Chính sách phải từ thực tế

Thứ Năm, 26/04/2018, 08:43
Tuần qua, Bộ Tài chính đã chính thức công bố Dự thảo Dự án Luật thuế tài sản. Một trong những mục tiêu xây dựng dự luật này nhằm góp phần chống đầu cơ nhà đất, là một trong những giải pháp phòng, chống tham nhũng và các nước đã áp dụng thuế tài sản từ lâu nhằm tạo sự công bằng trong sở hữu tài sản nhà đất.


Theo đó đề nghị lấy ngưỡng nhà ở không chịu thuế là 700 triệu đồng, phương án thuế suất là 0,4%. Với phương án áp dụng 0,4% trên, số thu thuế tài sản được Bộ Tài chính tạm tính mỗi năm lên tới 31.000 tỷ đồng. Đề xuất đánh thuế nhà có giá trị vượt mức 700 triệu đồng của Bộ Tài chính đang bị phản ứng dữ dội.

Nhiều ý kiến cho rằng, đồng tiền thì liên tục mất giá mà cái gì cũng đem thế giới ra so; đánh thuế nhà là "thuế chồng lên thuế" khi mua một căn nhà hay khi xây dựng một căn nhà, người dân đã phải đóng rất nhiều loại thuế và nay ở trong ngôi nhà của mình cũng bị đánh thuế.

Mới đây, vào ngày 11-4, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến vào dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau trong phương án xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc giải trình không hợp lý.

Đừng để những chính sách “trên trời” xa rời thực tế làm khổ dân.

Đại biểu Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng còn loay hoay, cân nhắc với việc "Thu thuế hay tịch thu tài sản bất minh?". Xuất phát của việc này bắt nguồn từ các đối tượng là cán bộ, công chức thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm nhưng không trung thực, hoặc không giải trình được số tài sản tăng thêm đáng kể.

Lẽ ra, để các chính sách đi vào cuộc sống thì trước tiên cán bộ, công chức, đảng viên phải là những người tiên phong, gương mẫu thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, rất nhiều người đã tìm mọi cách che giấu những tài sản mình có để trốn tránh trách nhiệm đóng góp cho xã hội, cho đất nước.

Người dân đặt câu hỏi cán bộ, công chức còn thiếu trung thực, còn dối trá thì tại sao lại bắt người dân thực hiện? Chẳng nhẽ cứ đứng nhìn ô tô đắt tiền có cái giá cả chục tỷ đồng chạy đầy đường; gần như ở tỉnh, thành nào cũng có những khu dành cho cán bộ, công chức cốt cán của tỉnh được quy hoạch hợp lý, giao thông thuận tiện, có vườn hoa, sân chơi, phần nhiều nhà cửa rộng rãi, sang trọng, rồi hàng loạt biệt phủ sừng sững được phát hiện mà chẳng thấy bị sờ tới.

Đây chỉ là những gì người dân nhìn thấy, "chỉ là bề nổi của tảng băng chìm" mà còn chưa có cách gì để xử lý thì xin đừng bày vẽ đánh thuế nhà dân khi mà chúng ta chưa có một biện pháp hữu hiệu nào để quản lý tài sản của toàn xã hội. Vậy còn những loại tài sản khác có giá trị lớn hơn cả nhà ở như vàng bạc, đã quý, cổ phần, cổ phiếu, các giấy tờ có giá khác… sẽ xử lý như thế nào đây?

Bất cứ quy định nào được đưa ra trước hết phải phù hợp với thực tế, với trình độ phát triển của xã hội và bảo đảm điều kiện để thực hiện thì mới có sức sống, được nhân dân chấp nhận và ủng hộ. Văn bản phải ban hành theo đúng trình tự, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó quy định rõ phải lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan và đặc biệt quan trọng là lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động, rồi được Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình xem xét, ký ban hành.

Thực tế, đã có không ít bộ, ngành luôn khẳng định rằng khi ban hành văn bản đã lấy ý kiến người dân, lấy ý kiến đối tượng có liên quan, bị tác động. Nhưng hỏi ra mới biết họ chỉ đăng dự thảo văn bản đó trên website của bộ, ngành mình.

Thử hỏi, người công nhân luôn miệt mài trong công xưởng, người nông dân phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, người buôn bán ngoài đường, ngoài chợ từ sớm tới tối khuya thì lấy đâu ra thời gian và liệu có tiền mua máy tính rồi nối mạng internet để biết mà góp ý cho các dự thảo để biết "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được ưu tiên khi thi đại học" hay "Thịt lợn chỉ được bán trong vòng tám tiếng" và "Sản xuất rượu thủ công phải xin giấy phép và dán nhãn"... hay không?

Để chính sách đi vào cuộc sống, người làm chính sách phải thở hơi thở của cuộc sống, hơi thở thời đại, hơi thở của người dân. Không thể "ngồi trên mây" để làm ra các chính sách. Khi chính sách xa rời cuộc sống nó kéo theo biết bao hệ lụy, như tốn phí ngân sách để xây dựng cơ chế chính sách, tốn phí công sức để cố đưa nó vào thực hiện, gia tăng sự thất vọng và giảm thiểu niềm tin của người dân… Nhưng tại sao lại có hiện tượng nhiều chính sách đưa ra không khả thi như vậy? Phải tìm được mấu chốt của vấn đề, điều gì đang diễn ra và tại sao?

Có thể thấy rằng, khi soạn dự thảo lấy ý kiến mà nặng về chủ quan duy ý chí, thiếu tầm nhìn, không khả thi, đều gây nên những bức xúc trong xã hội. Cần phải thay đổi lại quy trình lấy ý kiến nhân dân, đối tượng chịu sự tác động trước khi ban hành văn bản.

Khi lắng nghe ý kiến phản biện của nhân dân thì cơ quan soạn thảo cần nghiêm túc trao đổi, nghiên cứu chỉnh sửa để sớm đưa chính sách vào thực hiện, tránh tình trạng ngâm quá lâu hay "quên", phải tuyệt đối tránh việc lấy ý kiến nhân dân cho đủ thủ tục, đồng thời phải tuyên truyền rộng rãi và phải có cơ chế giám sát, có chế tài xử phạt vi phạm…

Và hơn nữa, cần có quy định xử lý đối với cơ quan, cá nhân chịu trách nhiệm đã ban hành văn bản thiếu tính khả thi, sai quy định về chuẩn văn bản quy phạm pháp luật.

Thương dân thì đừng để người dân phải khổ với những quy định... trên giời.

Cù Tất Dũng
.
.