Bảo tồn đờn ca tài tử Nam bộ tại TP Hồ Chí Minh:

Chưa dứt những trăn trở

Thứ Năm, 06/08/2015, 08:17
Liên hoan Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ giải Hoa sen vàng 2015 của TP Hồ Chí Minh vừa diễn ra giữa tháng 7. Định kỳ 2 năm một lần, liên hoan là nơi để các nghệ nhân, tài tử đờn, tài tử ca hội ngộ, giao lưu, trao đổi chuyên môn về âm nhạc tài tử.

Năm nay, liên hoan thu hút 250 tài tử của các CLB ĐCTT thuộc 24 trung tâm văn hóa quận, huyện trên địa bàn thành phố. Với hội đồng giám khảo là những tên tuổi uy tín như soạn giả Ngô Hồng Khanh, TS Mai Mỹ Duyên, nghệ nhân dân gian Lê Khắc Tùng... , liên hoan giúp các CLB tham gia hoàn thiện, phát hiện các tài năng mới.

Mặc dù các nhóm ĐCTT của thành phố lên tới con số 200, mỗi nhóm có khoảng 30-40 người, nhưng việc có riêng một không gian chuyên nghiệp, định kỳ nhằm biểu diễn phục vụ khán giả và trao dồi chuyên môn như liên hoan Hoa sen vàng (chứ không đơn thuần chỉ là chỗ để sinh hoạt nội bộ với nhau) thì quá ít ỏi.

Liên hoan Hoa sen vàng là sân chơi định kỳ hiếm hoi của đờn ca tài tử tại TP Hồ Chí Minh.

TP Hồ Chí Minh là thành phố năng động. Nhưng các nghệ nhân đều thấy rằng, di sản ĐCTT vẫn có đời sống rất lặng lẽ so với dòng chảy hối hả, náo nhiệt của các loại hình nghệ thuật khác. Quận 1 là quận trung tâm sôi động bậc nhất của thành phố nhưng CLB ĐCTT của quận do nghệ nhân dân gian Hồng Cúc chủ nhiệm cũng mới đi vào hoạt động thường xuyên mấy năm trở lại đây. Chỉ một số nơi như khu du lịch Bình Quới, các khách sạn hạng sang có biểu diễn ĐCTT, song những suất diễn cũng được chăng hay chớ khi có khách yêu cầu.

NSƯT Hải Phượng từng mong muốn sau mốc son ĐCTT được UNESCO vinh danh, thành phố sẽ có nhiều địa điểm để mọi người thường xuyên ngân nga hòa đàn, để những ai yêu ĐCTT tìm về thưởng thức. Có vậy mới mong nhiều người biết và yêu di sản quý báu này. Đến bây giờ, những địa điểm như thế vẫn chỉ là ước mong.

Chính vì thiếu sân chơi để lan tỏa, hội ngộ và học hỏi lẫn nhau nên dù quận, huyện nào của thành phố cũng có đội, nhóm, CLB ĐCTT nhưng hầu hết đều mang tính tự phát, thiếu bài bản, sinh hoạt giải trí là chính. Ông Nguyễn Văn Năm, Chủ nhiệm CLB ĐCTT quận 4 cho biết: "CLB của chúng tôi chủ yếu quy tụ bà con bình dân mê đờn ca. Người cao tuổi nhất trên 90 còn những cháu dưới 15 tuổi thì có khoảng 5 em. Người lớn truyền cho kẻ nhỏ. Chúng tôi thỉnh thoảng cũng mời các nghệ nhân giỏi đến giao lưu, chỉ dẫn cho anh em để việc chơi ĐCTT được bài bản nhưng không phải lúc nào cũng mời được". Theo ông Năm, CLB của ông thường dùng các bài ca do các thành viên sáng tác, trong đó ông đóng góp hơn 50 bài. Nhưng điều đáng buồn 20 bài bản Tổ lại không mấy người biết thạo. Thành ra biết sao hát vậy, đờn vậy.

Trong năm qua, thành phố có rất nhiều kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể ĐCTT giúp hoạt động ĐCTT ít nhiều khởi sắc. Điển hình như "Đề án đưa âm nhạc dân tộc vào trường học", trong đó có ĐCTT. Trung tâm Văn hóa thành phố liên tục mở các cuộc vận động sáng tác lời mới 20 bản Tổ và Vọng cổ, chặp cải lương dành cho người lớn lẫn thiếu nhi. Từ đó, đưa những tác phẩm đoạt giải vào liên hoan ĐCTT Hoa sen vàng, phát hành CD vào các trường học và tầng lớp nhân dân... Thế nhưng việc tuyên truyền ĐCTT đến gần công chúng lại gặp khó khi các bài bản vẫn chưa thống nhất, mỗi người truyền dạy một kiểu.

