Chuyện bên lề của người biên tập trẻ

Thứ Ba, 22/05/2012, 08:01
Chị Đặng Hà, biên tập viên NXB Văn học thì chia sẻ: Để làm được nghề biên tập trước hết phải yêu sách và đam mê đọc sách. Thuận lợi nhìn thấy trước mắt là cơ chế mở đã cho người biên tập được thử sức mình tìm kiếm các nguồn bản thảo mang về cho NXB. Công việc được tính định mức rõ ràng khiến những người năng động có cơ hội làm việc và hưởng thành quả của mình xứng đáng. Nhưng bên cạnh đó, khó khăn cũng chồng chất...

Nhân Ngày đọc sách và bản quyền thế giới, trong hai ngày 21 và 22/4 vừa qua, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội đã diễn ra Ngày Hội đọc sách do Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch tổ chức. Đây là dịp tôn vinh văn hóa đọc và đã thu hút được nhiều Nhà xuất bản, các nhà sách cùng đông đảo các độc giả yêu sách tham dự. Nhân dịp này, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ một số biên tập viên trẻ đang làm việc tại một số nhà xuất bản để lắng nghe những chia sẻ của họ về những buồn vui xung quanh nghề biên tập sách - chiếc cầu nối quan trọng từ tác giả đến người đọc.

Nếu như trước đây, những người làm nghề biên tập sách, đặc biệt là thể loại sách đặc thù như văn học đòi hỏi nhiều kinh nghiệm trong nghề và họ hầu hết đều là những nhà văn, nhà thơ đã có những thành tựu sáng tác… thì ngày nay, với cơ chế xã hội hóa, tự hạch toán kinh doanh trong các Nhà xuất bản (NXB), cùng sự xuất hiện của hàng loạt những nhà sách tư nhân như First News, AnphaBook, Nhã Nam, Đông A, Phương Nam, Liên Việt, Phương Đông, Đinh Tỵ… đã giúp những người biên tập trẻ có thêm nhiều cơ hội được thử sức. Tuy nhiên, nghề biên tập sách - một nghề được xem là "làm dâu trăm họ" đang được những biên tập viên sách trẻ tuổi coi là một… nghề khó trong thời buổi kinh tế suy thoái hiện nay.

Anh Đào Bá Đoàn, biên tập viên NXB Hội Nhà văn tâm sự: "Thị trường sách bây giờ đa dạng, cơ chế in ấn cũng vô cùng phong phú, buộc người biên tập phải năng động xử lý bản thảo nhanh hơn mà vẫn đạt được chất lượng theo yêu cầu, phải quan hệ tốt với các nhà văn, phải trở thành "thuyết khách" giỏi để thuyết phục được người viết... NXB Hội Nhà văn với đa phần là sách văn học đương nhiên đòi hỏi người biên tập phải có kỹ năng biên tập và cảm thụ văn học tốt. Bản thân tôi là một người sáng tác, làm công việc biên tập sách văn học thì rõ ràng là một thuận lợi lớn, bởi lẽ mình có sự đồng cảm trong sáng tạo văn chương với các nhà văn, do đó trong trao đổi về tác phẩm cũng dễ dàng và thuyết phục hơn".

Biên tập viên trẻ coi biên tập là một... nghề khó (ảnh chỉ có tính chất minh họa).

Chị Đặng Hà, biên tập viên NXB Văn học thì chia sẻ: Để làm được nghề biên tập trước hết phải yêu sách và đam mê đọc sách. Thuận lợi nhìn thấy trước mắt là cơ chế mở đã cho người biên tập được thử sức mình tìm kiếm các nguồn bản thảo mang về cho NXB. Công việc được tính định mức rõ ràng khiến những người năng động có cơ hội làm việc và hưởng thành quả của mình xứng đáng. Nhưng bên cạnh đó, khó khăn cũng chồng chất. Người làm biên tập vốn được học từ các trường chuyên về khoa học xã hội, nhưng khi cơ chế tự hạch toán khiến họ phải kiêm luôn cả việc kinh doanh, kế toán khi phải tìm kiếm những nguồn bản thảo mang về để hưởng định mức, rồi đi… đòi nợ các nhà sách mang tiền về nộp cho cơ quan!

