Hợp tác làm phim với nước ngoài:

Cơ hội mới, thử thách mới

Thứ Hai, 20/04/2015, 08:00
"Tuổi thanh xuân", bộ phim truyền hình hợp tác đầu tiên giữa Đài Truyền hình Việt Nam và Tập đoàn truyền thông và giải trí CJ E&M (Hàn Quốc) lên sóng VTV3 vào tối thứ tư, thứ năm đã đi được 2/3 chặng đường. Nhiều ý kiến cho rằng, "Tuổi thanh xuân" chưa được như kỳ vọng, mang đậm "dấu ấn Hàn Quốc" trong khi bản sắc Việt lại khá mờ nhạt. "Tuổi thanh xuân" chỉ là một trong nhiều phim hợp tác cùng chung tình trạng.

Trăm hoa đua nở

"Tuổi thanh xuân" là bộ phim hợp tác mới nhất của Việt Nam và Hàn Quốc do đạo diễn Khải Anh (Việt Nam) và Myung Hyunwoo (Hàn Quốc) thực hiện đang lên sóng thời điểm hiện nay. Khai thác đề tài về giới trẻ, nội dung phim "Tuổi thanh xuân" nói về những người trẻ Việt Nam, Hàn Quốc trước ngưỡng cửa cuộc sống với khát vọng, ước mơ và dám thực hiện ước mơ của mình.

Sống với đam mê và khát vọng để cuối cùng họ nhận ra rằng, dù có đi đâu, thành công đến mức nào thì quê hương, đất nước luôn là nơi để trở về, là điểm dừng chân của sự bình yên, hạnh phúc.

Khi "Tuổi thanh xuân" chưa kết thúc, Công ty CJ E&M đã có kế hoạch phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam triển khai bộ phim về Hoàng tử Lý Long Tường, người sáng lập dòng họ Lý Hoa Sơn tại Hàn Quốc. Tập đoàn CJ E&M còn có ý định thành lập liên doanh sản xuất phim tại Việt Nam để mỗi năm có thể ra mắt 3 - 5 bộ phim mang phong cách Hàn Quốc.

Đài Truyền hình Việt Nam với Đài Truyền hình TBS Nhật Bản cũng từng hợp tác sản xuất phim "Người cộng sự". Nội dung bộ phim nói về sự giúp đỡ của bác sĩ Asaba Sakirato với nhà chí sĩ yêu nước Phan Bộ Châu. Hiện Công ty Agro Pictures của Nhật Bản cũng đã lên kế hoạch phối hợp với Công ty cổ phần Phim truyện 1 sản xuất bộ phim "Cuộc sống mới". "Cuộc sống mới" là bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học "Quãng đời cuối cùng ở Việt Nam" của nhà văn người nhật Komatsu Miyuki. Phim có sự tham gia của nữ diễn viên nổi tiếng người Nhật Keiko Matsuzaka và dàn diễn viên Việt Nam như NSƯT Trần Nhượng, NSƯT Trần Hạnh…

Một cảnh phim đậm chất Hàn Quốc trong "Tuổi thanh xuân" - bộ phim hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang lên sóng VTV3 vào thứ tư, thứ năm hằng tuần.

Một số dự án phim hợp tác với Thái Lan dự kiến ra mắt trong năm 2015 đang được khán giả mong đợi. Đầu tiên là phim "Oan hồn" (đạo diễn Troy Lê, người Việt gốc Thái).  Tiếp theo đó, một dự án phim khác do Troy Lê ấp ủ cũng sẽ được khởi quay trong năm nay. Bên cạnh đó, một số nhà làm phim Trung Quốc cũng đang muốn hướng đến thị trường phim Việt Nam để cùng hợp tác sản xuất. Dự án phim "Tình xuyên biên giới" (hợp tác giữa Công ty Nghiệp Thắng - Việt Nam với Công ty Seoul - Quảng Tây, Trung Quốc) dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 8/2015.

