Chênh vênh cảnh nóng trong phim

Thứ Tư, 26/08/2009, 15:45
Từ trước đến nay, việc đưa "cảnh nóng" vào phim luôn là câu chuyện nhạy cảm và không hề đơn giản. Nếu biết tiết chế, nó sẽ hỗ trợ cho bộ phim thêm sức biểu cảm và hấp dẫn. Ngược lại, nó cũng có thể khiến bộ phim rẻ tiền và có thể rơi vào nguy cơ: không được cấp phép hay mất đi mối quan hệ tốt đẹp giữa diễn viên và đạo diễn.

Vừa qua, một sự kiện tốn khá nhiều giấy mực của báo giới là việc á hậu cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam Dương Trương Thiên Lý đã chính thức rút khỏi vai Trần Thị Dung- vai chính trong phim "Thái sư Trần Thủ Độ" sau hơn 1 tháng khởi quay. Có khá nhiều ý kiến khác nhau xung quanh sự việc này bởi bản thân mỗi người trong cuộc đều có những lý lẽ riêng. Tuy nhiên, vấn đề "cảnh nóng" trong phim lại một lần nữa được đặt ra và nhận được sự quan tâm đông đảo của khán giả.

1. Sau khi dự án phim truyện nhựa "Lý Công Uẩn" chính thức đổ bể thì phim truyền hình "Thái sư Trần Thủ Độ" (tên trước đây là "Trần Thủ Độ và người tình"- Kịch bản: Nguyễn Mạnh Tuấn, Đạo diễn: Đào Duy Phúc, Hãng phim truyện I sản xuất) trở thành một công trình văn hóa để kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Với kinh phí lên tới hơn 50 tỉ đồng, được quay cả trong và ngoài nước, 120 nhân vật với nhiều tuyến truyện, "Thái sư Trần Thủ Độ" được kỳ vọng là bộ phim truyền hình lịch sử được dàn dựng công phu nhất từ trước tới nay. Thế nên, mọi hoạt động của phim luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông. Đặc biệt, khâu chọn diễn viên của phim được tiến hành từ khá lâu với đủ các gương mặt diễn viên trong Nam, ngoài Bắc.

Tuy nhiên, chỉ sau khi khởi quay được hơn 1 tháng, diễn viên Thiên Lý, người đảm nhận vai Trần Thị Dung tuyên bố rút khỏi dự án phim này và Hãng phim Truyện I cũng nhanh chóng thanh lý hợp đồng.

Theo như ý kiến của Á hậu Thiên Lý thì cô đã vượt qua được những khó khăn của lần đầu đóng phim cũng như điều kiện ăn ở để tham gia vào dự án phim quan trọng này. Tuy nhiên, cô cho rằng: "Khi quan điểm về nghệ thuật bất đồng, tôi gần như suy sụp và quyết định chọn giải pháp rút lui. Tôi không muốn hình ảnh một Trần Thị Dung nổi danh trong lịch sử dân tộc được dựng lên sai lệch. Những người làm phim có thể sợ phim nhàm chán khi làm theo lối chính luận nên luôn muốn đưa những cảnh tươi mát, gợi cảm vào".

Khác với ý kiến của Thiên Lý, đại diện nhà sản xuất lại cho rằng nguyên nhân là do thời gian của hai bên không khớp nhau. Vì chậm giải ngân nên tiến độ làm phim bị ảnh hưởng, lịch làm phim bị đẩy lùi, mà Thiên Lý chỉ có thể cộng tác với hãng trong 4 tháng.

Thiên Lý (bên phải) trong vai Nguyên phi Trần Thị Dung (phim “Thái sư Trần Thủ Độ”).

 Còn giải đáp về việc Thiên Lý cho rằng, có những "cảnh nóng", phản cảm trên phim, nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn, tác giả kịch bản thì khẳng định kịch bản văn học không có cảnh nào nhạy cảm, hở hang ngay cả khi Trần Thị Dung đã là vợ của Thái tử Sảm. Bởi ông quan niệm: Không nên đưa cảnh nóng vào phim truyền hình. Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Tuấn cũng khẳng định đó chỉ là trên kịch bản văn học mà ông viết, còn có thể khi thực hiện, các nhà làm phim sáng tạo thêm ra.

Sự việc thêm phần phức tạp khi một số diễn viên, nghệ sĩ tham gia đóng bộ phim nói trên đều khẳng định vai Trần Thị Dung không có cảnh gì quá "nóng". Đó chỉ là những chi tiết gợi cảm bình thường. Thậm chí, NSND Lan Hương còn khẳng định như đinh đóng cột, nếu có "cảnh nóng" thì là ở vai diễn của chị chứ không phải của Thiên Lý. Và có cả những ý kiến phàn nàn về khả năng nhập vai của cô á hậu này.

Nếu xét một cách khách quan thì Trần Thị Dung là một vai diễn lớn mà bất kỳ một diễn viên nào cũng đều mơ ước và hạnh phúc khi được giao vai chứ không riêng gì người mới chân ướt chân ráo vào làng nghệ thuật như Thiên Lý, nên việc cô kiên quyết rút lui khỏi dự án phim hẳn có một lý do đặc biệt. Còn về phía nhà sản xuất, hẳn họ cũng có lý do để quyết định thay diễn viên. Phải khẳng định rằng, thay diễn viên là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, đó chỉ là vạn bất đắc dĩ, nhất là khi có khá nhiều cảnh quay đã được thực hiện, công cuộc tuyển lựa người thay thế sẽ mất nhiều thời gian trong khi phim lại đang chậm tiến độ.

