Những người làm phim trẻ:

Có tình yêu sẽ có hy vọng

Thứ Hai, 21/12/2015, 08:00
Diễn ra cùng thời điểm với "Liên hoan phim Việt Nam" lần thứ 19, dẫu không có nhiều hoạt động hội hè và thu hút sự quan tâm nhiều của truyền thông nhưng chương trình "Gặp gỡ mùa thu" lần thứ 3 được tổ chức tại Đà Nẵng đã thực sự có ý nghĩa với những người trẻ say mê điện ảnh. 

Cùng với Liên hoan Phim "Búp sen vàng" của Trung tâm Hỗ trợ phát triển Tài năng Điện ảnh (TPD), "Liên hoan Phim ngắn sinh viên" lần thứ 5 - giải Ong vàng 2015 của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội được tổ chức định kỳ đã trở thành những hoạt động mang đến nhiều cơ hội mới cho những người làm phim trẻ. Tuy nhiên, những điều đó có lẽ vẫn chưa đủ...

1."Gặp gỡ mùa thu" là chương trình được thực hiện từ ý tưởng của bộ ba đạo diễn Phan Đăng Di, nhà sản xuất Phạm Thị Bích Ngọc và nhà biên kịch Nguyễn Mỹ Dung với mục tiêu hỗ trợ những người làm phim trẻ, độc lập. Giảng viên của chương trình là những tên tuổi đáng nể của điện ảnh Việt Nam và thế giới như đạo diễn Trần Anh Hùng, nhà quay phim Kim Hyung - koo, đạo diễn Kaim Tae Yong (đoạt nhiều giải thưởng tại các LHP quốc tế), nhà sản xuất Won Dong - yeon nổi tiếng với phim "Sắc đẹp ngàn cân"...

Ngoài ra, ngồi trên ghế phản biện các dự án là những gương mặt đến từ các nước có nền điện ảnh phát triển như Paolo Bertolin của LHP Venice (Italy), Benjamin Illos từ LHP Cannes (Pháp), Matthew Poon, Giám đốc Chợ dự án của LHP quốc tế Hồng Kông cùng những gương mặt nổi tiếng của điện ảnh Việt: đạo diễn Victor Vũ, diễn viên Kathy Uyên...

“Dành tặng ông Điều” - một bộ phim tài liệu ấn tượng tại giải “Búp sen vàng 2015”.

Đạo diễn Phan Đăng Di, Chủ tịch "Gặp gỡ mùa thu" chia sẻ, sở dĩ anh và những người bạn của mình quyết tâm thành lập chương trình bởi sự "giật mình" mỗi khi có cơ hội đi ra nước ngoài. Anh cho biết: "Giật mình vì nhận ra rằng nếu thiếu đi những cơ hội cho những người trẻ được học hỏi, được chia sẻ kinh nghiệm, được cạnh tranh với bạn bè cùng trang lứa trên khắp thế giới thì sẽ trở nên lạc lõng với dòng chảy của điện ảnh thế giới. Dù "Gặp gỡ mùa thu" mới đi những bước đầu chập chững nhưng chúng tôi quyết theo đuổi mục tiêu để trao cho các bạn trẻ cơ hội đó".

"Gặp gỡ mùa thu" không nhiều hoạt động rình rang mang tính lễ hội mà chú trọng các hoạt động chuyên môn như lớp học quay phim, đạo diễn và năm nay thêm lớp học sản xuất, chợ kịch bản phim. Bên cạnh đó là diễn đàn đi thẳng vào những vấn đề đang "nóng" của điện ảnh Việt. Chương trình có 5 giải thưởng: Giải thưởng lớn "Gặp gỡ mùa thu", giải "Lựa chọn của các nhà sản xuất", giải "Bộ phim của tương lai", giải "Lựa chọn của các ngôi sao" và giải "Tay máy vàng".

Sau ba lần tổ chức, chương trình đã giúp các bạn trẻ vững vàng hơn trong công việc của mình. Đặc biệt, đã kết nối được giữa những người làm phim trẻ Việt Nam với những cơ hội làm phim, quảng bá phim ở nước ngoài. Đơn cử như năm 2014, hai dự án giành giải nhất của "Góc phim nghệ thuật" và "Thế giới phim giải trí" tại Chợ kịch bản của Đỗ Quốc Trung và Trần Dũng Thanh Huy trở thành hai trong số 20 dự án được mời đến "Hội chợ dự án phim châu Á" tại LHP Busan 2015 ở Hàn Quốc để tìm kiếm những cơ hội hợp tác sản xuất. Dự án phim "Thằng Ròm" của Trần Dũng Thanh Huy còn tiếp tục nhận giải thưởng của lớp học làm phim Hà Nội mùa xuân 2015 để sau đó Thanh Huy tiếp tục có cơ hội đến Los Angeles (Mỹ) học làm phim.

Cùng với "Gặp gỡ mùa thu" đang được các nhà tổ chức cố gắng vượt qua khó khăn để trở thành sự kiện thường niên thì giải thưởng "Búp sen vàng" của TPD - cộng đồng phim độc lập lớn nhất Việt Nam - duy trì tổ chức định kỳ. Được biết, sau 13 năm hoạt động, năm nay cũng là năm các học viên sản xuất được nhiều phim nhất (hơn 125 bộ phim). Năm nay "Búp sen vàng" cũng đã chọn được 1 phim truyện, 10 phim tài liệu xuất sắc nhất từ 125 phim dự thi. Sau 5 mùa tổ chức, các bộ phim của các bạn trẻ TPD được những người chuyên nghiệp đánh giá tốt.

