Phim chuyển thể từ tác phẩm văn học:

Chờ đợi những bứt phá

Thứ Hai, 18/09/2017, 08:01
Theo cách thông thường, những tác phẩm văn học đã nổi tiếng được chuyển thể thành phim sẽ một lần nữa mang đến cho công chúng sản phẩm nghệ thuật có chất lượng. Sự thành công của nhiều bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học cho thấy, cách làm có thể cũ nhưng luôn mang lại những hiệu quả mới khi có sự đầu tư công phu, kỹ lưỡng... Nếu ví văn học như một mỏ vàng của giới điện ảnh thì dường như mỏ vàng ấy vẫn còn nhiều tiềm năng, vẫn đang chờ được khai thác...


Cách làm truyền thống vẫn luôn "hot"

Một trong những bộ phim thu hút sự chú ý của dư luận trong thời gian gần đây là phim “Cô gái đến từ hôm qua” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chuyển thể từ truyện dài ăn khách cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Sức nóng của phim còn khiến ê-kíp làm phim phải chiếu sớm so với kế hoạch. Và kết quả thu được cũng rất khả dĩ, khi phim đạt doanh thu tới 50 tỷ đồng chỉ sau hơn 10 ngày công chiếu.

Phim xoay quanh câu chuyện cũng là lời tâm sự của Thư (Ngô Kiến Huy) về hai cô bạn đặc biệt: Tiểu Li (bé Hà Mi) - cô bạn hàng xóm thời thơ ấu và Việt An (Miu Lê) - nữ hoàng băng giá của lớp 12A3. Chính những lúc đau đầu khổ sở vì Việt An, Thư lại càng nhớ về tháng ngày thơ ấu, về cô bạn nhỏ Tiểu Li từng bị cậu bắt nạt không thương tiếc. Những thước phim đẹp và trong trẻo gợi lại ký ức tuổi thơ và những năm tháng cấp 3 cùng diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên, nhạc phim hay đã giúp “Cô gái đến từ hôm qua” ghi điểm với khán giả.

Một số ý kiến phân tích, có được lượng khán giả đông như vậy là phim đã “ăn theo” lượng độc giả của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Điều ấy có vẻ đúng. Và dường như đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng đã “đúng hướng” khi biết khai thác được tiềm năng công chúng từ sách sang phim, và quyết lấy tên phim theo tên sách. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận cách làm truyền thông “móc xích” từ sách đến phim khiến các fan của “Cô gái đến từ hôm qua” cứ sôi lên từng ngày.

“Trường hợp” Nguyễn Nhật Ánh cho thấy, nếu biết khai thác hiệu quả, tác phẩm văn học có thể trở thành một “mỏ vàng” của các nhà làm phim. Bằng chứng là trước bộ phim “Cô gái đến từ hôm qua”, đã có “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cũng chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Cảnh trong phim “Cô gái đến từ hôm qua” chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Trong khi đó, dù nhận được nhiều khen chê trái chiều và “không đo đếm được bằng doanh thu nhưng “Đảo của dân ngụ cư” - phim do đạo diễn, diễn viên Hồng Ánh chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Đỗ Phước Tiến lại được nhắc đến nhiều như một phim nghệ thuật đáng chú ý của năm nay. Đứng ở phương diện thương mại hay nghệ thuật, phim chuyển thể đều nổi trội và trở thành một dòng chảy ngày càng mạnh mẽ, tiếp nối những thành tựu mà thế hệ đi trước đã mở đường.

Cách đây vài năm, sự ra mắt của phim "Hương Ga" được chuyển thể từ tiểu thuyết "Phiên bản" của nhà văn Nguyễn Đình Tú đánh dấu sự kết hợp của Trương Ngọc Ánh và diễn viên ngoại đạo Kim Lý cũng trở thành một sự kiện điện ảnh nổi bật được công chúng quan tâm chú ý và đã đạt được doanh thu "khủng" bất ngờ.

