Nghệ thuật truyền thống “đổ bộ” trên truyền hình:

Chỉ là trào lưu hay sự hồi sinh đích thực?

Thứ Sáu, 08/01/2016, 08:00
Từ chèo, tuồng, chầu văn đến đờn ca tài tử, cải lương, hát xẩm... rất nhiều các loại hình nghệ thuật truyền thống đã được thí sinh lựa chọn để biểu diễn trong các cuộc thi tìm kiếm tài năng trên sân khấu truyền hình thời gian gần đây. Phải chăng đó là sự hồi sinh của những môn nghệ thuật vốn đang đứng trước nguy cơ mai một? Thực tế cho thấy, một số tài năng nghệ thuật truyền thống được phát hiện qua cuộc thi đã có lối rẽ khác khi bước vào showbiz.


"Vũ khí" để tạo nên sự khác biệt?

Trong bối cảnh nở rộ các cuộc thi tìm kiếm tài năng nghệ thuật, "nhan nhản" nhân tài ở nhiều lĩnh vực thì việc tìm lối đi riêng để khẳng định tên tuổi là điều mà các thí sinh luôn trăn trở. Nghệ thuật truyền thống đã được nhiều thí sinh lựa chọn để chinh phục khán giả và không ít thí sinh đã thành công với sự thử nghiệm của mình. Những tiết mục nghệ thuật truyền thống được đầu tư công phu, bài bản với sự hỗ trợ tối đa của kỹ thuật sân khấu đã tạo nên điểm nhấn đáng chú ý trong các chương trình giải trí trên truyền hình vốn được lấp đầy bằng nhiều tiết mục dàn dựng vội vã, cẩu thả.

Đêm chung kết chương trình "Gương mặt thân quen nhí" mùa thứ 2 kết thúc hồi cuối tháng 12 vừa qua được ví là "Đêm của nhạc truyền thống" bởi cả bốn tiết mục biểu diễn đều là âm nhạc truyền thống. Quán quân của chương trình -  bé Hoàng Quân - Khương Ngọc biểu diễn tiết mục "Hát văn chầu bát"; bé Bảo Ngọc - ca sĩ Ngọc Luân thể hiện trích đoạn cải lương "Trần Quốc Toản ra quân"; bé Gia Quý - ca sỹ Khánh Ngọc biểu diễn tiết mục hát chầu văn "Ông Hoàng Mười"; Phương Mỹ Chi - ca sĩ Nam Cường chọn một ca khúc mang âm hưởng dân ca.

Đức Vĩnh biểu diễn trích đoạn chèo "Xúy Vân giả dại" trên sân khấu "Tìm kiếm tài năng Việt Nam" 2015.

Cũng trong chương trình này mùa đầu tiên, thí sinh Bảo Nghi, Anh Duy đã có những tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống xuất thần gây ấn tượng mạnh cho ban giám khảo và khán giả. Bên cạnh chất giọng cao vút với những nốt luyến láy, động tác đặc trưng của bộ môn nghệ thuật cải lương, Bảo Nghi còn rất thuần thục khi trình diễn phần múa giáo khi hóa thân thành nghệ sỹ cải lương Quế Trân trong trích đoạn "Phù đồng Thiên Vương". Bé Anh Duy xuất sắc khi hóa thân thành NSƯT Minh Vương trong vở cải lương kinh điển "Đời cô Lựu".

Quán quân "Gương mặt thân quen" 2014 Hoài Lâm đã tỏa sáng trên sân khấu khi hóa thân rất "ngọt" thành nghệ nhân xẩm Hà Thị Cầu với điệu xẩm thập Ân "Ngãi mẹ sinh thành" hay khi hóa thân thành nghệ sỹ cải lương Thanh Nga. Đức Vĩnh đã trở thành "hiện tượng" của cuộc thi "Tìm kiếm tài năng Việt Nam - Việt Nam's got Talent" năm 2015 với những tiết mục chèo ấn tượng.

Nhiều người đã gọi Đức Vĩnh là "thần đồng" và kỳ vọng em sẽ là nhân tố có thể phát triển nghệ thuật truyền thống Việt trong tương lai. Những tiết mục dự thi của Đức Vĩnh luôn nhận được "cơn mưa" khen tặng của ban giám khảo và nhận được sự bình chọn cao từ khán giả. Đức Vĩnh rất có duyên khi diễn chèo, từ cử chỉ, ánh mắt, điệu cười, dáng đi… đều "rất chèo". Tài năng đã giúp Đức Vĩnh tỏa sáng trên sân khấu và cũng nhờ Đức Vĩnh, nghệ thuật chèo trở nên hấp dẫn, lôi cuốn hơn.

Tương tự như "Gương mặt thân quen", "Gương mặt thân quen nhí", "Tìm kiếm tài năng Việt Nam - Việt Nam's got Talent", khán giả có thể bắt gặp những tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống trên nhiều sân chơi truyền hình khác như "Cặp đôi hoàn hảo", "Thử thách cùng bước nhảy - So you think you can dance", "Giọng hát Việt - The Voice of Việt Nam", "Giọng hát Việt nhí - The Voice kids"…

Tuy nhiên, không phải tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống nào cũng thành công và được dàn dựng "đến nơi đến chốn". Chẳng hạn như tiết mục "Xúy Vân giả dại" "kiểu hiện đại" kết hợp với độc thoại của thí sinh Vũ Thị Nguyệt đến từ Bắc Giang trong chương trình "Tìm kiếm tài năng Việt Nam" 2016 lên sóng hôm 1/1 vừa qua. Tiết mục đã khiến bộ ba giám khảo là nghệ sĩ Chí Trung, ca sĩ Thanh Lam, nhạc sĩ Huy Tuấn vội vàng nhấn nút "X" để dừng tiết mục trong khi nhiều khán giả gọi đó là "Thảm họa Xúy Vân giả dại".

