Hành trình tiếp biến dòng chảy văn hóa:

Chắt lọc truyền thống thổi vào đương đại

Chủ Nhật, 18/03/2018, 08:44
Vừa qua, tại Hà Nội, một dự án của nhóm bạn trẻ 9X phục hồi lại những giá trị của tranh Hàng Trống - "Những điều xưa cũ mới mẻ" tạo nên một cách nhìn mới thú vị về những giá trị truyền thống. Trong nghệ thuật cũng như trong đời sống, truyền thống đang trở thành một chất liệu nền tảng để từ đó các nghệ sĩ trẻ sáng tạo...


Cách tân hay phá bỏ?

Linh Thái

Bạn nghĩ sao khi các họa tiết của tranh Hàng Trống được đưa vào túi quà, vỏ kẹo, phong bao lì xì hay quần áo hàng hiệu. Rồi Hát Bội được ứng dụng vào đồ chơi lego, vào tranh đương đại, hay quan họ Bắc Ninh được hòa âm bằng ngũ tấu phương Tây mà không phải là đàn nhị. Các giá trị cũ đang được những người trẻ làm sống lại trong một không gian mới, một đời sống mới như là một nhu cầu đương nhiên trong sự tiếp biến văn hóa.

Chúng ta đều biết, nghệ thuật truyền thống đang tồn tại lắt lay trong nhịp sống hiện đại. Chúng ta vẫn kêu gào về việc phải bảo tồn truyền thống, bảo tồn những giá trị tinh hoa của ông cha. Nhưng bảo tồn thế nào trong xu thế phát triển mạnh mẽ của thời đại công nghệ số, khi những cuộc đổ bộ và xâm lấn của các hình thức nghệ thuật đương đại phong phú đang chiếm lĩnh đời sống.

Họa sắc tranh Hàng trống đi vào đời sống.

Nghệ thuật truyền thống tồn tại trong sự cứu vãn khá tuyệt vọng. Để tồn tại đã khó, để phát triển những loại hình nghệ thuật này còn khó hơn. Đổi mới là một nhu cầu tất yếu. Xu hướng đưa truyền thống vào đương đại không phải là điều gì quá mới mẻ và đang được nhiều nghệ sĩ thực hiện. Tuy nhiên, khi một dự án mới được công bố, dư luận khá dè dặt, thậm chí rất nhiều tranh cãi. Phá bỏ hay kế thừa truyền thống. Kế thừa như thế nào?

Văn hóa truyền thống như một dòng chảy luôn luôn biến đổi. Và dòng chảy đó luôn cần nguồn phù sa bồi đắp cho tươi mới. Nguồn phù sa đó chính là những giá trị mới, những vẻ đẹp mang hơi thở của cuộc sống hôm nay.

Họa sắc của tranh Hàng trống ứng dụng trong đời sống.

Chắt lọc truyền thống để thổi hồn vào đương đại sẽ tạo nên những giá trị văn hóa mới. Đây là một xu thế hợp thời và tất yếu nhằm tiếp cận với công chúng mới. Nhưng kết hợp truyền thống với đương đại đừng để cái mới làm méo mó, biến dạng truyền thống, hay nói cách khác, làm mới hay phá bĩnh là câu chuyện cần bàn.

Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang: Truyền thống giúp tôi định danh mình là ai, đến từ đâu

- Nhạc sĩ Nguyên Lê từng nhận xét về anh rằng, "Ngô Hồng Quang là nghệ sĩ nhạc cụ dân tộc thời nay". Dấu ấn "thời nay" trong sự kết nối truyền thống của anh là gì?

+ Tôi vẫn đi biểu diễn khắp thế giới bằng đàn môi, nhị, hát tiếng Mông, chơi đàn tính và một số nhạc cụ của Tây Nguyên, ngoài ra tôi vẫn chơi một số nhạc cụ của người Kinh. Nhưng tôi không phải là một nghệ nhân đi bảo tồn văn hóa. Âm nhạc dân tộc chỉ là chất liệu để tôi dựa vào đó sáng tạo ra những tác phẩm mới mang âm hưởng dân gian mà thôi.

