Văn hoá lễ hội

Chốn thiêng đang lấm bụi trần

Thứ Hai, 20/02/2012, 08:00

Mỗi người đi chùa với một khấn nguyện riêng, người cầu tài lộc, người cầu danh vọng, người cầu bình an. Vẻ đẹp tín ngưỡng đáng trân trọng. Tuy nhiên, càng ngày chúng ta càng nhận ra đã xuất hiện không ít điều phản cảm chốn thờ tự tôn nghiêm. Có thể dễ dàng liệt kê ba hình ảnh không lấy gì làm tự hào cho người Việt thời hội nhập.

Trong các phong tục rất đa dạng trong tháng Giêng, thì viếng chùa có thể xem là một thói quen phổ biến nhất. Nổi tiếng như chùa Hương - Hà Nội, chùa Bà Chúa Xứ - An Giang hay chùa Bái Đính - Ninh Bình nườm nượp khách thập phương không có gì khó hiểu, mà những ngôi chùa khiêm tốn hơn cũng chen chúc người lai vãng. Thử làm cuộc điều tra xã hội học nho nhỏ, sẽ phát hiện không ít doanh nhân hoặc trí thức liên tục thăm viếng hàng chục ngôi chùa trong Nam ngoài Bắc suốt tháng Giêng. Chưa cần qui đổi giá trị thời gian phải mất, chỉ tính riêng chi phí di chuyển đã ngốn… cả năm lương công chức bình thường!

Mỗi người đi chùa với một khấn nguyện riêng, người cầu tài lộc, người cầu danh vọng, người cầu bình an. Vẻ đẹp tín ngưỡng đáng trân trọng. Tuy nhiên, càng ngày chúng ta càng nhận ra đã xuất hiện không ít điều phản cảm chốn thờ tự tôn nghiêm. Có thể dễ dàng liệt kê ba hình ảnh không lấy gì làm tự hào cho người Việt thời hội nhập.

Thứ nhất, cảnh mua bán bát nháo trước cổng chùa. Hàng trăm hàng hóa khác nhau được bày bán lộn xộn, từ vật tế lễ cho đến thú phóng sinh. Những người bán dạo mặc sức chèo kéo, xô đẩy, giành giật… tạo ra sự hỗn độn đáng ngao ngán.

Thứ hai, sự cúng bái nhuốm màu sắc kim tiền cứ giống như… hối lộ thần thánh. Đốt vàng mã thì không nói làm gì, đằng này nhiều người ném tiền lên bệ thờ, nhét tiền vào bát hương, thậm chí còn tìm cách cài tiền vào tay Bồ Tát.

Thứ ba, đốt nhang vô tội vạ. Nhiều chùa có hẳn tấm bảng qui định rõ ràng mỗi khách viếng chỉ được thắp một cây nhang, nhưng chẳng ai thèm lưu ý. Họ cứ đốt cả bó nhang to đùng như thể khói càng nghi ngút thì chân tình càng đậm sâu. Bao giờ mới chấm dứt tình trạng người nọ đốt nhang người kia… ngợp thở?

Những du khách nước ngoài sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy những cảnh tượng lôm côm tại các chùa chiền nước ta? Nếu tin cậy vào 14 điều răn của Phật thì những biểu hiện lôm côm kể trên phải hiểu như thế nào? "Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất chính mình" hay "Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là kém hiểu biết"? Hay phải lấy "20 điều khó trong cuộc sống" do Phật dạy để an ủi "giàu sang học đạo là khó" và "thấy được kinh Phật là khó".

Đi chùa từ lâu đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống. Thế nhưng không thể vì "đi lễ cả năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng" mà bỏ bê nhiệm sở để chen lấn viếng chùa. Hơn nữa, cảnh chùa vốn thanh tịnh, không thể bày tỏ lòng hướng thiện với thái độ phô trương hợm hĩnh. Thật đáng xấu hổ khi chứng kiến trên những bậc tam cấp hướng lên điện Phật lại có những chiếc váy ngắn củn cỡn, những cái áo hai dây hở hang, và cả những tiếng cười đùa bỡn cợt… Hãy nhớ rằng "Phật tại tâm", vì vậy đến chùa đừng mang theo tạp niệm và cũng đừng mang theo hành vi khiếm nhã.

Tháng Giêng đi chùa để tìm sự thanh thản, nhưng lắm khi lại thấy muộn phiền vì chốn linh thiêng bị bủa vây xô bồ thế tục nhiễu nhương!

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
.
.