"Cố đấm ăn xôi"... với hoa hậu

Thứ Ba, 11/08/2015, 08:00
Sau nhiều năm nở rộ các sân chơi nhan sắc từ cấp khu phố đến cấp trung ương, vài cuộc thi danh giá trên thế giới được mua bản quyền để thực hiện tại Việt Nam. Một trong những trường hợp tiêu biểu là Hoa hậu Hoàn vũ.

Năm 2008, công ty Hoàn Vũ được thành lập để đăng cai Hoa hậu Hoàn Vũ. Kết quả, thua lỗ hơn 178 tỷ đồng và nợ một số đối tác hơn 122 tỷ. Hệ lụy nặng nề  ấy, buộc công ty Hoàn Vũ phải hai lần nộp đơn xin phá sản.

Tuy nhiên, khi khai tử công ty Hoàn Vũ đăng ký thành lập ở Nha Trang, thì công ty Hoàn Vũ đăng ký thành lập ở Sài Gòn lại tiếp tục được cấp giấy phép tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2015 sẽ diễn ra vào tháng 9 và tháng 10 sắp tới. Và dĩ nhiên, vị đại diện pháp luật của cả hai công ty Hoàn Vũ nói trên đều do một người đứng tên.

Công ty Hoàn Vũ Sài Gòn dựa theo quyết định số 883/QĐ của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch cam kết chi 30 tỉ đồng để tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ 2015. Theo Công ty Hoàn Vũ thì đây là lần đầu tiên, một cuộc thi nhan sắc tại Việt Nam được tổ chức kiểm toán quốc tế có uy tín nhất (Công ty KPMG) theo dõi, giám sát quy trình chấm thi để đảm bảo không xảy ra sai sót trong quá trình tổng hợp điểm cũng như tính chính xác của kết quả thi.

Người đẹp Dương Trương Thiên Lý vốn là Á hậu cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2008, bây giờ là phu nhân của Tổng giám đốc Công ty Hoàn Vũ, được giữ vai trò điều hành cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2015, phát biểu với truyền thông: "Chúng tôi muốn tạo một sân chơi sắc đẹp cạnh tranh công bằng cho tất cả thí sinh, tạo cơ hội để các thiếu nữ phát triển bản thân theo hướng chuyên nghiệp. Qua cuộc thi, chúng tôi muốn nâng tầm sắc đẹp Việt ngang với các cường quốc nhan sắc trong khu vực và thế giới". Sự lạc quan ấy, xem ra không hề dễ hiểu!

Một cuộc thi mang tính toàn quốc nhất định phải có trình tự và thời gian tổ chức thật hợp lý, hợp tình. Không thể cứ muốn thì đăng cai, không muốn thì xếp xó một danh hiệu. Nếu đơn vị giữ bản quyền không đủ năng lực và điều kiện để đảm bảo tiến độ cuộc thi, thì nên bàn giao lại cho đơn vị khác. Dù bất cứ doanh nghiệp nào, khi tham gia vào một hoạt động văn hóa, thì không còn là chuyện nội bộ của họ nữa. Một cuộc thi có tên gọi hoành tráng như Hoa hậu Hoàn Vũ mà nay thế nọ mốt thế kia, thì tạo ra ảnh hưởng không tốt cho đời sống tinh thần của cộng đồng.

Nước ta từng có Hoa hậu Thế giới Người Việt tổ chức được hai lần với hai gương mặt đăng quang là Ngô Phương Lan và Diễm Hương, rồi ngưng hẳn. Bây giờ lại có thêm Hoa hậu Hoàn Vũ sau 7 năm im hơi lặng tiếng vì thua lỗ, lại tiếp tục chiêu mộ các chân dài ứng thí. Nghe thật kỳ khôi, nhan sắc đăng quang vị trí cao nhất của cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2008 là Thùy Lâm đã yên bề gia thất từ lâu, bỗng nhiên được mời đến với tư cách… đương kim Hoa hậu, để trao vương miện cho người kế nhiệm!

Thi Hoa hậu dù là một lĩnh vực hứa hẹn nhiều lợi nhuận, nhưng không hề đơn giản đối với những người nghiệp dư. Cứ cậy có chút tiền, nhắm mắt nhảy ra tổ chức thi hoa hậu, thì rước lấy nợ nần ngay lập tức. Cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ 2008 chính là một bài học đắt giá.

Thi Hoa hậu nhằm tôn vinh cái đẹp. Nếu thi Hoa hậu đồng nghĩa với phi vụ kinh doanh mạo hiểm, thì rất nên đắn đo! Đừng cố đấm ăn xôi với Hoa hậu!
Tuy Hòa
.
.