Cha mẹ viết sách cho con: Hành trình cần “tiếp lửa”

Thứ Hai, 02/10/2017, 11:31
Trong thời buổi bố mẹ bận rộn tối ngày với công việc, con cái được giao phó cho ông bà, giúp việc, thả lỏng trong game, iPad, iPhone… thì viết sách cũng là một cách đằm lại tình yêu của mình với con, dành thêm cho con những tâm huyết chứ không chỉ là nai lưng ra làm để nuôi con học hành hay cho con những điều kiện để bằng bạn bằng bè...


Những cuốn sách đong đầy tình mẹ

Hà Anh

Mấy năm gần đây, bạn đọc được biết thêm về một nét chân dung của nhiều nhà văn thông qua tác phẩm. Đó là những cuốn sách viết về con, viết cho con, lấy cảm hứng từ con của các nhà văn. Người ít thì viết một cuốn, người cảm hứng tới đã liền mạch xuất bản vài ba cuốn.Xu hướng ấy ngày một rõ hơn khi có sự cộng hưởng bởi những nhà văn, nhà báo khác, thậm chí cả những người làm trong lĩnh vực khác.

Theo đó, thông qua những “Ba nàng lính ngự lâm” (Nguyễn Đình Tú), “Em Béo và hội Cầu vồng” (Đỗ Bích Thúy) hay “Nhật kí Sẻ Đồng” (Phong Điệp)…, độc giả như được chứng kiến, thích thú và thấy nhà văn trong lòng họ gần gũi biết bao nhiêu khi họ cũng là cha là mẹ, cũng vui buồn thấp thỏm, lo lắng dõi theo những đứa con đẻ - những “tác phẩm lớn” bên cạnh những “đứa con tinh thần” mà độc giả từng hâm mộ. Độc giả cũng từng thích thú với cuốn sách “Chuyện nhà Bông Bờm Bách” của đạo diễn Trần Lực với những mẩu chuyện thường ngày rất vui được dệt nên từ những đứa con của anh - mà anh chỉ có trách nhiệm ghi lại một cách trung thực, dí dỏm. Hay trường hợp cuốn sách "Quà cho con" của tác giả Nguyễn Huy Hoàng từng gây sốt một thời với nhiều ý kiến trái chiều cũng là một cuốn sách "khởi vi thủy" tác giả viết là để dành tặng những đứa con thân yêu của mình.

Trẻ em không chỉ là mối quan tâm của các bậc cha mẹ mà còn là đối tượng độc giả đặc biệt luôn được các NXB quan tâm.

Nói đến việc cha mẹ viết sách cho con không thể không nhắc đến những cái tên đã “truyền cảm hứng” cho biết bao bà mẹ. Có thể kể đến Phan Hồ Điệp - mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam, tác giả của các cuốn sách “Dưới sao mẹ kể con nghe”, “Yêu thương mẹ kể”… hay những cuốn sách về nuôi dạy cậu bé Đỗ Nhật Nam nổi danh từ khi còn nhỏ. Bên cạnh đó là Uyên Bùi - mẹ bé Ong với “Để con được ốm”, cuốn sách viết chung với bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn đã trở thành “kim chỉ nam” cho rất nhiều bà mẹ khi nuôi con nhỏ luôn gặp các vấn đề về thuốc thang và bệnh tật.

Được viết chủ yếu bởi những nhà văn, những người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nên những tác phẩm "viết cho con" này đậm chất văn học, khơi gợi và bồi đắp rất nhiều cho tâm hồn độc giả dù là trẻ con hay người lớn. Thậm chí, sau khi thử sức với “Ba nàng lính ngự lâm”, đề tài văn học thiếu nhi đã trở thành một niềm hứng thú và chiếm phần quan trọng trong các sáng tác gần đây của nhà văn Nguyễn Đình Tú.

Bên cạnh đó phải kể đến cuốn sách nổi bật nhất trong sê-ri sách viết lấy cảm hứng từ những đứa con phải kể đến “Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu” của nhà văn Hồ Thị Hải Âu. Lã Hồ Thị Minh Khuê - con gái chị Hải Âu, cô học trò trường Amsterdam ngày nào là trường hợp duy nhất được nhân học bổng trị giá 320.000 USD của Trường Harvard (2014 -2018).

