Văn hóa tranh luận:

Còn nặng tính cá nhân

Thứ Hai, 20/04/2009, 09:45
"Việc comment trực tiếp dưới mỗi bài viết cũng là một hình thức rất hay. Tuy nhiên việc comment tức thời dễ bị chi phối bởi cảm xúc của người đọc. Và có một thực tế mà tôi quan sát thấy: Người đọc khi comment nhiều người thường ẩn danh dưới một nick nào đó, và ý kiến mang sắc thái bộc lộ cảm xúc cá nhân mà tính học thuật không thật cao...", nhà văn Phong Điệp bày tỏ.

- Thưa nhà văn Phong Điệp, trên trang phongdiep.net vẫn thường xuyên đăng tải những bài viết bàn luận về đời sống văn học trong nước. Thông qua những bài viết đó, chị nhận thấy những vấn đề nào của văn học đang được công chúng quan tâm nhất hiện nay?

+ Theo quan sát của mình, tôi thấy rằng những vấn đề văn học mang tính thời sự, các bài viết có tính phát hiện, hay mang tinh thần phản biện luôn có lượng bạn đọc truy cập nhiều hơn so với các bài viết khác

- Internet là một công cụ rất hữu hiệu, hơn hẳn các báo viết ở chỗ bất cứ một vấn đề gì cũng có thể được những người quan tâm thoải mái bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình mà không bị hạn chế bởi số lượng chữ viết, trang in. Một hình thức thường thấy ở một số trang web là họ để ngỏ cho người đọc gửi ý kiến qua những comment, nhưng riêng trang phongdiep.net của chị lại chọn hình thức trao đổi thông qua những bài viết. Vì sao chị lại chọn hình thức trao đổi này?

+ Việc comment trực tiếp dưới mỗi bài viết cũng là một hình thức rất hay. Tuy nhiên tôi thấy rằng việc comment tức thời dễ bị chi phối bởi cảm xúc của người đọc. Và có một thực tế mà tôi quan sát thấy: Người đọc khi comment nhiều người thường ẩn danh dưới một nick nào đó, và ý kiến mang sắc thái bộc lộ cảm xúc cá nhân mà tính học thuật không thật cao. Tôi mong muốn rằng, khi bạn trình bày ý kiến của mình dưới dạng bài viết thì bạn sẽ cần phải có những cơ sở học thuật của mình để tranh biện và phải thật bình tĩnh, khách quan. Điều ấy cần thiết hơn cho một không khí trao đổi văn học lành mạnh.

- Trên Internet hiện nay không thể kể hết những trang web với chủ trương tốt là trở thành diễn đàn cho đông đảo người yêu văn học đến thăm và bày tỏ ý kiến, gửi gắm tác phẩm. Nhưng để có được lòng tin của bạn đọc, theo chị, trang web đó phải đạt được những tiêu chuẩn gì? Hay nói khác đi, phongdiep.net đã làm thế nào để có được lòng yêu mến của bạn đọc, bạn viết?

+ Tôi chỉ xin chia sẻ những suy nghĩ, mong muốn của mình khi lập trang web phongdiep.net. Đây là một website cá nhân, song tôi không muốn nó chỉ dành cho một cá nhân. Tại sao không kết nối những người viết, người yêu văn chương lại với nhau khi họ cùng chung những sự quan tâm, những niềm đam mê, đó là văn học? Và tôi chỉ là một đầu cầu kết nối, nhiệm vụ còn lại là chọn lựa, giới thiệu những tin bài có chất lượng tới bạn đọc, bạn viết của mình.

Quả thực hiện nay, số lượng website cá nhân về lĩnh vực văn học rất nhiều. Mỗi người lựa chọn một cách làm. Chính điều này góp phần tạo nên sự đa dạng, hấp dẫn cho đời sống văn học trên mạng. Bạn hãy thử tưởng tượng nếu các trang web cùng có chung một cách làm thì mọi chuyện sẽ trở nên nhàm chán và đơn điệu thế nào?

- Hiện nay có hiện tượng là để thóa mạ, bôi xấu, trả đũa một ai đó, người ta thường sử dụng các nickname, hay thông qua các địa chỉ e-mail. Khi nhận được những thông tin phản hồi như vậy, chị thường xử lý như thế nào? Chị có nguyên tắc gì khi cho đăng tải các bài tranh luận trên trang web của mình?

+ Quan điểm, hay có thể nói nguyên tắc của phongdiep.net trong đó là: khuyến khích các trao đổi, tranh luận mang tính học thuật và phản đối những ý kiến trao đổi mang màu sắc hằn thù, bới móc cá nhân. Bạn có thể yêu hay ghét một ai đó, nhưng khi tham gia tranh luận học thuật thì cần phải dẹp những hiềm khích cá nhân. Phải thật khách quan, thẳng thắn và trung thực thì việc tranh luận, trao đổi học thuật mới thực sự có giá trị.

- Để thúc đẩy một nền văn học phát triển không thể thiếu công tác phê bình, tranh luận. Bàn về văn hóa tranh luận của ta hiện nay, theo chị có điều gì bất cập?

+ Vâng, bất cập lớn nhất hiện nay trong văn hóa tranh luận của chúng ta hiện nay mà tôi nhận thấy chính là việc tranh luận nhiều khi lại xuất phát từ những ân oán mang màu sắc cá nhân, ít tính học thuật. Và sau nhiều cuộc tranh luận các bên thậm chí ra ngoài đời trở nên hằn thù, không thèm nhìn mặt nhau. Rõ ràng nhiều người chưa tách bạch được những yêu ghét mang tính cá nhân với việc tranh luận mang tính học thuật. Ví dụ tôi với bạn có thể rất thân nhau nhưng hoàn toàn có thể những quan điểm học thuật của chúng ta về một vấn đề văn học nào đó rất mâu thuẫn nhau. Chẳng lẽ vì thế mà chúng ta thóa mạ và không thèm nhìn mặt nhau nữa hay sao? Điều đó quả thật rất đáng sợ và... nguy hiểm nữa (cười). Một số người dù miệng luôn nói rằng "kẻ chê ta là bạn ta" nhưng thực tế trong lòng họ lại không thể chấp nhận được điều đó. Tôi nghĩ có lẽ đây cũng chính là một lý do khiến cho công tác phê bình, tranh luận học thuật của chúng ta hiện nay tính chuyên nghiệp chưa cao.

- Xin cảm ơn nhà văn Phong Điệp

Vũ Quỳnh (thực hiện)
.
.