Chuyển giới - nhìn từ văn học nghệ thuật

Thứ Bảy, 14/07/2018, 08:35
Công bằng cho người chuyển giới là một vấn đề mà xã hội văn minh phải hướng đến. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi cơ bản của người chuyển giới, cần phải có những giải pháp nhằm phá bỏ định kiến xã hội đặc thù Á Đông!


Chia sẻ với những số phận dễ bị phân biệt đối xử

Tâm Huyền

Bộ Y tế tuyên bố đã hoàn thành dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính, và dự kiến sẽ trình Quốc hội để thông qua trong thời gian gần nhất. Đây là một tin vui không chỉ với những người chuyển giới mà còn tác động tính cực đến cộng đồng LGBT (bao gồm người đồng tính, song tính và chuyển giới).

Công bằng cho người chuyển giới là một vấn đề mà xã hội văn minh phải hướng đến. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi cơ bản của người chuyển giới, cần phải có những giải pháp nhằm phá bỏ định kiến xã hội đặc thù Á Đông!

Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2015 đã thừa nhận quyền của người chuyển giới, song chưa có các quy định cụ thể về các quyền ở các lĩnh vực khác nhau dành cho người chuyển giới. Thời gian gần đây, những người chuyển giới tại Việt Nam có không ít cá nhân đã mạnh mẽ tham gia vào các hoạt động cộng đồng và có được thành quả ban đầu như ca sĩ Hương Giang đoạt giải Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2018 hoặc nhạc sĩ Lê Thiện Hiếu gây ấn tượng tại chương trình "Bài hát hay nhất" trên VTV với ca khúc "Ông bà anh". Tuy nhiên, có những trường hợp người chuyển giới đối diện với bi kịch vì áp lực của gia đình và chòm xóm, bạn bè.

Theo đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế hiện nay vẫn chưa có con số thống kê chính xác về người chuyển giới tại Việt Nam. Vì vậy, một vài tài liệu ghi con số 480 ngàn người chỉ là ước tính, bởi phần lớn người chuyển giới vẫn gặp phải nhiều rào cản, chưa dám công khai khi chưa được xã hội thừa nhận một cách sòng phẳng.

Người chuyển giới đang đối mặt rất nhiều khó khăn như sự kỳ thị, phân biệt đối xử, tình yêu hôn nhân, cơ hội việc làm, các vấn đề pháp lý cũng như rủi ro về sức khỏe. Do chưa được pháp luật công nhận, họ buộc phải sử dụng các loại thuốc hormone trôi nổi ngoài thị trường theo cách truyền tai nhau.

Thậm chí, đã có gần chục người chuyển giới chết vì những biến chứng phát sinh trong quá trình sử dụng hormone, tiêm silicon. Đáng lo ngại hơn, không ít người chuyển giới Việt Nam đã phải chọn cách phẫu thuật ở những cơ sở chui hay tại các cơ sở y tế nước ngoài với chi phí đắt gấp 8-10 lần nếu được thực hiện và chăm sóc ngay tại Việt Nam. Vì vậy, dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế nghiêm túc soạn thảo công phu và hy vọng sớm được Quốc hội thông qua vào năm 2019.

Hương Giang Idol đăng quang Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2018.

Để có thêm dữ liệu thuyết phục về Luật Chuyển đổi giới tính sắp được trình ra Quốc hội, Bộ Y tế phối hợp với Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển tổ chức buổi tọa đàm "Lắng nghe người chuyển giới". Hơn 30 khách mời là những người chuyển giới đã tham dự và có nhiều chia sẻ rất đáng thấu hiểu và trân trọng.

Ví dụ: Lò Văn Thủy, 25 tuổi, là người dân tộc Kháng ở Thuận Châu - Sơn La bị đuổi khỏi nhà khi khao khát được sống với giới tính thật sự của bản thân: "Họ xem tôi là sự sỉ nhục và bảo tôi ra đường cho xe cán chết để không làm ô nhục gia đình, họ hàng. Bố ép tôi ra khỏi hộ khẩu gia đình. Tôi phải bỏ làng lên Hà Nội làm thuê, rồi cùng một người bạn mở quán bún đậu mắm tôm kiếm sống qua ngày. Tôi đã trải qua rất nhiều lần đi xin việc, nhưng đều vô cùng khó khăn. Họ nói tôi pê-đê, và nhìn vào những người như chúng tôi, họ chỉ nghĩ rằng chúng tôi là thành phần ăn bám xã hội, không biết làm gì…".

Có không ít người chuyển giới có bằng đại học nhưng không được tuyển dụng vì… tâm lý e ngại của những người xung quanh. Nếu sớm có Luật Chuyển đổi giới tính, những người chuyển giới sẽ có cơ hội sống tốt hơn và cống hiến cho cuộc đời một cách tự tin!

