Thần đồng văn chương

Cha mẹ đừng ảo tưởng về khả năng của con

Thứ Tư, 18/01/2012, 08:00
Không ít người khi thấy một em nhỏ nào đó viết văn thì vội vã tôn vinh các em là thần đồng, và vô tình đặt lên vai các em những gánh nặng và những đòi hỏi lớn hơn tuổi đời các em. Lịch sử văn học đã cho thấy, có rất nhiều em bé viết văn buổi đầu nhưng khi lớn lên, các em không còn tiếp tục công việc sáng tác nữa. Điều này là hết sức bình thường.

Thời gian qua, đời sống văn học nở rộ các tác phẩm được viết bởi các em nhỏ. Dạo quanh các nhà sách, có thể bắt gặp tên tuổi các cô bé cậu bé viết văn như Đặng Chân Nhân, Thiên Ngân, Nguyễn Hoàng Trâm Anh, Nguyễn Bình, Đan Thi, Ngô Gia Thiên An… Tiêu biểu như cậu bé Nguyễn Bình, mới 10 tuổi đã viết tiểu thuyết dày dặn, được nhiều nhà phê bình đánh giá cao. Nếu như trước Hội nghị Nhà văn trẻ lần thứ 8 vào giữa năm vừa qua, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đề cập một thực tế rằng văn học trẻ những năm qua vắng bóng thần đồng, thì những tháng cuối năm đã xuất hiện hàng loạt sách văn học do trẻ em viết. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho văn học.

Không ít người khi thấy một em nhỏ nào đó viết văn thì vội vã tôn vinh các em là thần đồng, và vô tình đặt lên vai các em những gánh nặng và những đòi hỏi lớn hơn tuổi đời các em. Lịch sử văn học đã cho thấy, có rất nhiều em bé viết văn buổi đầu nhưng khi lớn lên, các em không còn tiếp tục công việc sáng tác nữa. Điều này là hết sức bình thường. Việc nuôi dạy một em bé có năng khiếu văn chương trở thành một người cầm bút lâu dài phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là sự quan tâm, chăm sóc của gia đình. Với bạn đọc, hãy đón nhận những trang viết của các em với tâm thế bình thường, tránh tạo áp lực cho tâm hồn trẻ thơ của các em.

Các tác giả nhí, từ trái sang: Đặng Chân Nhân, Đan Nhi, Nguyễn Bình, Nguyễn Hoàng Trâm Anh, Ngô Gia Thiên An.

Phỏng vấn nhà phê bình Nguyễn Hoà

- Thưa anh Nguyễn Hòa, khi biết con trai mình có năng khiếu viết văn, tâm trạng của anh - một người cha cũng làm văn chương, là như thế nào?

+ Một số bạn bè của tôi đều biết chuyện từ khi còn nhỏ cháu đã bộc lộ một vài khả năng và say mê tìm tòi. Nếu muốn, ngay lúc cháu 2 - 3 tuổi đã đọc thông viết thạo, 4 - 5 tuổi nhờ bố mua Từ điển Hán - Việt, rồi download phần mềm dạy chữ Hán về học, 5 - 6 tuổi đi chơi ở Văn Miếu thấy chữ Hán là đọc vanh vách thì tôi đã "khoe" rồi. Nhưng tôi đã không làm như thế. Tôi coi đó là say mê hồn nhiên cần khuyến khích, không nên làm rùm beng. Mà say mê của con trẻ thì luôn có thể thay đổi, chớ vội hoắng huýt để làm hỏng con. Tới khi biết cháu viết văn cũng vậy, lúc đầu tôi thấy vui vui. Nhưng về hình thức, vì tôn trọng sở thích của cháu, tôi coi như không biết. Nhưng cu cậu viết đến đâu tôi đều biết hết, dù cu cậu viết trên máy tính hay giấu trong USB, không nắm chắc thì làm sao quản lý được con.

- Tôi nghe nói là sau khi đọc tiểu thuyết của con trai, anh đã thận trọng gửi bản thảo cuốn sách đến cho bạn bè văn chương của anh đọc, trước khi quyết định gửi đến nhà xuất bản. Anh là một nhà phê bình văn học, hoàn toàn có thể thẩm định mức độ hay dở của cuốn sách, vì sao anh vẫn cần đến sự thẩm định của người khác?

