Bảo vệ bản quyền điện ảnh:

Chuyện “Biết rồi,khổ lắm, nói mãi”...

Thứ Bảy, 05/03/2016, 08:00
Tính đến cuối tháng 2/2016, “Em là bà nội của anh” - một bộ phim được chuyển thể từ nguyên tác phim Hàn Quốc của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng, trở thành bộ phim ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam. Đây thực sự là thông tin đáng mừng cho điện ảnh Việt Nam trong những ngày đầu năm 2016. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là, cũng giống như nhiều bộ phim được kỳ vọng của điện ảnh Việt, “Em là bà nội của anh” từng là nạn nhân của vấn nạn vi phạm bản quyền. Xem ra câu chuyện về bản quyền điện ảnh vẫn là bài toán khó chưa tìm được lời giải.


Bóp chết sự phát triển của điện ảnh Việt

Khi “Em là bà nội của anh” đang khuynh đảo các phòng vé trên khắp cả nước thì nhiều cư dân mạng truyền nhau đường link bản phim quay lén. Nhà sản xuất, đạo diễn phim ngỡ ngàng vì không ngờ đứa con tinh thần của mình lại bị đánh cắp nhanh đến vậy.

“Em là bà nội của anh” đạt doanh thu cao là do đã Việt hóa thành công bộ phim ăn khách của nước ngoài với nhiều tình tiết hấp dẫn, mới lạ. Bên cạnh đó, phim ra rạp vào thời điểm giáp Tết và trong dịp Tết nên nhu cầu giải trí của khán giả tăng cao. Phải chăng vì vậy mà dù bị quay lén, “Em là bà nội của anh” vẫn đạt doanh thu “khủng”?

“Em là bà nội của anh” chỉ là một trong số rất nhiều phim Việt bị đánh cắp bản quyền trong năm 2015. Trước đó, bộ phim “Yêu” (đạo diễn Việt Max), “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (đạo diễn Victor Vũ) cũng bị quay lén và phát tán trên Internet ngay sau khi công chiếu được vài hôm. Ngoài ra, danh sách “những bộ phim bị đánh cắp bản quyền” còn có “Chàng trai năm ấy” (đạo diễn Quang Huy), “Siêu nhân X” (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng)... Năm 2015 được đánh giá là “năm kỷ lục” của những bộ phim ăn khách bị đánh cắp bản quyền.

Có lẽ, bản quyền phim là một trong những vấn đề được các nhà sản xuất điện ảnh quan tâm nhất hiện nay bởi nó liên quan trực tiếp đến doanh thu của phim. Nếu như trước kia, khi phim Việt ra rạp còn ít, không ít người cho rằng, cần đẩy mạnh công tác quảng bá, tiếp thị phim Việt, làm sao để càng nhiều người được tiếp cận phim càng tốt.

Một cảnh trong phim “Yêu” (đạo diễn Việt Max) – bộ phim bị quay lén và phát tán trên Internet ngay sau khi công chiếu được vài hôm.

Những người theo quan điểm này cho rằng, việc phim bị phát tán trên Internet cũng là một cách “tốt” để quảng bá phim. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của nhiều năm về trước. Những năm gần đây, phim Việt đã có những bước tiến đáng khích lệ về mọi mặt. Nếu như trước đây, mỗi năm có khoảng một chục phim Việt ra rạp thì năm 2015 đã ghi nhận con số kỷ lục là 40 phim.

Chất lượng nghệ thuật phim còn là câu chuyện dài cần phải bàn tính nhưng nếu chỉ nhìn vào doanh thu thì có thể thấy rằng, phim Việt có doanh thu triệu đô ngày càng nhiều và khả năng cạnh tranh của phim Việt với phim ngoại được nâng cao. Có thời điểm, phim Việt đã chiến thắng ngoạn mục về doanh thu so với phim bom tấn ngoại nhập. Chính điều này đặt ra yêu cầu phải bảo vệ bản quyền phim một cách nghiêm túc. Bảo vệ bản quyền phim cũng chính là cách để phim Việt nâng cao giá trị của chính mình, nâng cao khả năng cạnh tranh với phim nước ngoài.

Tại Hội thảo về “Bảo vệ bản quyền điện ảnh và truyền hình Việt Nam” được tổ chức vào tháng 6-2015 tại TP Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Telefilm 2015, các nhà quản lý đã đưa ra con số “giật mình”: 30 – 40% bộ phim bị phát tán ngay khi phát hành. Theo thống kê của Cục Điện ảnh, hiện có khoảng 400 website tiếng Việt đang hoạt động công khai chiếu trên mạng Internet hàng chục ngàn bộ phim cả trong nước lẫn quốc tế không mua bản quyền.

Có lẽ, không đâu xem phim vi phạm bản quyền dễ dàng và nhanh chóng như ở Việt Nam. Dường như đang tồn tại quan niệm “sống chung với lũ” nên mọi người không cảm thấy bức xúc hay “lăn tăn” về tình trạng này.