Ca sĩ Hương Giang - người đã giành được vương miện Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2018 bộc bạch những khó khăn mà mình từng đối diện: "Pê đê", hai tiếng tưởng chừng rất ngắn ngủi đó nhưng có thể chạm đến tận cùng nỗi đau của những người trót mang thân phận ấy. Đôi khi tôi lại nghe người đời gọi mình bằng hai tiếng ấy và rồi nước mắt định chực trào ra nhưng lại nén lòng trong đớn đau. Mình hay những người như mình còn quá nhỏ bé để có tiếng nói giữa xã hội thật khắc nghiệt.

Mặc những lời dị nghị, tôi vẫn mong một ngày mình được sống với con ngưòi thật. Những khao khát ấy lớn lên dần cho đến một ngày tôi thấy được những ca chuyển giới đầu tiên tại Việt Nam". Không chỉ có ca sĩ Hương Giang, giới show biz còn có nhiều trường hợp thú vị khác, như ca sĩ Lâm Khánh Chi, nhạc sĩ Lê Thiện Hiếu… Nhìn ở góc độ văn hoá nghệ thuật, chắc chắn sẽ góp thêm nhiều câu chuyện sinh động cho việc ra đời Luật Chuyển đổi giới tính!

Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà: Giúp họ được là chính mình!

Kim Ngân (ghi)

Tôi chưa từng thích họ trước đó, những người chuyển giới, trong mắt tôi họ thật… kì lạ, mọi thứ đều cường điệu và thiếu tự nhiên như thế nào đó. Tôi vốn tôn trọng quy luật tự nhiên, nên việc chuyển từ giới tính này sang giới tính khác, "phá nát" hình hài cha mẹ tạo để có một hình hài như ý mình thích thật bất thường. Dù khéo đến mấy vẫn nhận ra họ nam không ra nam, nữ không ra nữ. Tôi hơi gờn gợn, không hiểu vì sao tôi lại có cảm giác đó.

Cho đến một ngày tôi nhận lời chấp bút cho một người chuyển giới nổi tiếng. Tôi suy nghĩ rất nhiều, tôi chưa bao giờ từ chối cơ hội hiểu một ai đó khác mình, tôi luôn khát khao được đi vào sâu thẳm nội tâm ai đó. Chính xác hơn, tôi thích những cuộc dấn thân. Tôi đã chấp bút cho cuộc đời ca sĩ chuyển giới Lâm Khánh Chi với tựa đề "Lột Xác".

Bốn tháng là thời gian tôi thực hiện cuốn sách, nhiều điều vỡ ra. Cái tôi (và chắc là nhiều người) đã nhìn thấy ở người chuyển giới trước kia chỉ là bề nổi phiến diện. Chuyển giới nói riêng và LGBT nói chung không phải là một hội chứng, không phải là sở thích và tuyệt đối không phải là căn bệnh. Họ đã khao khát đến tận cùng được sống thật với giới tính bẩm sinh của mình nhưng lại bị nhốt trong hình hài không đồng nhất.

Họ chấp nhận đánh đổi tuổi thọ của mình để "điều chỉnh" sự khập khiễng đó. Chặng đường đi đến cái gọi là "sống thật" không chỉ là hy sinh, đánh đổi, mà còn nhọc nhằn, bị kì thị, vô cùng cô độc thậm chí có những người đã tuyệt vọng đến mức tuyệt diệt bản thân mình.

Người chuyển giới họ là ai? Trước hết họ là Con Người, hoàn toàn không có gì khác biệt với chúng ta. Họ có những khác biệt cần được chấp nhận và tôn trọng. Dẫu có một thân phận đặc biệt, nhưng mỗi giây mỗi phút họ đã nỗ lực được sống thật nhất với giới tính của mình, biến ước mơ thành sự thật, lớn lao hơn để được những ngày "sống thật" đó có người sẵn sàng đánh đổi sinh mạng của mình. Họ luôn muốn sống có ích, họ vẫn tràn đầy hoài bão và ước mơ, họ vẫn luôn muốn cống hiến cho cuộc đời, cho cộng đồng và để lại dấu ấn tốt đẹp cho quãng đời họ đã có mặt ở nhân gian này.