Ngày xưa, khi chưa đi Hà Lan học, tôi cũng chỉ là một nghệ sĩ chơi đàn truyền thống, chơi nhị, hát xẩm, chèo nguyên bản… Điều đó cũng tốt thôi. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, nó chưa thỏa mãn khát vọng trong mình. Và tôi đã tìm ra con đường làm thế nào các nghệ sĩ đương đại có thể tạo dấu ấn của mình trên nền tảng truyền thống đó.

- Và anh bắt đầu muốn làm mới truyền thống, mang vào truyền thống những giá trị đương đại?

+ Bởi tôi nhận ra, nếu chúng ta chỉ biểu diễn truyền thống, chúng ta sẽ chỉ tạo ra sự tò mò cho khán giả châu Âu, chứ để họ thẩm thấu được âm nhạc và chiêm nghiệm nó một các sâu sắc thì không. Bởi âm nhạc, suy cho cùng sẽ tạo ra sự kết nối, sự kết nối Đông - Tây, giữa tâm hồn con người với nhau. Điều đó mới tạo nên giá trị và cũng là một cách tôn vinh truyền thống bằng cách mang đến cho truyền thống những giá trị mới, mang hơi thở đương đại.

- "Mix" truyền thống vào đương đại đang là một xu thế sáng tạo của nhiều nghệ sĩ. Theo anh, làm thế nào để những sáng tạo đó không trở nên quá xa lạ, bóp méo truyền thống và vẫn được đón nhận trong đời sống hôm nay?

+ Tôi nghĩ, điều quan trọng là phải hiểu cặn kẽ truyền thống đó là gì, người nghệ sĩ phải có kiến thức sâu về âm nhạc truyền thống, phải ngấm nó. Bây giờ, ở ta đang lạm dụng từ dân gian đương đại quá, bởi chúng ta chưa hiểu đúng về khái niệm này. Nhiều người chỉ viết mấy bài pop, viết ngũ cung rồi bảo đó là dân gian đương đại là một sự hời hợt.

Gốc rễ truyền thống của một cá nhân rất quan trọng, nó giúp chúng ta định vị mình là ai, mình đến từ đâu. Nó làm nên bản sắc của người nghệ sĩ. Và bản sắc sẽ tạo nên sự kết nối, để định danh tôi là người Việt Nam chứ không phải là một ông Tàu hay Nhật. Điều đó vô cùng quan trọng. Trong album "Nam nhi" của tôi, tôi tôn vinh quan họ trong một không gian âm nhạc khác, mới mẻ, không lẫn với đàn bầu hay sáo nhị.

Một không gian đương đại với ngũ tấu phương Tây, do các nghệ sĩ đến từ 5 quốc gia khác nhau chơi. Một sự kết nối Đông Tây trong âm nhạc rất thú vị. Tôi nghĩ, đó là một cách khai thác truyền thống và chắc chắn, các bạn trẻ sẽ thích. Tôi hát không sai chất quan họ, vẫn là quan họ nhưng nhìn  rộng hơn, sâu xa hơn là bước đi rất phát triển và có sự kết nối văn hóa thay vì mình cứ nghe theo cách bảo tồn.

- Là một nghệ sĩ được đào tạo chính quy đàn nhị ở Học viện Âm nhạc Quốc gia nhưng anh đang theo đuổi một con đường khác, sáng tạo nên những giá trị mới dựa trên truyền thống. Theo anh, đó có phải là cách để truyền thống tồn tại?

+ Tôi phải mất rất nhiều năm đi tìm câu trả lời cho mình. Và tôi ngộ ra rằng, tôi thuần túy Việt Nam và tôi biết mình muốn giữ bản sắc văn hóa Việt Nam theo một hướng khác. Đó là tạo nên một không gian âm nhạc đương đại. Tôi rất may xuất thân từ việc học âm nhạc truyền thống, nếu không học thì không hiểu sâu được và âm nhạc truyền thống không ngấm vào mình.