Cuốn sách “Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu” dày hơn 700 trang được nhà văn Hồ Thị Hải Âu viết trong suốt hai năm, ghi lại và chia sẻ những bước đồng hành cùng con để giúp con bước cùng “toàn cầu” một cách thành công đã được tái bản nhiều lần, con số lên tới gần 2 vạn bản.

Không những thế, hai mẹ con đã có những buổi giao lưu với tinh thần thiện nguyện vì cộng đồng, để chia sẻ, truyền cảm hứng cho hàng vạn bà mẹ và những học sinh khác đang muốn vươn ra thế giới. Gần đây, trên kệ sách có bộ ba tác phẩm: "SuSu và GoGo đi Paris", "SuSu và GoGo đi Tokyo", "SuSu và GoGo đi Singapore" của nhà văn Dương Thụy; “Bụng Phệ nhanh chân” của dịch giả Lệ Chi; Nhím ơi, ngủ ngoan của Lê Anh Nguyên, “Con trai, mẹ vắng nhà” của Lê Thúy Hà, “Hành trình yêu thương - Nhật kí Thiện Nhân” của Trần Mai Anh cũng mang đến những câu chuyện truyền cảm hứng khiến độc giả xúc động...

Cách đây ít lâu, trong cuộc tọa đàm “Mọi bà mẹ đều có thể viết sách” nhân dịp ra mắt cuốn "Bụng Phệ nhanh chân" của dịch giả Nguyễn Lệ Chi, chủ đề “Mọi bà mẹ đều có thể viết sách” cũng được thảo luận sôi nổi. Dường như ngày nay, những người làm bố, ông, bà, cô, dì, chú, bác, những người làm anh, chị… đều có thể trở thành một người viết sách nếu như có tình yêu với con trẻ.

Dịch giả Lệ Chi tâm sự: “Việc viết lại những câu chuyện về con mình là việc làm diễn ra tự nhiên hằng ngày, nên không cần gì phải chuẩn bị tâm thế để viết lách cả. Tôi chỉ muốn ghi lại những câu chuyện, lời nói của con trẻ và cách nhìn nhận, ứng xử của mình hoặc của những người lớn khác tại thời điểm đó, để từ đó khi có thời gian đọc lại, mình sẽ thêm hiểu con hơn, và con sau này đọc lại cũng gợi nhớ lại những quãng thời gian thơ ấu tươi đẹp và sinh động”.

Trong thời buổi bố mẹ bận rộn tối ngày với công việc, con cái được giao phó cho ông bà, giúp việc, thả lỏng trong game, iPad, iPhone… thì viết sách cũng là một cách đằm lại tình yêu của mình với con, dành thêm cho con những tâm huyết chứ không chỉ là nai lưng ra làm để nuôi con học hành hay cho con những điều kiện để bằng bạn bằng bè.

Biên tập viên Đặng Hà - NXB Văn học:Mong các con sống yêu thương nhiều hơn

- Thưa chị Đặng Hà, được biết chị là một người rất yêu thích sách, đặc biệt là sách văn học. Chị có truyền được cảm hứng và tình yêu đối với sách cho các con mình không?

+ Như Đại thi hào Nga Puskin từng nói: “Đọc sách là cách học tốt nhất”.  Tôi yêu thích sách, đặc biệt là sách văn học.Đọc sách mỗi ngày cũng là cách để thanh lọc tâm hồn. Thật may, các con tôi cũng mê đọc sách. Tuy nhiên, những cuốn sách được ưu tiên của chúng có thể cũng chỉ là truyện tranh, có nội dung gần gũi, minh họa sinh động. Tôi không áp đặt con đọc sách theo quan niệm của mình, miễn là chúng cảm thấy đọc sách mang lại sự thoải mái, thư thái, để chúng theo đuổi những phút giây được tự do, theo đuổi những suy nghĩ, những rung động riêng.

- Những cuốn sách mà chị ưu tiên hướng tới hay mong muốn các con mình sẽ đọc là dạng sách nào? Tại sao chị có lựa chọn như vậy?

