Chiến dịch kiểm tra lại phiếu bầu Tổng thống của ứng cử viên Đảng Xanh: Bầu cử kiểu Mỹ

Thứ Ba, 06/12/2016, 08:22
Vào thứ năm ngày 24-11 vừa qua, cựu ứng cử viên Tổng thống Đảng Xanh, bà Jill Stein, đã nộp đơn yêu cầu kiểm lại phiếu tại bang Wisconsin, một trong ba bang "chiến địa" mà ông Trump đã giành chiến thắng sít sao trước đối thủ là bà Hillary Clinton.


Chiến dịch của bà Stein cho rằng đã có những "bất thường" trong kết quả bầu cử tại ba bang Wisconsin, Pennsylvania và Michigan và mục đích mà bà hướng tới khi phát động chiến dịch này là để cho công chúng thấy được "hệ thống bầu cử Mỹ thiếu tin cậy như thế nào".

Trên trang web của bà Stein có viết: "Các kết quả ngoài dự đoán của cuộc bầu cử và những bất thường được ghi nhận cần phải được điều tra trước khi cuộc bầu cử tổng thống 2016 được thừa nhận".Theo tờ Guardian, đến nay chiến dịch của bà Stein đã quyên góp được hơn 5 triệu trên mục tiêu 7 triệu USD cần thiết để chi trả cho công việc kiểm phiếu lại đầy phức tạp và khó khăn này. 

Bà Stein cũng cho biết mình đã có kế hoạch đề nghị kiểm tra lại số phiếu bầu cử tại hai bang "chiến địa" còn lại đã giúp Trump thắng đậm là Pennsylvania và Michigan. 

Theo hãng tin AFP, Ủy ban bầu cử bang Wisconsin cho biết họ đang "chuẩn bị để xúc tiến việc kiểm lại trên toàn bang số phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ" theo yêu cầu của bà Stein và thông báo công việc kiểm phiếu sẽ được hoàn thành vào ngày 13-12 tới đây. Hạn chót cho việc nộp đơn yêu cầu kiểm lại phiếu tại hai bang Pennsylvania và Michigan lần lượt là ngày thứ hai (28-11) và thứ tư (30-11).

Bà Jill Stein, ứng cử viên Đảng Xanh.

Kết quả bỏ phiếu được công bố vào ngày 8-11 tại 3 bang "chiến địa" nói trên đều rất sát sao với chiến thắng thuộc về ông Donald Trump. Nếu cuộc kiểm phiếu lại tại 3 bang có thể đưa ra một kết quả trái ngược theo chiều hướng có lợi cho bà Hillary thì bà sẽ có được thêm 46 phiếu đại cử tri, đủ để đảo ngược tình thế. 

Nhưng với quá trình kiểm phiếu tốn kém, rắc rối, mất thời gian và tỉ lệ thay đổi kết quả là quá thấp trừ khi phát hiện ra những hành động gian lận trong quá trình kiểm phiếu khiến cho không mấy người tin rằng "phép màu" sẽ xảy đến với đội ngũ của bà Hillary. Hơn nữa, những nhà chức trách chịu trách nhiệm về các cuộc bỏ phiếu tại ba bang này khẳng định rằng đến nay họ vẫn chưa nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào của việc gian lận. 

Giám đốc Ủy ban bầu cử Wisconsin cho hay cơ quan của ông đang chuẩn bị kiểm lại phiếu nhưng đồng thời cũng phát biểu rằng: "Chúng tôi không có lý do gì để nghi ngờ các thiết bị phục vụ bầu cử bị giả mạo". Theo các kết quả không chính thức, ông Trump chiến thắng ở Wisconsin với cách biệt hơn 27.000 phiếu. 

Ông Trump hôm 24-11 tuyên bố chiến thắng ở bang Michigan với 10.704 phiếu cách biệt và giám đốc ủy ban bầu cử ở đây cũng khẳng định không có bằng chứng cho thấy hệ thống máy móc bị tấn công mạng. "Mọi thứ chỉ là phỏng đoán và tôi không nghĩ chúng mang mục đích tốt", Chris Thomas, giám đốc lâu năm của Văn phòng Bầu cử bang Michigan, bình luận.