Muốn sáng tạo gì thì cũng phải hiểu truyền thống. Tinh hoa của truyền thống tồn tại trong đời sống hôm nay phải có hình hài mới, đó chính là dấu ấn của thời đại. Nghệ sĩ thay vì làm một nghệ nhân thì nên sáng tạo. Đó là sự sống còn của nghệ thuật.

- Anh có quan tâm đến sự phản hồi từ công chúng. Theo anh, công chúng đóng vai trò như thế nào trong việc tiếp cận những giá trị mới?

+ Ở Việt Nam, công chúng khá dè dặt, trong âm nhạc, họ thích nghe có lời nhiều hơn là không lời, khán giả Việt thích những thứ quen tai. Điều này cũng là một cản trở đối với những thể nghiệm của các nghệ sĩ. Còn công chúng nước ngoài, họ tiếp nhận những cái mới rất nhanh và hứng thú.

Nhưng tôi nghĩ, người nghệ sĩ khi sáng tạo không nên quá quan tâm đến công chúng sẽ nghĩ gì. Bởi những thứ thuộc về giá trị, bắt nguồn từ tinh hoa của truyền thống sẽ tìm được tri âm và tồn tại qua sự sàng lọc của thời gian. Phải kiên nhẫn chờ đợi.

- Cảm ơn anh.

Nhà thiết kế Trịnh Thu Trang: Phải hiểu và lắng nghe truyền thống

- Chọn tranh Hàng Trống để làm mới những điều xưa cũ, hẳn chị có một lý do nào đó?

+ Tôi vốn rất yêu những vẻ đẹp của tranh Hàng Trống. Rồi tình cờ tôi gặp nghệ nhân tranh Hàng Trống cuối cùng, ông Lê Đình Nghiên. Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy những bức tranh thờ, tranh Tết Hàng Trống thật ở khổ lớn - có bức lên tới 1,5m - với màu sắc nổi bật. Đứng trước tranh như đứng trước một thế giới của màu sắc, tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp rực rỡ ấy.

Nghệ nhân xưa tạo hình rất táo bạo, sử dụng tất cả các màu tương phản rất mạnh, xanh, vàng, đỏ kết hợp với nhau tạo nên tính thẩm mỹ, màu sắc hấp dẫn. Ban đầu, tôi dành dụm tiền để đặt tranh. Bộ "Tố nữ" chính là tranh Tết đầu tiên tôi được tiếp cận. Không chỉ đơn giản là bốn cô gái với nhạc cụ trên tay, bộ tranh còn gửi tới người thưởng thức những thông điệp đặc biệt khác. Khi đã đặt mua một số lượng tranh nhất định, tôi xin tài trợ địa điểm để tổ chức 2 triển lãm nhỏ, kết hợp dạy trẻ em vẽ tranh Hàng Trống. Tôi cẩn thận mời nghệ nhân Lê Đình Nghiên và nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê tới thuyết giảng cho khách tham quan cái hay -  cái đẹp - cái khác biệt của tranh dân gian Hàng Trống; phân tích ý nghĩa một số tranh thờ - tranh tết tiêu biểu; giới thiệu các công đoạn vẽ tranh cơ bản… để mọi người hiểu hơn những giá trị của tranh Hàng Trống.

- Nhưng rõ ràng nếu truyền thống trở lại với những giá trị nguyên bản thì sự đón nhận của công chúng, nhất là giới trẻ sẽ rất dè dặt, thậm chí họ thấy xa lạ. Đó có phải là lý do chị thực hiện dự án này?

+ Tôi muốn những giá trị xưa đó được lan tỏa trong cuộc sống hôm nay. Vì đó là những gì tinh túy mà cha ông để lại. Nếu nó thất truyền, biến mất trong đời sống, sẽ là một mất mát. Năm 2017, tôi quyết định thành lập nhóm S River quy tụ các thành viên trẻ (nhiều bạn mới ngoài 20 tuổi) có cùng cảm hứng để biên soạn quyển "Họa Sắc Việt" với hy vọng dần dần xây dựng bộ sách chuyên về nghiên cứu và ứng dụng các họa tiết và màu sắc dân gian Việt Nam vào mỹ thuật ứng dụng đương đại.

