Truyền hình thực tế

Càng khen chê nhiều, càng "hot"

Thứ Hai, 02/04/2012, 08:00
Vào thời điểm khán giả truyền hình bắt đầu chán ngán với game show thì việc xuất hiện các chương trình truyền hình thực tế như một món ăn thay thế mới rất thu hút người xem và nhà sản xuất...

Bùng nổ trên các kênh từ trung ương đến địa phương là khá nhiều chương trình, có thể kể ra như "Bước nhảy hoàn vũ", "Cặp đôi hoàn hảo", "Vietnam Idol", "VietNam's Next Top Model", "VietNam's Got Talent", "Hợp ca tranh tài", "Hành trình kết nối những trái tim"… Truyền hình thực tế được định nghĩa là một thể loại trong đó miêu tả thực những tình huống, hoàn cảnh và sự kiện không hề sắp đặt trước trong kịch bản. Nhân vật chính trong các kênh truyền hình thực tế thường là những người chưa nổi tiếng (đa phần là dân thường).

Yếu tố "miêu tả tình huống thực không được sắp xếp trước của những người bình thường" chính là điểm hút khán giả đặc biệt nhất trong các show truyền hình thực tế. Tuy nhiên, nhiều chương trình diễn ra gần đây đã mắc vào "nghi án" là nhà sản xuất có kịch bản dàn dựng trước, mà tiêu biểu là vụ việc mẹ của thí sinh Quỳnh Anh trong chương trình "Vietnam's Got Talent" phản ứng quyết định của Ban giám khảo về kết quả của con gái mình. Sau đó là chuyện kiện cáo của gia đình thí sinh, cho rằng nhà sản xuất đã lợi dụng họ.

Trước đó, chương trình "Vietnam's Next Top Model" cũng để xảy ra nhiều xìcăngđan giữa người dẫn chương trình với nhà sản xuất, giữa các thí sinh với nhà sản xuất. Nhiều diễn đàn trở nên nóng bỏng vì các phản ứng khác nhau của khán giả. Nhưng có một thực tế không phủ nhận được, là tranh cãi càng nhiều, khen chê càng hăng thì chương trình càng trở nên "hot".

Một yếu tố đặc biệt quan trọng trong các chương trình truyền hình thực tế chính là thành phần giám khảo. Đây cũng được xem như một "chiêu" của nhà sản xuất. Việc họ mời ai ngồi ghế Ban giám khảo và những phát ngôn của người "cầm cân nảy mực" trong chương trình có ảnh hưởng nhất định đến mức độ "hot" của chương trình đó. Dường như chương trình nào cũng để lại ít nhiều tranh cãi về Ban giám khảo. Đến nỗi người ta nghi ngờ rằng đó chính là sự "cố tình" của nhà sản xuất để thu hút sự tò mò của người xem.

Sự tranh cãi quanh các chương trình truyền hình thực tế nhiều đến nỗi, khán giả đã bắt đầu thấy…ngán. Phần đông cảm thấy mất lòng tin và nhiều thí sinh cảm thấy như mình bị "mắc lừa" khi tham gia vào các chương trình. Nguyên do là các tiêu chí của nhà sản xuất đưa ra không rõ ràng, cùng với tâm lý bằng mọi cách làm cho chương trình trở nên hút khách đã khiến cho nhiều nhà sản xuất sẵn sàng "xử tệ" với thí sinh của mình. Cho nên, dù bùng nổ trên sóng truyền hình nhưng các chương trình truyền hình thực tế vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của người xem.

Đúng như nhận định của một nhạc sĩ từng ngồi ghế Ban giám khảo nhiều chương trình là truyền hình thực tế ở Việt Nam vẫn còn khá xa rời cộng đồng. Nó khiến cho cả cộng đồng trở nên sôi sục với khát vọng tìm kiếm cơ hội để nổi danh, khẳng định vị trí, giật giải thưởng giá trị… mà chưa hướng đến các giá trị thẩm mỹ, giá trị nhân văn sâu sắc…

Thành Duy
.
.