Hướng nghiệp cho con

Cha mẹ phải làm gương cho con

Thứ Hai, 05/03/2012, 08:00
Phỏng vấn nhà thơ Vũ Quần Phương.

- Thưa nhà thơ Vũ Quần Phương, được biết, ông là người mồ côi cha từ tấm bé và có một tuổi thơ nghèo khó, vất vả, phải tự lập để vươn lên. Điều này có ảnh hưởng gì đến việc ông nuôi dạy các con sau này không?

+ Tôi mất cha từ năm lên 6 tuổi. Một đứa trẻ mồ côi cha hình như nó xác định phải cố gắng nhiều hơn một đứa trẻ mồ côi mẹ thì phải. Lúc nào tôi cũng xác định mình phải cố gắng để vượt qua số phận, vượt qua sự thiếu thốn về tình cảm và vật chất. Sau này, trong việc dạy các con, tôi luôn rèn cho các con tính tự lập, và trong những hoàn cảnh khó khăn phải biết vượt qua chính mình.

- Ông là nhà thơ, nhưng các con ông lại đều học giỏi toán từ nhỏ. Điều này có làm ông ngạc nhiên không?

+ Tôi làm thơ, nhưng thực ra từ nhỏ tôi cũng là một học sinh giỏi toán. Tôi học ngành Y và là bác sĩ. Vợ tôi cũng là người làm trong ngành Dược. Bởi vậy có lẽ các con tôi được thừa hưởng gen học toán từ bố mẹ. Nhưng tôi cũng phải nói thêm là thuở nhỏ Vũ Hà Văn không chỉ học giỏi toán mà còn học giỏi cả môn văn. Văn rất chịu khó đọc sách. Nhà cửa chật chội, chỗ "trú ẩn" oan toàn nhất của Văn là chiếc bàn học. Gần như lúc nào rảnh tôi cũng thấy Văn đang đọc một cuốn sách nào đó. Thói quen đọc sách đã được vợ chồng tôi tạo cho các con từ lúc còn rất nhỏ. Tôi thường đọc truyện cổ tích cho Văn nghe. Cậu nhớ rất rõ chuyện bổ kể và có thể kể lại một cách lưu loát. Hồi tôi làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, có dạo các bác ở Đài hay mời Văn đến kể lại chuyện cổ tích trên sóng cho các bạn thiếu nhi. Mỗi lần như thế lại được trả tiền, Văn vui lắm, dù cậu không được lĩnh mà bố lĩnh. Mỗi chương trình làm xong, về nhà vài hôm Văn thường rủ rỉ tai tôi hỏi: "Bố ơi, người ta đã trả tiền bố chưa?".

- Ông có nguyên tắc gì trong việc dạy con?

+ Nói là nguyên tắc một cách máy móc thì tôi không có. Trong gia đình chúng tôi, mọi việc đều rất tự nhiên. Các con tôi nhìn thấy bố mẹ sống thế nào thì noi theo. Tôi chỉ nói với các con nguyên tắc của tôi lúc còn nhỏ là luôn luôn cố gắng. Bố mẹ là người yêu sách thì các con sẽ thích đọc sách, bố mẹ tạo môi trường cho sự chăm chỉ học hành nghiên cứu thì các con sẽ làm theo. Hình như hoàn cảnh nhà hơi nghèo, bố mẹ vất vả kiếm sống cũng chính là động lực để các con học giỏi hơn, vừa là thoát ra khỏi cảnh khó khăn, vừa là để giúp đỡ bố mẹ. Văn lớn lên ở thời điểm vợ chồng tôi rất nghèo. Suốt thời đi học, Văn gần như không bao giờ được bố mẹ mua cho quần áo, sách vở, đồ dùng học tập mới, mà thường phải dùng lại đồ cũ của mọi người cho. Thấm thía hoàn cảnh gia đình nên Văn sống rất tình cảm, giản dị và rất biết thương bố mẹ. Năm 1987, Văn đi học ở nước ngoài về nhà nghỉ phép biếu bố mẹ tờ 100 đô la giấu trong đế giày, bảo là con đi làm thêm kiếm được. Vợ chồng tôi cảm động rơi nước mắt.

