"Chuẩn" và "lệch chuẩn"

Thứ Năm, 14/04/2016, 08:40
Giữa cơn bão truyền thông về thực phẩm bẩn suốt thời gian qua, thông tin kể từ ngày 1 tháng 7 tới, một điều khoản trong Bộ Luật Hình sự mới được Quốc hội thông qua hồi cuối năm 2015 sẽ chính thức có hiệu lực khiến nhiều người cảm thấy vui. Theo đó, hình phạt dành cho những người có hành vi sản xuất, kinh doanh chất cấm sẽ khắt khe hơn rất nhiều. Bên cạnh việc bị phạt tiền gấp 10 lần, người có hành vi sản xuất, kinh doanh và tàng trữ chất cấm còn có khả năng bị ngồi tù từ 1 đến 20 năm.


Có thể nói, việc luật hóa và có hiệu lực đúng lúc điều khoản liên quan đến những vấn đề mà cả xã hội cùng vô cùng âu lo này sẽ củng cố niềm tin hơn trong cộng đồng, thứ vốn dĩ đã bị lung lay mạnh mẽ khi mà mỗi ngày, chuyện thực phẩm bẩn, thực phẩm độc hại lại xuất hiện ở những diện mạo đa dạng khác nhau, dần dần biến những âu lo của mọi người trở thành nỗi sợ hãi.

Song, có một thực tế mà chúng ta cũng không nên bỏ qua khi nhận được một tin vui như thế. Đó chính là tiêu chuẩn nào sẽ được áp dụng để xác quyết rằng chất nào là chất cấm, hàm lượng sử dụng thế nào thì bị coi là phạm vào chất cấm?

Người Việt đang tự đầu độc chính mình vì thực phẩm bẩn.

Những tiêu chuẩn ấy cần phải được công khai rộng rãi để người dân có ý thức rõ ràng về giới hạn của chính mình. Nhược bằng không, nếu không có sự công khai ấy, chắc chắn sẽ nảy sinh tình trạng có những người làm trái nhưng vẫn cảm thấy oan ức bởi lẽ họ hoàn toàn mù mờ và ngay từ đầu họ cũng không biết được mình đang làm trái.

Chúng ta vẫn thường hay nói với nhau về sự lệch chuẩn trong xã hội và có thể nói rằng, bản thân chúng ta sử dụng hai tiếng "lệch chuẩn" ấy rất tùy tiện. Khi nói đến lệch chuẩn, ta phải có cái chuẩn trước đã để so sánh biên độ của sự lệch chuẩn. Nhưng chúng ta thực sự có các tiêu chuẩn rõ ràng và minh bạch ở đủ mọi ngành nghề, lĩnh vực hay chưa?

Một ví dụ khá phổ biến chính là chuyện cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp vẫn được nêu ra như một nghịch lý trớ trêu của thời đại. Song không một ai dám khẳng định rằng với những cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp kia, ngoài tấm bằng trong tay, họ thực sự có ở trình độ của tấm bằng ấy không?

Chúng ta không thể xác quyết nổi, vì bản thân không có một tiêu chuẩn cụ thể nào để đánh giá một cách chính xác, kể cả khi họ đã vượt qua các kỳ thi mang tính bắt buộc để có thể có được tấm bằng cử nhân hoặc thạc sỹ. Trình độ chỉ có thể được kiểm chứng qua hiệu quả cuối cùng trong công việc mà con người ta thực hiện mà thôi. Và chúng ta không tránh khỏi việc đã từng gặp những người có tấm bằng cử nhân, thạc sỹ nhưng kết cục không làm nổi việc gì thuộc chuyên môn của mình. Để rồi khi chúng ta phát tán câu chuyện cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp như một bi kịch xã hội, chúng ta đã mắc phải cái bẫy là chỉ tin vào một tờ giấy (tấm bằng) thay vì cần phải tin vào năng lực và trình độ thực sự.

Trong các doanh nghiệp nước ngoài, hoặc tư nhân, chỉ số đánh giá năng lực lao động (KPI) luôn được áp dụng triệt để để đánh giá hiệu quả chuyên môn của nhân viên. Chính những chỉ số ấy là tiêu chuẩn, thước đo sát sao nhất đối với đời sống doanh nghiệp ấy. Trong xã hội cũng cần có các tiêu chuẩn cụ thể như thế, và phải được phổ biến công khai cho dân hiểu, giúp dân làm.

Chuyện đơn giản nhất là các thủ tục hành chính hôm nay cũng chưa có những tiêu chuẩn như thế và nó dẫn đến tình trạng dân luôn phải kêu ca vì sự nhiêu khê. Ở Mỹ, để xây nhà, người Mỹ cần xin đến cả chục loại giấy phép. Nhưng họ hiểu và chấp hành một cách dễ dàng bởi tất cả các thủ tục ấy đều được niêm yết cụ thể, công khai, minh bạch, rõ ràng. Đó chính là một dạng tiêu chuẩn giúp định hướng hành vi xã hội.

Thế nào là chất cấm cũng như thế nào là thực phẩm bẩn, thực phẩm sạch, tất cả những thứ đó đều phải được nâng thành các tiêu chuẩn rõ ràng. Và ở rất nhiều ngành nghề khác nữa, cũng phải luật hoá các tiêu chuẩn để không còn tình trạng người dân phải hoang mang chỉ vì một tin đồn bởi những tính từ rất chung chung kiểu như "bẩn"; "không an toàn"; "nguy hiểm"…

Hà Quang Minh
.
.