Không chỉ hợp tác làm phim với các quốc gia châu Á, các nhà làm phim Việt còn hướng đến hợp tác với các quốc gia châu Âu. Đầu năm 2014, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cũng đã hợp tác với một Đài Truyền hình Canada thực hiện bộ phim nhằm quảng bá du lịch Việt Nam mang tên "Chào Việt Nam". Trước đó, Saigontourist cũng đã hợp tác với truyền hình Australia để làm phim quảng bá du lịch Việt.

Một dự án rất đáng chú ý trong năm nay là "I am wanted" của nhà sản xuất, nữ diễn viên "Hương Ga" - Trương Ngọc Ánh với sự tham gia của nữ đạo diễn Thụy Điển Beata Gardeler sẽ được bấm máy vào tháng 11/2015.

Theo hé lộ của nhà sản xuất, kinh phí đầu tư cho "I am wanted" thuộc hàng "khủng", lên đến 85 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một dự án hợp tác với điện ảnh châu Âu mang tên "Mặt trời đỏ" nói về người lính Pháp trong cuộc chiến tại Việt Nam cũng sẽ được thực hiện.

Thêm nhiều cơ hội mới

Trong xu thế hội nhập, việc hợp tác làm phim là một xu thế tất yếu, nhất là với một quốc gia có nền công nghiệp sản xuất phim chưa thực sự phát triển như Việt Nam hiện nay. NSND Đặng Nhật Minh từng chia sẻ rằng: "Chúng ta không thể mãi khép kín, nhất là khi ngành điện ảnh của chúng ta quá non trẻ".

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim - Đài Truyền hình Việt Nam cũng thẳng thắn nhận định, hợp tác làm phim với nước ngoài là hướng đi cần thiết. Thông qua việc hợp tác nhằm nâng cao chất lượng phim truyền hình Việt, hướng tới xuất khẩu phim truyền hình Việt Nam ra thế giới. Có thể nói rằng, hợp tác làm phim với nước ngoài góp phần mang đến làn gió mới, không khí mới, sắc màu mới cho phim Việt.

Thông qua hợp tác làm phim, Việt Nam có thể học hỏi được công nghệ làm phim tiên tiến của các quốc gia trên thế giới trong tất cả các lĩnh vực sản xuất phim từ kịch bản, đạo diễn, quay phim, xử lý hậu trường, quảng bá phim, ý tưởng và cách làm phim, sự sáng tạo, tính chuyên nghiệp trong quá trình sản xuất phim… Bên cạnh đó, hợp tác làm phim với nước ngoài cũng là cách để chúng ta quảng bá về con người, lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Một ưu thế rất lớn từ phim hợp tác, đó là sự xuất hiện của "dàn" diễn viên đình đám nước ngoài. Với dòng phim "thần tượng", hướng đến khán giả trẻ thì đây sẽ là lợi thế rất lớn. Một trong những nguyên nhân khiến "Tuổi thanh xuân" thu hút khán giả là quy tụ được dàn diễn viên "hot boy", "hot girl" của cả hai quốc gia. Đó là Nhã Phương (vai Thùy Linh), Hồng Đăng (vai Khánh), Việt Anh (vai Hưng) và đặc biệt là ca sĩ Kang Taeoh (vai Junsu) của nhóm nhạc Hàn Quốc Surprise đình đám.

Không ít fan "cuồng" K-Pop đã chăm chú theo dõi "Tuổi thanh xuân" chỉ vì chàng ca sĩ điển trai Kang Taeoh. Sức hút của Kang Taeoh là một trong những nhân tố làm tăng độ "nóng" của "Tuổi thanh xuân". Tương tự như vậy, bộ phim "Oan hồn" của đạo diễn Troy Lê hứa hẹn sẽ hút khán giả khi có được hai gương mặt diễn viên nổi tiếng của đất nước chùa Tháp là Pumwaree Yodkamol và Saichia Wongwirot. Bên cạnh đó, dàn diễn viên Việt Nam tham gia phim này cũng là những diễn viên đang được giới trẻ mến mộ như Lily Luta, Song Ngư, Ngô Kiến Huy, Huỳnh Anh…

Phim "Tình xuyên biên giới" cũng sẽ có sự góp mặt của tài nữ nổi danh màn ảnh Hoa Ngữ Mã Đức Chung cùng với diễn viên Khánh My của Việt Nam. Phim "Cuộc sống mới" sẽ có sự tham gia của nữ diễn viên nổi tiếng người Nhật Keiko Matsuzaka.

