Tản văn

Chuyện thần Zeus và nàng Leda hay sự ngộ nhận văn hóa

Thứ Năm, 04/09/2014, 08:01
Zeus - chúa tể muôn loài là vị thần mang biểu trưng sức mạnh nam tính, vị thần rất phong lưu trong chuyện tình ái. Có lần thần hóa thành cơn mưa vàng để tình tự cùng mỹ nhân, lần hóa thành người trần để quyến rũ thiếu nữ và lần này nàng Leda xinh đẹp bội phần không lọt qua được con mắt của Zues tối linh...

1.Đầu tháng 8/2014, có người bỗng phát hiện ra rằng trong cuốn "Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú" của NXB Văn hóa - Thông tin có hẳn hơn một trang miêu tả khá chi tiết cảnh mơn trớn của hai nhân vật: Một con chim và một thiếu nữ. Ngôn ngữ của đoạn miêu tả khá gợi dục, không phù hợp với một cuốn truyện dành cho thiếu nhi. Hàng ngàn ý kiến trên mạng đã nhanh chóng vớ lấy thông tin này để chỉ trích sự tắc trách, gán cho NXB tội phát hành truyện sex trá hình đầu độc trẻ thơ. Không ít ý kiến phản hồi, quy chụp quá gay gắt đã khiến cả người trong cuộc lẫn độc giả hết sức hoang mang, lo lắng.

Câu chuyện đột ngột rẽ sang một hướng mới khi một số độc giả tò mò và hiếu kỳ sau đó đã phát hiện ra rằng truyện có đoạn "gợi dục" được in trong cuốn sách thực ra là một phần của thần thoại Hy Lạp. Hơn thế nữa, đó là một câu chuyện nổi tiếng mang tên "Chuyện tình giữa Zeus và nàng Leda".

Bình tĩnh lại sau cú hố hàng của cung cách phê bình hấp tấp, nông cạn, nặng tính a dua của thời @, người ta nhận ra rằng, đã có những lỗ hổng ngộ nhận văn hóa rất lớn mà nguyên nhân sâu xa là sự khác biệt cơ bản trong quan niệm đạo đức - thẩm mỹ giữa hai nền văn hóa Đông - Tây.

Ảnh chụp trang 18-19 của cuốn "Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú".

Zeus - chúa tể muôn loài là vị thần mang biểu trưng sức mạnh nam tính, vị thần rất phong lưu trong chuyện tình ái. Có lần thần hóa thành cơn mưa vàng để tình tự cùng mỹ nhân, lần hóa thành người trần để quyến rũ thiếu nữ và lần này nàng Leda xinh đẹp bội phần không lọt qua được con mắt của Zues tối linh.

Chuyện kể rằng: say mê sắc đẹp của nàng Leda - vợ của  Tyndareus, nhà vua của thành bang Spatar - vị chúa tể của đỉnh Olympus hóa thành thiên nga để quyến rũ rồi tình tứ với nàng. Leda vì vậy sinh hạ hai quả trứng, nở ra hai cặp song sinh. Một trong bốn người con giữa thiên nga (thực ra là Zeus hóa thân) là nàng Helen tuyệt mỹ, cội nguồn của cuộc chiến tranh Hy Lạp - Troia.

Câu chuyện tình Zeus và Leda gợi cảm hứng sáng tác cho rất nhiều danh họa, nhạc sĩ, nhà điêu khắc. Đó là một phần của Văn hóa thời kỳ Phục Hưng đưa châu Âu thoát khỏi đêm trường trung cổ; đó là nguồn cảm hứng bất tận của hội họa, âm nhạc, thơ văn, điêu khắc phương Tây; đó là một phần của những xúc cảm mỹ thuật.

Điều gì đã giúp trò tình ái giữa nàng Leda và con chim thiên nga lại có thể gợi lên những xúc cảm mỹ thuật lớn lao đến như vậy? Phải chăng là góc tối của ẩn ức vô thức đã được khai thông? Và đó là mạch nguồn cho cảm hứng sáng tạo khi chính người nghệ sĩ đã giải phóng năng ý tính dục của mình?

Đó là thăng hoa, là sáng tạo! Là ẩn ức vô thức của người nghệ sĩ khắc họa nên mỗi tác phẩm.

