Chúng ta đang trong một thế giới đã khác?

Thứ Năm, 17/11/2016, 08:19
Khi kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ được chốt lại, không ít người đã cảm thấy bị shock thực sự. Họ kỳ vọng nhiều vào bà Hillary Clinton, người phụ nữ mạnh mẽ đã từng tuyên bố rất sắc sảo khi được hỏi về scandal tình ái của chồng mình rằng: "Tôi lấy Clinton, một người đàn ông, chứ không phải một thầy tu". Nhưng cuối cùng, người chiến thắng là tỷ phú Donald Trump, người mà có lẽ cách đây chỉ gần 1 năm thôi, nhiều người trong số chúng ta vẫn nghĩ rằng tuyên bố tranh cử của ông chắc chỉ là nói đùa.


Sau khi Donald Trump thắng cử, từ khoá có xu hướng được thảo luận nhiều nhất trên facebook chính là 3K. Nhiều người đã e sợ rằng ông Trump, với các ý tưởng khác lạ của mình, sẽ khiến cho chủ nghĩa quốc gia da trắng bùng nổ ở Mỹ, và từ đó lan rộng sang phương Tây. Và dù nó mới chỉ là một mối lo sợ chưa rõ ràng, nhưng với những diễn biến trong xã hội Mỹ 6 tháng qua, có thể nói rằng mối đe dọa không phải là không tồn tại.

Thực sự, việc thắng cử của ông Donald Trump, được xâu chuỗi với nhiều sự kiện thời sự trên thế giới thời gian qua, đã cho thấy dường như đã có những chiều kích cho một thay đổi rất lớn đối với đời sống xã hội toàn cầu.

Trước khi Donald Trump thắng cử, ở Phillipines, ông Duerte nổi lên như một ngôi sao mới, với những tuyên bố mạnh mẽ và hành động quyết liệt, nhiều khi vượt ra khỏi giới hạn của pháp quyền mà điển hình là việc cho phép bắn tội phạm ma túy không cần xét xử.

Và Donald Trump, Duerte chỉ là một nối dài kế tiếp Brexit, một sự kiện chấn động toàn cầu. Để rồi nếu như bà Marine Le Pen, một chính trị gia cực hữu, thắng cử Tổng thống Pháp vào năm 2017, đó sẽ là một chuỗi hoàn hảo cho dấu hiệu trỗi dậy của chủ nghĩa quốc gia cực đoan, chủ nghĩa chauvin kiểu mới trong tương lai chính trị toàn cầu.

Người Mỹ kỳ vọng Tổng thống mới Donal Trump sẽ làm nên những thay đổi lớn cho nước Mỹ.

Với việc mổ xẻ lại Brexit, chúng ta sẽ nhận ra rất rõ rằng những thế lực thay đổi bức tranh chính trị toàn cầu đã nhận ra rất rõ sự thoái hoá và mờ nhạt của tầng lớp tinh hoa và tận dụng hoàn hảo nỗi lo sợ của tầng lớp bình dân để đưa ra những chiêu bài dân túy đầy hứa hẹn.

Điển hình như cuộc chiến truyền thông xoay quanh vấn đề Vương quốc Anh nên ở lại hay rời bỏ EU, lực lượng ủng hộ rời EU thực tế hiểu quá rõ điểm yếu của những tờ báo chính luận bảo vệ việc ở lại EU như tờ Telegraph, The Times. Boris Johnson, Michael Gove là hai nhân vật đặc trưng của chiến dịch này và họ nắm thóp của giới truyền thông chính thống, nghiêm túc bởi chính họ đã từng là những tay bút bình luận sắc sảo về chính trị của tờ The Times một thời gian không ngắn.

Họ nhận ra rằng lực lượng chiếm số đông có thể bỏ phiếu rời EU chính là tầng lớp trung lưu, bình dân, ít học, có tuổi và không sống ở đô thị lớn. Và bởi vậy, họ khai thác triệt để chiến dịch sử dụng báo in lá cải. Và họ đã đạt được kết quả. Những người bỏ phiếu rời EU gần như không quan tâm tới tiếng nói của giới trẻ có học thức trên các diễn đàn, mạng xã hội.

Kết quả là khi Brexit được thông qua bởi số đông người Anh, rất nhiều thanh niên Anh quốc đã phải thốt lên rằng "các ông, các bà đã giết chết tương lai của chính con cháu mình".

Bầu cử ở Mỹ cũng không nằm ngoài kịch bản ấy, với những người ủng hộ ông Donald Trump được khu biệt rất rõ. 60% người ủng hộ Donald Trump là người da trắng và trong số những người da trắng ủng hộ Dolnald Trump, 64% không có bằng cấp. Chiến dịch tranh cử của ông Trump, với khẩu hiệu "Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại" dựa trên cơ sở coi người nhập cư là mối đe dọa tới đời sống của người Mỹ. Chủ trương ấy không khác với chủ nghĩa Petain, chủ nghĩa bài Do Thái và kỳ thị nhập cư của Đảng Mặt trận quốc gia của bà Marine Le Pen ở Pháp.

Như vậy, trong sự mờ nhạt của giới tinh hoa khoảng gần chục năm qua, sự bất tín nhiệm của giới bình dân đối với tầng lớp tinh hoa đã đẩy tình hình chính trị toàn cầu đến những kết quả khó lường. Và sự lên ngôi của kỳ thị cũng bắt đầu manh mún từ đó, để thực sự khiến chúng ta phải âu lo về một thế giới trong tương lai.

Một ví dụ rất nhỏ nhưng chúng ta cũng nên suy ngẫm là những video trực tiếp cảnh lính Mỹ đấu súng với IS được truyền đi trên internet mỗi ngày. Có thể nó sẽ được biện hộ bằng cái gọi là "ca ngợi chủ nghĩa anh hùng" nhưng thực tế, nó là điển hình của việc kinh doanh (dựa trên CPM - mỗi ngàn lượt xem) nội dung ở thời đại kỹ thuật số này. Điều gì sẽ xảy ra nếu trong các video trực tiếp đó có cảnh cái chết? Đó chính là sự ác, được lên ngôi, dưới cái vỏ bóng bẩy và thậm chí là cả những khẩu hiệu đầy dân túy.

Hãy chuẩn bị cho mình đi, trước một thế giới đã khác. Còn chuẩn bị gì ư? Nhiều khi chính chúng ta cũng không biết nữa. Và bản thân hình ảnh hai vợ chồng bà Clinton "ton sur ton" với màu tím ở lần xuất hiện đầu tiên sau thất bại bầu cử dường như cũng nói lên tất cả. Màu tím có thể biểu trưng cho nữ quyền (như ám chỉ của bà Clinton chăng?) nhưng nó cũng là màu biểu trưng cho sự than khóc, hối cải, sám hối trong đức tin phương Tây.

Hà Quang Minh
.
.