Về việc VTV2 phát sóng giờ phim 18+:

Cởi mở nhưng cần thận trọng

Thứ Hai, 24/11/2014, 08:00
Bỏ qua những ý kiến trái chiều của dư luận, VTV2 vẫn phát sóng bộ phim "Sex and the city" đúng dự kiến ban đầu (ngày 10/11) chứ không hoãn lại đến ngày 17/11 mới phát sóng. Các tập đầu của bộ phim cho thấy "nhà đài" đã biên tập, tự kiểm duyệt nội dung khá kỹ. Tuy nhiên, việc kiểm duyệt này cũng chưa khiến khán giả yên tâm khi vấn đề kiểm soát đối tượng khán giả dưới 18 tuổi chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Kiểm soát giờ phim 18+ trên thế giới: chặt chẽ và rõ ràng

Nếu giờ phim dành cho người lớn trên truyền hình Việt chưa có tiền lệ  thì ở các nước phát triển, nó đã có lịch sử hơn 100 năm từ khi nước Anh bắt đầu phân loại dán nhãn phim truyền hình vào năm 1912. Ở các quốc gia phát triển, việc dán nhãn phân loại đối tượng khán giả và phát sóng vào khung giờ nhất định không chỉ áp dụng cho phim truyền hình mà còn mở rộng cho những chương trình truyền hình khác.

Ca sĩ, diễn viên người Mỹ Kyo York cho biết: "Bên Mỹ, nội dung truyền hình được kiểm soát rất chặt và rõ ràng từ năm 1968. Các gia đình phải mua kênh và khi mua, họ phải xuất trình giấy tờ để chứng minh độ tuổi các thành viên trong gia đình. Theo đó, họ sẽ được tư vấn để chọn kênh phù hợp. Chương trình nào dành cho người lớn thì trước khi phát sóng, trên màn hình tivi sẽ có dòng cảnh báo bằng các ký hiệu, chẳng hạn TV-G (phù hợp với tất cả trẻ em), TV- PG (cần ba mẹ định hướng giúp trẻ), TV-14 (dành cho người trên 14 tuổi), R (dành cho khán giả trên 16 tuổi), NC-17 (khán giả trưởng thành)… và liệt kê lý do cấm như phim có cảnh bạo lực, tình dục, cảnh yêu đương mùi mẫn, hút thuốc, sử dụng ma túy … Trong suốt quá trình phát chương trình, dòng cảnh báo và lý do cấm vẫn được để nhỏ ở góc phải hoặc trái màn hình. Tùy theo kênh, các phim có nhiều giờ chiếu nhưng thông thường là sau 22 giờ". Theo đó, bộ phim truyền hình "Sex and the city" dán nhãn R.

Tương tự, tại Australia, khán giả muốn xem truyền hình 18+ cũng phải bỏ tiền mua. Nội dung truyền hình của Australia được phân làm 6 loại cơ bản: Loại G dành cho mọi lứa tuổi; PG dành cho mọi lứa tuổi nhưng trẻ dưới 15 tuổi xem phải có cha mẹ giám sát; loại M dành cho khán giả đã trưởng thành, trẻ dưới 15 tuổi không nên xem (có cảnh bạo lực, tình dục, lời thoại thô tục ở mức độ nhẹ, phát sóng từ 20h30 đến 5h sáng);  loại MA15+  dành cho khán giả 15 tuổi trở lên do chứa các nội dung bạo lực và phát sóng từ 21 giờ tới 5 giờ sáng; loại R18+ (gồm các cảnh bạo lực, tình dục, hút chích ma túy…) chỉ dành cho người lớn và chỉ có trên kênh truyền hình trả tiền.

Malaysia chia các chương trình truyền hình làm 3 loại: U dành cho mọi đối tượng phát sóng ở mọi khung giờ; P13 dành cho người từ 13 tuổi trở lên (khoảng sau 21h);  loại 18 (phát sóng sau 23h) dành cho khán giả từ 18 tuổi trở lên. Tương tự như ở Mỹ, trước khi chương trình phát sóng, phải có thông báo cụ thể nội dung phân loại cho khán giả.

Bỏ qua ý kiến trái chiều của dư luận, "Sex and the city" vẫn lên sóng giờ phim dành cho người lớn trên VTV2.

 Ban phân loại truyền thông Hàn Quốc (KMRB) chia phim truyền hình thành: All (dành cho mọi đối tượng), 12+, 15+, 18+, và 19+. Ngoài việc giới hạn giờ chiếu nghiêm ngặt trên các kênh truyền hình trả tiền, các biểu tượng cảnh báo sẽ xuất hiện liên tục trong thời gian phim phát sóng, thậm chí trong phút quảng cáo.

Ở Anh, với truyền hình miễn phí, các chương trình có phân loại đối tượng khán giả như chương trình dành cho khán giả 15 tuổi trở lên được chiếu sau 21 giờ đến 6 giờ sáng, phim 18+ mức độ nhẹ chỉ được chiếu sau 22h. Riêng truyền hình trả tiền, phim có chủ đề tình dục, bạo lực sẽ chiếu sau 22h và được kiểm soát gắt gao bằng cách nhập mật khẩu mới có thể xem. Riêng một số kênh mà phim 18+ phát sóng bất kỳ lúc nào, ngoài việc phải nhập mật khẩu, trả tiền thuê bao, người xem phải trả thêm tiền tùy vào mỗi phim xem trong mỗi khung giờ.

