Chữa bệnh đầu tư công

Thứ Năm, 23/07/2020, 14:12
Đầu tư công có vai trò, vị trí rất quan trọng trong việc bình ổn kinh tế vĩ mô. Trong khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, có nhiều rủi ro thì đầu tư công là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế - đặc biệt là với các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và năng lượng.


Có thể hiểu một cách ngắn gọn đầu tư công bao gồm những nguồn tài chính chủ đạo như: ngân sách nhà nước, vốn đầu tư tín dụng từ ngân sách là các doanh nghiệp nhà nước thường chiếm trên 70% nguồn vốn. Nhờ nguồn vốn đầu tư công và điều chỉnh các chính sách kịp thời mà  GDP của nước ta nhanh chóng phục hồi từ năm 2010 đến nay và có bước tăng trưởng ấn tượng vào các năm từ 2017 - 2019, đạt 6,81 - 7,08%. 

Thế nhưng đầu tư công cũng đang mang trên mình nhiều bệnh tật dai dẳng những năm qua chưa có thuốc chữa trị. Đó là bệnh đầu tư dàn trải, hiệu quả đầu tư vào một công trình hạ tầng thấp; cơ cấu đầu tư lại tập trung và nhằm vào các ngành, lĩnh vực mà tư nhân hoàn toàn có khả năng đầu tư, sẵn sàng hợp tác, tham gia; cơ cấu vùng miền chưa hợp lý và chất lượng quy hoạch yếu kém.

Ngoài những lý do khách quan như: Biến động của kinh tế thế giới, việc huy động vốn từ các thành phần kinh tế khác trong xã hội gặp khó khăn thì nguyên nhân chính là do tồn đọng vốn đầu tư công kéo dài từ năm này đến năm khác. 

Tiến độ thực hiện dự án, công trình (có những dự án kéo dài hàng chục năm) đã làm gia tăng chi phí đầu tư và không giải ngân được trong nhiều năm, làm tổn hại rất lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội. Thành ra nhiều nơi, lĩnh vực rất cần vốn thì vốn lại nằm "chết dí" ở những công trình, dự án dở dang? 

Chúng ta nhớ lại những năm gần đây, bộ, ngành, địa phương đua nhau xin dự án. Trong công tác chuẩn bị cho đầu tư và phê duyệt dự án rất sơ sài, mang tính hình thức cốt là để được ghi vốn. Vì vậy, khi được bố trí vốn mới thực sự bắt tay chuẩn bị chi tiết nên chậm ngay từ khi có vốn và trục trặc nhiều thứ suốt giai đoạn thực hiện thi công. Từ đó dẫn đến việc không thể giải ngân đúng kỳ hạn. Ngoài ra, công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, kiểm tra thường bị coi nhẹ, nể nang, xuề xòa với nhau?

Các căn bệnh chỉ ra đều đúng cả, nhưng chưa tìm ra hay chưa muốn dùng thuốc đặc trị bệnh quan trọng nhất là tồn đọng vốn đầu tư công? Trong hai cuộc họp bàn của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương và riêng với 12 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên vừa qua, điều tôi quan tâm và thấy thú vị nhất là Thủ tướng đã đề cập một cách chính xác đến thuốc đặc trị. 

Thủ tướng đã lấy ví dụ 2 tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cao là Ninh Bình và Bình Định. Câu hỏi đặt ra là hai tỉnh này vào loại nhỏ, kinh tế và các điều kiện khác không có lợi thế và thuận lợi như một số tỉnh khác và cùng một cơ chế đầu tư như nhau tại sao họ làm tốt? 

Chỉ một câu hỏi mà câu trả lời đã hiện ra rõ ràng: Đó là yếu tố chủ quan, là năng lực yếu kém của chính quyền địa phương - trong đó vai trò quan trọng của người đứng đầu. 

Phân tích cụ thể hơn là lãnh đạo chưa gần dân, sát dân, lắng nghe nguyện vọng của dân; không đi sâu đi sát nắm bắt những khó khăn phát sinh trong thực hiện dự án để tháo gỡ, giải quyết kịp thời những nút thắt để đảm bảo tiến độ thực hiện. 

Theo thông báo kết luận của Thủ tướng, 6 tháng đầu năm  2020, giải ngân đầu tư công mới đạt 34,96% - đặc biệt các dự án sử dụng nguồn vốn ODA có tỷ lệ giải ngân rất thấp.

Không thể để tình trạng này tồn tại lâu hơn nữa, Thủ tướng khẩn thiết yêu cầu trong năm nay phải giải ngân 100% vốn đầu tư công của năm nay và những năm trước đó chuyển sang năm 2020. Trọng tâm là đơn giản và giảm những vướng mắc thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, các thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán... Thủ tướng tuyên bố cứng rắn sẽ không còn chuyện nể nang, né tránh sợ mất lòng nhau. 

Quốc hội cũng đã trao quyền cho Thủ tướng quyết định điều chuyển vốn giữa các địa phương: "Địa phương nào hết tiền thì yêu cầu Chính phủ điều động tới, địa phương nào cần tiền để phát triển thì Chính phủ mang tiền tới. Địa phương nào giải ngân chậm không đạt yêu cầu tiến độ thì điều chuyển nguồn vốn cho địa phương khác đang cần vốn để phát triển".

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương sớm giao vốn theo kế hoạch năm 2020 chi tiết với từng dự án chậm nhất tới 30 tháng 7, đồng thời rà soát vốn ứ đọng kéo dài tới năm 2020 trình Thủ tướng trong tháng 8 để xem xét điều chuyển các dự án giải ngân chậm. 

Định kỳ báo cáo Thủ tướng cũng rút xuống 15 ngày và các bộ Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính phải công khai kết quả giải ngân của từng bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và bộ, ngành. 

Như vậy Thủ tướng đã đưa các cơ quan chức năng và địa phương vào thế không có đường lui. Đó là thông điệp rất rõ ràng: Nếu anh không làm được thì phải "bật bãi" khỏi sân chơi và nhường chỗ cho người khác chơi.

Từ vấn đề dùng thuốc đặc trị để chữa bệnh đầu tư công, tôi nghĩ tới nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục... không thiếu những tồn đọng thâm niên kéo lùi sự phát triển của đất nước. Mong rằng mỗi lĩnh vực đó cần chỉ ra bệnh và có thuốc đặc trị với quyết tâm rất cao giống như chữa bệnh đầu tư công mới hy vọng giải quyết được những vướng mắc thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước phát triển. l

Đầu tư công là lĩnh vực cần được tập trung tái cơ cấu để cải thiện hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước.

Lưu Chí Thiện
.
.