Từ dự án số hóa những họa tiết, bảng màu tiêu biểu của dòng tranh Hàng Trống để sáng tạo thành thiết kế đồ họa đương đại mang yếu tố văn hóa truyền thống Việt Nam, tôi hy vọng có thể truyền cảm hứng cho người trẻ để họ bắt đầu một dự án cá nhân có liên quan hoặc được lấy cảm hứng từ mỹ thuật dân gian Việt Nam - một kho tàng tư liệu văn hóa đồ sộ, quý giá và đáng trân trọng.

Mỗi người chúng ta như một giọt nước, nhiều giọt nước cùng bên nhau và đi về một hướng sẽ tạo thành một dòng chảy. Nếu như chúng ta cảm thấy lĩnh vực nào của Việt Nam chưa sánh được với quốc tế, ta hãy đi tìm xem mình có bỏ sót điều gì không?

Nếu thực sự không có gì như ta mong đợi thì chúng ta hãy bắt đầu khơi dòng và khởi tạo. Đó là tinh thần của S River, và cũng là điều chúng tôi muốn gửi tới các bạn trẻ.

- Nhưng chắc chắn, truyền thống hồi sinh trong một hình hài mới sẽ gặp phải những tranh cãi. Chị đối diện với điều đó như thế nào?

+ Tranh cãi là điều tất nhiên. Nhưng tôi nghĩ, không nên áp đặt cách nghĩ của thế hệ trước với thế hệ trẻ chúng tôi. Chúng tôi có cách nhìn của mình về truyền thống. Đó không còn là những giá trị nguyên bản mà truyền thống phải được sáng tạo để đưa vào gần gụi với đời sống.

Đó là cách chúng ta đang gìn giữ những giá trị của ông cha và tạo cho nó một không gian mới, đời sống mới phù hợp với thời đại hôm nay. Hôm nay có thể nhiều người chưa chấp nhận, nhưng qua thời gian, tôi tin, các giá trị sẽ còn lại.

Hiện nay chúng tôi đang chờ những phản hồi của công chúng nhưng tôi khẳng định, tất cả những sản phẩm mới kia đều có nguồn gốc từ tranh dân gian Hàng Trống. Từ đó, tôi mong muốn sản phẩm đồ họa đó góp phần quảng bá trở lại cho dòng tranh Hàng Trống như là một cách bảo tồn dòng tranh của thị dân Hà thành xưa và Hà Nội ngày nay... Đó là cách chúng tôi thực hiện với mong muốn những giá trị dân gian xưa "sống lại", ở bất cứ đâu trong đời sống đều có thể dễ dàng bắt gặp như trong bao bì bao bì của sản phẩm "Bánh gạo vị Việt" hay "Hộp mứt Tết".

Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long: Chúng ta vẫn còn dè dặt với sáng tạo

- Trong đời sống hiện đại, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đang phát triển theo xu hướng đương đại hóa để phù hợp với đời sống mới. Theo anh, đương đại hóa có phải là một xu thế tất yếu?

+ Văn hóa là một dòng chảy trong sự vận động tự nhiên của đời sống. Những giá trị truyền thống được làm mới, sáng tạo như một xu thế tất yếu để cho văn hóa và nghệ thuật phát triển mang hơi thở của thời đại. Có hai xu thế hiện nay, cổ súy cho sự sáng tạo trên nền truyền thống và phản đối, bài xích nó. Điều đó cũng là tất nhiên. Tôi nghĩ, cái gì được công chúng đón nhận thì nó có lý do tồn tại. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý trong sự phát triển đó, chúng ta phải giữ được cái gì là gốc, là cốt lõi của truyền thống. Không thể để xẩm lại lai căng quan họ, không thể là văn hóa Tây Nguyên lại na ná văn hóa Tây Bắc. Màu sắc của văn hóa trong sự phát triển này phải rõ nét.

- Nhiều người lo ngại sự phát triển đó sẽ làm biến chất các giá trị truyền thống?

