Câu ca vơi hết nỗi sầu xác thân

Thứ Năm, 27/08/2015, 08:09
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói: "Ở đâu có con người, ở đó có tiếng hát. Trên mặt đất, trần gian này tiếng hát nhắc nhở ta một điều giản dị: tôi hát là tôi hiện hữu". Và họ hát để chứng minh sự hiện hữu của mình, giăng đầy cả nỗi đau và niềm hân hoan vô tận. Thân thể họ có thể khuyết thiếu, có thể tật nguyền, là đôi tay teo tóp, là đôi mắt mù lòa... nhưng câu ca tiếng hát đó nào đâu phân biệt.

"Giai điệu trái tim" là tên cuộc thi ca hát dành cho người khuyết tật diễn ra tại phòng trà mini GRIN. Quán nằm sâu trong hẻm 518 Lê Văn Sỹ, quận 3 (TP Hồ Chí Minh), nép dưới vòm hoa trang leo yên ả. Đêm gala chia tay mùa giải 2015, bài hát dứt, người trên sân khấu chưa kịp nói lời nào thì bên dưới đã rào rào tiếng vỗ tay: "Hay quá! Hát bài nữa đi!". Cứ thế, bài sau "cháy" hơn bài trước. Có người giậm chân theo nhịp vì đôi tay teo tóp, lại có người nhún mình trên ghế vì đôi chân tật nguyền. Họ hát "Hãy yêu nhau đi", "Em đi để lại con đường", "Biển tình", "Con đường màu xanh", "Mưa nửa đêm"… Cạn chén nhạc, tàn đêm thâu mà vẫn đắm đuối.

Quán chật kín người, cả lành lặn và khuyết tật. Đêm nay, họ không còn là thí sinh nữa mà là người cầm ca tỏ hết lòng mình. Đêm cuối rồi. Ánh điện làm long lanh khóe mắt ướt. Một tháng qua, biết bao là kỷ niệm dưới góc quán bé xinh này: những ngày tập luyện mướt mồ hôi; đêm thi người ra đi, người ở lại; những bữa trưa ngồi với nhau, người cầm đôi đũa, kẻ cầm chân gà làm micro nghêu ngao hát... hát xong lại cười như nắc nẻ. Họ ôm ca sĩ Thụy Uyên - chủ GRIN, mà nói những lời cảm ơn không kể xiết...

Ca sĩ Thụy Uyên (thứ hai, từ phải sang) và các thí sinh, nghệ sĩ khách mời của "Giai điệu trái tim" 2015.

Từ khi đi biểu diễn cùng các đoàn từ thiện, Thụy Uyên có dịp gặp gỡ nhiều người khuyết tật. Họ nhìn Thụy Uyên trầm trồ và khao khát, cái khao khát một ngày sẽ được đứng trên sân khấu mà ngân nga như chị. Âm nhạc đưa chị và họ trở thành bạn. Một lần, những người bạn mới quen ấy rủ chị đến chơi trong buổi tập văn nghệ. Có bạn thấp nhỏ, chân tay biến dạng cố rướn cổ cho vừa chiếc micro rồi lấy hơi. Có bạn lần mò tìm chỗ ngồi, đụng cái này, va cái kia nhưng ôm guitar vào lòng là trở thành nhạc công lão luyện.

Câu ca đồng vọng: "Mệt quá đôi chân này/ Tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi/ Mệt quá thân ta này/ Nằm xuống với đất muôn đời"... Chị lặng người, dán mắt vào những hình hài dị tật. Họ hát nhạc Trịnh. Tiếng ca như trút, như gào khóc, phiêu linh ở nơi nào đó xa xôi, rong chơi bỏ hết bộn bề trong thân xác khiếm khuyết mệt nhoài. Có phải khi thấm thía nỗi đau khôn cùng thì âm nhạc mới thực sự lên ngôi và cứu rỗi? Những hình hài ấy chịu sự bất hạnh từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người. Tiếng hát của họ có khác chăng tiếng hót của loài chim kỳ lạ trong bụi mận gai khi gai nhọn xuyên tim? Ừ thì, gió thoảng mây trôi, hư không kiếp người, tiếng hát níu giữ niềm tin giữa cõi hữu hạn.

