Chiến lược nào cho sự phát triển giáo dục?

Thứ Bảy, 21/05/2016, 08:03
Đối với nhiều thế hệ học sinh Việt Nam, việc học chỉ nhằm đến mục tiêu duy nhất, được coi là thực tế nhất, đó là học (chỉ) để thi. Vô hình, áp lực thi cử đã khiến cả giáo viên lẫn học sinh quay cuồng trong cơn lốc nhồi nhét kiến thức và chỉ có kiến thức, không còn thời gian hay điều kiện để giúp học sinh phát triển thể chất, sáng tạo, sinh hoạt cộng đồng và vui chơi. Nó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng học thêm học nếm, lò luyện thi, ngoại khóa mọc lên nhan nhản, lấn át cả chương trình chính ở trường...


Khi học chỉ để thi

Nguyễn Hồng Lam

Từ năm 1994, một nhà khoa học giáo dục tên tuổi của Việt Nam, GSTS Nguyễn Hoàng Phương đã được  tổ chức Văn hóa giáo dục Liên hợp quốc đánh giá rất cao với công trình nghiên cứu được in thành sách dày hơn ngàn trang khổ lớn có nhan đề: “Tích hợp đa văn hóa Đông - Tây và một chiến lược giáo dục mới cho tương lai”. Chỉ riêng tên sách cũng đã gợi mở một triết lý đầy tính chiến lược cho nền giáo dục nước nhà, trong đó đáp ứng được nhu cầu tương lai về hội nhập và phát triển.

Đáng tiếc, sau hơn 20 năm, nền giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông của chúng ta vẫn hầu như giẫm chân tại chỗ. Thay vì có những thay đổi toàn diện mang tính chiến lược, sách lược vì sự phát triển của tương lai, ngành Giáo dục nước nhà lại quay cuồng với hàng loạt những cải cách mang tính đối phó với  mục tiêu, chỉ tiêu hiện tại. Tác dụng thúc đẩy sự phát triển bền vững khó thấy, những cải cách ấy lại tạo nên một sự bất an khi nhiều thế hệ học sinh vô tình bị biến thành những thế hệ thí nghiệm, thử nghiệm mà kết quả đạt được thì không nhiều hứa hẹn tích cực.

Niềm vui của các sinh viên trong lễ tốt nghiệp.

Đối với nhiều thế hệ học sinh Việt Nam, việc học chỉ nhằm đến mục tiêu duy nhất, được coi là thực tế nhất, đó là học (chỉ) để thi. Vô hình, áp lực thi cử đã khiến cả giáo viên lẫn học sinh quay cuồng trong cơn lốc nhồi nhét kiến thức và chỉ có kiến thức, không còn thời gian hay điều kiện để giúp học sinh phát triển thể chất, sáng tạo, sinh hoạt cộng đồng và vui chơi. Nó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng học thêm học nếm, lò luyện thi, ngoại khóa mọc lên nhan nhản, lấn át cả chương trình chính ở trường. Nó biến nhà trường và đội ngũ giáo viên thành các “huấn luyện viên” kỹ năng thuần túy hơn là một nhà sư phạm đúng nghĩa, biến học sinh có nguy cơ thành những robot liên tục được nâng cấp, mở rộng dung lượng bộ nhớ, hơn là phát triển thành một con người toàn diện, hoàn thiện dần mọi mặt văn  - thể - mỹ.

Giáo dục theo mô hình này, sự khu biệt bậc học vô tình trở nên không rõ nét. Sau  chương trình cấp 3, học sinh xem trường đại học, nơi góp phần quyết định gần như quan trọng nhất trong tương lai mỗi cá nhân thành một trường cấp 4. Phần lớn học sinh chuyển từ bậc học phổ thông vào đại học đều bị choáng ngợp, phải mất nhiều tháng mới theo kịp và thích nghi với việc đào tạo. Vậy nhưng sau khi tốt nghiệp, ra đi làm, không ít người lại cho rằng 4 hoặc  5 năm đại học thật ra chỉ là một quãng thời  gian… lãng phí, kiến thức không áp dụng và phát huy được bao nhiêu.

Thi cử là mục tiêu, cho nên việc học cũng  chỉ nhằm vượt qua thi cử, không chú trọng nhiều việc nâng cao kiến thức. Tất yếu, học sinh sẽ quay sang học tủ, học thuộc, có kiến thức nhưng không  làm chủ kiến thức và rất hạn chế trong khả năng sáng tạo.

