Cho mình và cho người

Thứ Năm, 08/04/2021, 13:51
Dù mỗi người người một hoàn cảnh, đến từ những địa phương khác nhau, song họ có điểm chung là đều còn trẻ, vượt qua nghịch cảnh, những khiếm khuyết của cơ thể, hăng say sáng tạo, lao động sản xuất, truyền cảm hứng và tạo việc làm cho những hoàn cảnh khó khăn hơn. Họ đã và đang tích cực lan tỏa thông điệp “Sống trung thực, sống trách nhiệm, sống nghị lực”bằng những việc làm cụ thể.


Cuộc đời không bao giờ khép cửa

Nhìn thấy “Đội cơ khí Lê Thanh Tùng” ở thôn Đình Xây, xã Báo Đáp (Trấn Yên, Yên Bái) liên tục nhận “hợp đồng miệng”, các thành viên cần mẫn làm việc, hoàn thiện công trình cho khách, nhiều người rất nể. Họ nể anh Tùng không chỉ bởi anh đã vượt qua nghịch cảnh, với một bên tay cụt, một bàn tay bị co rút còn chân thì tập tễnh, mà còn bởi cách anh điều hành “chuẩn từng xen ti mét”.

Lê Thanh Tùng sinh ra trong một gia đình nghèo, học hết lớp 12, anh xuống Hà Nội xin làm công nhân cơ khí. Sau gần 10 năm, có vốn và kinh nghiệm, năm 2013 Tùng trở về quê hương, vay thêm vốn mở một xưởng cơ khí. Với tính cẩn thận, giá cả phải chăng nên xưởng của anh có nhiều người đến nhờ thi công. Công việc đang thuận lợi thì đến năm 2015, trong khi làm việc, tai nạn điện giật đã lấy đi đôi tay, nửa bàn chân, biến Tùng thành người khuyết tật.

Lê Thanh Tùng kể lại: “Sau tai nạn, tôi được đưa xuống Bệnh viện Bỏng quốc gia cấp cứu trong tình trạng chết hồng cầu, phải thay toàn bộ máu, hai tay và 10 ngón chân bị hoại tử. Sau nhiều ngày hôn mê, tôi mở mắt mà tay chân không có cảm giác. Tôi lâm vào tình trạng chán nản, hụt hẫng…”.

Dù khiếm khuyết, Lê Thanh Tùng vẫn hăng lao động, tạo việc làm cho nhiều người khác.

Số tiền 500 triệu đồng chi phí bệnh viện quá cao với khả năng chi trả của vợ chồng anh. Thật may khi đó câu chuyện của Tùng được chia sẻ trên mạng xã hội, được nhiều người ủng hộ nên đã giúp gia đình anh vơi bớt khó khăn. Sau gần bốn tháng nằm viện, Tùng trở về trong tình trạng cơ thể biến dạng, sinh hoạt khó khăn. 

“Tôi là trụ cột gia đình, với hai con nhỏ, lúc ấy thấy chẳng biết mình sẽ làm gì để trả số nợ 150 triệu đồng. Có lúc tôi nghĩ mình nên buông để tự giải thoát. Nhìn người vợ gầy gò nhưng vẫn chăm chồng, hai đứa con nhỏ dại, tôi lại gạt suy nghĩ ấy ra khỏi đầu, cố trấn an bản thân rồi lên mạng tìm đọc một số thông tin về các hoàn cảnh. Tôi đã nghiệm ra, cuộc đời không khép cửa lại với bất cứ ai” - Tùng tâm sự.

Nghĩ lạc quan hơn, Tùng gặp lại những người thợ cơ khí trước đây gắn bó với mình, tâm sự và nói rằng chẳng ai giúp được mình bằng chính bản thân. Tùng đã luyện tập để làm quen lại với các sinh hoạt khi không còn hai bàn tay lành lặn, rồi đứng ra nhận các công trình, thiết kế, giao cho anh em trong đội thi công. 

Những công việc vừa sức anh vẫn tự mình làm. Còn những kỹ thuật phức tạp, anh hướng dẫn để người khác làm thay. Nhân dân trong xã Báo Đáp phần vì muốn giúp đỡ, phần vì uy tín trước kia nên gia đình nào có công trình đều gọi đội thợ của Tùng.

“Tôi vẫn giữ cách làm việc cẩn thận trước đây, giá tiền hợp lý, nhận tất cả công trình dù to dù nhỏ nên nhận được sự tin tưởng” - Tùng thổ lộ.

Cũng xuất thân từ gia đình nghèo, cô gái Bế Thị Băng (người Cao Bằng) sau  khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên, cô về Hà Nội làm tại một phòng khám nha khoa. Một ngày không may, “hung thần đường phố” đã cướp đi một chân của cô gái trẻ, khiến cuộc đời rẽ ngoặt sang một hướng khác. 

Nhắc chuyện cũ, giọng Băng nghẹn lại: “Chiều tối hôm đó, tôi đang tham gia giao thông trên đường Cầu Diễn (Hà Nội) thì chiếc xe container đâm vào đuôi xe máy làm tôi ngã xuống và bị bánh xe đè lên chân. Anh lái xe đã vẫy rất nhiều xe ta xi nhưng không ai dám cho tôi lên xe. Rất may sau đó lực lượng Cảnh sát giao thông đã đến và các anh đã gọi xe taxi cùng đưa tôi đến bệnh viện. Nghe bác sĩ nói tôi bị thương rất nặng, đa chấn thương, đứt động mạch đùi, vỡ ổ cối chân phải. Sau bốn ngày, tỉnh lại, tôi hỏi chị y tá sao chân phải tôi không nhấc lên được. Chị cho biết chân phải tôi đã bị cắt đi rồi. Tôi giật mình, nghĩ từ bây giờ tôi sẽ chẳng còn cơ hội được làm những điều tôi thích”.