Cũng có người bảo ĐCTT đi từ trong dân gian, là kiểu ngẫu hứng mà chơi nên làm gì có chuyện bài bản. ĐCTT sẽ tự duy trì, tự lan tỏa. NSƯT Ba Tu lắc đầu: "Ai dám nói vậy chứ tôi không dám nói vậy. Tôi cho rằng nếu ĐCTT không được tu dưỡng, bảo tồn thì nó sẽ như mảnh vườn bị bỏ hoang và mọc toàn cỏ dại. Đơn giản vì mình không học, mình không có cái nguồn gốc, cái nền tảng vững chắc. Vì nhạc tài tử rất bác học, đó là tinh hoa của dân ca, nhạc lễ, thính phòng và nhạc cung đình Huế, có bài bản đàng hoàng. Có nền tảng mới có thể sáng tạo. Còn chuyện bắt chước nhau thì không thể trưởng thành và chuyên nghiệp được. "Tài tử" có nghĩa là người giỏi, có tài về nhạc nhưng hiện nay những người thực sự giỏi đờn ca tài tử còn rất ít. Nếu họ mất, đờn ca tài tử sẽ không thất truyền nhưng nó sẽ hư, không còn là nó nữa".

Hiện tượng địa phương này có CLB ĐCTT thì địa phương khác phải có cho bằng chị bằng em cũng xảy ra. Thế nhưng hoạt động lại rất cầm chừng. Vì mang tính tự phát nên việc các thành viên vào chơi một thời gian rồi nghỉ giữa chừng không phải là chuyện hiếm. CLB ĐCTT quận 4 chỉ sinh hoạt 2 lần một tháng. Kinh phí để duy trì CLB của ông Năm cũng rất chật vật. Dù đã chủ nhiệm CLB 20 năm nhưng mức hỗ trợ ông nhận được không đáng là bao. CLB duy trì đến nay cũng bởi vì lòng đam mê của các thành viên. Điều này cũng xảy ra với những sinh viên được học hành bài bản về âm nhạc dân tộc, trong đó có ĐCTT. Khi ra trường họ không có đất dụng võ, không sống được với nghề. Nếu có họ cũng chỉ coi đó là bộ môn chơi cho vui hoặc là nghề tay trái.

Các tài tử đờn đang bị "già hóa" và thiếu hụt thế hệ kế thừa.

Chế độ đãi ngộ chậm trễ hiện nay cũng khiến các nghệ nhân buồn lòng. "Với các nghệ nhân lớn tuổi có nhiều đóng góp cho ĐCTT cần được Nhà nước ghi nhận và có chính sách hỗ trợ hợp lý, kịp thời để họ đủ sống mà yên tâm cống hiến với nghề. Họ là linh hồn, báu vật của ĐCTT. Với nghệ nhân đờn thì điều đó càng cấp thiết" - nghệ nhân dân gian Hồng Cúc, Chủ nhiệm CLB ĐCTT quận 1 mong mỏi. Còn NSƯT Hải Phượng thì cho rằng: "Khi nhìn thấy thế hệ đi trước sống một cách tốt đẹp, no đủ, nhận được sự nể trọng của cộng đồng thì thế hệ sau sẽ có động lực phấn đấu để đạt được vị trí như họ".

Không phải ngẫu nhiên mà liên hoan ĐCTT Hoa sen vàng năm nay ngoài các tiết mục đờn ca, lại có thêm điểm mới là tiết mục đờn như độc tấu, song tấu, hòa tấu dự thi. Số lượng tài tử đờn bắt gặp ở liên hoan đa số đều lớn tuổi. Lực lượng tài tử ca luôn trẻ trung và đông đảo hơn lực lượng tài tử đờn. Thậm chí có những tài tử ca là em nhỏ tầm 8, 9 tuổi nhưng để kiếm tài tử đờn tầm khoảng 15 đến 20 tuổi xem chừng quá khó khăn.

Theo nghệ nhân Hồng Cúc thì việc học đờn rất khổ luyện nên ít người theo được. Nếu việc học hát có thể chỉ học 2, 3 năm có thể hát thạo các bài bản Tổ thì học đờn phải ít nhất 10 năm. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh thừa nhận rằng việc thiếu tài tử đờn trầm trọng là một trong những khó khăn của thành phố trong việc bảo tồn ĐCTT. Do đó, liên hoan ưu tiên các tiết mục đờn nhằm khuyến khích và tìm kiếm những tài năng đờn mới.

Thời gian tới, ngoài việc xây dựng và phát triển các đội, nhóm đều khắp các xã, phường, trường học..., Sở Văn hóa và Thể thao thành phố còn chú trọng thống nhất các bài bản âm nhạc tài tử để đầu tư chiều sâu. Cụ thể như tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, truyền dạy, trình diễn....; tổ chức biên soạn và xuất bản tài liệu 20 bài bản Tổ. Ngoài Liên hoan ĐCTT Hoa sen vàng, thành phố sẽ tổ chức liên hoan tương tự dành cho đối tượng thiếu nhi và các liên hoan cấp cơ sở quận, huyện để người dân có thêm sân chơi, nâng cao chất lượng phong trào ĐCTT. Thành phố cũng đang gấp rút đề xuất chính sách đãi ngộ, hỗ trợ cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy di sản này. Với các nghệ nhân có thành tích xuất sắc, Sở hoàn tất hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lần xét tặng đợt 1 dự kiến diễn ra vào tháng 9/2015.

Phan Thi Uyên
.
.