+ Các con tôi đang ở độ tuổi lớn, có nhiều chuyển biến mạnh về tâm sinh lý nên tôi hướng cho con đọc “Cẩm nang con trai/ Cẩm nang con gái”, "Violeta BaBíc". Đó là 2 quyển sách dành cho lứa tuổi từ 9-18. Qua hai cuốn sách này, con trai sẽ được trang bị kiến thức để chuẩn bị bước vào tuổi dậy thì, tự chăm sóc bản thân, lựa chọn môn thể thao, học các kỹ năng ứng xử trong cuộc sống… Bên cạnh đó là cuốn "Những tấm lòng cao cả" - một cuốn sách dành cho trẻ em của nhà văn Ý Edmondo De Amicis. Tác phẩm là hàng loạt câu chuyện nhẹ nhàng về tình cảm gia đình, tình thầy trò, tình bạn,… hay sự trân trọng con người với nhau không phân biệt giai cấp sang hèn.

- Là một người mẹ có 2 con đang tuổi lớn, chị có quan tâm tới những cuốn sách nhiều bậc phụ huynh Việt viết cho con em mình được ra mắt trong thời gian gần đây không? Các con chị có hứng thú với những cuốn sách này không?

+ Có nhiều cuốn sách nổi tiếng về kĩ năng nuôi dạy con thành công, đỗ đạt, như: "Em phải đến Harvard học kinh tế", "Khúc chiến ca của mẹ hổ",...Tôi quan tâm tới cuốn "Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu" của tác giả Hồ Thị Hải Âu. Cuốn sách đưa ra phương pháp dạy con thành công, ở đó tôi tìm thấy điểm tương đồng với văn hóa, nhân sinh quan người Việt.

Tác giả không đưa ra những công thức thành công để cha mẹ áp đặt vào con cái mà lấy "Giáo dục gia đình là nền tảng". Sách cũng cho cho thấy không có nền giáo dục phổ cập nào có thể áp dụng hoàn hảo với một đứa trẻ. Dù trên thế giới có nhiều phương pháp dạy con thành công, theo kiểu Nhật, kiểu Do Thái, Anh, Mỹ..., tất cả chỉ mang tính tham khảo. Nền tảng gia đình mới đóng vai trò quyết định đến thành tựu của con cái và tôi rất đồng tình với điều này.

- Chị có thói quen ghi chép lại những câu chuyện về con mình để một ngày nào đó cũng có thể xuất bản một cuốn sách như một món quà đặc biệt dành cho tuổi thơ của con mình như nhiều bà mẹ hiện nay đang làm không?

+ Mỗi ngày, tôi có thói quen ghi chép lại cảm xúc yêu thương, lo lắng của mình dành cho con. Ngắm nhìn con trưởng thành để cảm nhận được niềm hạnh phúc làm mẹ. Tuy nhiên, tôi chưa từng nghĩ đến sẽ tập hợp lại những ghi chép đó để in sách, mà chỉ như một thói quen lưu giữ kỉ niệm. Khi con tôi lớn, chúng sẽ đọc lại và sống yêu thương nhiều hơn, sống trách nhiệm với gia đình và xã hội. Đó là những gì tôi mong mỏi, chờ đợi khi làm điều này.

Đạo diễn, NSƯT Trần Lực: Tôi muốn làm bạn với con mình

Khi mới có một cháu đầu, tôi cũng chưa nghĩ gì đến việc có thể có một cuốn sách kể lại những câu chuyện về các con. Nhưng rồi có cháu thứ 2, thứ 3, một ngày của gia đình có không biết bao nhiêu tình huống xảy ra: nào ngộ nghĩnh, hài hước, đáng yêu; nào cáu kỉnh, giận dỗi; nào chuyện ăn, chuyện mặc, chuyện ở lớp, ở trường...

Nhất là những câu chuyện xoay quanh cậu Bách, có thể kể mấy ngày không hết. Từ khi có con, tôi có thói quen ghi lại những câu chuyện vui vui xảy ra trong ngày trong gia đình như một dạng nhật ký. Và hình thức viết này kéo dài cả chục năm qua.Có chuyện đăng lên trang Facebook cá nhân, có chuyện không. Khi gửi bản thảo "Chuyện nhà Bông Bờm Bách" tới NXB, có một số mẩu chuyện bị cắt đi, còn 55 mẩu chuyện xinh xinh và toàn bộ "không khí" trong câu chuyện hoàn toàn đúng với mọi cung bậc cảm xúc như nó đã xảy ra trong gia đình tôi.