Trong sự việc đổ bể của diễn viên chính trong phim "Thái sư Trần Thủ Độ",  mà mỗi người trong cuộc lại đổ cho một nguyên nhân khác nhau đã chứng minh họ chưa tìm được tiếng nói chung trong công việc. Có quá nhiều điều ẩn ức chưa được hai bên công khai nói rõ. Điều đó cũng có nghĩa sự chuyên nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh ở Việt Nam vẫn còn là một khái niệm xa vời. Nhiều người cho rằng, nhà sản xuất đã hơi vội vàng khi giao vai Trần Thị Dung cho Thiên Lý - một người chưa từng đóng phim và cũng chưa qua một lớp diễn xuất nào. Phải chăng đang có một xu hướng chọn diễn viên chỉ vì cô ấy đẹp, cô ấy chân dài hay cô ấy... biết bơi?

2.Nhưng, sự việc lùm xùm từ phim "Thái sư Trần Thủ Độ" còn cảnh báo một vấn đề quan trọng hơn với các đạo diễn đang có sở thích đưa "cảnh nóng" vào phim. Việc đưa "cảnh nóng" vào phim như thế nào để không phản cảm, nhất là với một bộ phim lịch sử thì không phải đạo diễn nào cũng làm được.

Từ trước đến nay, việc đưa "cảnh nóng" vào phim luôn là câu chuyện nhạy cảm và không hề đơn giản. Nếu biết tiết chế, nó sẽ hỗ trợ cho bộ phim thêm sức biểu cảm và hấp dẫn. Ngược lại, nó cũng có thể khiến bộ phim rẻ tiền và có thể rơi vào nguy cơ: không được cấp phép hay mất đi mối quan hệ tốt đẹp giữa diễn viên và đạo diễn.

Khai thác yếu tố sex không dễ, nhất là diễn viên - người sẽ chịu nhiều áp lực nhất. Ngay từ khi quay những cảnh nhạy cảm đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Sự việc Hoa hậu Hà Kiều Anh và nghệ sĩ Mỹ Uyên khi đóng phim "Lục Vân Tiên" là một ví dụ điển hình. Chỉ vì một phút "hớ hênh" của đoàn làm phim mà những bức ảnh hậu trường nóng bỏng đã bị kẻ xấu tung lên mạng.

Trong trường hợp "cảnh nóng" trên phim bị "phô" thì người chịu thiệt đương nhiên vẫn là diễn viên, vì người xem tin rằng những gì đang diễn ra trên màn ảnh là logic tình cảm tất yếu của nhân vật. Còn đạo diễn lại cho rằng, do diễn viên nhập vai không tới, không thể hiện đúng ý đồ kịch bản.

Gần đây, nhiều khán giả đã kêu trời vì tình trạng bùng phát "cảnh nóng" trong phim Việt. Rất hiếm có bộ phim như "Sống trong sợ hãi" khai thác "cảnh nóng" hiệu quả, còn chủ yếu chỉ với mục tiêu câu khách hay cứu vớt sự nhạt nhẽo về nội dung, thô lậu về ý tưởng. Những bộ phim như "Đẻ mướn", "Những cô gái chân dài", "Giải cứu thần chết"... nhan nhản cảnh nóng chẳng để làm gì. Nam diễn viên chính trong "Những cô gái chân dài" nhảy nhót trong phòng tắm với thân hình nuy 100%; ca sĩ Phi Hùng vào vai một nhân vật trong "Thập tự hoa" cứ gặp chuyện rắc rối là vào phòng tắm... nuy.

Không chỉ những phim thương mại mà những phim nghệ thuật cũng cứ phải xuất hiện hở hang, làm tình, tắm khoả thân như "Rừng đen", "Chớp mắt cùng số phận", "Trái tim bé bỏng", "Sinh mệnh", "Trung úy"…Và tất nhiên, trào lưu này lan sang cả phim truyền hình.

Tiêu biểu như phim "Ván cờ tình yêu", các nhà làm phim "phô" đến nỗi nhân vật Hân của Hà Kiều Anh cứ mỗi lần về đến nhà là sẽ được quay cởi áo. Thậm chí có cảnh quay cô chạy theo người yêu còn lộ hết ngực. Những chi tiết này không nói lên được điều gì ngoài sự cố tình của các nhà làm phim, vì nhân vật Hân được xây dựng là  một cô gái trẻ cực kỳ kín đáo, giản dị.

Quay lại với vụ việc trong phim "Thái sư Trần Thủ Độ", một lần nữa ta có thể khẳng định: Để có được những cảnh quay "nóng", phải có sự đồng ý và thống nhất về quan điểm nghệ thuật của những người cùng làm, nếu không đứt gánh giữa đường là điều khó tránh khỏi.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lê Tiến Thọ cho rằng: "Những phim hoàn thành rồi nhưng trái với quy định của pháp luật thì vẫn không được công chiếu. Trường hợp phim "Thái sư Trần Thủ Độ" mà hở hang, phản cảm thật thì cũng không thể chiếu được".

Có lẽ các nhà làm phim cũng cần lưu ý vấn đề này để tránh rơi vào trường hợp của phim "Trung úy" (đạo diễn Hà Sơn). Tuy phim chưa ra mắt nhưng đã hâm nóng giới truyền thông bằng những thông tin úp mở có chủ ý của các nhà làm phim về những cảnh nóng nặng đô do "quả bom sex" Quách An An thực hiện. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng, "Trung úy" đang có khả năng bị cắt tanh bành nếu đạo diễn không đủ tài năng để biến những cảnh nhạy cảm thành những thước phim nghệ thuật hay đủ bản lĩnh để đấu tranh cho sự tồn tại của các cảnh đó trong phim. Chưa kể tới sự bức xúc của các đơn vị hỗ trợ vì cho rằng phim đã không theo đúng quan điểm văn hóa lành mạnh

Thảo Duyên
.
.