Cát sê cảnh nóng bao nhiêu là đủ?

Thứ Tư, 21/01/2009, 10:45
Những "cảnh nóng" trong phim không còn xa lạ đối với phim trường thế giới. Thậm chí, đó còn là những cảnh quay "hốt bạc" nghiễm nhiên có trong kịch bản của hầu hết những bộ phim kinh điển. Gần đây, những cảnh quay "nóng" cũng đã xuất hiện khá nhiều trong các bộ phim nhựa của điện ảnh Việt Nam như "Khi đàn ông có bầu", "Sống trong sợ hãi", "Chuông reo là bắn", "Hai trong một", "Đẻ mướn"…

Có nhiều ý kiến trái ngược nhau xung quanh câu chuyện "cảnh nóng" này. Nó là một cảnh thu hút khán giả hay thực sự có dụng ý nghệ thuật của bộ phim? Các diễn viên đóng trong "cảnh nóng" đó có thực sự thoải mái khi "phô" thân thể mình trước hàng triệu người, trước gia đình, người thân? Số tiền cátsê họ nhận được có đủ để họ phải "trả giá" cho những hậu quả không lường trước được khi họ chuyên tâm cho nghệ thuật?

Đạo diễn Phi Tiến Sơn, một trong những người đầu tiên đưa "cảnh nóng" vào bộ phim chống tiêu cực từng xôn xao một thời "Lưới trời" cho rằng: "Thể hiện "cảnh nóng" trong phim luôn là thách thức với nhà làm phim. Nếu hay, hợp lý, tinh tế và đẹp thì cátsê thế nào cũng chưa đủ. Nếu dở, bôi bác và xấu thì bao nhiêu cũng thiếu. Rất nên có thêm cátsê cho các diễn viên đóng "cảnh nóng". Cátsê cho cái đẹp - tại sao không?".

Nếu như ở Hollywood, những cảnh "nuy" đôi khi lại làm cho sự nghiệp của diễn viên cất cánh, thì ở Việt Nam, trước những cảnh quay nóng, nhiều diễn viên luôn phải giằng co giữa một cuộc đấu tranh tâm lý mà không phải ai cũng đủ dũng cảm để có thể vượt qua được.

Hạnh Thúy, người đã vào vai Thuận trong phim "Sống trong sợ hãi" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (người đoạt giải thưởng nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất), kể lại: "Khi bộ phim "Sống trong sợ hãi" hoàn tất, chiếu nội bộ trong giới nghệ sĩ xem, mấy anh em bạn bè về trêu ông xã tôi: "Trời ơi, phim đó nhiều cảnh ghê lắm, vợ mày diễn mấy cảnh sex liền. Coi chưa?".

Ông xã tôi về nhà hậm hực, lấy kịch bản ra đọc lại, thấy có cảnh: "Thuận không mặc áo, Tải lao đến, chộp tay vào ngực Thuận…", ông xã tôi la ầm lên: "Trời ơi, em làm gì thế này? Em điên hả? Em đóng phim gì thế này?". Tôi chỉ cười bảo: "Thế anh đã đi xem phim chưa? Đợi xem rồi muốn nói gì thì nói nha".

Mấy hôm sau phim chiếu, anh ấy đi xem ngay. Nhưng may quá, mấy cảnh đó… cắt hết. Về nhà chẳng thấy anh nói gì nữa, chỉ khen vợ đóng phim không đến nỗi nào!". Tôi hỏi Hạnh Thúy: "Cátsê cho những "cảnh nóng" đối với chị bao nhiên là đủ?".

Hạnh Thúy lắc đầu: "Đối với phim Việt Nam thì cátsê chưa bao giờ là đủ cả, nói gì đến việc đóng những "cảnh nóng" đó. Bởi vì, phải đến khi nào, người diễn viên khi đồng ý nhận một vai diễn chỉ chuyên tâm cho nó chứ không phải chạy sô để kiếm sống bằng những nghề khác thì mới gọi là đủ được. Tôi tin rằng mỗi diễn viên khi nhận vai mà có dính đến "cảnh nóng" đều vì nể đạo diễn, nể nhà sản xuất, và tất nhiên cũng vì lòng yêu nghề, vì công việc mà mình theo đuổi thì đóng thôi, chứ chẳng ai tự nguyện cả! Tôi nhận được tiền cátsê cho vai diễn trong phim "Sống trong sợ hãi" là 6 triệu, số tiền đó không phải là điều khiến cho tôi ái ngại khi đóng những vai "hở hang" mà vì bản thân tôi đã có gia đình, có chồng con, tôi sợ sau này người thân của mình xem những cảnh đó sẽ không chấp nhận được".

Tuy nhiên, khi dấn thân vào nghiệp diễn, cũng như việc các diễn viên chấp nhận diễn những "cảnh nóng" là đồng thời họ phải tự chịu trách nhiệm với những "mối họa" họ gặp phải sau khi bộ phim được công chiếu.

Diễn viên Hồng Ánh khẳng định với báo giới rằng: "Đóng cảnh nóng thực ra không có gì là ghê gớm cả. Điện ảnh luôn yêu cầu phải thật. Vì thế, nếu là cảnh quay cần thiết phải có, tình huống "nuy" đủ chín mà ý thức quay của những người đồng nghiệp thực sự nghiêm túc thì người diễn viên chẳng có gì mà không dám dấn thân". Tuy nhiên, nói thì nói vậy, song chính vì sự dấn thân ấy mà người diễn viên tài năng này nghe đâu từng gặp "trục trặc".

