Xã hội hóa sân khấu:

Chúng tôi buộc phải lao vào guồng cạnh tranh

Thứ Tư, 19/04/2006, 13:00

“Sân khấu nhỏ 5B cũng nằm trong guồng quay cạnh tranh có phần nghiệt ngã và luôn phải chống chọi dù “lực” yếu hơn so với nhiều sân khấu xã hội hóa khác. Một trong những hệ quả tất yếu của quy luật cạnh tranh là nhiều diễn viên trẻ từ đây mà có danh tiếng, rồi không bao lâu cũng từ đây mà ra đi…” Ông Huỳnh Minh Nhị – Giám đốc Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B nói.

- Với cương vị là giám đốc của 5B, ông nhìn lại quá trình xã hội hóa của sân khấu kịch nói ở TP HCM và 5B nói riêng?

- Theo tôi, chủ trương phát triển xã hội hóa sân khấu kịch nói là một chủ trương đúng. Nhưng cũng có nhiều người lầm tưởng, xã hội hóa là tư nhân hóa. Thực ra đó là sự có mặt của nhiều thành phần. Xã hội hóa đem đến nhiều cái lợi, ai không có  khả năng xã hội hóa toàn phần thì làm một hay vài phần gì đó. Nhà hát của chúng tôi cũng đã và đang đi theo cách đó.

Tôi đánh giá  cao hiệu quả của việc xã hội hóa chẳng hạn như giúp cho nghệ sĩ nâng cao  tinh thần trách nhiệm đối với nghề nghiệp của mình… Và đặc biệt trong những thành phần tham gia xã hội hóa phải kể đến lực lượng tư nhân. Họ tham gia bằng tất cả trách nhiệm bởi vì  hiệu quả gắn với doanh thu, quyết định chuyện sống còn, chuyện “đầy vơi” của vốn liếng đầu tư. Song mặt trái của nó lại là sự cạnh tranh, đôi lúc rất khốc liệt và không lành mạnh.

- 5B có từng bị các sân khấu khác cạnh tranh một cách không lành mạnh?

- Tất nhiên 5B cũng đang nằm trong guồng quay cạnh tranh có phần nghiệt ngã ấy và luôn phải chống chọi dù “lực” yếu hơn so với nhiều sân khấu xã hội hóa khác. Một trong những hệ quả tất yếu của quy luật cạnh tranh chính là việc nhiều nghệ sĩ, diễn viên trẻ từ đây mà vững vàng, có danh tiếng, có chổ đứng trong lòng khán  giả, rồi không bao lâu cũng từ đây mà ra đi. Họ đi đâu? Họ đi về những sân khấu khác có thù lao, có môi trường lao động nghệ thuật với nhiều điều kiện khá hơn. Cũng không thể trách họ được vì nhà hát tự thu, tự chi, mà chuyện “tự” ấy đã không thể đảm bảo được thu nhập hàng đêm cho nghệ sĩ.  Không ai có thể cấm nghệ sĩ  diễn ở nơi này, không được diễn ở nơi khác. Ở đâu thì họ cũng đều cống hiến cho nghệ thuật. Không giữ được họ là do mình.

- Đối với cơ chế quản lý, là người trong cuộc, ông cảm thấy còn điều gì vướng mắc?

- Bàn về việc quản lý đối với sân khấu xã hội hóa, có người cho rằng xã hội hóa thì để mọi người cùng lo là đủ, nhà nước không phải lo nữa. Thật ra chúng tôi luôn cần đến sự  quan tâm của Nhà nước, trong đó có cả việc có một hành lang pháp lý để các đơn vị xã hội hóa có thể làm việc và bảo vệ quyền lợi cho anh em nghệ sĩ.

Trước đây, khi sân khấu còn được bao cấp thì có hành lang pháp lý rõ ràng, nhưng từ ngày có hướng xã hội hóa đến nay thì chưa thấy. Riêng ở TP HCM, lãnh đạo thành phố đã “bật đèn xanh” để 5B bắt tay làm nhiều dự án để nhà hát không chỉ tồn tại được như hiện  nay mà còn  “ăn nên, làm ra”, để lớp diễn viên trẻ đang có triển vọng nơi đây không phải ra đi như các đàn anh, đàn chị nữa.

- Xin cảm ơn ông!

Hạnh Chi
.
.