+ Bạn nói đúng, tôi hoàn toàn có thể đánh giá cuốn sách hay - dở như thế nào, nhưng khi tôi là "bố của tác giả" thì sẽ dễ đưa tới hai khả năng: nếu tôi khen, sẽ có người bảo "con hát bố khen hay"; nếu tôi chê, lại sẽ có người nói "sách của con trai mà Nguyễn Hòa cũng chê"! Tôi suy tính cẩn thận, nếu cháu viết không hay, không ra tác phẩm, sẽ tìm cách khuyên con tập trung vào học hành. Từ tháng 5/2011, sau khi "trộm" được mấy chương đầu, tôi nhờ mấy anh chị mà tôi biết có quan tâm, cho ý kiến giúp đỡ. Lúc đầu họ nhiệt tình, sau chẳng thấy nói gì, chắc họ nghĩ tôi "khoe con"?! Tới khi cu cậu viết xong hàng trăm trang thì tôi phải đọc nghiêm túc, lúc đó tôi mới ngạc nhiên và thích thú.

Biết cháu có ý định viết xong Tập 1 sẽ đem tới nhà xuất bản để in cho bố bất ngờ, tôi phải tán mãi cu cậu mới lấy bản thảo từ USB chuyển sang máy tính của tôi. Xem xong, tôi đề nghị cháu để tôi gửi một số bạn văn của bố đọc giúp, cháu đồng ý. Chỉ tới khi được bạn bè đồng tình, tôi mới thay mặt cháu tìm nơi xuất bản. Tuy nhiên, khi gửi bản thảo tới NXB Trẻ tôi cũng giấu, không nói người viết là con trai tôi, mà nói tránh: "Gia đình nhờ tôi quản lý hộ bản thảo". Khi NXB Trẻ gửi hợp đồng tôi mới nói rõ, và anh Phạm Sỹ Sáu rất ngạc nhiên. Tôi cố gắng hết sức để cuốn sách được xuất bản một cách khách quan.

Vợ chồng nhà phê bình Nguyễn Hoà cùng con trai Nguyễn Bình giao lưu với độc giả trong buổi ra mắt tiêu thuyết "Cuộc chiến với hành tình Fantom".

- Trong nuôi dạy con anh có những nguyên tắc cơ bản nào?

+ Từ ngày còn trẻ, tôi đã thấy một số người có có cung cách nuôi con nhỏ là lạ. Con đòi cái gì chiều cái đó, con hỏi điều gì thì bố mẹ giải thích cảm tính hoặc quát: "Hỏi gì lắm thế!?"; lớn lên tý nữa, con biết đọc A - B - C là sung sướng như con là thiên tài, rồi kè kè bên cạnh bàn học của con để kèm cặp, làm toán, làm văn hộ. Từ khi có con, tôi tự tìm "kiểu" dạy của mình, trước hết là xây dựng cho con tình yêu tri thức, ham đọc sách, ý thức tự lập,... Bắt đầu từ một "rổ" chữ (bởi tôi mua năm bảy bộ chữ để các cháu làm đồ chơi chứ không mua một bộ) và Từ điển tiếng Việt. Vì thế 4 - 5 tuổi các con tôi đều biết tra từ điển, nên từ nhỏ các cháu đã sử dụng chữ nghĩa chuẩn xác, có khi còn chuẩn hơn cả bố. Tôi cố gắng nắm bắt nhu cầu và hiểu con, không biến con thành người phải ì ạch "vác" ý muốn của bố mẹ. Muốn vậy thì phải làm gương. Muốn con đọc sách mà mình không ngó gì đến sách vở thì làm sao con yêu sách. Muốn con không văng tục mà mình lại văng tục thì con theo lời mình không?... Nghĩa là có quá nhiều việc mà cha mẹ phải nêu gương. Làm sai phải biết nhận, cáu bẳn với con cũng cần xin lỗi. Biết lúc 5 tuổi con tôi đã đi chợ, có người e ngại, tôi bảo: "Dạy cháu biết giá trị, ý nghĩa của đồng tiền, cháu sẽ tự điều chỉnh" và các con tôi luôn quý trọng đồng tiền. Biết lúc 5 tuổi các con tôi sử dụng internet, có người nhắc nhở, tôi nói: "Dạy tử tế, cháu sẽ tìm "vàng" trên internet, không dạy tử tế thì có ngăn cấm cháu vẫn cứ tìm tới "rác"...".      

- Rất nhiều bậc cha mẹ hôm nay không tiếc công tiếc của để chăm sóc, đầu tư cho con cái, những mong con sẽ trở thành "thần đồng". Còn anh, anh có thích mọi người gọi con trai Nguyễn Bình của anh là thần đồng văn chương không?

