Có một giải thưởng mang tên Lênin ở thụy điển

Thứ Ba, 25/09/2018, 07:43
Thụy Điển, một nước có khoảng 10 triệu dân, nhưng có số giải thưởng văn học nhiều hơn ở nước Nga với số dân 140 triệu...


Ngoài giải Nobel văn học, còn có giải văn học của Viện hàn lâm Thụy Điển (được gọi là giải Nobel nhỏ trao cho các tác giả ở các nước Scandinavie); giải mang tên nữ văn sĩ Astrid Lindgren; giải mang tên nhà viết kịch  August Strindberg - giải thưởng chính dành cho các nhà văn Thụy Điển; giải "Chìa khóa thủy tinh" cho các tác giả văn học trinh thám. Và mới đây vừa xuất hiện "giải Nobel thay thế".

Ngoài ra, mỗi phương tiện truyền thông đại chúng có giải thưởng văn học riêng của mình. Thụy Điển còn có hai giải thưởng: Đó là giải thưởng Lênin và giải thưởng Robespierre  (mang tên một trong những nhà lãnh đạo của Cách mạng Pháp năm 1789). Chúng được trao cho các tác giả cấp tiến nhất, đối lập nhất và được tài trợ không phải bởi Viện hàn lâm Thụy Điển như các giải khác mà là bởi một nhà triệu phú có phần kỳ quặc: Lasse Diding.

Cũng như nhiều người cùng thế hệ, hồi trẻ Lasse Diding là phần tử cốt cán của phong trào ủng hộ Mao Trạch Đông ở các nước Scandinavie. Đến giữa những năm 1970, phong trào này bị dập tắt, các phần tử cốt cán trở lại cuộc sống đời thường. Lasse trở thành giáo viên dạy sử tại một trường phổ thông, và sau khi nhận được gia tài thừa kế của bố, ông bắt đầu quản lý các khách sạn tại Varberg, một thành phố bờ Tây Thụy Điển. Tuy nhiên, ngay cả khi đã là một doanh nhân thành đạt, ông vẫn không đoạn tuyệt hoàn toàn với quá khứ của mình.

Triệu phú Lasse Diding.

Một trong những khách sạn của ông ở Varberg có tên là "La Habana" dành cho Cuba. Một khách sạn khác gọi là khách sạn - thư viện: tập hợp hàng vạn cuốn sách và kho sách thường xuyên được bổ sung bởi cư dân thành phố và các vị khách của Diding. Bất cứ độc giả nào đến thăm thư viện cũng có thể lấy một cuốn sách làm kỷ niệm, còn nếu mua những cuốn khác thì chỉ phải trả 1 krona/cuốn. 

Khách sạn này có "Nhà tắm hơi Lênin" được trang trí bằng tượng bán thân các lãnh tụ Liên Xô. Nói chung, Lasse nổi tiếng là người có những hành vi kỳ quặc. Ví dụ, để phản đối "luật đặt tên", quy định những cái tên nào có thể đặt cho trẻ em, một thời gian dài Lasse từ chối đăng ký tên cho con trai. Khi đứa con lên 5 tuổi, hai vợ chồng ông ta bị phạt vì hành vi đó...

Một trong những dự án của Diding khiến dư luận xã hội bất bình là "góc Lênin" tại Hội chợ sách Goteborg. Ở đấy ông ta phát cho trẻ em những quả bóng bay và kẹo bông có hình đầu Lênin, tất cả được bố trí trên nền một bức tượng bán thân Lênin cao 2 mét. Ông nói rằng "góc Lênin" đối với ông là cơ hội đưa Lênin và chủ nghĩa cộng sản trở lại cuộc tranh luận xã hội. Trẻ em ăn kẹo bông và hỏi bố mẹ ông Lênin là ai, còn bố mẹ buộc phải trả lời chúng.