Tôi hoàn thành "Lột xác" trong rất nhiều nước mắt của tôi, tôi sống trong đời sống của họ và viết như cho chính mình. Tôi gần như phát sốt sau đó, khi hiểu được rằng họ, những người chuyển giới, họ đã dũng cảm biết mấy, thế giới này hiểu họ ít biết mấy, rằng những thứ tôi đã nhìn thấy không phải họ…

Làm sao để "Lột xác" trước định kiến xã hội? Cuộc "giải phẫu" trước định kiến còn khắc nghiệt trước trăm ngàn lần so với những cuộc đại phẫu để lột xác nếu rủi ro có thể cướp đi sinh mạng họ. Cuộc cách mạng về thay đổi quan điểm cộng đồng về LGBT tạm gọi là thành công khi họ đã được Quốc hội thông qua những dự luật cho cộng đồng mình.

Pháp luật đã thừa nhận họ, thế giới đã thừa nhận họ, nhưng định kiến xã hội vẫn chưa sẵn sàng mở rộng vòng tay với họ. Không có điều gì là không thể, tôi đã thấy những người chuyển giới họ sống rất hạnh phúc và gần như xóa được ranh giới trước kia họ thuộc giới tính nào, cụm từ "chuyển giới" không còn đè nặng trong cuộc sống của họ. Nhưng đó vẫn là số rất ít…

Sống tử tế, sống hết mình, sống có ích, sống là chính mình, sống lạc quan, sống bản lĩnh… có lẽ là những điều để người chuyển giới chinh phục được "định kiến" của xã hội về họ. Mà những điều đó đâu chỉ cần cho những người chuyển giới, chúng cần cho tất cả chúng ta… Người chuyển giới trước hết đừng xem mình thuộc về một "thế giới khác", đừng cố tỏ ra mình đáng thương, đừng bao giờ tự đặt mình vào những vị trí thấp kém. Hãy cứ sống là chính mình, sống thật tốt đẹp.

Lại mượn câu nói rất nổi tiếng của Trịnh Công Sơn: "Đời có bao lâu mà hững hờ", được sống là chính mình đó đã là hạnh phúc.

Nhà văn Bùi Anh Tuấn: Xã hội cần thay đổi sự nhìn nhận

Tuy Hòa (thực hiện)

- Thưa nhà văn Bùi Anh Tấn! Anh đã từng có những tác phẩm như "Một thế giới không có đàn bà" và "Les- Vòng tay không đàn ông" nhằm lý giải góc khuất những người đồng tính. Hiện nay chưa có thống kê chính xác về số lượng người chuyển giới. Tuy nhiên, họ là một cộng đồng cần phải quan tâm. Theo anh, người chuyển giới ở Việt Nam có đặc điểm gì?

+ Theo tôi hiểu cụm từ "người chuyển giới" Việt Nam hiện nay rất mập mờ. Thực tế trên mặt bằng văn bản pháp luật của chúng ta chưa có một văn bản nào công nhận về người chuyển giới Việt Nam, thực tế người chuyển giới Việt Nam ra nước ngoài giải phẫu và về Việt Nam mới một hình hài "mới" nam/nữ, tuy nhiên do không được thừa nhận về luật nên vẫn là "người cũ" (trong chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước). Như vậy người chuyển giới Việt Nam, theo tôi hiểu là những người chuyển giới "chui". Dù chúng ta đã có Hoa hậu Chuyển giới quốc tế, thú thật, tôi đang tò mò giấy tờ của cô ấy hiện là nam hay nữ?

- Trở ngại lớn nhất mà người chuyển giới phải vượt qua là định kiến và sự kỳ thị. Làm sao để khắc phục thực trạng này?

+ Thật ra đến thời điểm hiện nay,  định kiến và kỳ thị về người chuyển giới lẫn người đồng tính nam/nữ đã giảm đi rất nhiều, ngay trong Luật Hôn nhân và Gia đình cũng sửa đổi khi nói về người đồng tính, không cấm nhưng cũng không thừa nhận hôn nhân đồng tính!

-  Theo anh, vấn đề cốt lõi nhất mà Luật chuyển đổi giới tính phải quyết liệt đề cập là gì?

+ Cần chú ý cộng đồng GBLT là khái niệm rộng mà người chuyển giới là nhóm nhỏ nằm trong đó. Và không phải bất kỳ người đồng tính nào cũng có nhu cầu chuyển giới, nhu cầu chuyển giới... chiếm con số ít, vừa phải trong cộng đồng đồng tính. Về luật mới này nếu được thông qua, trước hết mang tính nhân văn nhân đạo của đất nước chúng ta

- Để thay đổi ánh mắt ít thiện cảm về người chuyển đổi giới tính, phải chăng cần xuất phát từ gia đình? Bố mẹ nên ứng xử thế nào khi con mình muốn... chuyển giới?

+ Toàn xã hội cần thay đổi suy nghĩ, nhìn nhận về người chuyển giới, tất nhiên trước hết từ gia đình (tình yêu thương) nhà trường (giáo dục, hiểu biết) và xã hội... (chia sẻ). Gần gũi với người chuyển giới nhất, bố mẹ cần là điểm tựa tinh thần, thay vì tỏ thái độ hắt hủi và lạnh lùng!

