Cần phải cải thiện môi trường con người

Thứ Năm, 05/05/2016, 16:03
Chưa khi nào hai tiếng “Môi trường” lại trở thành đề tài nóng đến thế ở Việt Nam như những ngày này. Khởi đi từ câu chuyện của những cơn hạn hán nghiêm trọng ở miền Tây Nam bộ; Tây Nguyên đến những gì xảy ra ở duyên hải miền Trung, được điểm xuyết thêm bởi những câu chuyện khác nữa ở những khu vực du lịch được đề nghị lắp đặt cáp treo… môi trường sống gần như trở thành mối quan ngại lớn lao với cả cộng đồng xã hội Việt. Và người Việt nghĩ ngay đến an nguy của chính mình, chính gia đình mình, con cháu mình trong tương lai. 


Không lo sao được! Môi trường tự nhiên được tạo ra để dung dưỡng mọi thể sống mà trong đó, loài người chính là giống loài có những hành vi sống gây ra tác động mạnh mẽ nhất tới môi trường. Chính vì thế, loài người phải chịu trách nhiệm trước tiên nhất, như là trả một món nợ với tự nhiên, chứ không chỉ đơn thuần là vì an nguy của giống nòi mình.

Nhưng muốn hành động để cải thiện môi trường, con người nói chung và người Việt nói riêng cần phải làm gì trước tiên đây? Đây là một câu hỏi lớn, với nhiều đáp án nhưng có lẽ, đáp án ưu tiên trước nhất nên là “cần phải cải thiện môi trường con người”.

Hạn hán ở Tây Nguyên.

Tại sao lại cải thiện môi trường con người? Hẳn sẽ nhiều người đặt ra câu hỏi đó. Dễ hiểu, nếu chúng ta coi cộng đồng con người đang sống cũng là một dạng môi trường, thì chính cái môi trường đó đang nhiễm độc rất nặng và từ đó, nó lây lan ra thành các thảm họa cho môi trường tự nhiên suốt nhiều năm qua. Và chỉ khi từng con người tự cải thiện mình, để mình không còn là một dạng “độc tố”, môi trường con người mới được cải tạo và từ đó, môi trường thiên nhiên mới lành lại dần các vết sẹo khắc nghiệt mà nó đã phải gánh chịu. Vậy thì để cải thiện môi trường con người, chúng ta cần phải làm gì cụ thể đây?

Trước nhất là cải thiện môi trường tư duy, tri thức. Chỉ có sự cải thiện về tư duy, tri thức mới khiến từng con người hiểu được giá trị của tự nhiên là như thế nào và tồn vong của loài người phụ thuộc vào mức độ an nguy của môi trường tự nhiên ra sao. Có thấu hiểu được một đời sống sạch; một đời sống trong lành thì con người ta mới có thể hình dung ra được mình cần làm những gì cụ thể để tạo ra được một môi trường tương thích với đời sống ấy. Không thể nào thiếu sự am hiểu trong bất kỳ công việc nào mà có thể mang lại thành công.

Đơn cử như chuyện trồng nông sản sạch chẳng hạn. Nó không chỉ yêu cầu, đòi hỏi kiến thức về nông nghiệp nói riêng mà còn đòi hỏi cả kiến thức của sản xuất, kinh doanh, tiếp thị và truyền thông… Bởi nếu chỉ đơn giản biết trồng rau sạch, người nông dân sẽ hoàn toàn cô độc trong hành động của mình. Người nông dân cần những người có kiến thức về sản xuất, kinh doanh, tiếp thị… để giúp sản phẩm của họ thành một thương phẩm tốt, tạo ra giá trị nhằm củng cố niềm tin vào việc xây dựng một văn hóa làm nông nghiệp sạch cho cả một ngành nghề. Và rõ ràng, môi trường tư duy, tri thức ở Việt Nam còn hổng nhiều lắm. Thế nên, nhiều khi “đánh” thực phẩm bẩn, vô tình chúng ta đánh cả vào những người nông dân không làm ra thực phẩm bẩn.

Thứ nhì là cải thiện môi trường ý thức. Ở điểm này, có thể nói môi trường ý thức ở Việt Nam đang ô nhiễm nặng nề. Nó nặng nề ở ngay bên cạnh chúng ta, khi một siêu thị mở nhạc váng óc cả phố (ô nhiễm âm thanh); một chiếc xe quá thời hạn sử dụng xả khói đen mù mịt khắp phố nhưng chủ nhân của nó lại vênh vang vì độ “cổ” của cái cỗ máy mình đang rong ruổi. Nó dễ nhận ra, rất gần, rất đời thường và rất phổ biến. Và cải thiện môi trường ý thức này mới là thách thức khó khăn nhất, đòi hỏi thời gian và công sức nhất.

Cuối cùng là cải thiện môi trường thái độ, mà cụ thể là thái độ trách nhiệm xã hội. Nhiều người nghĩ, trách nhiệm xã hội sẽ lớn hơn đối với những người giàu hơn. Nhiều người hơn nữa nghĩ rằng, trách nhiệm xã hội chỉ đơn thuần là quan tâm đến những mảnh đời khốn khó hơn mình, qua các hoạt động thiện nguyện. Đó là quan niệm quá đơn giản. Trách nhiệm xã hội là phải biết kiềm hãm tối đa khả năng làm ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường sống thông qua các hoạt động của cá nhân mình cũng như biết vận động người khác có thái độ trân trọng môi trường sống.

Xây dựng một nhà máy, phải nghĩ đến lợi nhuận là điều ai cũng biết, song thu lợi nhưng không gây tổn hại đến môi trường sống là một đòi hỏi không phải ai cũng đáp ứng nổi vì cái tham lam, độc ác và thậm chí là ngu muội của mình. Mỗi hành động mình làm ra, tự mình cần phải cân nhắc tác động của nó tới môi sinh của những người sống xung quanh mình cũng là cách bày tỏ trách nhiệm xã hội một cách đúng đắn.

Còn nếu chỉ tạo ra lợi nhuận lớn, nộp thuế đầy đủ, biết làm từ thiện song lại hủy hoại môi trường sống của người khác thì điều đó chưa đủ để có thể khẳng định rằng ta đã làm tròn trách nhiệm xã hội. Nó là một chuẩn mực lớn, khắt khe, và đòi hỏi con người phải biết khống chế tham vọng của chính mình đầu tiên.

Việt Nam đang từng bước phát triển kinh tế và bởi thế, nhiều thứ chúng ta buộc phải đánh đổi. Nhưng nếu môi trường con người được cải thiện, những đánh đổi mà ta phải thực hiện sẽ với cái giá rẻ hơn rất nhiều. Không cải thiện môi trường con người, chúng ta rồi sẽ còn âu lo hơn nữa, hoảng sợ hơn nữa trong tương lai bởi thảm họa không bao giờ có điểm dừng nếu con người tự cho nó những cơ hội.

Hà Quang Minh
.
.