Nhìn rộng ra, phim chuyển thể từ tác phẩm văn học trong thời gian qua cũng gặt hái được khá nhiều tiếng vang như “Cánh đồng bất tận”, “Nước 2030” từ truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, “Chuyện của Pao” của nhà văn Đỗ Bích Thúy…

Thực tế cho thấy, trong suốt lịch sử hình thành và phát triển của mình, điện ảnh Việt Nam đã có không ít những tác phẩm được chuyển thể từ truyện ngắn hay tiểu thuyết nổi tiếng của các nhà văn. Trong đó có những tác phẩm, ghi dấu những thành công, những mốc son hay những bước chuyển biến quan trọng của điện ảnh nước nhà. Đó là những tác phẩm tâm huyết của nhiều nhà văn, tìm được vị trí trong nền văn học Việt Nam như “Vợ chồng A Phủ”, “Mẹ vắng nhà”, “Chị Dậu”, “Làng Vũ đại ngày ấy”.

Các phim “Bến không chồng” chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Dương Hướng, “Thời xa vắng” chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Lê Lựu là những tác phẩm được đánh giá cao trong dư luận ngay từ khi mới ra đời vào những năm 80, 90 của thế kỷ. Những độc giả yêu mến tác phẩm “Tuổi thơ dữ dội” của nhà văn Phùng Quán cũng có cơ hội được nhìn nhân vật yêu thích của mình trên màn ảnh.

Phim truyền hình dài tập “Ngõ lỗ thủng” cũng được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Trung Trung Đỉnh. Hay phim “Mùa lá rụng” (đạo diễn Quốc Trọng), ra mắt lần đầu năm 2001. Bộ phim dựa theo tiểu thuyết “Mùa lá rụng trong vườn” và một chi tiết nhỏ trong “Đám cưới không có giấy giá thú” của nhà văn Ma Văn Kháng.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã đưa “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” - cuốn nhật ký bán chạy nhất năm 2006 của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm lên màn ảnh với tên gọi "Đừng đốt". Tên phim trích ra từ câu “Đừng đốt, trong đó đã có lửa” của Huân, trước khi trao cuốn nhật ký này cho Frederic Whitehurst, người đã lưu giữ nó trong suốt mấy chục năm.

Gần đây, những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng được chuyển thể từ tiểu thuyết, truyện ngắn ngày càng nhiều. Góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài bằng điện ảnh có thể kể đến “Mùa len trâu” của biên kịch và đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Bộ phim được xây dựng dựa trên hai truyện “Một cuộc đời bể dâu” và “Mùa len trâu” của nhà văn Sơn Nam.

Bên cạnh đó, có thể kể đến hàng loạt các phim chuyển thể khác như “Đất Phương Nam” chuyển thể từ truyện của nhà văn Đoàn Giỏi và “Trăng nơi đáy giếng” chuyển thể từ truyện của nhà văn Trần Thùy Mai; “Mười ba bến nước” và “Người trở về” được đạo diễn Đặng Thái Huyền chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Sương Nguyệt Minh;  “Quyên” được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ...

Cần thêm những cái bắt tay thật chặt

Thực tế cho thấy, không chỉ riêng Việt Nam, điện ảnh thế giới cũng đã bắt tay chặt chẽ với văn học để khai thác “mỏ vàng” tiềm ẩn. Thậm chí, có những tác phẩm văn học được nhiều đạo diễn cùng khai thác, mỗi lần một phiên bản mà vẫn “hot”, khiến công chúng hào hứng đón đợi như “Những người khốn khổ”. Cũng có những tác phẩm chuyển thể đoạt giải cao và trở thành phim kinh điển mọi thời đại như “Cuốn theo chiều gió”, “Sông Đông êm đềm”, “Chiến tranh và hòa bình”, “Phía Tây không có gì lạ”…

Giới chuyên gia đã nhìn nhận, văn chương và điện ảnh vốn có những điểm giao thoa, là “anh em” của nhau, trong khi đó không phải loại hình nghệ thuật nào cũng có thể bao trọn được công chúng của mình. Vì thế, đưa tác phẩm văn học trở thành sản phẩm điện ảnh là mở rộng biên độ người thưởng thức, tìm kiếm thêm đối tượng khán giả, đồng thời khẳng định một lần nữa giá trị, tầm ảnh hưởng, ý nghĩa nhân văn của tác phẩm văn học ấy.