Chạy xe về trên đường, câu ca của những con người dị tật ấy vơ vẩn mãi bên tai Thụy Uyên. Hôm sau, chị hẹn các bạn đi cà phê. "Tụi em muốn có một sân chơi để thi ca hát không?". Chưa kịp dứt câu họ đã reo lên như ong vỡ tổ: "Được chứ, tổ chức đi chị Uyên". Vậy là làm. Thụy Uyên bỏ tiền túi để lo từ A đến Z. Mùa giải đầu tiên diễn ra vào tháng 7, đầu tháng 8 năm 2014. Vậy nên dấu mốc đó trở thành thời gian cho mùa giải hằng năm. Chỉ rao trên Facebook nhưng đã có hàng trăm thí sinh đăng ký. Họ thuộc đủ thành phần lứa tuổi và phần lớn là lao động nghèo.

Mặc dù là cuộc thi ca nhạc dành cho người khuyết tật, lại diễn ra trong không gian nhỏ hẹp như GRIN nhưng định dạng chương trình không khác một sân chơi chuyên nghiệp. Cuộc thi có hai vòng sơ khảo, hai vòng bán kết, một đêm chung kết và một đêm gala. Ngoài bản thân mình, Thụy Uyên mời người trong giới như ca sĩ Hà Vân, nhạc sĩ - ca sĩ khiếm thị Hà Chương, ca sĩ Võ Trọng Phúc, ca sĩ - giảng viên thanh nhạc Thành Đạt ngồi ghế "nóng" và các khách mời như ca sĩ Lân Nhã, Lê Minh Đức, Lê Anh... để trao đổi, góp ý về giọng hát lẫn cách trình diễn của thí sinh.

Năm đầu tự túc chi phí nên mức giải thưởng của cuộc thi khá thấp. Mùa giải năm nay, cuộc thi bắt đầu có sự lan tỏa, được ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc Công ty Duy Lợi và một số Mạnh Thường Quân hỗ trợ nên giải nhất lên 5 triệu đồng, các giải khác cũng tăng mức giải thưởng. Cuộc thi còn có thêm 5 giải khuyến khích, phần quà tặng cho các thí sinh lọt vào chung kết.

Có lẽ không cuộc thi nào có được hình ảnh bộn bề như "Giai điệu trái tim". Đến mỗi phần thi, phía dưới lại lục tục người dìu, kẻ đỡ, cõng thí sinh lên sân khấu. Có thí sinh tự di chuyển bằng xe lăn, bằng chiếc đòn... Rồi tình nguyện viên phải bố trí micro, ghế ngồi cho những bạn bại liệt. Mồ hôi, mồ kê ròng ròng nhưng ai nấy đều quên hết mệt mỏi khi tiếng nhạc cất lên.

Người khuyết tật phần nhiều mang mặc cảm. Nếu tỏ ra thiên vị, nể nang họ lại có cảm giác mình đang bị thương hại. Nhưng nếu nặng lời, họ lại dễ thấy bị xúc phạm. Nhưng dường như với Thụy Uyên, tính chân thành có phần bồ bã, hài hước của chị lại trở nên gần gũi. Thấy hát dở, Uyên thét: "Bộ em nuốt luôn cái lưỡi rồi hả. Hát lại cái coi". Kiểu la đó khiến tụi nhỏ càng cười tợn giống như chúng chọc cho "chị Uyên hổ báo" nổi nóng.

Phần trình diễn của thí sinh khiếm thị Đào Lâm Thanh Danh và ca sĩ Hà Vân trong đêm gala 6/8.

