Có gương thì phải biết soi

Thứ Sáu, 14/10/2016, 14:50
Mấy ngày nay, có một thông tin tích cực được chia sẻ rất nhiều trên không gian mạng. Đó là hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thị sát tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm ở thành phố Hồ Chí Minh, một chuyến đi bất ngờ, không ồn ào nhưng gây được tiếng vang rất lớn...


Và trong hành trình nhanh chóng nhưng cũng rất sát sao ấy của Thủ tướng, có một câu chuyện nhỏ đủ để chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều. Đó là khi ghé vào một cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp ở Vĩnh Lộc A, Thủ tướng đã thị sát bếp ăn, hỏi han về nguồn gốc thực phẩm sử dụng và thậm chí, kiểm tra hợp đồng mua bán thực phẩm.

Ông nói: "Hợp đồng như vậy là đúng rồi. Nhưng mình phải xuống tận nơi để kiểm tra đấy, không được để chất lượng chỉ được kiểm soát trên giấy".

Hành động kiểm tra hợp đồng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không phải vì ông không tin lời nói của chủ cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp kia, khi được hỏi về nguồn gốc thực phẩm đầu vào. Nếu Thủ tướng không tin, trước khi xem giấy tờ, hóa đơn, hợp đồng, ông đã không ăn thử mẻ cơm mới nấu, để xem chất lượng gạo như thế nào.

Cơ bản ông làm vậy, và ông nói "mình phải xuống tận nơi để kiểm tra đấy" là để hướng tới những "người nghe cụ thể". Người nghe cụ thể đó không phải là những nhà báo đi tháp tùng, càng không phải chủ cơ sở sản xuất nọ, mà là những cán bộ quản lý nhà nước của thành phố Hồ Chí Minh đi tháp tùng Thủ tướng. Ông làm mẫu cho họ, ông nhắc nhở họ về một cách làm việc sâu sát, chi tiết và định kỳ, ở đúng lĩnh vực mà nhân dân quan tâm nhất hiện nay: Vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thị sát tình hình an toàn thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh.

Phải thừa nhận, việc Thủ tướng đi thị sát như hôm chủ nhật vừa rồi, hoặc như hôm ông ghé thăm chợ đầu mối ở Hà Nội đã tạo dựng lòng tin rất lớn trong dân chúng về một Chính phủ nghiêm khắc tuyên chiến với vấn nạn thực phẩm bẩn.

Vượt lên trên hết, đó là dấu hiệu của một Chính phủ lắng nghe nguyện vọng của người dân, quan tâm đến âu lo của người dân và thực sự muốn hành động để những âu lo ấy không còn nữa. Nhưng Thủ tướng Chính phủ không thể cứ cầm tay chỉ việc mãi như thế được. Ông chỉ đặt ra một hình mẫu để làm việc, như ông đã nói rằng "phải xuống tận nơi".

Nhiệm vụ còn lại là của những cán bộ chuyên môn thuộc đúng ngành quản lý ấy ở cơ quan công quyền nhà nước. Họ phải xuống tận nơi, phải kiểm tra định kỳ, kiểm tra bất thường, kiểm tra một cách nghiêm túc và khắt khe nhất, để người dân lúc đó thực sự được đón kết quả chung cuộc của những tin vui: Một môi trường thực phẩm tin cậy thực sự.

Chúng ta hãy thử đặt ra một thước đo, trong khoảng thời gian từ ngày hôm nay cho tới sáu tháng sau, để kiểm đếm xem ở địa bàn thành phố Hồ Chí Minh sẽ có bao nhiêu lần các cán bộ nhà nước phụ trách vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tiến hành những cuộc kiểm tra nghiêm túc, đúng như Thủ tướng yêu cầu, tức là kiểm tra bằng những công cụ khoa học, kiểm tra bằng cả công cụ pháp lý (soát xét các hợp đồng cung cấp, hoá đơn nhập thực phẩm).

Nếu cường độ kiểm tra lớn, mật độ kiểm tra dày, mức độ kiểm tra trên diện rộng và phương pháp kiểm tra có khoa học, có chất lượng, điều đó có nghĩa rằng hình mẫu hành động mà Thủ tướng đặt ra đã được công chức áp dụng hiệu quả.

Ngược lại, nếu hình mẫu hành động đó không được áp dụng một cách nghiêm túc, khi đó sẽ cần phải có những kiến nghị đề nghị xử lý chính những cán bộ cấp thấp nhất, những người quan liêu, thậm chí có thể có cả hiện tượng trục lợi để bỏ qua nhiệm vụ mình cần thực hiện.

Nên nhớ, cách đây chưa lâu, chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng thổ lộ rằng: "Người ta nói với tôi rất nhiều lần rằng, anh nói rất đúng, nhưng hệ thống của anh có chuyển không, có thực sự phục vụ nhân dân tốt hơn không? Hay là ở dưới một bộ phận cán bộ, công chức vẫn cứ nhũng nhiễu. Nếu chỉ hô ở trên, rồi đến cấp tỉnh, còn lại ở dưới không chuyển thì không được". Đúng, nếu cấp dưới mà không chuyển thì không được.

Ở giai đoạn xã hội đang vận động với tốc độ rất mạnh mẽ này, trong tương lai, chúng ta chắc chắn sẽ còn được chứng kiến rất nhiều lần đi thị sát bất chợt của các quan chức cấp cao của Đảng Nhà nước, Chính phủ. Đó thực sự là những hình mẫu hành động hướng dẫn cách làm việc gần dân và vì dân mà chính những công chức cần phải làm theo, để có thể tự nhận về mình bốn chữ "công chức mẫn cán".

Và đã đến lúc, chính báo chí, mạng xã hội, dư luận cũng phải lên tiếng đòi hỏi các công chức ấy chuyển mình. Đó là vì quyền lợi của chính chúng ta, mỗi người dân. Không có lý nào, khi Chính phủ chuyển mình, những cán bộ cấp dưới, những người lẽ ra phải sâu sát với đời sống nhân dân nhất, lại thu mình vào cái kén của biếng lười, quan liêu và vô trách nhiệm.

Hà Quang Minh
.
.