Một câu hỏi đặt ra là, vì sao nghệ thuật truyền thống được yêu thích trên sân khấu truyền hình? Phải chăng đã đến "thời" của nghệ thuật truyền thống? Có lẽ, khán giả bình chọn cho tiết mục nghệ thuật truyền thống là bởi họ yêu thích những sắc màu nghệ thuật mới lạ, độc đáo, sự "dũng cảm" của người nghệ sĩ khi "dám" chấp nhận thử thách.

Trong sự xô bồ của sân khấu giải trí, khi nghệ thuật đích thực bị ẩn đằng sau sự hào nhoáng của kỹ thuật hiện đại, dàn dựng sân khấu, vũ đạo… thì sự chân chất, mộc mạc của nghệ thuật truyền thống lại tạo nên sự khác biệt, gây chú ý. Các thí sinh tìm đến nghệ thuật truyền thống chưa hẳn là do tình yêu mà có thể, đơn giản là muốn tạo ra sự khác biệt cho chính mình.

Đừng chỉ là một trào lưu

Một thực tế đáng buồn là, nhiều tài năng đã giành ngôi vị cao trong cuộc thi nhờ tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống đã rẽ những lối khác nhau khi bước vào showbiz. Họ là những tài năng, được đánh giá là sẽ phát triển tốt khi theo đuổi nghệ thuật truyền thống nhưng có lẽ, ánh hào quang từ nghệ thuật truyền thống không đủ để níu kéo họ.

Bé Hoàng Quân biểu diễn tiết mục "Hát văn chầu bát" trong đêm chung kết "Gương mặt thân quen nhí" 2015 hôm 25/12 vừa qua.

Quán quân "Gương mặt thân quen" 2014 Hoài Lâm là một ví dụ. Từng được kỳ vọng sẽ "làm nên chuyện" ở dòng nghệ thuật truyền thống nhưng từ khi rời khỏi cuộc thi, Hoài Lâm đã chuyển sang hát, sáng tác nhạc nhẹ và đã có được một vài thành công ban đầu. Với những tài năng "nhí" của "Gương mặt thân quen" như Bảo Nghi, Anh Duy, Hoàng Quân, Bảo Ngọc… thì nghệ thuật truyền thống cũng chỉ là một cuộc "dạo chơi", một phép "thử nghiệm" tài năng.

Đáng tiếc nhất là Đức Vĩnh, em từng được đánh giá là "tài năng hiếm có" nhưng từ khi rời cuộc thi "Tìm kiếm tài năng Việt Nam" 2015, "thần đồng" nhí này dường như "mất hút" trên các phương tiện truyền thông.

Được biết, Đức Vĩnh chưa tham gia một lớp học nghệ thuật truyền thống nào mà vẫn chỉ theo học văn hóa ở quê. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, trong khi chưa nhận được sự hỗ trợ của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào nên tài năng của Đức Vĩnh chưa được phát huy. Đam mê, có năng khiếu vượt trội nhưng điều đó không đảm bảo rằng, Đức Vĩnh sẽ theo đuổi nghệ thuật truyền thống đến cùng nếu không có sự hỗ trợ, chính sách ưu đãi, phát triển tài năng của Nhà nước.

Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một. Những sân khấu nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương… ngày càng thưa vắng khán giả. Phần lớn nghệ sỹ theo đuổi nghệ thuật truyền thống phải chật vật với cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Một mặt, đang thiếu những chính sách ưu đãi, hỗ trợ thỏa đáng của nhà nước với nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là với tài năng trẻ. Mặt khác, sự nhận thức, khả năng cảm nhận cái đẹp từ nghệ thuật truyền thống của khán giả còn hạn chế.

Xét ở góc độ nào đó, những tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống trên truyền hình đã góp phần quảng bá, là "cầu nối" để nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với công chúng, nhất là với khán giả trẻ. Qua những tiết mục cải lương, chầu văn, chèo, tuồng, đờn ca tài tử… được dàn dựng sáng tạo, kết hợp với hiệu ứng kỹ thuật sân khấu hiện đại đã mang đến diện mạo mới, hấp dẫn hơn cho nghệ thuật truyền thống. Bên cạnh đó, chính những tiết mục mang đậm bản sắc dân tộc sẽ giúp các chương trình truyền hình, dù được mua bản quyền từ nước ngoài sẽ có bản sắc riêng.

Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan thì nghệ thuật truyền thống trên truyền hình vẫn đang tồn tại ở những tiết mục đơn lẻ, tạo điểm nhấn cho chương trình chứ chưa phải là một chiến lược truyền thông có mục đích. Những tiết mục nghệ thuật truyền thống trên truyền hình đang tạo ra trào lưu khai thác nghệ thuật truyền thống và có thể sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Gìn giữ, phát triển nghệ thuật truyền thống không thể chỉ dừng lại ở một trào lưu mà cần có chiến lược phát triển lâu dài. Và điều này, một mình truyền hình không thể thực hiện và nói chính xác hơn đó cũng không phải là chức năng của những chương trình truyền hình mang tính giải trí…

Tường Phạm
.
.