Lasse Diding cũng bỏ tiền thành lập Câu lạc bộ Jan Myrdal (lấy tên một nhà văn Thụy Điển nổi tiếng). Mục đích chính của câu lạc bộ là số hóa tất cả những cuốn sách, bài báo và phim của Myrdal, và tuyên truyền di sản văn học của ông. Myrdal "nổi tiếng" bởi cuốn sách của mình về Trung Quốc thời Mao Trạch Đông "Phóng sự từ một ngôi làng Trung Quốc" và ủng hộ chế độ Pol Pot. Bố mẹ ông ta là những chính khách nổi tiếng và đều đoạt giải Nobel, mẹ đoạt giải hòa bình, bố - giải kinh tế. Một số cuốn sách của ông ta viết theo thể loại shishôsetsu (tiểu thuyết tự thuật) của Nhật Bản về bố mẹ mình gây tai tiếng lớn ở Thụy Điển.

Nhân tiện xin nói, bản thân Myrdal cũng gây ra nhiều điều ong tiếng ve: ông ta có 4 đời vợ, lần cuối cùng, năm 80 tuổi, ông cưới một nữ dịch giả gần bằng nửa tuổi mình. Tuy nhiên, Myrdal không phải là nhân vật không được công nhận vì quá khứ cộng sản cấp tiến của mình  - dù sao ông cũng là một hiện tượng không thể chối cãi của nền văn học Thụy Điển, nhưng thái độ đối với ông không rõ ràng. Dù sao, sách của ông được bày bán khắp nơi, kể cả ở các phi trường và bến phà, nơi người ta bán những cuốn sách thời thượng nhất, điều này cũng nói lên danh tiếng lớn của nhà văn.

Năm 2009, Lasse Diding quyết định phục hồi ở Thụy Điển giải thưởng Lênin vốn đã chấm dứt tồn tại ở Liên Xô năm 1990. Tên gọi đầy đủ của giải thưởng là "Grand Prix Jan Myrdal - Giải thưởng Lênin", nó được trao cho các nhà văn, đạo diễn và các nghệ sĩ khác hoạt động trong lĩnh vực phê phán xã hội. Trong số những người đoạt giải có đạo diễn Thụy Điển Roy Anderson (tác giả bộ phim "Những bài hát từ tầng hai"), nữ văn sĩ Maj Sojwall, một nhà Mácxít không khoan nhượng, và diễn viên Sven Walter, đảng viên cộng sản và tác giả dự án sân khấu về lịch sử giai cấp công nhân...

Quỹ giải thưởng Lênin không lớn: 100.000 krona (gần 10.000 euro), còn người chiến thắng được một ban giám khảo lựa chọn dưới sự lãnh đạo của Diding. Lasse cam  đoan rằng ông không tác động tới việc lựa chọn người đoạt giải, nhưng vợ ông ta vừa cười vừa nói rằng chính ông là người tác động.

Jan Myrdal có tiếng nói quyết định đối với giải thưởng, thậm chí ông có thể phủ quyết sự lựa chọn của ban giám khảo. Ví dụ, năm 2016, Myrdal hủy bỏ việc trao giải cho nữ văn sĩ Asa Linderborg, phụ trách trang văn hóa của tờ báo lá cải Thụy Điển Aftenbladet. Theo Myrdal, ông không thể chấp nhận quyết định của ban giám khảo, vì nhiều năm liền Linderborg đã từ chối đăng các bài viết của ông trên báo của bà.

Năm 2010, Diding còn thành lập một giải thưởng nữa - mang tên Robespierre, với quỹ giải thưởng là 10.000 krona (1.000 euro). Nó dành cho các nhà văn trẻ sáng tác "trên tinh thần phê phán của Jan Myrdal". Người đoạt giải đầu tiên là nữ văn sĩ kiêm nhà báo Kajsa Ekis Ekman, bà là người đã đoạt hàng chục giải thưởng.

