Chuyện tên đường và phản biện xã hội

Thứ Sáu, 13/12/2019, 17:29
Trong suốt một tuần qua, dư luận ồn ào xoay quanh câu chuyện có nên lấy tên hai vị giáo sỹ có công với chữ quốc ngữ là Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes để đặt tên 2 đường ở Đà Nẵng hay không?


Và từ những tranh cãi qua lại đó, cùng với các hiện tượng ăn theo để tăng lượt tương tác trên các trang cá nhân, chúng ta nên có một cái nhìn thực sự nghiêm túc về thực trạng của phản biện xã hội ngày hôm nay.

Đầu tiên, chúng ta cần phải kể đến “thỉnh nguyện thư” của 11 trí thức gửi chính quyền thành phố Đà Nẵng yêu cầu không sử dụng tên hai giáo sỹ Tây phương kia để làm tên đường. Thỉnh nguyện thư kia có thể được coi là một phản biện xã hội rất cần chính quyền lắng nghe. Nhưng lắng nghe không có nghĩa là chấp thuận ngay lập tức khi chưa có những phân tích rạch ròi hoặc hơn nữa là lắng nghe thêm một chiều phản biện đối trọng.

Đường Alexandre De Rhodes tại TP.HCM. Ảnh: Tuổi trẻ

Việc chính quyền Đà Nẵng rút lại quyết định đặt tên đường mới chính là xúc tác gây ra tranh luận rộng mở trên các diễn đàn. Có thể nói, quyết định rút lại việc đặt tên đường của chính quyền Đà Nẵng là khá vội vàng, với xu hướng có vẻ như lựa chọn sự an toàn trước một làn sóng phản biện mới phát sinh.

Kể từ khi có mạng xã hội, quyền lên tiếng của công chúng được mở rộng hơn rất nhiều. Mỗi khi có một quyết sách mới nào được đưa ra, lập tức sẽ có những ý kiến phản biện nảy sinh. Không phải phản biện nào cũng chuẩn xác và có tính tham khảo khoa học.

Đối diện với các phản biện xã hội rất cần lòng dũng cảm. Chiều lòng công luận không hẳn đã là một lựa chọn chuẩn xác và an toàn. Công luận có thể đại diện cho số đông nhưng không phải tất cả mọi lúc công luận cũng là số đông. Hơn thế nữa, có những lĩnh vực công luận không thể nào là ý kiến chuẩn mực, đặc biệt là các lĩnh vực cần sự tham gia của các chuyên gia, những nhà nghiên cứu, những nhà khoa học.

Rất nhiều phản biện xã hội của công luận chủ yếu chỉ dựa trên cảm xúc không hơn không kém. Chiều theo cảm xúc ấy có thể đảm bảo tính dân chủ bề ngoài nhưng nó lại kìm hãm sự phát triển thực sự. Bởi vậy, những người hoạch định chính sách không chỉ cần trình độ chuyên môn sâu sắc mà còn rất cần lòng dũng cảm cộng với khả năng biện luận để chứng minh quyết sách của mình là đúng đắn theo góc nhìn khoa học.

Sau khi chính quyền Đà Nẵng rút lại quyết định và trên mạng lan truyền bức thỉnh nguyện thư có chữ ký của những trí thức phản biện kia, lập tức xuất hiện nhiều ý kiến phản đối lại họ. Nhưng tất cả những ý kiến phản đối lại thỉnh nguyện thư của họ có phải là một phản biện xã hội khác hay không? Không. Không nhiều ý kiến sử dụng lập luận khoa học để bác bỏ quan điểm trong thỉnh nguyện thư. Thay vào đó, khá nhiều ý kiến tập trung vào việc đả kích cá nhân với mặc định từ ban đầu là những cá nhân kia “có vấn đề về tư duy”.

Trong phản biện, muốn chứng minh đối phương sai, không thể sử dụng phương pháp tuyên bố “vì tôi đúng thì mặc nhiên các anh sai” hoặc phương pháp “do đầu óc của các anh có vấn đề nên chắc chắn các anh sai”. Nhưng khá buồn là tình trạng chung ở Việt Nam hiện nay đang tồn tại như vậy. Đơn cử, khi có một tranh cãi nào đó diễn ra mà có liên quan đến bộ máy nhà nước chẳng hạn. Bất kỳ ai có quan điểm bênh vực bộ máy nhà nước rất dễ bị đối thủ quy chụp là “dư luận viên”.

Đáng buồn hơn nữa là bắt đầu xuất hiện phổ biến hơn tình trạng lợi dụng danh nghĩa phản biện xã hội để nhắn tin, email, gọi điện thoại nặc danh khủng bố đối tượng. Cả 11 người đứng tên trong thỉnh nguyện thư kể trên đã liên tục phải nhận những tin nhắn và cuộc gọi kiểu như thế. Sai-đúng không thể được minh định bằng cách đó và xã hội vĩnh viễn không thể tiến bộ lên bằng cách đó.

Tôn trọng quan điểm đối lập trong khi vẫn bảo vệ quan điểm của mình một cách vững chắc bằng khoa học mới là việc nên làm. Nếu không chúng ta rất có thể tạo ra một lớp độc giả tin vào cái trá ngụy ấy và coi đó là chuẩn kiến thức. Trong việc bảo vệ quan điểm nên đặt tên đường, một KOL trẻ đã đăng đàn để viết về chữ quốc ngữ - chữ Nôm - chữ Hán bằng một nền tảng ngụy khoa học rất nực cười. KOL này cho rằng ở châu Á có 4 loại chữ viết tồn tại là “chữ tượng hình (chữ Hán, Nhật, Hàn Quốc, chữ Nôm); chữ giun (chỉ chữ Ấn Độ), chữ Arab và chữ latin”.

Lập tức, rất nhiều trí thức trẻ đã phải lên tiếng phản biện lại. Điều khá nguy hiểm là quan điểm của KOL nọ lại được ủng hộ khá nhiều bởi lượng “người hâm mộ” của anh ta quá đông. Chỉ một lần đưa ra quan điểm sai lệch về khoa học, những KOL đã có thể dẫn dắt theo cả ngàn người tin vào thứ ngụy khoa học của mình và nó tạo ra một thứ ngụy tri thức rất đáng lo ngại trong lòng xã hội.

Ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn có tên đường Alexandre de Rhodes có nghĩa là việc ghi nhận công lao của những người đã xây dựng và phát triển chữ quốc ngữ vẫn đang tồn tại chứ không phải không hề có. Và chúng ta, khi phản biện cần phải nhìn vào nhiều dữ kiện như thế, chứ không chỉ khăng khăng dựa trên niềm tin cá nhân của mình và cho rằng mình là duy nhất đúng.

Hà Quang Minh
.
.