Nếu các nhà sách chưa kịp trả tiền quản lý phí thì tự các biên tập viên phải bỏ tiền túi hoặc… nợ lương để bù vào tiền định mức tháng. Không chỉ thế, trong quá trình làm công việc của người biên tập, họ còn gặp hàng trăm tình huống khó xử từ   các tác giả với những tính cách trái ngược nhau, trong đó có những nhà văn nhà thơ đã thành danh và những người viết nghiệp dư. Những nhà văn đã thành danh tìm đến xin giấy phép, bên cạnh cái hay, cái tốt của họ cũng có những điều không thuận đối với người biên tập. Chẳng hạn, có nữ nhà văn nổi tiếng còn mắng biên tập viên… xối xả khi "dám" sửa chữ "giông" thành "dông" (theo quy định hiện nay của Từ điển Bách khoa Tiếng Việt). Mới đây, một nhà văn đến xin giấy phép một cuốn tiểu thuyết lịch sử, trong đó có đoạn nói về cuộc tình của Trưng Trắc và Thi Sách. Ông viết Trưng Trắc bị… phá trinh 3 lần trong đêm tân hôn. Đọc tới đây, biên tập viên buộc phải biên tập lại, vì nếu nói về một nhân vật lịch sử như vậy thì sẽ rất phản cảm. Ban đầu nhà văn nọ không đồng ý. Biên tập viên phải trình lên giám đốc để giải quyết. Tất nhiên, sau khi ra sách, nhà văn đã đến tặng sách cảm ơn vì sự cắt bỏ rất hợp lý.

Bên cạnh đó, theo như Đặng Hà cho biết, hiện nay, cơ chế mở của xuất bản đã khiến xuất hiện ngày càng nhiều những người viết không chuyên nhưng có khả năng về kinh tế tìm đến xin giấy phép để in sách. Họ đến các NXB với tâm lý tin tưởng các biên tập viên và thường coi biên tập viên như những người bạn để gửi gắm nhiều điều tâm sự. Có bác tận Hải Dương đi xe máy xuống xin giấy phép và mỗi lần xuống là có thơ mới để đọc cho biên tập viên nghe cả tiếng đồng hồ. Lại có một nữ tác giả đến từ Đà Nẵng, trông  xinh đẹp, mĩ miều nhưng thơ chủ yếu là những tâm sự đời thường, từ việc cãi nhau với mẹ chồng đến việc hôm nay thời tiết ra sao, đi làm ở công sở có những chuyện "buôn dưa lê" thế nào… Với kiểu thơ này thì biên tập viên không thể cấp phép. Chị làm thơ nghiệp dư nọ đã ra về với tâm trạng không vui vẻ gì và còn lẩm bẩm rằng "Sẽ đi xin giấy phép ở NXB khác".

Anh Nguyễn Văn Sơn, biên tập viên NXB Hội Nhà văn cũng chia sẻ: "Tôi làm công việc biên tập ở NXB Hội Nhà văn mấy năm nay và có cơ hội gặp nhiều nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp có, nghiệp dư có với những câu chuyện "cười ra nước mắt". Có lần, có một anh tự xưng là nhà thơ, tuổi trung niên đến đưa một tập bản thảo thơ của bố anh ấy và gấp gáp nhờ biên tập, cấp phép nhanh để đưa in vì "ông cụ già yếu lắm rồi, chỉ mong có được tập thơ để thỏa nguyện ước mơ". Hôm sau tôi nhận điện thoại của một nhà thơ khá nổi tiếng nhờ biên tập nhanh tập này. Đến chiều lại đã thấy một chị ở Cục Xuất bản gọi điện thoại nhờ tiếp. Tôi cũng sốt ruột, nghĩ bụng chắc tình trạng của ông cụ nguy cấp lắm rồi nên vội biên tập rồi trình lên giám đốc và chỉ trong vòng một tuần, bản thảo đã có giấy phép. Nhưng xong rồi đợi mãi vẫn không thấy anh con trai quay lại. Tôi gọi điện thoại thì ở đầu dây bên kia, anh vui vẻ khoe đang đi du lịch Đà Lạt và cho tôi một số điện thoại khác, bảo gọi tới là sẽ có người đến lấy bản thảo. Tôi cũng tặc lưỡi nghĩ, thôi coi như mình làm phúc. Khi tôi gọi nói chuyện về tập sách, thì tiếng một cụ già bảo: "À, đúng rồi, sách của tôi đấy. Thằng con trai của tôi nó mang bản thảo của tôi rồi đi một mạch. Tôi sẽ đến gặp anh lấy bản thảo ngay".