Một cảnh trong phim "Người cộng sự", phim hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản ra mắt năm 2013.

Thách thức trong việc khẳng định bản sắc văn hóa Việt

Xem những bộ phim hợp tác ra đời trong thời gian gần đây, chúng tôi thấy rằng, thách thức lớn nhất của các nhà làm phim chính là làm thế nào để hình ảnh diễn viên Việt không bị "lép vế" so với đối tác. "Tuổi thanh xuân" là một ví dụ. Xem phim, thấy khá rõ sự chênh lệch diễn xuất của diễn viên Việt Nam và Hàn Quốc, nhất là trong những tập đầu tiên.

Trong khi diễn viên Kang Tae-oh vào vai chàng trai Junsu rất "ngọt", đầy đam mê với âm nhạc, diễn xuất tự nhiên, cảm xúc thì vai diễn của Nhã Phương nhiều chỗ bị "cường điệu" quá mức cần thiết. "Tuổi thanh xuân" mang đậm dấu ấn Hàn Quốc và sự hợp tác của Việt Nam mới dừng lại ở mức giống như nhân vật Linh là một fan "cuồng" K-Pop điển hình trong giới trẻ Việt.

Motip "hoàng tử - lọ lem", tình yêu "nhiều nhánh", sự cách trở trong tình yêu, hiểu lầm, chia tay nhưng trong lòng vẫn luôn hướng về tình cũ… rất phổ biến trong phim Hàn. Những cảnh quay lãng mạn, cách thoại, cách biểu lộ cảm xúc của nhân vật rất Hàn Quốc. Những nhà sản xuất của "Tuổi thanh xuân" từng chia sẻ, muốn đem đến những nét đẹp cảnh vật, thiên nhiên, văn hóa và con người hai đất nước qua bộ phim nhưng những gì lên sóng lại cho thấy điều hoàn toàn khác.

Văn hóa, con người Hàn Quốc được phản ánh khá đậm nét nhưng văn hóa Việt thì lại mờ nhạt. Bộ phim "Người cộng sự" ra mắt trước đó cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhiều ý kiến cho rằng, hình tượng Phan Bội Châu được xây dựng còn mờ nhạt, nhiều tình tiết phim không hợp lý, trong khi đó, tuyến nhân vật và câu chuyện về phía Nhật Bản lại được xây dựng rất "chỉn chu", tạo được ấn tượng sâu sắc với người xem.

Theo đánh giá chung của những người làm nghề thì hiện nay, chưa có phim hợp tác nào thực sự tạo dấu ấn đậm nét, có phim còn khiến khán giả thất vọng. Điều cần thiết nhất là phải làm sao tạo được "dấu ấn Việt" qua mỗi bộ phim. Tuy nhiên, việc làm này cũng hết sức khó khăn khi chúng ta chưa có được sự "tương quan" lực lượng, trình độ, công nghệ cần thiết.

Chúng ta cần có thời gian, vì vậy, không nên quá kỳ vọng vào những dự án hợp tác trước mắt. Hãy coi đó là cơ hội để được cọ xát, học hỏi kinh nghiệm và tự hoàn thiện mình. Tuy nhiên, khi hợp tác sản xuất làm phim cần phải đặt câu hỏi: nhằm mục tiêu gì, mục tiêu trước mắt hay dài hạn. Việt Nam không phải chủ yếu làm "dịch vụ" cho nước ngoài mà phải qua hợp tác để thúc đẩy nền sản xuất phim Việt phát triển.

Phạm Thiên Giang
.
.