Học để thi, bằng cấp lên ngôi, xã hội trở nên lạm phát bằng cấp và thiếu vắng nhà chuyên môn. Khả năng phát triển và hội nhập bị hạn chế trầm trọng. Trong khi đó, nó lại kích hoạt cuộc chạy đua bằng cấp, kéo theo nó là hàng loạt vấn nạn tiêu cực  làm suy thoái cả nền giáo dục lẫn sức cạnh tranh phát triển của xã hội.

Áp lực thi cử cũng khiến nền giáo dục trở nên mất phương hướng và thiếu tự tin, tạo tiền đề cho một sự hỗn loạn khác. Thử hình dung kết quả sau một mùa thi đại học, nhiều học sinh giỏi đạt điểm số cao ngất ngưởng 26-27 điểm nhưng vẫn rớt đại học vì trót thi vào y khoa.

Trong khi đó, hàng loạt học sinh  top dưới, điểm chỉ 10 - 11 vẫn ung dung chờ giấy báo nhập học vào các trường đại học dân lập đang mọc lên nhan nhản. Bằng cấp của 4 hoặc 5 năm sau đó để một thế hệ công dân bước vào đời đang trở nên bị rẻ rúng. Việc học tập và đào tạo trở nên lãng phí cả về thời gian lẫn tiền bạc.

Khái niệm nôm na “vượt vũ môn” trong thực trạng giáo dục Việt Nam đang mất dần tính quan trọng và thiêng liêng của nó. Chỉ với việc thi cử, khó có thể đánh giá được đúng giá trị của công việc giáo dục xã hội và mức độ trưởng thành cá nhân. Một thế hệ học sinh, ngoài kiến thức sách vở xa thực tế vẫn thiếu và yếu toàn diện nhiều mặt khác: kỹ năng, nhân cách, nhận thức xã hội… thì khó có thể bảo đảm rằng tương lai sẽ thành công trong việc làm chủ xã hội.

Đó là chưa kể, khi thi cử từ điều kiện kiểm tra mức độ, khả năng kiến thức bị biến triệt để thành mục đích thì giáo dục đã gần như đánh rơi hẳn một mục đích quan trọng: giáo dục lòng tự  trọng, hình thành, khơi gợi những giá trị nhân văn trong mỗi con người. Lúc đó, sự phát triển của tương lai sẽ không thể tránh khỏi lệch lạc.

Nhìn từ thực trạng giáo dục, chúng ta đã có thể nhận rõ nguy cơ tụt hậu, nếu không có sự thay đổi ngay từ bây giờ. Thay đổi trước hết phải là không xem thi cử như mục đích cao nhất hoặc duy nhất của quá trình dạy và học.

TS. Mai Thanh Sơn (Giám đốc Trung tâm Nhân học – Tôn giáo, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ): Điểm tựa cho giới trẻ tự tin bước vào đời

Từ xưa, cha ông ta đã nhận thức được rằng, cho dù trong khuôn khổ trường quy hay phạm vi cộng đồng thì giáo dục cũng luôn có mục tiêu tối thượng là “vị nhân sinh”. Thời phong kiến, học sinh theo đòi nghiên bút với mong muốn đỗ đạt làm quan, vừa mang trí trai giúp đời, vừa tự chuyển đổi vị thế xã hội. Những người không đủ điều kiện theo học trường lớp, sẽ được trao truyền các kỹ năng và đạo lý sống trong khuôn khổ cộng đồng gia đình/gia tộc và làng xã.

Ngày nay, chúng ta có thể phê phán xã hội cũ và lối học xưa ở điểm này, điểm khác nhưng không thể phủ nhận được những giá trị nhân sinh trong quan điểm giáo dục mà cha ông để lại. Cũng chính nhờ các giá trị đó, dân tộc đã có thể giữ lại cho hôm nay những gì được coi là “bản sắc”. Điểm đặc biệt cần lưu ý, việc tích lũy kiến thức/kỹ năng/đạo lý sống cho mỗi cá nhân xưa luôn đảm bảo tính nhất quán/liên tục/liên thông. Vì thế, mỗi người bước vào đời đều không bị “shock” và làm tròn vai công việc của mình.