Ông bố tóc bạc, râu dài đến lấy bản thảo (trông ông còn khỏe mạnh chứ không đến nỗi già yêu như lời anh con trai). Tôi lễ độ: "Con mời bác ngồi ạ!", thì bị "mắng" luôn: "Bác gì, anh em thôi, mày mới vào nghề à! Tao trông vậy nhưng tâm hồn còn tươi trẻ!". Rồi cụ ghé tai: "Vẫn có nhiều nàng thơ mê lắm!". Có lần khác, một nàng thơ ở Bắc Ninh, 81 tuổi, đi chiếc xe Babetta đến NXB mang một lúc 3 tập sách đến để xin giấy phép xuất bản. Trước khi ra về ông còn hỏi phải nộp lưu chiểu bao nhiêu sách. Tôi bảo theo quy định là 30 cuốn một đầu sách. Ông gật gù ra về. Ít lâu sau ông mang đến 30 cuốn. Lúc đó tôi bảo, bác phải nộp tất cả là 90 cuốn cho ba tập sách. Ông vùng vằng chân tay và bắt đầu chửi bới ầm ĩ: "Thằng này mày thấy thơ tao hay mày hay định "xoay", định "chơi" bố mày à. Mày bảo 30 cuốn sao giờ lại bắt nộp 90 cuốn. Bố mày sẵn dùi cui đây đánh cho mày gục xề nhé!". Nghe to tiếng, tất cả mọi người trong các phòng đều ra xem. Biết chuyện, anh Trưởng phòng hành chính phải "xí xóa" để chỉ nhận 30 cuốn cho bác ấy".

Các biên tập viên trẻ tại các công ty tư nhân thì có cơ chế làm việc thoáng hơn do không chịu sức ép gắt gao từ định mức, thậm chí họ chỉ phải làm duy nhất công việc biên tập, vì nguồn bản thảo đã có bộ phận chuyên đi khai thác bản thảo mang về. Biên tập viên Đinh Huyền (Nhà sách Nhã Nam) kể rằng: "Nguồn sách chủ yếu của nhà sách Nhã Nam là mua bản quyền nước ngoài, nên chúng tôi thường đọc trong tâm thế thưởng thức một tác phẩm văn chương hay và độc đáo. Vì vậy, nghề biên tập sách, trên hết những khó khăn về lương bổng, thu nhập, là chúng tôi được sống với niềm đam mê của mình".

Tôi xin được kết thúc bài viết bằng ý của nhà thơ Ngô Văn Phú, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn, người có thâm niên lâu năm trong nghề biên tập: "Người làm công việc biên tập sách văn học là người đỡ đầu cho những cuốn sách hay ra đời, giúp cho những giá trị đích thực đến tay bạn đọc. Ưu điểm của người biên tập trẻ hiện nay là chịu khó tìm tòi, tinh nhạy với thị trường, có cái nhìn mới mẻ và được sự hỗ trợ của các công cụ hiện đại như Internet kết nối toàn cầu, vì vậy nếu chịu khó lao động, họ sẽ trở thành những biên tập viên cứng cáp. Ngược lại, nhược điểm của họ là ít kinh nghiệm, ít vốn sống về lịch sử, văn hóa. Điều này chắc chắn sẽ được bù đắp bởi thời gian, những va chạm trong quá trình làm nghề. Xét cho cùng, nghề biên tập, như nhiều người vẫn nói, là nghề làm dâu trăm họ. Và để làm được điều đó, trước hết họ phải là những người yêu nghề"

Thiên Kim
.
.