Đọc "Tiếng tụng kinh trong căn nhà vị Tướng", tập ký của Dương Đức Quảng, NXB Lao động, 2013

Chi chút chữ tình

Thứ Năm, 14/11/2013, 08:00

Gấp cuốn "Tiếng tụng kinh trong căn nhà vị Tướng" của Dương Đức Quảng, câu đề từ của học giả Đào Duy Anh trong cuốn hồi ký "Nhớ nghĩ chiều hôm" lại bất chợt trở về: "Cho hay hết thảy đều mây nổi/ Còn với non sông một chút tình".

Niềm vui và cái lãi sống sót qua cuộc chiến khốc liệt ở đất Quảng Bình Vĩnh Linh và Khu Năm của một phóng viên chiến trường không phải để Dương Đức Quảng trang trải hết cho những năm tháng là một quan chức ở Văn phòng Chính phủ. Công chức, quan chức thì hưu. Nhưng lộ trình tình cảm thì hưu bao giờ? Cho dù ở tuổi gần thất thập, Dương Đức Quảng vẫn đau đáu, vẫn mải miết, vẫn chi chút chữ tình với đồng nghiệp bè bạn.

Một trong những chi chút đau đáu ấy là cuốn "Tiếng tụng kinh trong căn nhà vị Tướng". Tôi tỉ mẩn đếm được gần 120 người anh, người chị, bạn bè mà Dương Đức Quảng nhắc nhớ trong hơn 500 trang sách khổ hơi bị hào phóng (16x24cm) ấy. Cái tình dường như làm nên cái tài? Những gương mặt ấy không còn là riêng của một cá nhân Dương Đức Quảng nữa rồi mà đã dư sức lây lan choán chỗ trong lòng người đọc với đủ mọi cung bậc tử tế của tình cảm. Những trân trọng yêu quý cảm phục và cả xót xa nữa.

Mà cung cách thể hiện của ông cũng độc đáo. Ông nhập cuộc hết mình từ đầu đến cuối. Không lánh ra. Không cao đàm khoát luận... Mà ông như là người trong cuộc mới bước ra. Mà như ông trong sự hằng sống lẫn chất lượng sống vẫn tiếp tục cái mạch yêu thương ấy từ hồi còn là cậu bé 5 tháng tuổi mồ côi mẹ ở đất Phú Thọ.

Trầm luân nào có trừ ai! Thơ Dương Đức Quảng đấy. Nhà thơ Xuân Hoàng ở đất lửa Quảng Bình từ năm 1968 rất khen câu "biển lên trời trời xuống biển đều xanh" của Dương Đức Quảng. Ông đã có thơ tuyển, thơ đứng riêng tập. Nhưng tôi cứ lẩn thẩn nghĩ, ông dường như biết dừng hay cái tình kịp tách ông ra để Dương Đức Quảng tiếp tục chí cốt với mảng bút ký, phóng sự mà thể hiện mà giãi bày theo cách riêng của mình? Suýt nữa làng thơ ta nhập tịch thêm một khuôn mặt thơ lặng lẽ? Và làng báo nước Nam khuyết đi một cây bút đằm thắm chi chút với chữ tình?

Chỉ có trong trạng thái nhập cuộc sống hết mình như lên đồng ấy, Dương Đức Quảng mới ghé vai khênh huyền thoại Đặng Thùy Trâm ra với công chúng ở một tư thế khác? Và những giọt nước mắt sau 39 năm khi ngó lại tấm vải dù Dương Đức Quảng gửi về cho bố từ chiến trường nay bỗng dưng phát lộ dưới mộ một đồng đội. Chi tiết ấy, trạng huống ấy, đám viết lách dẫu chuyên nghề hư cấu có lẽ cũng chỉ có mà... khóc?

Có thể bắt gặp nhiều, rất nhiều chi tiết na ná trong ghi chép này của Dương Đức Quảng...

Những tưởng đã định hình đã mòn cũ một Dương Đức Quảng thấp thoáng dạo nào ở Văn phòng Chính phủ, ở Báo Công an nhân dân & Chuyên đề An ninh thế giới, ở Ban truyền thông của Vietinbank... Vậy mà vẫn bắt gặp bao thứ khang khác là lạ nhưng thân thương qua tập sách (không biết là cuốn thứ bao nhiêu?) mà ông mới trình làng này.

"Tiếng tụng kinh ..." với những xui nguyên giục bị này khác đã khiến tôi có một đêm trắng phớ!

X.B.
.
.