Cuốn sách của bà "Nạn mại dâm, mang thai hộ và con người phân thân" gây ra nhiều tranh cãi ở Thụy Điển về hiện tượng mang thai hộ đang phát triển mạnh trong các tầng lớp khá giả ở Thụy Điển. Giải thưởng cũng được trao cho nhà báo Thụy Điển Martin Shibby từng bị bắt ở Ethiopia vì nghi tham gia khủng bố, ông bị kết án 11 năm tù, nhưng chẳng bao lâu được ân xá. Nói chung, đọc tiểu sử nhiều người đoạt giải, có cảm giác như họ vừa bước ra từ các trang sách trinh thám.

Không phải tất cả những người đoạt giải đều vui mừng nhận giải thưởng Lênin và Robespierre, một số người từ chối vinh dự đó, ví dụ, Susanna Alakoski, tác giả cuốn tiểu thuyết đã được chuyển thành phim "Chuồng heo" về con gái của những kẻ nghiện rượu.

Nhà văn Thụy Điển nổi tiếng, tác giả tiểu thuyết lịch sử Jan Guillou không từ chối nhận giải thưởng, nhưng tại lễ trao giải, ông tỏ ra rất bực bội và đã cấm chụp ảnh ông. Guillou có lý do để bực bội: đã nhiều lần ông bị cáo buộc hợp tác với KGB mà theo ông, để thu thập thông tin về hoạt động của các cơ quan mật vụ Nga, năm 1973 ông phải ngồi tù 10 tháng vì tội làm gián điệp. Dù sao, theo kết quả thăm dò ý kiến hằng năm, Guillou được công nhận là một trong những người cộng sản có uy tín nhất ở Thụy Điển.

Ngoài các giải thưởng văn học, Diding còn tổ chức trong dinh cơ của mình một nhà nghỉ của nhà văn đầy đủ tiện nghi, nơi có thể sống và sáng tác. Được sử dụng dịch vụ này không chỉ các nhà văn đoạt giải Lênin và Robespierre mà còn bất kỳ tác giả nào chia sẻ quan điểm chính trị của Lasse.

Tìm hiểu danh sách những người đoạt giải của Diding là để hình dung về lực lượng đối lập văn hóa đứng ngoài xu hướng chính trị xã hội ở Thụy Điển. Tất nhiên, khái niệm "nhà ly khai Thụy Điển" nghe có vẻ kỳ cục, nó hoàn toàn không có gì chung với "nhà ly khai Xô viết". Thông thường, đó là những nhân vật cấp tiến cánh tả đối lập với những kẻ bảo thủ, cực hữu và đảng dân chủ - xã hội cầm quyền.

Họ không phải là những người "không ai thèm bắt tay", sách của họ vẫn được xuất bản, họ vẫn được tặng giải thưởng, nhưng lắm lúc có thể nghe những "lời khuyên chân thành" rằng không nên giao du và cộng tác với họ. Nếu bạn chơi với Asa Linderborg hay Lasse Diding, tất nhiên bạn không bị ghi vào sổ đen, nhưng bạn có thể bị đánh mất ảnh hưởng của mình.

Giải thưởng Lênin và giải thưởng Robespierre gây ra những cảm xúc khác nhau trong giới văn học Thụy Điển, từ phủ nhận đến hân hoan, từ ý kiến cho rằng chúng không đáng kể để bàn luận đến quan điểm cho rằng đó là một lát cắt nổi bật nhất của nền văn hóa Thụy Điển đương đại.

Bất luận thế nào, chúng cũng làm tăng thêm vẻ hấp dẫn đặc biệt của đời sống văn học Thụy Điển. Hơn nữa, khác với giải Nobel văn học bị hủy bỏ vì vụ bê bối tình dục và giải "Nobel thay thế" đáng ngờ, hai giải thưởng này tự chúng đã chịu bê bối và mâu thuẫn, vì vậy chúng không sợ bị mang thêm những tai tiếng mới.

Trần Hậu (Theo báo Nga)
.
.