưng mấu chốt cơ bản vẫn phải giữ được cái gốc văn hóa của dân tộc trong công tác giáo dục thời kỳ mới.
Rõ ràng, để phát triển, để hội nhập, chúng ta rất cần những công dân toàn cầu, những người có thể thích ứng với mọi môi trường làm việc, có thể bắt kịp với sức phát triển của thế giới. Nhưng song song đó, việc gìn giữ được cái gốc của dân tộc trong mỗi con người cũng chính là điều góp phần tạo nên định tính quốc gia.
Người nước ngoài có thể sẽ trầm trồ với một thế hệ trí thức, người lao động Việt Nam trong tương lai có trình độ cao nhưng họ sẽ nhận diện rõ nét hơn nếu thế hệ ấy thể hiện được định tính quốc gia của mình, để từ đó, họ có thể phân biệt được người Việt khác với các công dân toàn cầu khác ở điểm nào.
Thiếu đi định tính quốc gia, hay nói cụ thể hơn là thiếu cái gốc văn hoá truyền thống trong mỗi cá thể, chúng ta sẽ dễ dàng lẫn vào vô số những công dân toàn cầu khác và bản thân việc đó cũng khiến thương hiệu Việt trở nên mờ nhạt trên trường quốc tế.
Thực tế, việc xây dựng định tính quốc gia ngày càng cấp thiết hơn bao giờ hết, và nó cũng không phải nhiệm vụ riêng của ngành giáo dục. Nếu chúng ta nhìn lại 20 năm qua, với những thay đổi trong diện mạo văn hoá xã hội, chúng ta sẽ cảm thấy ái ngại vì có nhiều giá trị Việt đã bị che lấp một cách khá thô bạo bởi những làn sóng ngoại lai mạnh mẽ, mà mỉa mai thay, khá nhiều người Việt đã chỉ vì cái lợi ích riêng tư trước mắt đã góp phần phát tán làn sóng ngoại lai kia về hoành hành ngay trên quê hương mình. Đặc biệt là ở ngành văn hoá.
Chuyện người Việt không thuộc sử Việt, người Việt không biết nhiều về nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đã không còn là hiện tượng cá biệt nữa. Căn bệnh ấy đã cần thuốc đặc dụng để chạy chữa, nhất là ở thời điểm này, thời điểm dự báo sẽ có những biến cố lớn trên toàn cầu.