Dù chương trình là sân chơi không quá nặng nề thắng thua nhưng ban giám khảo cũng không châm chước, dễ dãi. Họ góp ý chân thành để thí sinh biết điểm hay, dở của mình. Có điều lạ là những bạn thi rớt, Thụy Uyên lại quan tâm, theo dõi sát sao hơn so với những người đoạt giải. Chị vào Facebook, nhắn tin hỏi han, an ủi từng bạn. "Uyên sợ người ta buồn, thấy các bạn khóc là Uyên chịu không nổi, cảm giác như mình có tội" - chị nói. Để nuôi niềm đam mê cho những thí sinh đoạt giải, Thụy Uyên ký hợp đồng cho họ biểu diễn ở GRIN hàng tháng.

Năm nay, một mình Tiến Mạnh lặn lội từ Đà Lạt xuống TP Hồ Chí Minh để "ăn dầm nằm dề" với chương trình. Bất tiện của một bàn tay, đôi chân dị tật với anh chẳng thành vấn đề. Trở thành vũ công khó gấp trăm lần anh còn làm được huống hồ là chuyện di chuyển. Bé thơ, Mạnh mang nặng nỗi buồn tủi khi bị kỳ thị. Nhưng đến với cuộc thi, anh biết nhìn xuống, để thấy nhiều người có hoàn cảnh, thân thể bất hạnh hơn mình, nhưng họ vẫn yêu đời ca hát. Chẳng hạn như anh Đào Lâm Thanh Danh và cô vợ Võ Thị Bé Hoang đều mù lòa, cuộc sống nghèo khó nhưng cả hai vẫn đăng ký tham gia cuộc thi. Chị Hoang dừng ở vòng bán kết còn anh Danh giành giải nhất. Đêm gala, họ song ca bài "Chuyện tình không dĩ vãng".

Âm nhạc đưa tình lên môi, để họ không kìm giữ nổi mà trao nhau nụ hôn nghẹn ngào. Vậy thì cớ sao người còn có thể tự bước đi như Mạnh, còn có thể nghe, nhìn ngắm cuộc sống như Mạnh lại ủ rũ góc tối. "Tôi chợt hiểu, làm con người trên cõi đời này, ai mà không có khiếm khuyết, có người khiếm khuyết ở thể xác nhưng có người khiếm khuyết trong tâm hồn. Vậy hãy cố sống một cách hoàn hảo nhất với niềm đam mê, sở thích của mình" - Mạnh tâm sự.

Từng tham gia Vietnam's Idol 2008 và "Thử thách cùng bước nhảy" 2012 nên Mạnh cảm nhận rõ hơi ấm riêng biệt của "Giai điệu trái tim". Mọi người như anh em sum họp một nhà, cùng tập luyện, đùa giỡn. Ít người đả động đến hoàn cảnh của mình. Ở đó, âm nhạc đã nói hộ bao điều không thể cất thành lời. Có sẻ chia nào bằng âm nhạc - chất truyền dẫn cảm xúc từ trái tim đến thẳng trái tim?

Theo chương trình từ mùa đầu, ca sĩ Võ Trọng Phúc tâm tình với các thí sinh rằng: "Chúng tôi cảm ơn các bạn vì ngọn lửa đam mê ca hát của các bạn đã truyền động lực để những người làm nghề như chúng tôi tự nhủ mình phải cố gắng rất nhiều. Các bạn hát bằng cả trái tim mà đôi khi giới nghệ sĩ không phải ai cũng làm được. Chúng ta còn may mắn hơn nhiều người vì chúng ta còn có thể hát, vậy cứ để lửa khao khát đó bùng lên đi".

Tiến Mạnh ao ước khi trở về Đà Lạt, anh sẽ học ca sĩ Thụy Uyên mở cuộc thi ca hát cho người khuyết tật. Đó cũng là mong mỏi của chị. Thụy Uyên còn mong sẽ có nhiều cuộc thi ca hát quy mô lớn dành cho người khuyết tật, vượt ra phòng trà mini của chị, để tài năng, tiếng hát của họ lan tỏa. Chị hiểu, âm nhạc với họ là đời sống thứ hai, sau thân xác mà cha mẹ sinh thành.

Quỳnh Nga
.
.