Mặc dù chiến dịch của bà Jill Stein là một hành động đáng để ghi nhận nhưng vẫn có nhiều người hoài nghi về kết quả của sự nỗ lực này, về việc liệu nó có thể đem lại một sự thay đổi đáng kể nào không. Ngay cả trang web quyên tiền của bà Stein cũng ghi những dòng lưu ý sẽ "không đảm bảo hoạt động kiểm phiếu lại sẽ được tiến hành" và chỉ hứa sẽ "yêu cầu kiểm phiếu lại". 

Việc chính bản thân bà Stein và chiến dịch không trả lời được câu hỏi số tiền thừa sau khi tiến hành kiểm phiếu lại sẽ đi về đâu cũng khiến nhiều người đặt ra nghi vấn. Việc số tiền sẽ "phục vụ cho nỗ lực minh bạch hóa quá trình bầu cử và thúc đẩy cải cách hệ thống bầu cử" như bà Jill Stein và chiến dịch của mình đã khẳng định lại là một cái cớ không mấy thuyết phục đối với người dân Mỹ. 

Bên cạnh đó, ngay từ đầu bà Stein cũng đã nhấn mạnh bà không yêu cầu kiểm phiếu lại vì lợi ích của bất kì ứng cử viên tổng thống nào mà chỉ muốn cho nhân dân Mỹ thấy được "hệ thống bầu cử Mỹ thiếu tin cậy như thế nào".

Theo CNN, trong bình luận mới nhất về việc tiến hành kiểm lại phiếu bầu, ông Elias Marc, cố vấn cho chiến dịch của bà Hillary Clinton, thông báo rằng đội ngũ dưới quyền cựu ngoại trưởng Mỹ sẽ không tranh cãi về kết quả mà quyết định tham gia một phần vào nỗ lực nhằm đảm bảo rằng cuộc bầu cử "diễn ra công bằng với tất cả các bên". 

Thêm vào đó, Elias cũng cho hay chiến dịch của bà Clinton sẽ cân nhắc tiếp tục tham gia ở các bang Michigan hay Pennsylvania nếu cựu ứng viên tổng thống Jill Stein có một kế hoạch tốt. Về phần Tổng thống đắc cử Donald Trump, ông tỏ vẻ khá bực bội và bức xúc vì việc này: "Hành động yêu cầu kiểm phiếu lại chỉ là cách để Jill Stein, người nhận được chưa đầy một phần trăm phiếu bầu và thậm chí còn không xuất hiện trên lá phiếu ở nhiều bang, làm đầy két tiền. Hầu hết số tiền ấy, bà ta sẽ không dành cho việc kiểm phiếu lại lố bịch này", CNN dẫn lời nhà tài phiệt trong một thông cáo mà ông viết. 

Bà Hillary Clinton trong buổi nói chuyện tại một quỹ bảo vệ trẻ em ở Washington ngày 16-11.

Đương nhiên, không chỉ chỉ trích việc kiểm phiếu lại trên thông cáo, ông Trump còn lên Tweeter để giãi bày cảm xúc của mình như một thói quen: "Trò lừa đảo nhằm kiếm tiền của đảng Xanh thông qua việc yêu cầu kiểm phiếu lại giờ đây được những người Dân chủ thất bại và sa ngã hưởng ứng". 

"Người dân đã lên tiếng và cuộc bầu cử đã kết thúc. Hillary Clinton trong đêm bầu cử đã nói, bên cạnh việc thừa nhận thất bại và chúc mừng tôi, rằng: “Chúng ta phải chấp nhận kết quả này và nhìn về tương lai", ông đặc biệt nhấn mạnh. 

Xuất hiện trên kênh truyền hình CNN, cựu ứng viên đảng Xanh lên tiếng đáp trả, đồng thời phủ nhận cáo buộc mà nhà tài phiệt New York đưa ra rằng quỹ của bà sẽ không dùng số tiền quyên được cho nỗ lực kiểm phiếu lại. Trump "đang cố gắng bịa chuyện như những gì ông ấy từng làm vài lần trong quá khứ", bà tuyên bố. "Chính ông ta đã nói cuộc bầu cử bị gian lận cho đến khi ông ta giành thắng lợi".