Xét trong quan hệ điểm tựa và sự tương tác, môi trường giáo dục ngày nay đã khác xưa rất nhiều. Điểm tựa xã hội đáng kể nhất của cha ông chúng ta xưa chỉ là gia đình/gia tộc và thôn làng với các ngưỡng hành vi cũng như đức tin mang tính phổ quát của các cộng đồng tương đối khép kín. Giới trẻ ngày nay thì khác. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ nông nghiệp/nông thôn/nông dân sang công nghiệp hóa/đô thị hóa/toàn cầu hóa, cộng đồng thôn làng và thậm chí cả gia tộc cũng không còn nhiều ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách và nhất là việc lựa chọn nghề nghiệp của mỗi người.

Với bài viết này, tôi không muốn bàn về vấn đề giáo dục nhân cách cho lớp trẻ, chỉ xin được đóng góp một vài ý kiến xung quanh câu hỏi: Vậy nhân tố nào là quan trọng nhất đối với việc định hướng nghề nghiệp hiện nay cho giới trẻ?

Hiển nhiên chúng ta không thể bỏ qua vai trò của gia đình với tư cách là tế bào cơ sở của xã hội, cũng là môi trường đầu tiên mỗi người được định hướng nghề nghiệp theo mong muốn của cha mẹ. Về cơ bản, các bậc cha mẹ thường có mấy xu hướng “khuyên răn” con cái: 1) lựa chọn nghề nghiệp theo “nếp nhà”, cha mẹ làm nghề gì, mong con cái theo nghề đó; 2) lựa chọn nghề nghiệp theo “mốt thời thượng”, ưu tiên các ngành kinh tế, ngân hàng, y dược, công nghệ thông tin…; 3) lựa chọn các ngành mà khi học ít tốn kém nhưng khi ra trường không phải vác đơn đi xin việc, chủ yếu là các trường thuộc lực lượng vũ trang; và 4) lựa chọn những ngành học có thể xin làm trong cơ quan nhà nước, vừa nhàn hạ, vừa có thể đảm bảo cuộc sống ổn định.

Ở một góc độ khác, không thể bỏ qua vai trò của mạng xã hội có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các bạn trẻ. Với một môi trường mở, ngay từ rất sớm con cái chúng ta đã “va đập” với không ít các tác động xã hội khác nhau. Việc định hướng nghề nghiệp vì thế cũng trở nên đa dạng hơn. Không ít bạn trẻ đã phá vỡ các “quy tắc gia đình” để tự định hướng cho mình. Và họ đã thành công.

Tuy nhiên, cho đến nay, không ai dám khẳng định rằng, những vấn đề liên quan đến việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai của lớp trẻ không còn là điều đáng lo ngại. Và chính ở điểm này, tôi nhận thấy có điểm trống mà nhà trường cần khỏa lấp: việc giáo dục hướng nghiệp hiện nay ở nhà trường còn chậm/muộn và bất cập so với nhu cầu của giới trẻ.

Chỉ đơn giản đưa ra các câu hỏi: với luật phổ cập giáo dục là THCS, việc hướng nghiệp cho các bạn trẻ chỉ được thực hiện trong cấp THPT liệu có phù hợp? Những học sinh không được theo học lên THPT sẽ lựa chọn nghề nghiệp tương lai của mình như thế nào? Các bạn có điều kiện tiếp tục theo học, liệu có được định hướng sớm để chuẩn bị cho các bước liên thông của mình? Và làm thế nào để chương trình giáo dục THPT có thể đảm bảo phát huy được tính chủ động sáng tạo của người học, để họ có thể tự khám phá bản thân và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp?

Với tư cách là một “điểm tựa”, ngành Giáo dục cần sớm có những giải pháp nhằm đảm bảo tính nhất quán/liên tục/liên thông trong giáo dục hướng nghiệp cho học sinh. Chỉ khi nào làm được điều đó, ngành mới có thể đạt mục tiêu tối thượng “vị nhân sinh” của mình.

TS Nguyễn Công Thảo (Viện Dân tộc học Việt Nam): Những con số biết nói…

Việt Nam hiện nay có xấp xỉ 9.000 giáo sư và phó giáo sư, 24.000 tiến sĩ và hơn 100.000 thạc sĩ. Con số này không ngừng gia tăng bởi chúng ta đã, đang và chắc chắn còn có thêm nhiều dự án, chương trình đạo tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Theo thống kê của Viện Thông tin khoa học (ISI), từ năm 1996 đến 2011, cả nước có 13.172 ấn phẩm khoa học công bố trên các tập san quốc tế có bình duyệt. Điều đó có nghĩa mỗi năm chúng ta có khoảng 880 công trình xuất bản quốc tế và bình quân phải mất vài chục năm, mỗi tiến sĩ của ta mới sản xuất được một bài báo cho quốc tế.

