Chương trình truyền hình thực tế cho thiếu nhi: Bác sĩ tâm lý có là đũa thần?

Thứ Tư, 20/03/2013, 09:01

Sẽ có bác sĩ tâm lý tư vấn cho thí sinh" là thông tin thu hút sự chú ý của giới truyền thông tại cuộc họp báo giới thiệu chương trình Giọng hát Việt nhí - The Voice Kids ngày 21/2/2013. Đây được xem là một điểm mới tích cực so với các chương trình truyền hình thực tế dành cho thiếu nhi trước đây. Người trong cuộc hy vọng, với sự tham gia của bác sĩ tâm lý, các thí sinh nhí sẽ được giải tỏa tâm lý căng thẳng từ áp lực thi cử cũng như áp lực từ dư luận xã hội trái chiều, tránh được những scandal đáng tiếc. Nhưng...

Trong khi các chương trình truyền hình thực tế, sân chơi ca nhạc dành cho người lớn xuất hiện trên sóng truyền hình như nấm sau mưa thì những chương trình dành cho thiếu nhi khá hiếm hoi. Quanh đi quẩn lại, hiện nay chỉ có chương trình Đồ Rê Mí và Vietnam's Got Talent là những sân chơi để lứa tuổi này tìm đến. Nhưng trong khi Đồ Rê Mí chỉ dành cho những em nhỏ từ 5 - 10 tuổi thì sân chơi Vietnam's Got Talent lại không phải là sân chơi chuyên về ca hát. Do đó, sự góp mặt của chương trình Giọng hát Việt nhí trong bối cảnh chương trình dành cho thiếu nhi "như lá mùa thu" hiện nay được xem như một "thực đơn" hấp dẫn lấp vào chỗ trống này.

Tiếp nối sức nóng của mùa Giọng hát Việt rầm rộ vừa kết thúc, Giọng hát Việt nhí dành cho các thí sinh từ độ tuổi từ 9-15 bắt đầu khởi động với format hoàn toàn mới và đầy hấp dẫn. Tương tự Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí cũng có 4 huấn luyện viên, gồm Hồ Hoài Anh, Lưu Hương Giang, Hiền Thục, Thanh Bùi; cũng các vòng thi: sơ tuyển, giấu mặt, đối đầu, liveshow. Chương trình gồm 8 buổi ghi hình và 4 đêm thi trực tiếp được phát sóng trên VTV3 từ ngày 1/6 vào 21 giờ thứ bảy hằng tuần. Tuy nhiên để giảm bớt tính chất khốc liệt cho các thí sinh nhí, vòng đối đầu không theo kiểu "một đấu một" mà sẽ có 3 thí sinh tranh tài cùng lúc. Theo lý giải của Ban tổ chức, hai thí sinh cùng bị loại sẽ không tạo cảm giác hụt hẫng.

Tuy nhiên, điểm nhấn đáng chú ý nhất của chương trình chính là việc mời bác sĩ tâm lý để tư vấn cho các thí sinh và phụ huynh khi có yêu cầu, một hiện tượng chưa từng có tiền lệ. Sự có mặt của bác sĩ tâm lý vì hai lý do chính: Thứ nhất, thí sinh là trẻ em, tâm hồn còn rất non nớt, chưa có kỹ năng ứng phó với những áp lực nên rất dễ bị tổn thương. Thứ hai đây là chương trình truyền hình thực tế. Điều này nhằm tránh lặp lại những vụ việc tương tự như Quỳnh Anh Got Talent. Nhiều người cho rằng, điểm mới này rất đáng khích lệ và cần nhân rộng ở các sân chơi dành cho thiếu nhi.

Tuy nhiên với một sân chơi ca nhạc, lại là chương trình truyền hình thực tế đang thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả, việc có bác sĩ tâm lý chỉ như một giải pháp tình thế tạm thời làm yên lòng thí sinh, phụ huynh. Hoàn toàn không thể bấu víu vào đó để hi vọng chương trình sẽ không có "sạn". Bác sĩ tâm lý chỉ giải quyết phần nào nhu cầu của thí sinh khi có vướng mắc tâm lý, là người "chữa trị vết thương", trong lúc điều mà xã hội đòi hỏi là làm sao để các em không "bị thương".

Các chương trình truyền hình thực tế hiện nay hầu hết đều vấp phải những tai tiếng vô tình hoặc cố tình xuất phát từ tính chất "thực tế" và độ nóng của nó. Ngay cả với người lớn, không phải ai cũng có đủ dũng khí để đối đầu với scandal. Người được mệnh danh "Nữ hoàng scandal" Phi Thanh Vân cũng từng thốt lên cay đắng: "Chơi scandal giống như ôm bom nổ chậm, không biết mình tan xác lúc nào". Vậy thì với những cô cậu nhóc, liệu các em có dũng khí, kỹ năng để đối diện được với nó, tránh được những dư chấn tinh thần? Câu trả lời chắc chắn là không có. Đặc biệt là khi mạng xã hội đang ngày càng phát triển rộng rãi, người ta sẵn sàng dè bỉu, chê bai công khai một ai đó mà mình không ưng ý dù đó là một đứa trẻ.

Bài hát "Trống cơm" do giọng ca nhí Nhật Tiến thể hiện trong chương trình Đồ Rê Mí 2012 có phần minh họa không phù hợp.