+ Cha mẹ nào chẳng muốn con cái trưởng thành, nhưng tìm mọi cách biến con thành "thần đồng" cũng tức là buộc con phải còng lưng đáp ứng nhu cầu của cha mẹ, chứ đâu phải từ nhu cầu tự thân của con cái. Đừng biến các cháu có một số khả năng hơn bạn cùng lứa thành "thần đồng", để rồi đặt ra các câu hỏi đại loại như: "Thần đồng sao lại như thế?", "Ngày bé là thần đồng sao bây giờ lại như vậy?". Tôi chỉ mong muốn sau này cháu trở thành người tử tế, có khả năng sáng tạo, biết làm công việc hữu ích và làm hết mình.

- Là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực văn học, anh cũng biết có rất nhiều ví dụ về các em thiếu nhi viết văn và nổi tiếng từ khi còn rất nhỏ. Nhưng sau này lớn lên, rất ít người trong số các em đi lâu dài với văn chương. Từ góc độ người làm phê bình, anh đánh giá thế nào về tầm quan trọng của môi trường giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội, để những tài năng sớm phát lộ sẽ tiếp tục có sự tỏa sáng trong tương lai lâu dài?

+ Với một người lớn viết văn mà coi đó chỉ là "cuộc chơi" thì tôi không chia sẻ, vì rất khó có "cuộc chơi" nào lại có thể đưa tới kết quả sáng tạo có ý nghĩa cho đời. Song với một trẻ em viết văn hay làm thơ thì tôi coi đó là "cuộc chơi" tự phát gắn với sở thích hơn là say mê nghề nghiệp. Mà sở thích thì có thể thay đổi, hôm nay thích làm cái này, ngày mai thích làm cái khác, thúc ép cũng chẳng được. Sáng tác văn học của các em luôn đi cùng với sự hồn nhiên, trong sáng. Rồi các em phải trưởng thành, không thể mãi mãi hồn nhiên, trong sáng; vì thế nếu tiếp tục viết văn hay làm thơ thì phải chấp nhận tình huống dấu vết tuổi thơ sẽ nhạt nhòa dần, trong khi thách thức trong sáng tạo ngày càng lớn hơn. Có lần tôi nói với anh Trần Đăng Khoa: "Hồi nhỏ anh làm thơ tự phát, thích gì viết nấy. Thấy lá đa rơi thì viết về lá đa. Thấy con giun thì viết về con giun. Không thấy chú Vàng thì viết Sao không về Vàng ơi. Lớn lên, anh bắt đầu lựa chọn, viết về lá đa, về con giun hay về con vàng; rồi chọn câu chọn chữ, chọn cách tổ chức bài thơ, ngẫm ngợi xem người đọc sẽ đón nhận ra sao... Viết tự giác như thế, không chỉ tuổi thơ nhạt dần mà còn dễ chán nản, không thích nữa".

Ai đó có nói "viết văn là quá trình khổ luyện", vốn liếng có được lúc nhỏ không thể "nuôi" ngòi bút tiếp tục sáng tạo trong cả đoạn đường dằng dặc sau này. Trong gia đình, nếu thấy con có khiếu viết văn làm thơ, thì cứ để cháu tự nhiên, không gò ép, nhưng cần uốn nắn kịp thời nếu thấy dấu hiệu lệch lạc, như ảo tưởng "thần đồng", mải viết mà quên học, được báo chí ca ngợi mà kiêu căng. Tôi nghĩ, điều quan trọng là học, học đồng đều các môn; rồi cha mẹ và nhà trường quan tâm trang bị các tri thức cần thiết, tạo điều kiện để cháu hòa nhập với sinh hoạt của bạn bè, của xã hội, hòa nhập với tự nhiên... Năng lực viết văn làm  thơ dù dồi dào đến đâu cũng sẽ cằn cỗi nếu suốt ngày lụi hụi ở nhà. Khả năng chỉ là tiền đề, khả năng chỉ có ý nghĩa lâu dài nếu được chăm chút, bồi dưỡng; và đặc biệt là hệ thống truyền thông chỉ nên quảng bá vừa phải, không nên làm ầm ĩ quá mức...

-Xin cảm ơn nhà phê bình Nguyễn Hòa

Thực hiện chuyên đề: Bình Nguyên Trang - VNCA Xuân Nhâm Thìn
.
.