Theo ban giám khảo, chất lượng phim truyện có những tiến bộ rõ rệt về kỷ luật, phương thức truyền tải nội dung mới lạ, thể hiện sự tìm tòi. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên - người có nhiều công sức trong việc tổ chức, duy trì cho biết, anh rất vui khi nhìn thấy sự đoàn kết giữa các bạn trẻ. Không chỉ có vậy, các bạn cũng đã tự nghĩ cách kiếm tiền, tự tìm ra những giải pháp thông minh cho bộ phim. Sự tự thân vận động đó khiến các em trưởng thành rất nhanh.

Không chỉ có vậy, cuối năm 2014, một trại sáng tác phim đặc biệt được tổ chức bởi Cục Điện ảnh Việt Nam. Trại sáng tác đã thu hút nhiều nhà làm phim trẻ tài năng và những khách mời nổi tiếng trong vai trò giảng dạy. Lớp học biên kịch được đạo diễn Uli Gaulke đến từ điện ảnh Đức phụ trách. Hướng dẫn lớp học các tài năng trẻ đạo diễn là đạo diễn, nhà sản xuất biên kịch đến từ Ireland, Joe Lawlor.

Ngoài ra, lớp đạo diễn hình ảnh được hướng dẫn bởi nhà quay phim Hàn Quốc Cho Young - jik. Trước đó, cuộc thi phim ngắn về bảo vệ động vật hoang dã Wildfest diễn ra cuối tháng 6 - 2015 cũng thu hút sự tham gia của hàng trăm đạo diễn, nhà làm phim. Một sân chơi nữa cũng không kém phần sôi động là "Liên hoan phim ngắn sinh viên lần thứ 5" - giải Ong vàng 2015 của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội diễn ra đầu tháng 12. Liên hoan gồm 20 bộ phim ngắn của 3 thể loại là hoạt hình, tài liệu và phim truyện được chọn từ 100 tác phẩm của sinh viên

2. Rõ ràng, những hoạt động ấy đã cho thấy số lượng những người trẻ làm điện ảnh tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Điện ảnh thực sự đã trở thành lĩnh vực thu hút khá đông các bạn trẻ. Và thời gian qua, tại các LHP quốc tế, những tác phẩm của họ đã gặt hái được không ít thành công, tạo được sự chú ý nhất định với giới điện ảnh trong nước và thế giới.

Một trong những buổi tập huấn về thuyết trình của đạo diễn Trần Anh Hùng tại “Gặp gỡ mùa Thu”.

Tuy nhiên, với những bạn trẻ, với những người làm phim độc lập thì vấn đề kinh phí luôn là một chuyện không hề đơn giản. TPD của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên trước đây được sự hỗ trợ của quỹ Ford nhưng sau khi không còn sự hỗ trợ ấy nữa, TPD phải sử dụng số tiền còn lại của quỹ, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân, tăng nguồn thu từ việc tổ chức các lớp dạy làm phim.

Tại Việt Nam, các nhà làm phim trẻ thường chỉ có cơ hội xuất hiện ở những cuộc thi, những LHP nho nhỏ. Hoặc, họ thường theo một phương thức là dự án phim được tác giả hoặc nhà sản xuất gửi đến các LHP hay chợ dự án. Nếu dự án được chọn, ban tổ chức sẽ tìm và giới thiệu các nhà đầu tư hoặc quỹ hỗ trợ điện ảnh để đưa vào sản xuất.

Thường, sau khi hoàn thành, phim được đưa đi tham gia một số LHP quốc tế, sau đó mới phát hành trong nước. Tuy nhiên, cơ hội nhận được dự án như thế này không hề dễ dàng bởi mỗi lần có tới hàng trăm dự án từ nhiều quốc gia được gửi tới. Nếu dự án ấy được gửi từ tác giả hoặc nhà sản xuất ít nhiều tiếng tăm, uy tín hoặc từng nhận giải thưởng tại các LHP, khả năng sẽ được chú ý cao hơn. Những dự án được giải tại các LHP trẻ mới có cơ hội nhận được dự án làm phim, còn nếu không, chỉ dựa vào sự tự thân vận động là vô cùng khó khăn.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho rằng hiện nay, quỹ đầu tư phát triển điện ảnh của thế giới ngày càng bó hẹp do khủng hoảng kinh tế, chính vì thế nhà nước cần phải có quỹ dành cho điện ảnh. Để có thể xây dựng đội ngũ làm phim tương lai thì cần có sự quan tâm, đầu tư phù hợp.

Với những người trẻ, làm phim đã khó khăn nhưng việc quảng bá, phát hành phim cũng không hề đơn giản. Nếu không có được những dự án lớn, được tham gia các LHP quốc tế rồi sau đó có dịp phát hành trong nước thì cơ hội đến với khán giả của những bộ phim này rộng mở. Còn nếu không, những bộ phim được sản xuất ra, chủ yếu bạn bè, đồng nghiệp biết với nhau, hoặc chờ rất lâu sau mới được phát sóng trên... truyền hình. Tại các LHP tầm cỡ quốc gia, tài năng của những người trẻ chưa được chú ý đúng mức. Không hề có hạng mục giải thưởng riêng dành cho những tài năng trẻ trong lĩnh vực này. Chúng ta cứ lo rằng, điện ảnh chưa tìm được lớp người kế cận xứng đáng nhưng rõ ràng nếu cơ quan quản lý, những người có trách nhiệm không bắc những cây cầu phù hợp thì đường tới tương lai của những người làm phim trẻ sẽ còn chông gai.

Khánh Thảo
.
.