Giải Cánh diều 2014:

Cắt dây hay góp gió cho diều?

Thứ Tư, 25/03/2015, 08:00
Giải Cánh diều vàng dành cho phim truyện điện ảnh năm nay không có “chủ”. Thay vào đó lại có tới 3 giải Cánh diều bạc: một phim nhà nước, hai phim thị trường. Thế nhưng, kết quả "hòa cả làng" này lẫn số lượng phim kỷ lục đều không khiến dư luận chú ý bằng lời than thở, "kêu cứu" của những người tổ chức trước thềm lễ trao giải.

Tranh cãi ban giám khảo già - trẻ

Thắng lớn tại mùa giải năm nay lại là bộ phim nhà nước "Những đứa con của làng" (Đạo diễn: Nguyễn Đức Việt). Bộ phim ẵm đến bốn giải. Không chỉ đồng giải bạc với các bộ phim thương mại "Hương ga" (Đạo diễn Cường Ngô), "Lạc giới" (Phi Tiến Sơn), bộ phim này còn đoạt giải báo chí, phê bình; giải nam diễn viên phụ xuất sắc cho diễn viên Huy Cường; biên kịch xuất sắc. Cách đoàn làm phim này tự làm khó mình bằng đề tài hậu chiến, xây dựng bối cảnh Quảng Trị thập niên 80 và các nhân vật trong phim chủ yếu nói tiếng Quảng Trị, đã chứng tỏ tài năng của họ. Câu chuyện hàn gắn vết thương chiến tranh được kể xúc động và đầy tính nhân văn.

Năm nay, số lượng phim nhựa tham gia thuộc hàng kỷ lục, gồm 17 phim trong đó hơn 2/3 là dòng phim thị trường. Dòng phim nhà nước rất khiêm tốn (nhưng sung túc hơn các năm trước), gồm ba phim: "Những đứa con của làng", "Sống cùng lịch sử" và "Thầu Chín ở Xiêm". Không thể phủ nhận rằng số lượng phim thị trường đang tăng dần đều theo từng năm.

Nói như NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, dòng phim thị trường của các đạo diễn Việt kiều và những người làm phim trẻ đang góp phần làm sôi động đời sống điện ảnh nước nhà. Cách làm phim mới mẻ áp dụng công nghệ tối tân cộng với nội dung gần gũi, phong phú, hấp dẫn thị hiếu, dòng phim này đang ngày càng khẳng định chỗ đứng của mình trong lòng khán giả. Vì thế, không ngạc nhiên khi nhiều giải thưởng quan trọng  đều thuộc về dòng phim này.

Khó khăn về kinh phí nhưng "Cánh diều" 2014 vẫn có một đêm trao giải ấn tượng (Trong ảnh: Đoàn làm phim "Hương ga", "Lạc giới", "Những đứa con của làng" nhận giải Cánh diều bạc).

"Hương ga" còn giành thêm hai giải: đạo diễn xuất sắc cho đạo diễn Cường Ngô và nữ diễn viên chính xuất sắc cho diễn viên Trương Ngọc Ánh. Nam diễn viên chính xuất sắc thuộc về diễn viên Trung Dũng (Lạc giới).

Kết quả này không nằm ngoài dự đoán. Nếu giải nam diễn viên chính xuất sắc, Trung Dũng có đối thủ nặng ký là Quý Bình (Quả tim máu) thì Trương Ngọc Ánh lại gần như không có ai xứng tầm để giành giải nữ diễn viên chính xuất sắc của chị. Ban giám khảo chỉ làm mỗi việc so bó đũa chọn cột cờ.