- Tại Tây Ban Nha, một người đẹp chuyển giới vừa đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ. Còn tại nước ta, người chuyển giới đi xin việc làm cũng gặp tâm lý e ngại. Anh nghĩ gì về điều này?

+ Đây là yếu tố cốt lõi mà người chuyển giới mong đợi: sự hiểu biết, chia sẻ vị tha của cộng đồng. Là một đất nước vốn mang ảnh hưởng Nho giáo, tôn giáo nên xuất hiện tâm lý rào cản cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Việc cần làm là đẩy mạnh giáo dục và tuyên truyền để thay đổi suy nghĩ của xã hội!

Nhạc sĩ Lê Thiện Hiếu: ''Tôi không mặc cảm vì bản thân''        

Kim Văn (ghi)

Lúc ở Thái Nguyên, một vùng quê mà khi tôi là cô gái Lê Phương Thảo lại mặc đồ con trai, giọng nói ồm ồm thì người ta cũng nói ra nói vào. Nhưng khi tôi công khai giới tính trên sóng truyền hình thì mọi người mới hiểu chuyện và chấp nhận, không soi mói hay nhìn mình với ánh mắt đặc biệt như trước. Đó là điều thành công đầu tiên!

Cái quyết định chuyển giới không nảy ra trong một sớm một chiều mà cần cả một quá trình để tích lũy sự can đảm. Khi mà mình đủ can đảm rồi thì mình mới dám thực hiện ước mơ đó và chịu trách nhiệm với hành động của bản thân. Số tiền để thực hiện liệu trình là tiền do tôi tiết kiệm được trong quá trình đi hát ban nhạc ở Thái Nguyên. Thật ra thời gian đầu tôi lo lắng lắm, nhưng nhờ có nhiều anh em xung quanh giúp đỡ và chỉ bảo những nơi uy tín để làm, bác sĩ giỏi để khám nên mình mới an tâm phần nào!

Nói gì thì nói, thành công nhất từ khi bắt đầu chuyển giới - đó là tôi được sống một cách thoải mái, không bị tự ti, được làm điều mình thích và quan trọng hơn là chứng minh được cho gia đình mình thấy rằng sống là chính mình chỉ đem lại hạnh phúc hơn thôi chứ không có gì là đau khổ hay buồn phiền như mọi người trong gia đình lo lắng.

Ngày xưa tôi đi tập ở Thái Nguyên, ban đầu người khác cũng không biết nhưng sau thấy mình tập nhiều cũng nói rằng "nó là con gái đấy, nó cắt tóc rồi tập tạ", họ nói đểu xong bật cười với nhau. Lúc đó, tôi bỏ về vì thấy họ nói cười lố bịch quá - đây cũng là khoảng thời gian mới đi tập nên tôi chưa quen với môi trường đó. Sau tôi tiếc chi phí mình đóng để tập nên quay lại nhưng chọn giờ nào vắng người hơn. Đến bây giờ vẫn vậy, vẫn thích nơi vắng vẻ chắc do thói quen ngày xưa.

Tôi không gặp khó khăn gì cả bởi khi tiêm hormone vào người, tôi có được giọng nói, thể hình và mọi thứ mình muốn cũng như mình sẽ trở nên tự tin hơn dù phải mất 6 tháng đến 1 năm để giọng nói thay đổi, có được vẻ ngoài nam tính. Có thể nói, quyết định tiêm hormone là tôi tự mở cho mình con đường trở thành người bản thân muốn.

Trước đây, khi đi xin việc, tôi từng bị từ chối bởi giới tính trên giấy tờ và ở ngoài khác nhau. Không việc làm, không thu nhập để nuôi sống bản thân. Những người hàng xóm ban đầu hơi dè dặt nhưng khi tiếp xúc rồi, họ cũng thoải mái với tôi hơn. Cũng có vài người khi biết tôi chuyển giới lại không dám tiếp xúc gần, nặng hơn có người nói xấu kiểu như "nó bị bệnh, chơi với nó bị lây".

Tôi nghe kể lại nhưng mặc kệ, không quan tâm. Ban đầu, tôi buồn lắm nhưng về sau thì quen, cuộc sống mình sinh ra như vậy, mình phải chấp nhận nó. Sự mặc cảm là do xã hội hình thành bởi nhiều khi bản thân mình không bị mặc cảm đâu, nhưng do xã hội ném sự kì thị vào mình nên mình bị cô lập. Nói dễ hiểu là tôi mặc cảm vì bị cô lập, chứ không phải mặc cảm vì chính bản thân mình". 
PV
.
.