Những nốt nhạc ngân vang

Trong chương trình“Tỏa sáng nghị lực Việt” được tổ chức ở Hà Nội hồi cuối tháng 12/ 2020, Bế Thị Băng đã khiến mọi người thán phục bởi tiết mục múa điệu nghệ trên một chân và khuôn mặt luôn rạng ngời. Khuôn mặt tự tin của cô cũng đã hằn in trong lòng nhiều người trong suốt quá trình cô tham gia cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” 2019. 

Trong đêm chung kết, cô xuất sắc giành danh hiệu hoa khôi. Hơn thế cô còn giành được hai giải phụ, đó là giải tài năng nhảy do cô tự biên đạo và giải được bình chọn yêu thích nhất. Mọi người biết đến cô nhiều hơn và hiểu được cách cô đã gượng dậy thế nào.

Bế Thị Băng (bên phải) và Trần Trà My là những tấm gương giàu nghị lực.

Băng chia sẻ rằng, thật khó diễn tả cảm xúc đau khổ của bản thân sau mấy tháng điều trị và ra đường với một chân, rồi bị kỳ thị. Nhưng cô nhủ với lòng rằng, một bên chân của mình mất đi nhưng trái tim còn đập. 

“Tôi đã vươn lên bằng 300% sức lực. Tôi quyết định tham gia hòa nhập với cộng đồng nhiều hơn như tập múa để giữ thăng bằng, tham gia Câu lạc bộ thể thao người khuyết tật. Tôi học võ, bơi lội, cưỡi ngựa, đi xe đạp...Và tôi đã thành thạo việc kinh doanh Homestay và thẩm mỹ nha khoa để có thu nhập, đảm bảo cuộc sống”,- Băng cho hay.

Lê Thanh Tùng và Bế Thị Băng là hai trong số 64 thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tôn vinh trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2020. Trong số đó có nhiều gương mặt xuất sắc đã và đang truyền cảm hứng cho cộng đồng bằng những việc làm có ích với xã hội, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn hơn, tạo công ăn việc làm cho người khác. Đó là nữ nhà văn Trần Trà My đến từ đất Quảng Trị, luôn phải di chuyển bằng “chiếc nạng bốn chân” nhưng vẫn truyền lửa cho thanh niên. 

Dù sinh hoạt rất khó khăn nhưng Trà My đã dũng cảm vào TP. Hồ Chí Minh để “tự đứng bằng đôi chân của mình”. Hay là bạn Lê Hương Giang, người con của Thủ đô vượt qua bóng tối để trở thành người dẫn chương trình tài năng của Đài Truyền hình Việt Nam. Hay đó là cô giáo một chân, nhân hậu Nguyễn Thị Minh Tâm đến từ Đồng Tháp, đã lập quỹ từ thiện Nhất Tâm để tặng quà, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn hơn, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng… 

Họ đã không cam phận nhìn xuống những khiếm khuyết, đớn đau và tổn thương trong cuộc sống, để viết nên câu chuyện của đời mình, theo cách của mình.

Nguyễn Thị Minh Tâm và Bế Thị Băng có hoàn cảnh khá giống nhau, cả hai đều đang có việc làm ổn định thì bị tai nạn giao thông. Tâm tham gia cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” năm 2014 và vào tốp 10. Tâm cũng chinh phục người khác bằng những tiết mục múa đặc sắc. 

Minh Tâm không giấu được cảm xúc khi gặp được những người đồng cảnh: “Càng đi, càng gặp tôi càng thấy nhiều người đồng cảnh nhưng họ rất giỏi, thậm chí xuất sắc. Như chị Đài Trang đến từ Hà Tĩnh. Chị ngồi xe lăn nhưng vẫn là Giám đốc Công ty TNHH Trang Đài, kinh doanh thực phẩm sạch với những nhân viên cũng là người khuyết tật. Trước đó, chị Trang cũng sáng lập nhiều mô hình kinh doanh rồi bán lại cho doanh nghiệp khác. Em thấy mình còn phải cố gắng hơn nữa”.

Sau đêm tôn vinh, nhiều người đã trở thành bạn, họ trở về cuộc sống và tiếp tục công việc của mình nhưng vẫn chia sẻ, giúp đỡ nhau để làm tốt công việc hơn nữa. Tôi thấy Băng và Trà My chia sẻ rất nhiều ảnh chung trên facebook và cười rất thoải mái. Đó là những nụ cười mà theo Trà My, là những nốt nhạc đang ngân vang, cùng làm đẹp cho đời.

 “Sau đây em còn tái bản cuốn sách “Tin vào điều tử tế”, và sẽ tặng những tấm gương cô ngưỡng mộ, em cũng còn nhiều dự định truyền cảm hứng trong mùa xuân này”. Trà My nhắn với tôi thế. Đó chắc chắn cũng là lời nhắn nhủ quyết tâm nhân thêm những điều tử tế trong xã hội của các gương mặt rạng ngời ấy. 

Diên Khánh
.
.