Năm 2014 là năm ghi dấu sự lên ngôi của dòng phim độc lập. Thế nhưng, ngoài phim "Đập cánh giữa không trung" của Nguyễn Hoàng Điệp không có mặt trong danh sách đề cử thì chỉ có "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" góp mặt tại hạng mục phim tài liệu.  Thế nhưng, bộ phim này chỉ nhận được bằng khen của Hội Điện ảnh. Có ý kiến cho rằng Hội không trọng thị những nhà làm phim độc lập.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, phản bác: "Khi giải mới bắt đầu, Hội đã gửi thư mời cho cô Nguyễn Hoàng Điệp và những tác giả phim độc lập khác. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ nhận được hồi âm "đã nhận được thư mời" của Điệp qua email. Còn các tác giả khác thì không thấy hồi âm. Đến khi thời gian đăng ký dự giải hết thì mới thấy thư đăng ký của Điệp. Cả phim "Trúng số" cũng đăng ký trễ như vậy. Chúng tôi rất trọng thị những tác giả làm phim độc lập, dù rằng họ không phải là Hội viên của Hội Điện ảnh. Chỉ đơn giản do họ gửi trễ nên đành lỗi hẹn với giải".

Các phim năm nay đồng đều về chất lượng, tuy nhiên lại không có phim nào quá nổi trội. Vì lẽ đó nên Hội đồng giám khảo đành bỏ ngỏ giải Cánh diều vàng mà trao đồng giải Cánh diều bạc cho 3 phim. Kết quả này phần nào làm hài lòng giới chuyên môn lẫn dư luận trước những câu hỏi: Với dòng phim thị trường áp đảo, liệu với thành phần ban giám khảo khá già thì kết quả phim có ảnh hưởng?

Nhìn vào danh sách Hội đồng giám khảo năm nay (trừ giám khảo báo chí đa đạng lứa tuổi) có thể thấy rằng ban giám khảo các hạng mục đều là những bậc lão làng. Chủ tịch Hội đồng giám khảo là NSND Đặng Xuân Hải. Trưởng ban giám khảo phim nhựa là nhà lý luận phê bình, TS Trần Luân Kim. NSƯT Đặng Tất Bình làm Trưởng ban giám khảo phim truyện truyền hình... Dư luận lo ngại rằng, khoảng cách của hai, thậm chí ba thế hệ sẽ khiến ban giám khảo và người có phim dự giải không hiểu nhau.

Nói về điều này đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cho rằng: "Một khán giả U60, U20 họ sẽ thích những bộ phim hợp với lứa tuổi mình. Còn với người làm nghề, nếu bảo rằng tôi U60 rồi, tôi không thích phim tuổi teen thì tôi không phải là một người làm nghề nữa. Thực tế cho thấy nhiều đạo diễn tuổi đã cao nhưng vẫn làm phim cho tuổi teen xem. Vậy tại sao những người ngồi trong ban giám khảo lại không ưa, không cảm thụ được hết sự tinh tế, hay ho của phim trẻ.

Qua nhiều mùa giải cho thấy, số tuổi ban giám khảo không ảnh hưởng đến kết quả. Có năm ban giám khảo toàn người trẻ, song phim được trao giải đều khiến công chúng phục. Năm ngoái, ban giám khảo toàn người già mà phim tham dự lại toàn phim trẻ, nhưng phim "Thần tượng" vẫn bội thu đó thôi. Tôi tin với trách nhiệm, kinh nghiệm và sự chuyên nghiệp của ban giám khảo, thì không có gì chi phối đến kết quả cả. Tôi chỉ lo là bây giờ có quá nhiều dòng, thể loại và hướng làm phim, kể cả phim nghệ thuật hay phim thương mại. Làm sao chọn được phim hay nhất là điều khó".

"Cánh diều" mất "thiêng"?

"Năm nào cũng vậy, "Cánh diều" luôn luôn gặp khó khăn về tài chính"- đó là khẳng định của nghệ sĩ Quyền Linh trước thềm lễ trao giải. Chuyện "Cánh diều" khó khăn, chật vật dù là chuyện thường niên nhưng chưa bao giờ lại trở thành đề tài nóng như năm nay. Nghệ sĩ Quyền Linh chua chát: "Tôi thường nói vui với cánh báo chí rằng Quyền Linh không có tiền, chỉ có công văn. Mà người ta cũng chỉ đọc công văn cho vui chứ họ là doanh nghiệp, họ còn kinh doanh nữa".