Những con số thường khô cứng lắm, tương đối lắm, dễ gây tranh luận và phân trần lắm. Vì thế, để hiểu thêm cần so sánh chúng với những con số khác. Cũng nguồn thống kê trên, trong cùng khoảng thời gian ấy, số ấn phẩm khoa học của cả nước chưa bằng 1/5 số công bố của trường Đại học Tokyo (69.806 ấn phẩm) và một nửa của trường Đại học quốc gia Singapore (28.070 ấn phẩm). Nếu ai đó bảo rằng thật bất công khi so sánh một nước nghèo như Việt Nam với các nước giàu có như Nhật Bản và Singapore, thì xin hãy nhìn sang các nước láng giềng. Số công trình xuất bản của hơn 24.000 tiến sĩ của chúng ta chỉ bằng khoảng 1/5 của Thái Lan (69.637), 1/5 của Malaysia (75.530), và 1/10 của Singapore (126.881). Trong khi đó, dân số Việt Nam gấp 17 lần Singapore, 3 lần Malaysia và gần gấp rưỡi Thái Lan.

Nếu những con số kia vẫn chưa gợi lên cho bạn điều gì, xin kể thêm một câu chuyện có thật. Khoảng giữa năm 1998, tập san khoa học số 1 trên thế giới Science có một loạt bài điểm qua tình hình khoa học ở các nước châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á. Trong loạt bài này, ngạc nhiên thay (hay không đáng ngạc nhiên thay), không có đến một chữ nào nói về khoa học ở Việt Nam. Thậm chí, hai chữ “Việt Nam” cũng không được nhắc đến.

Năm 2002, Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020” với mục tiêu đến 2010, phải đáp ứng 40 -50% nhu cầu cơ khí cả nước, xuất khẩu đạt 30% giá trị sản lượng. Tuy nhiên, phần lớn các mục tiêu đề ra đều không đạt được. Thậm chí, có ngành còn tụt hậu hơn thời bao cấp. Về cơ bản, chúng ta xuất khẩu cho thế giới nguyên liệu thô, những mặt hàng đòi hỏi cơ bắp trong khi nhập về các sản phẩm mang hàm lượng chất xám cao.

Những con số trên không biết có đủ cho ta đưa ra liên tưởng gì đó về sự đóng góp của khoa học cho sự phát triển của nước nhà? Câu hỏi này có lẽ xin được gửi cho các nhà khoa học (trong đó có tôi).

Bà Nguyễn Thị Hương (Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh): Thách thức từ những tồn tại

Có rất nhiều yếu tố tồn tại cần phải được khắc phục trong quá trình dạy và học ở nước ta. Bộ Giáo dục - Đào tạo, ngành Giáo dục cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này, đồng thời cũng đã đề ra hàng loạt phương pháp cải cách, thay đổi, đổi mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục từ bậc phổ thông. Tuy nhiên, hầu hết những cải cách vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi, chưa tạo ra được sự thay đổi tích cực và cần thiết đáp ứng được nhu cầu và sự kỳ vọng của xã hội. Chưa bàn sâu về các khía cạnh chuyên môn, chỉ nhìn thực trạng cũng có thể thấy nổi lên nhiều vấn đề.

Đối với phụ huynh và học sinh, chương trình học, thời gian biểu cho việc học  luôn là một áp lực quá tải. Học sinh ở tất cả các bậc phổ thông đều cảm thấy chương trình học  quá nặng, không còn chỗ cho học sinh rèn luyện, phát triển thể chất và vui chơi giải trí.  Hình ảnh học sinh ngủ gục tại lớp trong giờ giải lao đã trở nên phổ biến. Rõ ràng phương châm giúp học sinh  cảm thấy “mỗi ngày đến trường là một niềm vui” đã không đạt được.