Là một nghệ sĩ được công chúng nhớ đến qua phim ảnh, tôi rất vui khi cuốn sách đầu tay ra đời, được nhiều bạn nhỏ và các bậc phụ huynh quan tâm, đón nhận nó và có những phản hồi tích cực. Đây lại là cuốn sách viết về con mình nên niềm vui lại còn lớn hơn nếu không muốn nói là nó được nhân đôi.

Nhiều người ngạc nhiên về tôi khi tên tôi xuất hiện với tư cách tác giả, song tôi cho rằng, nếu là bất cứ ông bố yêu con nào sống trong bối cảnh có 3 nhóc tì dễ thương như nhà tôi đều có những cuốn sách đặc biệt cho không chỉ con mình mà cho con người khác nữa. Tôi chưa thể nói gì về một cuốn sách tiếp theo ở thì tương lai, song tôi vẫn tiếp tục có những ghi chép về các con mình. Đến khi nào có đủ dữ liệu, cũng có thể có một cuốn sách tiếp theo về lứa tuổi mới lớn của các con tôi ra đời. Viết lách với tôi chỉ đơn giản là một cách tôi đồng hành và mong muốn thật sự làm bạn với con mình mà thôi...

Nhà văn Phong Điệp: Mỗi đứa trẻ cần được "giải mã" riêng

Nguyệt Hà (thực hiện)

- Thưa nhà văn Phong Điệp, từ khi nào chị có ý định viết những cuốn sách như một món quà đặc biệt dành cho tuổi thơ của con mình? Việc viết những cuốn sách ấy được chị duy trì như thế nào theo năm tháng lớn khôn của các con?

+ Khi bắt đầu làm mẹ, chứng kiến mỗi ngày con lớn lên, những ngây thơ non nớt đầu đời… mọi khoảng khắc mỗi ngày trôi qua của con, tôi đều muốn ghi lại. Khi đó tôi đã duy trì viết nhật kí, lưu giữ lại những kỉ niệm ngộ nghĩnh của con, dự định sau này con lớn sẽ kể cho con là ngày bé con như này, như kia...

Và rồi lúc ngồi đọc lại những trang viết ấy, tôi quyết định viết sách cho con.Gia tài của người mẹ cầm bút còn gì giá trị hơn những cuốn sách mà sau này khi con lớn khôn, có thể hồi tưởng lại tuổi thơ của mình, đấy cũng là cách giúp con làm giàu hơn kí ức của mình, trân trọng hơn tuổi thơ, gia đình, nơi mình đã lớn khôn.

Nhà văn Phong Điệp và các con gái khi còn nhỏ.

Hiện nay tôi có 3 cuốn sách cho con, theo từng chặng đường khôn lớn: “Nhật kí Sẻ đồng: Chào em bé” là cuốn sách viết khi con gái đầu lòng của tôi lên chức “chị”; “Nhật kí Sẻ đồng: Những rắc rối ở trường mầm non” viết khi hai con vào mẫu giáo; “Chúng mình làm bạn con nhé” viết khi hai con vào tiểu học. Hai con gái tôi cách nhau một tuổi nên như “hai người bạn” cùng lớn, giúp tôi có những “tư liệu” phong phú hơn cho trang viết của mình.

- Là một người mẹ viết sách cho con, chị đồng thời còn là một nhà văn chuyên nghiệp luôn mong muốn những cuốn sách của mình đến được với độc giả rộng rãi. Chị có "bí quyết" gì để cả hai mục đích này có thể đạt hiệu quả tối đa?

+ Trước hết tôi viết với tâm thế của một người mẹ, chia sẻ những câu chuyện của mình và các con. Mỗi người mẹ đều có vô vàn câu chuyện về con có thể chia sẻ với mọi người. Ưu thế là nhà văn nên giúp tôi viết ra những câu chuyện ấy dễ dàng hơn chăng? Tất nhiên để tạo sự hấp dẫn, tôi luôn đắn đo rất nhiều để chọn ra những kỉ niệm “đặc sắc”, nếu không sẽ dễ thành chuyện dông dài.