Phim "Những đứa con của làng" nhận được sự bầu chọn của Hội đồng giám khảo báo chí - phê bình.

Gắn bó nhiều năm trong nghề, NSND Đoàn Dũng bức xúc: "Chúng ta vẫn ca ngợi văn hóa nghệ thuật là quan trọng bậc nhất đối với một đất nước. Thế nhưng, tại sao tổ chức một liên hoan phim mà chúng tôi phải ngửa tay đi xin từng đồng thế này. Buồn và đau lắm".

Khó khăn về kinh phí nên đêm trao giải không diễn ra tại nhà hát hay địa điểm lớn mà lại gói gọn ở Trung tâm Hội nghị Queen Hall. Tuy vậy tầm quy mô sân khấu vẫn được đánh giá cao. Quyền Linh chia sẻ: "Còn cách đêm trao giải khoảng 10 ngày chúng tôi mới xin được sóng truyền hình trực tiếp trên VTV9. Cũng may, Queen Hall là một trong những người bạn của tôi nên họ giúp rất nhiệt tình.

Nói thật, nếu không nhờ ở đây thì chúng tôi không biết phải tổ chức ở đâu, vì ở đâu cũng là tiền. Mỗi năm đến hẹn lại lên, chúng tôi băn khoăn, trăn trở đến nỗi tối ngủ không được". Quyền Linh cũng cho hay các nghệ sĩ đều bận rộn, Hội phải năn nỉ nhiều lần thì họ mới có mặt. Chính vì thiếu nhân lực trầm trọng nên một mình Quyền Linh vừa làm đạo diễn vừa kiêm luôn hậu đài, âm thanh, ánh sáng... "Nhiều khi tôi tự hỏi : "Ủa, mình đang làm lễ vinh danh các anh em nghệ sĩ, làm đẹp cho họ. Nhưng sao mời lại ít người đi?" - anh than thở.

Cũng nhờ sự ồn ào của dư luận nên những ngày giải gần kề, nguồn tài trợ cho giải càng nhiều và các nghệ sĩ cũng quan tâm đến giải hơn. Thế nhưng, mọi thứ vẫn không thể giấu được sự mất "thiêng" của "Cánh diều" khi phải vận động từng phim đăng ký tham gia, "vơ bèo vạt tép" cho đủ chị đủ em rồi chạy tài trợ, năn nỉ các nghệ sĩ tham dự khi mỗi mùa giải tới.

Một đạo diễn giấu tên cho rằng nên bỏ giải "Cánh diều" vì trong mắt không ít người làm nghề, đó là một sân chơi không chuyên nghiệp. Tổ chức thường niên nên số lượng phim năm trồi, năm sụt tùy theo phim ra rạp trong năm. Được ví như "Oscar Việt Nam" nhưng phim "thảm họa" năm nào cũng có mặt theo kiểu "cho vui" khiến bộ mặt giải trở nên nhếch nhác. Như năm nay, các phim bị cho là "nhảm, hời hợt" như "Để Mai tính 2", "Năm sau con lại về", "Mất xác"... cũng có mặt, dù ai cũng biết chúng sẽ ra về trắng tay. Số lượng phim ít nhưng các hạng mục giải thưởng lại rất nhiều và tiêu chí như nhau bất kể phim thương mại hay nhà nước.

Riêng đạo diễn Đặng Nhật Minh lại nhận thấy, do lễ trao giải "Cánh diều" làm rình rang, không còn quy mô nhỏ đúng với bản chất giải thưởng của một Hội nên dễ vấp phải khó khăn về kinh phí.

 Buông thì dễ, giữ thì khó. Khó khăn, hạn chế là điều tất yếu. Ngay cả Oscar 2015 cũng gặp khó khăn và bị sự thờ ơ của công chúng. Quan trọng là người trong cuộc vượt qua khó khăn đó như thế nào, bởi dù sao "Cánh diều" cũng có chỗ đứng trong lòng người yêu điện ảnh và khích lệ những người làm nghề trong nhiều năm qua.

Nguyễn Trang
.
.