Còn nhớ mùa The Voice - Giọng hát Việt 2012, "mẹ đẻ" của The Voice Kids - Giọng hát Việt nhí, scandal liên tục diễn ra khiến dư luận phẫn nộ: clip tố dàn xếp kết quả, nghi án tình tiền giữa thí sinh và huấn luyện viên, thí sinh chọn hát toàn bài tiếng Anh... Cộng thêm vào đó là sự tung hô thái quá của huấn luyện viên làm thí sinh ngộ nhận tài năng. Ông Lại Văn Sâm, đại diện Ban tổ chức Giọng hát Việt nhí cho biết: "Kinh nghiệm này, chúng tôi sẽ phải xử lý ngay từ khi duyệt chương trình trước khi lên sóng để chặn những hiểu lầm, hạn chế tối đa những cái gì nhạy cảm hay scandal này kia trên sóng truyền hình. Ở lứa tuổi này, tâm lí chưa ổn định nên sẽ có việc ăn thua cao hơn người lớn rất nhiều. Chúng tôi cũng đã tính đến. Chúng tôi sẽ lưu ý vì chuyện gì cũng có thể xảy ra".

Để phục vụ cho mục đích của mình, người lớn có thể đẩy trẻ em vào những thương tổn không đáng có. Với giải thưởng cho ngôi vị quán quân trị giá 500 triệu đồng, giải thưởng cho ngôi vị á quân 50 triệu đồng, cùng với đó là sự nổi tiếng trong phút chốc, ai dám chắc sẽ không có cuộc ganh đua khốc liệt giữa các ông bố, bà mẹ để con mình lên ngôi? Giọng hát Việt nhí ra đời, nhiều người tự hỏi liệu nó có lặp lại Đồ Rê Mí mùa thứ 6 vừa kết thúc hồi tháng 8 năm ngoái? Những khuôn mặt non nớt bự phấn; áo quần hở trên ngắn dưới hoặc cực "ngầu" quằn quại trong điệu rap, rock; các tiết mục minh họa lố lăng không ăn nhập gì với nội dung bài hát; các thí sinh như đang diễn kịch theo sự sắp đặt thái quá của người lớn…. Bé Bảo Trân khi thể hiện xong bài hát "Rock con diều" - một bài hát được đánh giá là quá khó đối với thiếu nhi - đã thật thà trả lời Ban giám khảo: "Con thích rock nhưng mà bài êm hơn cơ. Nhưng mẹ con đã chọn rồi, không đổi được đâu!". Khán giả lấy làm lạ khi cậu bé 9 tuổi Nhật Tiến hát bài "Gặp mẹ trong mơ" mà khóc nức nở đến độ làm cho Ban giám khảo phải nức nở theo bởi rõ ràng ca từ bài hát chưa chắc em đã hiểu huống chi cảm nhận để bật khóc. Thêm vào đó, bé Gia Linh bị sốt nặng ba ngày liền nhưng vẫn phải tham gia thi… Rất nhiều vấn đề đã khiến sân chơi ca nhạc hấp dẫn nhất với trẻ em ở thời điểm bấy giờ nhận những phản ứng gay gắt từ dư luận. Nét ngây thơ hồn nhiên của các em đã bị người lớn lạm dụng và đánh đổi một cách không thương tiếc. Thay vào đó là sự ganh đua, bắt chước rập khuôn theo những gì người lớn muốn.

Một câu hỏi đặt ra, sau cuộc chơi này, các em sẽ được gì? Có người không ngần ngại trả lời: "Sự nổi tiếng. Tiền bạc". Có người nói văn vẻ hơn: "Chắp cánh cho những tài năng nhí để các em trở thành những ngôi sao ca nhạc trong tương lai"… Tất cả những mỹ từ đó đều không sai, nhưng hãy nhìn lại, một Xuân Mai rất nổi tiếng với "Con cò bé bé" từ hồi 4 tuổi bây giờ ra sao? Cậu bé An với "Đất phương Nam" bây giờ như thế nào? "Bà mẹ nhí" Phương Trinh tài năng ngày nào giờ trở thành Angela Phương Trinh mà scandal còn nhiều hơn sản phẩm ca hát và đóng phim. Cô người mẫu tuổi teen Hồng Quế cũng không kém cạnh bởi những vụ đánh người, mặc đồ phản cảm, chụp hình khỏa thân… Sự nổi tiếng từ quá sớm thường là con dao hai lưỡi trong thế giới showbiz lắm cạm bẫy. Tất cả đều là hậu quả của hội chứng "bán lúa non" do người lớn gây ra.

Cũng là một chương trình thực tế dành cho thiếu nhi, nhưng Giọng hát Việt nhí được dự đoán sẽ khốc liệt hơn Đồ Rê Mí gấp nhiều lần. Các em liệu có bị biến thành những con rối theo sự giật dây của người lớn để câu lượng rating, câu quảng cáo khi tham gia cuộc chơi này? Phụ huynh có gò ép các em theo ý đồ của mình để tìm kiếm sự nổi tiếng? Câu chuyện "bán lúa non" từ những bài học nhãn tiền liệu có lặp lại?

Trẻ em như tờ giấy trắng. Hãy để sân chơi là của các em, đừng để "ươm mầm tài năng nhí" thành "ép mầm tài năng nhí". Trong các cuộc chơi này, khi người lớn vẫn mang tư duy áp đặt, khi Ban tổ chức vẫn tìm đủ mọi cách để chạy theo nguồn thu, lợi nhuận kiếm được từ chương trình, trẻ em sẽ mất nhiều hơn là được. Vậy thì sự góp mặt của bác sĩ tâm lý cũng chỉ là một giải pháp tình thế. Họ không phải và không thể là cây đũa thần để có thể hóa phép, biến những mũi tên vô hình nguy hiểm trên thành cánh hoa hồng khi nạn nhân của chúng là các bé thơ

Q.N.
.
.