- Sự thành đạt của các con luôn luôn là niềm tự hào của cha mẹ. Hai con trai ông nay đều đã là những người thành đạt, sinh sống và làm việc tại Mỹ. Vũ Hà Văn nay đã trở thành một giáo sư toán học danh tiếng, được nhiều người biết đến. Thành công ấy của con, có bao nhiêu phần trăm là do nền tảng giáo dục của gia đình, thưa ông?

+ Trong những năm học phổ thông ở trong nước thì ngoài vai trò của nhà trường ra, giáo dục gia đình cũng là một phần rất quan trọng giúp cho một đứa trẻ trưởng thành về nhân cách cũng như hiểu biết. Học giỏi là nhờ tư chất và sự chăm chỉ mà nên. Tuy nhiên, con đường để Vũ Hà Văn trở thành một giáo sư toán học như hôm nay còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như gặp được thầy giỏi, và có cả sự may mắn nữa.

- Ngoài học giỏi Toán, có điều gì đặc biệt ở con trai Vũ Hà Văn mà ông muốn chia sẻ?

+ Văn có một ưu điểm là rất biết thương bố mẹ. Những năm du học ở nước ngoài, đều đặn ngày nào Văn cũng viết thư cho bố mẹ, dù chỉ mấy dòng, kể cho bố mẹ nghe một ngày của mình như thế nào. Thói quen ấy không phải ai cũng có được. Nhờ thế vợ chồng tôi cũng hiểu được ít nhiều cuộc sống, tâm tư của con. Các con đi học xa, rồi sinh sống làm việc ở nước ngoài, việc trở về nhà với bố mẹ phải tính bằng năm, nên mỗi khi buồn, nhớ con, nhớ cháu, tôi thường nghĩ về những kỷ niệm. Mấy năm trước tôi có viết trong nhật ký thế này: "Đọc lại mấy trang nhật ký hồi Văn lên 7 tuổi, thương con phải chịu thiếu thốn, thèm thuồng từ bát mằn thắn. Con cũng biết thương bố mẹ ở chỗ khi bố gọi người bán cái tủ lạnh đi để lấy tiền lo cho gia đình thì chạy ra ngay không cho người ta khiêng cái tủ đi vì tiếc công bố mang cái tủ này từ miền Nam ra. Khi bố dẫn đi ăn bát màn thắn, bố ngồi ngắm con ăn ngon lành, đến lúc bố trả tiền, Văn tỏ ra tiêng tiếc. Rồi có lần bị bố mắng oan, khóc dấm dứt mà không dám cãi… Nhà cửa thì chật chội mà lại không được bố cho ra đường chơi lâu. Bố cũng hay đét đít con. Tội nghiệp con, nghĩ lại, tự trách mình đã đánh con. Bây giờ mới hiểu đánh trẻ con thì thế nào cũng là sai…".

- Xin hỏi thật, có bao giờ ông ân hận về việc đã đồng ý cho hai con sống và làm việc ở Mỹ? Như thế về già, vợ chồng ông sẽ không được gần và nương tựa con cái nhiều như khi các con ở trong nước?

+ Nỗi sợ này thì cũng có trong chúng tôi ít nhiều, nhưng vợ chồng tôi chưa bao giờ nói ra điều này để tạo áp lực cho các con. Vợ chồng tôi vẫn đùa nhau rằng, để các con đi thì tương lai chúng nó tươi sáng nhưng tương lai của chúng ta lại "mờ mịt". Nhưng ngẫm lại, nếu bắt một trong hai đứa ở lại trong nước gần cha mẹ, ngộ nhỡ công việc, sự nghiệp của nó không phát triển bằng ở nước ngoài thì tiếc cho con. Chúng tôi xác định sau này về già, đến một tình hình nào đó thì có thể sẽ sang sống cùng với các con, cháu. Bây giờ còn khỏe thì còn tự lo được. Cũng may là thời nay, nhờ sự tiến bộ của khoa học công nghệ, chúng tôi hằng ngày vẫn có thể trò chuyện, nhìn thấy các con cháu, nên khoảng cách cũng như gần lại hơn.

- Xin cảm ơn nhà thơ Vũ Quần Phương

Quỳnh Vũ (thực hiện)
.
.