Sau khi xem xong cảnh chị đóng "nuy" trong phim "Thung lũng hoang vắng", người bạn trai của chị chẳng nói chẳng rằng, đùng đùng nổi giận xách vali trở lại Sài Gòn ngay khi đang cùng chị đi dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13 (năm 2001) tại Vinh (Nghệ An).

Diễn viên Mỹ Uyên từng lên tiếng: "Đừng làm việc theo cảm tính. Diễn viên nên làm hợp đồng rõ ràng trước khi nhận vai diễn. "Cảnh nóng" cần phải được ghi rõ trên giấy tờ sẽ được quay với mức độ ra sao, sử dụng như thế nào, bảo hiểm hay quyền lợi của người diễn viên sẽ được bảo vệ đến đâu…".

Tất nhiên, không thể không phủ nhận là có những diễn viên muốn tham gia đóng "cảnh nóng" chỉ vì muốn "đánh bóng" tên tuổi mình một cách nhanh chóng, nhưng có những diễn viên đã thực sự xem đó là nghệ thuật đích thực nên cần có một cách "tính công" rõ ràng để đảm bảo quyền lợi cho người nghệ sĩ…

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên:

Đối với tôi thì cho những "cảnh nóng" vào trong phim luôn luôn khó. Cái khó thứ nhất là những cảnh này quá quen thuộc với hầu hết các phim nước ngoài, nếu mình làm ẩu sẽ nhạt và trở thành câu khách rẻ tiền.

Thứ hai nữa, đối với diễn viên, cũng phải rất khó khăn mới mời họ đóng được những vai "nóng", bởi vì bất cứ diễn viên nào cũng e ngại và chẳng ai muốn "phô" mình trước bàn dân thiên hạ nếu như không vì nghệ thuật.

Chính vì thế, nếu những "cảnh nóng" đó thực sự hay thì hãy làm. Còn chuyện cátsê cho diễn viên đóng "cảnh nóng" ư? Đối với diễn viên Việt Nam thì một bộ phim quay trong vòng 2 tháng, người cao lắm chỉ được khoảng 25-30 triệu. Đóng "cảnh nóng" được thêm vài triệu cũng chả bõ bèn gì nên cũng chả nên bàn tới.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã:

"Cảnh nóng" - trong những trường hợp thật cần thiết có thể giúp khán giả cảm nhận đầy đủ hơn chiều sâu quan hệ giữa các nhân vật, hiểu rõ những hạnh phúc và khổ đau nhân vật phải hứng chịu dưới góc độ con người nhất. Tất nhiên không phủ nhận có những "cảnh nóng" đã được thực hiện bởi mục đích câu khách.

Sự "đủ" thì phải tùy vào nội dung từng bộ phim, tùy vào mối quan hệ giữa các nhân vật. Nếu câu chuyện khai thác đề tài bạo lực gia đình dưới khía cạnh bạo dâm thì những cảnh ấy không nên quá nhiều, có thể làm người xem thấy ghê tởm hơn là thương cảm. Còn nếu lại là câu chuyện về một cặp yêu nhau, đến với nhau vì xác thịt, rồi từ đó khám phá những phẩm chất khác trong đối tác và trong chính mình (như "Người tình" của Pháp) chẳng hạn, thì "cảnh nóng" là khó giới hạn. Cátsê cho diễn viên đóng "cảnh nóng" là chuyện dài kỳ.

Với một số người kiên quyết từ chối những cảnh này, phải dùng người đóng thế thì không có vấn đề. Còn với những người chấp nhận "lộ mặt" trong những cảnh này thì đúng là sự hy sinh lớn. Cần có sự thỏa thuận giữa nhà sản xuất, đạo diễn và diễn viên sao cho hài hòa. Mọi chuyện sẽ dễ giải quyết nếu có sự chuyên nghiệp đồng bộ.

Diễn viên Quách An An:

Đối với tôi, cátsê đóng "cảnh nóng" không có nghĩa là cởi đồ để lấy tiền nhiều hơn. Tôi là người đam mê nghề, mỗi khi nhận được vai diễn hay tôi đều nhận lời và luôn làm hết trách nhiệm của mình.

Tất nhiên, là con gái, tôi cũng như bao nhiêu người, rất ngại "phô" thân thể mình lên cho hàng ngàn người xem, song đạo diễn yêu cầu tôi phải cam kết "nóng là nóng thật", đồng thời phải làm người xem "nóng" theo, có lẽ chính vì thế báo giới hay gọi tôi bằng những cụm từ mĩ miều như "biểu tượng sex của màn ảnh Việt Nam", "người với những cảnh nóng bỏng"…

Tôi thì nghĩ đơn giản rằng, đạo diễn đã đưa những "cảnh nóng" vào phim là để cho bộ phim hay hơn, hấp dẫn hơn và khi họ chọn mình là đồng thời với việc mình phải có trách nhiệm hợp tác nhiệt tình để hoàn thành vai diễn đó. Nhưng một người cố gắng chưa đủ, nó là công sức của cả một tập thể. Vấn đề cátsê "cảnh nóng" dành cho người diễn viên diễn có lẽ sẽ vô nghĩa nếu như thiếu sự chuyên nghiệp cũng như thiếu sự tôn trọng của khán giả.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.