- Khi mỗi cuốn sách viết cho con được xuất bản, tâm trạng của chị có khác với những cuốn sách văn học khác của chị không? Chị có ấn tượng gì về những phản hồi của "độc giả nhí" hay các bậc phụ huynh khi họ đọc những cuốn sách này của chị?

+ Đến nay, cả ba cuốn sách viết cho con của tôi đều đã được tái bản nhiều lần, cùng với những ý kiến phản hồi tích cực.Tôi thật sự hạnh phúc về điều đó.Những câu chuyện dường như rất riêng tư của mình đã được nhiều người chia sẻ, trong đó có cả các bậc phụ huynh và cả các bạn nhỏ.Có phụ huynh cảm ơn tôi đã viết hộ nỗi lòng của họ dành cho con.Có độc giả nhí bày tỏ mong muốn tôi kể tiếp câu chuyện của Sẻ đồng và Cún con (là nick name tên hai con gái của tôi), cũng như mong muốn được gặp các “bạn ấy” ngoài đời.Vậy là thời gian không khiến cho kí ức bị mờ nhòe, nó vẫn đang hiển hiện sống động trong từng trang sách, và khi ngồi đọc lại tôi vẫn rưng rưng. Bởi vậy cảm xúc ngồi trước tác phẩm viết về con luôn rất khác với những tác phẩm khác tôi từng xuất bản.

- Chị có dự định sẽ tiếp tục cho ra mắt những cuốn sách về hành trình trưởng thành tiếp theo của các con mình, nhất là khi các cháu bắt đầu bước vào tuổi "teen" ẩm ương, tuổi vị thành niên với nhiều chuyển biến tâm sinh lý khó đoán định hay không?

+ Tôi vẫn dự định tiếp tục viết sách cho con, viết về con. Hiện giờ hai cháu đã ở lứa tuổi teen với nhiều biến đổi, xáo động.Tuy nhiên tôi không muốn vội vàng. Tôi vẫn quan sát hằng ngày, trải nghiệm mọi cảm xúc của tuổi mới lớn ở con, với những nóng lạnh bất thường. Khi nào đủ chất liệu tôi sẽ viết.

- Chị có cho rằng ở Việt Nam vẫn rất thiếu, hay nói cách khác là bỏ trống mảng sách giáo dục tâm sinh lý dành cho lứa tuổi vị thành niên không?

+ Tôi không nghĩ như vậy. Hiện nay thị trường sách khá phong phú, đặc biệt mảng sách kỹ năng đang được không ít nhà xuất bản quan tâm. Bố mẹ cũng như các con có nhiều lựa chọn, chưa kể những thông tin luôn đầy ắp trên Internet. Nhiều phụ huynh khá bối rối trước biến đổi tâm sinh lý ở con, với những biểu hiện bất thường, họ cầu viện đến những cuốn sách để giúp mình “giải mã” được con, từ đó có những biện pháp thích hợp với con trong độ tuổi “dở mưa dở nắng”. Điều đó là rất tốt, tuy nhiên việc áp đặt quá máy móc phương pháp của người khác vào con mình đôi khi lại mang lại những hậu quả ngoài mong muốn. Vì vậy, với tư cách là người mẹ, tôi thấy rằng mỗi đứa trẻ cần được "giải mã" riêng, và có những cách thức đối xử riêng. Khi đó, bố mẹ mới đồng hành được với con, làm bạn được với con.

- Hiện nay, có nhiều bậc cha mẹ dành tâm huyết viết sách - xuất bản những cuốn sách viết về con cái mình, trong đó với nhiều tác giả đây là những cuốn sách đầu tay. Theo chị, "trào lưu" có cần được tiếp tục cổ vũ?

+ Tôi không thích hai chữ “trào lưu” lắm. Nó dự báo một kiểu “sớm nở tối tàn”. Những cuốn sách nếu chỉ viết theo trào lưu thường chỉ mang tính nhất thời. Tôi thích sự bền vững. Cuốn sách dù viết về nội dung gì cũng cần có sự nghiêm túc, tâm huyết, tình cảm ở trong đó. Và những cuốn sách như vậy rất đáng được trân trọng.

- Xin cảm ơn nhà văn Phong Điệp!

Nguyệt Hà – Hà Anh (thực hiện
.
.