Ngoài chương trình học kiến thức chính khóa, học sinh còn  bị vây bủa  bởi vô số giờ, tiết học thêm, phụ đạo, bồi dưỡng, ôn tập… để cố nhồi thật nhiều kiến thức, kỹ năng không ngoài mục đích duy nhất là vượt qua các kỳ thi, không còn thời gian cho các hoạt động ngoại khóa, giao lưu, vui chơi và nghỉ ngơi. Thực tế này tạo ra một áp lực căng thẳng rất lớn trong việc học, làm giảm hứng thú tiếp thu, hạn chế sự say mê và sáng tạo trong học tập của các em. Rõ ràng, giáo dục đang có một sự bất cân giữa giáo dục kiến thức với giáo dục thể chất và vui chơi giải trí nhằm tái tạo năng lượng tiếp thu và phát triển thể chất. Phần thụ hưởng trong giáo dục của học sinh xem như đã bị loại trừ.

Lấy học sinh làm trung tâm, nhưng quy trình giáo dục dường như vẫn đang chạy theo chỉ tiêu của nhà trường và của giáo viên, hơn là chú trọng vào mục đích phát triển toàn diện cho học sinh. Với chương trình học kiến thức quá nặng hiện tại, học sinh vẫn phải học khá nhiều những kiến thức không – hoặc chưa cần thiết, không sát thực tế. Trong khi đó, những tri thức thức, kỹ năng sát sườn lại gần như bị bỏ quên, nếu không nói là bị loại bỏ khỏi chương trình giáo dục. Kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng thích nghi và bảo vệ môi trường, kỹ năng tự bảo vệ mình, nhận biết đúng sai, phải trái, tốt xấu, đồng cảm, chia sẻ và bảo vệ  người xung quanh, bảo vệ lẽ phải…., học sinh bị thả nổi, vừa thiếu vừa yếu.

Việc học tập, học sinh được tiếp nhận một cách thụ động và lệ thuộc. Gần như năm nào cũng thế, học sinh và phụ huynh cứ  nơm nớp ngóng tin, chờ đợi, dò đoán tình hình thi cử, thi môn nào, bỏ môn nào, thi hình thức gì… để từ đó có định hướng mang tính chất đối phó, thay vì xem việc học  như một nhu cầu tự nhiên, thi cử chỉ như một thao tác kiểm tra đánh giá. Hệ quả của một nền giáo dục như thế tất yếu sẽ dẫn đến một sự phát triển  lệch lạc, phiến diện, khó có thể  giúp các em trở thành những con người tự tin, đủ năng lực  đáp ứng được các nhu cầu, đòi hỏi của xã hội trong tương lai.

Ngay cả nhận thức về phương châm “lấy học sinh làm trung tâm” cũng đang bị hiểu không đầy đủ và có nhiều điểm sai. Hậu quả là vị thế, cái uy, vai trò của giáo viên đang bị xem nhẹ, khó có thể thật sự giúp đội ngũ thầy cô giáo trở thành “tấm gương” cho học sinh noi theo. Bình đẳng thái quá trong quan hệ giáo viên  - học sinh trong nhiều thế hệ đã tạo nên sự bất an, mặc cảm nơi người thầy, đồng thời làm giảm giá trị, vai trò của họ trong hoạt động giáo dục và trong tâm hồn, tình cảm  nhiều thế hệ học trò. Đó cũng là một nguồn gốc dẫn đến sự tha hóa đạo đức xã hội trong tương lai.

Bên cạnh việc truyền thụ kiến thức, thầy cô giáo hiện cũng đang phải gánh nhiều trách nhiệm, thủ tục rườm rà, không cần thiết khác, đa phần mang tính hình thức như giáo án, sổ sách, dự  giờ, tập huấn, bồi dưỡng chính trị, công tác đoàn thể…v.v. Lẽ dĩ nhiên những việc này đều cần thiết, nhưng  cách  thức quản lý và thực hiện như hiện tại thì  rõ là đã cũ kỹ, chỉ tạo thêm gánh nặng khiến người thầy  luôn có cảm giác bị quản lý, ràng buộc, bị buộc phải theo khuôn mẫu làm giảm hứng thú, nhiệt tình hơn là kích thích  tăng cường khả năng sáng tạo, gắn bó với nghề trồng người của họ.

Tất cả những điểm bất cập này chỉ có thể thay đổi khi thật sự chúng ta có một ngành Giáo dục không chạy theo chỉ tiêu, chúng ta thật sự quan tâm đến sự phát triển đầy đủ, toàn diện của đội ngũ học sinh – những chủ nhân tương lai của xã hội.

PV
.
.