+ Tôi thì thấy không có gì đáng lo ngại. Không phải giá trị truyền thống nào cũng có thể tiếp nối trong đời sống đương đại. Có những giá trị không còn phù hợp, tự nó sẽ bị thời gian đào thải. Đừng nhìn truyền thống như một yếu tố bất biến. Những họa tiết của tranh Đông Hồ hay tranh Hàng Trống được ứng dụng vào những sản phẩm thủ công hay áo dài và được công chúng đón nhận, vì đó là những giá trị tinh hoa đã được sàng lọc qua thời gian.

Trong âm nhạc, hiện nay cũng có hai xu hướng, một cách sáng tạo như nghệ sĩ Ngô Hồng Quang đang làm, đó là tạo ra một không gian mới cho âm nhạc truyền thống. Còn cách nữa là vẫn giữ nguyên những niêm luật của truyền thống và phát triển truyền thống đó bằng các sáng tác mới phù hợp với hơi thở của đời sống hôm nay. Đó là cách mà xẩm và quan họ đang làm để đưa các giá trị tinh hoa đến gần với giới trẻ.

Thực tế, những sáng tạo này đang được công chúng đón nhận và sự lan tỏa của nó trong cộng đồng khá mạnh mẽ. Nếu chỉ bảo tồn thì chúng ta không còn giữ được di sản một cách lạc quan như thế.

- Nhưng thực tế, có những giá trị từng là tinh hoa trong quá khứ nhưng đang dần biến mất trong đời sống hôm nay. Theo anh vì sao?

+ Vì chúng ta rất cần một cơ chế trước hết là bảo tồn văn hóa, phải bảo tồn thì mới có nền tảng cho sự phát triển. Nhật Bản, Trung Quốc làm rất tốt điều này, họ có những cơ chế để giữ gìn văn hóa của họ rất ghê. Còn ở ta, mọi thứ vẫn còn nửa vời, hầu hết là nỗ lực của các cá nhân yêu văn hóa.

- Nhưng thực tế rất khó khăn khi luôn có những tranh cãi giữa việc bảo tồn và làm mới?

+ Cái chính là mình nhìn ra một con đường và đi theo con đường đó đến cùng. Chẳng hạn như xẩm gần như biến mất khỏi đời sống sau những thăng trầm của lịch sử. Chúng ta sẽ chỉ nhớ nghệ nhân Hà Thị Cầu trong ký ức nếu không có một nhóm nghệ sĩ tự nguyện làm công tác phục hồi lại. Nhưng tôi nhìn thấy một khoảng trống của xẩm, đó là đương đại.

Làm mới bao giờ cũng khó khăn và dễ tạo dư luận. Tuy nhiên, tôi cho rằng, phản ứng trái chiều là động lực của sự phát triển. Tuy nhiên, chúng ta phải giữ con đường ray để không chệch hướng là con đường mang tên tâm hồn người Việt, mang tinh thần máu đỏ, da vàng, làm mới mà không nắm được cái cũ thì thành hiện đại rồi nửa kim, nửa cổ.

- Vậy theo anh, truyền thống đóng vai trò như thế nào trong đời sống đương đại?

+ Theo tôi, văn hóa truyền thống của chúng ta có một khoảng thời gian bị ngắt quãng do hoàn cảnh lịch sử. Vì thế, đôi khi chính bản thân các nghệ sĩ cũng đứng trước nhiều sự lựa chọn khi dựa vào truyền thống để cách tân, đổi mới. Truyền thống nào, gốc rễ ra sao, rất cần được hiểu một cách thấu đáo trước khi cách tân, phát triển để truyền thống đó không bị sai lệch, méo mó. Tôi khuyến khích các nghệ sĩ sáng tạo, bởi văn hóa là một dòng chảy cần được khơi thông. Chúng ta đừng chỉ ngồi ngắm nó trong bảo tàng rồi ngậm ngùi vì sao công chúng lại thấy nó xa lạ.

Văn hóa tạo nên gương mặt của một quốc gia. Vì thế, truyền thống đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển như vũ bão của thời đại công nghệ số. Hiện nay chúng ta mới chỉ bảo tồn và vinh danh bảo tồn, còn vẫn dè dặt với các sáng tạo, chưa đẩy nó phát triển mạnh mẽ trong đời sống đương đại.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.
PV
.
.