Xu hướng chuyển thể tác phẩm văn học thành phim không mới nhưng rõ ràng đã mang đến cho khán giả những trải nghiệm mới và đã khẳng định được một hướng đi đúng của điện ảnh Việt Nam, khi các tài năng biên kịch còn ít ngôi sao, thậm chí bị đánh giá là thiếu và yếu!

Nhưng đời sống lại có những “ca” rất tréo nghoe. Ấy là trường hợp của nhà văn Phạm Ngọc Tiến. Ông nổi tiếng là tác giả kịch bản của bộ phim nổi tiếng “Ma làng”, nhưng với cuốn tiểu thuyết “Tàn đen đốm đỏ” của mình, Phạm Ngọc Tiến lại “chịu”. Ông chia sẻ rằng bản thân không thể "hô biến" những con chữ của tiểu thuyết về những người lính thành những trang kịch bản phim được.

Lý giải điều này, Phạm Ngọc Tiến chia sẻ: "Tôi đã viết “Tàn đen đốm đỏ” với sự tâm huyết của mình. Và khi kết thúc tiểu thuyết thì với tư cách của tác giả, tôi đã “xong nhiệm vụ”. Giờ thật khó, và cũng không đành lòng, để cắt bớt cái chân, nối thêm cái tay cho những nhân vật của mình thành một hình hài mới. Cũng không đang tâm “xé toang” đứa con mình tâm đắc ra để xây đắp thành một đứa con mới. Mà kịch bản phim thì có những đòi hỏi khác…”.

Công chúng có thể ít, hoặc không quan tâm đến những khó khăn, những mắc mớ trong việc bắt tay hợp tác giữa các nhà làm phim với nhà văn. Họ chỉ chờ đợi và hi vọng thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa những tác phẩm văn học hay, cũng như điện ảnh hay cho khán giả thưởng thức, vì còn rất nhiều viên ngọc quý trong “kho báu” văn chương chưa được khai thác và để lại nhiều tiếc nuối. Bởi tác phẩm văn học hay vẫn chưa được khai thác hết.

Vẫn biết rằng, không cứ phải tác phẩm văn học nào hay cũng có thể dựng thành phim, nhưng với những tác phẩm văn học có giá trị, đồng thời ghi dấu một giai đoạn lịch sử của đất nước mà không tái hiện được bằng âm thanh, hình ảnh... mang đến cho công chúng một trải nghiệm khác khi tiếp cận với tác phẩm ở thể loại khác thì chỉ thiệt thòi cho người xem.

Trong số những nhà văn nằm trong “tầm ngắm” của các đạo diễn, nhà sản xuất phim thì nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với những tác phẩm về tuổi học trò, tuổi teen đang được quan tâm hơn cả. Kế đó, nhà văn “rặt Nam Bộ” Nguyễn Ngọc Tư cũng có nhiều tác phẩm được các nhà làm phim đầu tư, mua bản quyền và làm nên những bộ phim gây xôn xao như “Cánh đồng bất tận” và “Nước 2030”. Trong khi đó, nhà văn của núi rừng Hà Giang Đỗ Bích Thúy thì gần đây liên tiếp “được mùa” chuyển thể với các phim “Chuyện của Pao”, “Lặng yên dưới vực sâu” và một phim nữa đang trong quá trình bấm máy là “Người yêu ơi”.
Nguyệt Hà
.
.