Không ít người dân Mỹ cho rằng chính hệ thống bầu cử ở nước mình không đảm báo tính dân chủ và xác thực. Minh chứng rõ ràng là việc bà Hillary hơn ông Trump gần 2 triệu phiếu phổ thông nhưng vẫn thua trong cuộc tranh cử khiến nhiều người ủng hộ bà bức xúc. Trước đây cũng đã từng có một vị Tổng thống Mỹ đắc cử trong tình huống "mơ hồ" này đó chính là Geoger W. Bush. 

ù nhận được số phiếu phổ thông thấp hơn 500.000 phiếu so với ứng cử viên đảng Cộng hòa là ông Al Gore nhưng ông Bush vẫn đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2000 nhờ nhận được 271 phiếu đại cử tri. 16 năm sau, hệ thống bầu cử đại cử tri vẫn tồn tại và khiến bà Hillary Clinton giẫm vào vết xe đổ của ông Al Gore. 

Sự chênh lệch lớn về phiếu bầu này khiến cho nhiều thành viên đảng Dân chủ cảm thấy phẫn uất. Việc Mỹ tán thành khái niệm "đa số cầm quyền" nhưng lại không thừa nhận những ứng viên được đa số cử tri ủng hộ cho thấy lỗ hổng trong hệ thống bầu cử của nước này. Ngay chính ông Trump trước đây cũng chỉ trích hệ thống đại cử tri. Trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012, ông Trump viết trên Twitter rằng hệ thống đại cử tri là "tai họa của nền dân chủ". Giờ đây, ông lại trở thành người được hưởng lợi nhờ nó.

Những lời kêu gọi cải cách bầu cử xuất hiện trở lại sau khi kết quả của cuộc tranh cử Tổng thống năm nay được công bố. "Cá nhân tôi muốn hệ thống đại cử tri phải bị xóa bỏ hoàn toàn. Tôi nghĩ nó là một khuyết tật lịch sử", David Boies, luật sư đại diện cho ứng viên Gore trong vụ kiện tụng yêu cầu kiểm phiếu lại ở bang Florida năm 2000, nói. 

Các chuyên gia cũng chỉ trích cách thức bầu cử hiện nay là vi phạm nguyên tắc dân chủ một người - một phiếu bầu và làm biến chất các cuộc vận động tranh cử tổng thống bằng cách khuyến khích các ứng viên chỉ tập trung vận động ở một số ít các bang có số phiếu đại cử tri lớn hoặc bang "chiến địa". 

Những phiếu đại cử tri chưa chắc đã đại diện cho tiếng nói của dân chúng trong một bang khi bản thân nó được quyết định theo kiểu "được ăn cả - ngã về không": Một ứng viên duy nhất nhận được tất cả số phiếu đại cử tri nếu thắng số phiếu bầu phổ thông tại một bang. Những yêu cầu thay đổi hệ thống bầu cử rất có thể sẽ tiếp tục bị phớt lờ khi đảng Cộng hòa đang kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện, cộng thêm thái độ tiêu cực của ông Trump khi gọi chiến dịch của bà Stein là "lừa đảo". 

Lúc này, những người cải cách chỉ có thể mong chờ vào Hiệp ước liên bang về phiếu bầu phổ thông quốc gia (NPVIC), một thỏa thuận giữa các bang nhất trí trao tất cả phiếu đại cử tri của mình cho người thắng phiếu bầu phổ thông. Cho đến nay, mới có 10 bang và thủ đô Washington, chiếm 165 phiếu đại cử tri, tham gia thỏa thuận này và con số này còn xa mới đủ để NPVIC có hiệu lực. Có vẻ như, khát khao muốn cải cách hệ thống bầu cử và thay đổi hiến pháp của một bộ phận người dân Mỹ vẫn còn là một ý niệm xa vời.

Dương Thục Anh (tổng hợp)
.
.