Tuy nhiên với truyền thống văn hóa của người Việt Nam thì khác hẳn. Suốt một thời gian dài chúng ta lảng tránh các đề tài về tính dục, chúng ta ngại ngùng, e thẹn và thậm chí còn cảm thấy xấu xa khi nói về điều này. Trong các câu chuyện cổ tích, thần thoại của Việt Nam tuyệt nhiên không thấy yếu tố của tính dục, tình dục. Từ Lạc Long Quân gặp nàng Âu Cơ sinh thành trăm trứng, truyện Sơn Tinh - Thủy Tinh, Chử Đồng Tử gặp nàng Tiên Dung khi trốn vùi trong cát… tất cả những nhân vật đó đều đẹp và trong trắng như trẻ thơ. Kết quả của việc sinh thành, xuất hiện những nhân vật huyền thoại, truyền thuyết là người mẹ, nếu không được thần linh báo mộng thì cũng chỉ là trót đạp lên dấu chân của các thánh thần. Cảm thức đạo đức gạt yếu tố lý trí sang một bên, tuyệt nhiên không có một sự đụng chạm, giao tiếp nam nữ nào trong nguồn gốc sinh thành.

2. Câu chuyện người lớn (đúng hơn đó là thứ người lớn đồi trụy trong con mắt người Việt Nam) in trong cuốn sách: "Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú" được bắt đầu từ một facebooker nữ tại Hải Phòng, được post lên trang cá nhân như một sự phát hiện cá nhân. Sự việc trở nên rầm rĩ sau khi những bức hình chụp lại trang 18 của cuốn sách được đăng tải trên một số trang mạng.

"Nàng nằm xuống thảm cỏ để mặc cho con chim tha hồ cọ sát vào người. Nàng không còn đủ sức để chống đỡ lại, cái cổ của con chim cọ mãi vào ngực nàng, cả cơ thể nó cứ cọ mãi vào thắt lưng nàng... Má nàng đỏ rực như người uống rượu, tim nàng đập rộn lên, mắt nàng nhắm lại không ra thức cũng không ra ngủ, lòng nàng bối rối bất định…" - Đây là một phần trích đoạn gây tranh cãi trong cuốn sách "Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú".

Người Việt Nam, ai cũng vậy thôi, khi chỉ đọc một đoạn trong truyện với nội dung, ngôn ngữ như vậy đều sẽ tá hỏa cả lên, bởi cổ tích vốn là dành cho trẻ em mà trẻ em thì không nên nghe, đọc những câu truyện như kiểu cuộc tình giữa Leda và chim thiên nga.

Cảm quan quá mạnh làm hạn chế đi sức tư duy và sự lắng đọng cần thiết khi nhìn vào một sự vật hiện tượng. Báo giới ngay lập tức vào cuộc. Nhiều người giãy nảy lên rằng: Thật xấu xa, thật mất mặt, thật là ảnh hưởng đến tương lai con em chúng ta… vân vân và vân vân.

Hoảng sợ, ông Giám đốc NXB đã phải vội vã lên tiếng phủi trách nhiệm, tuyên bố rằng cuốn sách nói trên là sách in… lậu, nghĩa là NXB Văn hóa - Thông tin không chịu trách nhiệm về vụ việc. Những nhà báo chiến đấu để bảo vệ quyền lợi của trẻ em cũng đã đưa ra các cách giựt title sao cho hấp dẫn nhất, gây kích ứng người đọc cao nhất.

Thế nhưng, câu chuyện thật ra không phức tạp và to tát gì. Chỉ cần liếc sang gần cuối trang 19, người ta đã thấy ngay xuất xứ không hề đồi trụy của tác phẩm được ghi chú rất rõ ràng "Truyện này đã được ghi chép trong Iliát của Hôme". Vấn đề đáng tiếc là lẽ ra NXB và những người chịu trách nhiệm phải biên tập cẩn thận để không đưa những nội dung nhạy cảm vào cuốn sách dành cho thiếu nhi. Và đặt bút biên tập sách cho tuổi này cần hết sức thận trọng trước các yếu tố văn hóa khác biệt.

Thêm một lần hiểu để ứng xử với văn hóa. Đừng kết luận quá vội vàng và đừng để cảm tính dẫn lối chúng ta đi

Phan Sông Hàn
.
.