Bước khởi đầu thách thức của truyền hình Việt

Với việc phân loại chặt chẽ và quản lý gắt gao từ nhà cung cấp hoặc chính quyền như một số nước kể trên cho thấy hầu hết bộ phim trên truyền hình Việt không phù hợp với nhiều đối tượng khán giả, đặc biệt là trẻ em. Hàng loạt bộ phim về đề tài tình yêu, tâm lý, chiến tranh, bạo lực, giang hồ có cảnh ái ân, đâm chém (kể cả phim Việt) chiếu tự do trong mọi khung giờ chỉ phù hợp với người lớn.

Sự kiện VTV2 mở đầu khung giờ phim dành cho người lớn, dán nhãn phân loại khán giả đang được xem là bước "tiền trạm" cho việc dán nhãn phân loại nội dung phim truyền hình sẽ triển khai trong năm 2015. Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân đánh giá: "Đây là việc nên làm. Vì như thế nó sẽ rõ ràng với khán giả. Người ta sẽ biết được phim nào có nội dung không phù hợp với mình để chủ động chọn lựa và cân nhắc có nên cho trẻ em xem hay không. Việc VTV chiếu giờ phim dành cho người lớn cũng là việc bình thường, là xu thế tất yếu của thế giới mà các nước văn minh đã làm. Còn chuyện người ta lo ngại sẽ không kiểm soát được con cái mình vì có nhiều em thức rất khuya, dễ dàng xem được thì quả là vô ích. Bây giờ công nghệ thông tin phát triển, bọn trẻ tha hồ truy cập phim sex tục tĩu mọi lúc mọi nơi mà không ai định hướng. VTV2 là kênh giáo dục, khoa học. Nhà đài lại tính toán chiếu sau 23 giờ, dán nhãn cảnh báo, biên tập các cảnh nhạy cảm và sau bộ phim có cả phần bình luận định hướng hẳn hoi chứng tỏ họ đã có những bước chuẩn bị chu đáo, rất có trách nhiệm với giờ phim này. Phim chiếu trên đài truyền hình sẽ được Nhà nước giám sát, khán giả không nên quá lo lắng". 

Quả thực, nếu ai đã xem "Sex and the city" bản gốc và xem các tập "Sex and the city" trên VTV2, sẽ nhận thấy ê kip sản xuất không chỉ cắt bớt cảnh nóng (dù ở mức độ nhẹ) mà các câu thoại cũng dịch theo nghĩa nhẹ nhàng hơn bản gốc. Song càng về sau, việc biên tập sẽ càng nặng nề khi các cảnh nóng và lời thoại nhạy cảm, tục tĩu xuất hiện một cách dày đặc. Trước nghi ngại về việc cắt hết cảnh nóng sẽ ảnh hưởng đến nội dung bộ phim, nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân cho rằng, nếu cảnh nóng không cần thiết, hoặc quá tục tĩu, không phù hợp với văn hóa Việt thì có thể cắt.

Nhiều ý kiến đồng tình việc dán nhán phân loại phim truyền hình là mạnh dạn và  cần thiết. Người sáng tạo sẽ được tự do, thoải mái khai thác các bộ phim có cảnh nhạy cảm, truyền đạt sâu nội dung tư tưởng. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết: "Trước đây, đối tượng khán giả quá rộng, không phân loại khán giả nên nếu cảnh nào bị yêu cầu cắt thì phải cắt mới được chiếu. Nhưng bây giờ, nếu phim không thể cắt thì sẽ được dán nhãn cấm trẻ em".

Khi phim 18+ phục vụ đúng đối tượng khán giả đã phân loại, khán giả sẽ thấy những bộ phim đó có giá trị, đáng xem. "Sex and the city" dù  có nhiều cảnh nóng nhưng không đơn thuần là bộ phim về tình dục mà nó còn là câu chuyện về đời sống, quan niệm của những phụ nữ thành đạt về tình yêu, cuộc sống… Thêm nữa, talkshow "Chuyện ấy là chuyện nhỏ" sau bộ phim có thể xem là bước định hướng khán giả, góp phần giáo dục giới tính, đưa ra các chuẩn mực, kỹ năng sống trong tình yêu, hôn nhân… Tuy nhiên, "nhà đài" lại khiến dư luận bất an khi những bộ phim tiếp theo sau "Sex and the city" vẫn chưa được công bố. Liệu phim tiếp theo có đáp ứng được điều kiện rằng nó không chỉ khai thác chuyện tình dục và bạo lực mà còn hướng đến giá trị cao đẹp khác?

Dù ủng hộ giờ phim dành cho người lớn trên VTV2 nhưng nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân cũng không khỏi băn khoăn. Bởi với hiện trạng kiểm soát của nhà cung cấp thuê bao truyền hình và nhà đài ở Việt Nam còn bỏ ngỏ, nhất là khi truyền hình miễn phí vẫn chiếm tỉ lệ áp đảo thì giờ phim dành cho người lớn và việc dán nhãn phân loại người xem chẳng khác nào con dao hai lưỡi. Ông lo lắng: "Ở rạp phim, nhân viên bán vé sẽ là người kiểm soát thì ở phim truyền hình, trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào trách nhiệm của người lớn trong gia đình. Do đó việc dán nhãn, chia khung giờ chiếu cũng phải thận trọng, chọn lọc nội dung rất kỹ để phân loại. Và không phải cứ dán nhãn và chiếu khuya là để nguyên những cảnh không phù hợp với văn hóa Á Đông".  Nói như đạo diễn Đặng Nhật Minh: "Mỗi nước, nhất là các nước Châu Á có những phong tục, tâm lý riêng không thể đem áp dụng máy móc cách làm ở nước này vào nước khác được"

S.N.
.
.