Thực tế cho thấy, để sản xuất một bộ phim, nhà sản xuất phải bỏ ra khoản chi phí rất lớn. Khoản chi phí này sẽ được thu hồi thông qua doanh thu bán vé khi phim ra rạp, bán đĩa, bán độc quyền cho các kênh truyền hình…

Nếu phim bị phát tán trên mạng, không có đơn vị nào dám mua lại bộ phim để phát sóng. Cùng với đó, số lượng khán giả bỏ tiền mua vé đến rạp xem phim chắc chắn cũng giảm và việc phát hành phim dưới dạng VCD, DVD sẽ thất bại. Điều này đồng nghĩa rằng, nhà sản xuất có nguy cơ trắng tay. Rõ ràng, hậu quả của việc vi phạm bản quyền phim là rất lớn, trong khi đó, những trang web đăng tải phim quay lén lại hả hê vì kiếm được khoản lợi nhuận lớn.

Bộ phim “Em là bà nội của anh” là nạn nhân mới nhất của nạn vi phạm bản quyền phim.

Không chỉ thiệt hại về doanh thu, vi phạm bản quyền phim cũng ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của đơn vị sản xuất, đem đến góc nhìn chưa chuẩn xác về bộ phim. Phim được tung lên mạng cũng có “đủ thành phần”, có phim bị tung lên toàn bộ, có phim bị cắt xén, là bản nháp nhưng cũng có phim đầy đủ phụ đề, đạt chuẩn HD… Với phim quay lén, chất lượng hình ảnh, âm thanh không tốt, bị cắt xén… sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, tính hoàn chỉnh của bộ phim.

Loại bỏ thói quen “xài hàng chùa”

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm bản quyền điện ảnh tràn lan là do tâm lý "xài hàng chùa" vẫn đang tồn tại phổ biến. Với không ít người, nhất là giới trẻ, việc lên mạng Internet tìm kiếm, xem, chia sẻ phim diễn ra khá phổ biến. Đôi khi họ không quan tâm nguồn gốc, xuất xứ của đoạn phim, chất lượng phim ra sao, mà chỉ cần biết làm thế nào để được xem phim một cách nhanh nhất. Bên cạnh đó, nhận thức của các bạn trẻ về vấn đề bản quyền, vi phạm bản quyền còn hạn chế. Thậm chí, nhiều người không nghĩ rằng, việc phát tán, quay trộm phim tại rạp là hành vi vi phạm bản quyền.

Một vấn đề nữa cũng rất đáng quan tâm là việc phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm bản quyền giống như "ném đá ao bèo", không đủ sức răn đe, làm gương cho đối tượng khác. Rất ít trường hợp vi phạm bản quyền bị xử lý trước pháp luật.

Còn nhớ, khi bản nháp của bộ phim "Bụi đời Chợ Lớn" bị phát tán trên mạng Internet hồi tháng 7-2013, các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, quyết tâm tìm thủ phạm để xử lý nhưng cuối cùng, câu chuyện rơi vào quên lãng. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều bộ phim bị quay lén đưa lên mạng. Thiệt hại cho nhà sản xuất rất lớn nhưng thủ phạm thì không bị trừng trị thích đáng.

Mặc dù tại các rạp chiếu phim, trước mỗi xuất chiếu, cảnh báo về việc không được sử dụng máy quay, điện thoại di động quay lại phim nhưng phần lớn phim tung lên mạng đều là sản phẩm quay lén. Thực tế cho thấy, việc kiểm soát, nhắc nhở khán giả thực hiện các quy định tại phòng chiếu phim chưa được thực hiện nghiêm túc.

Bên cạnh đó, việc một số hãng sản xuất hợp tác chiếu phim trên các kênh truyền hình trả tiền thời gian gần đây cũng tạo cơ hội để việc quay, phát tán phim trên mạng có đất phát triển. Với cách thức này, bản quyền phim bị đánh cắp thường là bản đẹp, chuẩn HD, được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng.

Theo các nhà quản lý thì đây là một thách thức không nhỏ trong công tác bảo vệ bản quyền dù mục đích, tôn chỉ ban đầu là chiếu độc quyền trên sóng truyền hình nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước.

Làm thế nào để bảo vệ bản quyền phim là câu hỏi lớn chưa tìm được đáp án. Thiết nghĩ, giải pháp quan trọng hàng đầu là phải đẩy mạnh tuyên truyền về vấn đề bản quyền, bảo vệ bản quyền trên các phương tiện truyền thông. Cùng với đó là phải có chế tài mạnh, xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm bản quyền. Muốn phát triển và khẳng định thương hiệu của mình, dần tiếp cận với những nền điện ảnh tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, điện ảnh Việt cần phải được chuyên nghiệp hoá, trong đó có các vấn đề liên quan đến bản quyền phim. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, bảo vệ bản quyền phim còn là cách ứng xử có văn hóa để điện ảnh Việt hội nhập và phát triển.

Phạm Thiên Giang
.
.