Văn hóa ứng xử của nghệ sĩ trẻ:

Cần những làn roi phê bình nghiêm khắc

Thứ Năm, 30/04/2015, 08:00
MV "Không phải dạng vừa đâu" của Sơn Tùng M-TP với hình ảnh mang tính chỉ trích "bậc tiền bối" trong làng âm nhạc Việt Nam là nhạc sĩ Phó Đức Phương và Dương Khắc Linh - những người đã lên tiếng khẳng định ca khúc "Chắc ai đó sẽ về" đạo nhạc trở thành "tâm bão" dư luận thời gian gần đây. 

Chất lượng của MV hay, dở ra sao chưa vội bàn đến. Việc bên đại diện của Công ty quản lý ca sỹ Sơn Tùng M-TP cũng đã ra quyết định thu hồi MV và có lời công khai xin lỗi. Nhưng qua sự kiện này, dư âm về sự xuống cấp văn hóa ứng xử trong showbiz Việt quả là đáng buồn.

Khi cái "tôi" quá lớn

Cuối cùng thì Công ty quản lý của Sơn Tùng M-TP đã quyết định gỡ bỏ MV "Chắc ai đó sẽ về", kèm theo lời xin lỗi đến khán giả sau những chỉ trích, phản ứng mạnh mẽ của dư luận. Sự việc đã lắng xuống nhưng có lẽ tổn thương với người trong cuộc, tổn thương cả với khán giả, những người yêu mến âm nhạc Việt Nam đã hoài nghi về cách ứng xử của những người trẻ trong showbiz thị phi này vẫn là câu chuyện chưa thể kết thúc.

Khi vừa ra mắt, MV "Không phải dạng vừa đâu" đã bị dư luận "ném đá" bởi thái độ coi thường bậc cha chú, cụ thể là hai nhạc sĩ đã lên án việc "đạo nhạc" của Sơn Tùng M-TP là Phó Đức Phương và Dương Khắc Linh được "mô phỏng" xuất hiện trong MV này. "Sự vô lễ", "coi thường" bậc cha chú, "ngông cuồng", "láo xược"… là những từ ngữ mà khán giả sử dụng để chỉ trích "Không phải dạng vừa đâu".

Theo công ty quản lý của Sơn Tùng M-TP thì MV "Không phải dạng vừa đâu" ra đời với mong muốn gửi thông điệp "Âm nhạc xóa tan mọi khoảng cách về thế hệ giữa con người với con người, có thể khiến con người xích lại gần nhau" nhưng có lẽ, những gì mà MV mang đến lại hoàn toàn ngược lại.

Đến thời điểm này, tôi vẫn không hiểu vì sao Sơn Tùng M-TP và ekip của mình lại đưa những hình ảnh dễ "gây hiểu lầm" ấy vào trong MV ca nhạc. Đó giống như cách mà Sơn Tùng M-TP muốn "thách thức" với những bậc đi trước, khẳng định cái "tôi" cá nhân "không phải dạng vừa" theo kiểu trẻ con, khó có thể chấp nhận. Tôi cho rằng, MV "Không phải dạng vừa đâu" là một cách ứng xử "thiếu văn hóa" của Sơn Tùng M-TP cũng như ekip sản xuất của mình.

MV "Không phải dạng vừa đâu" của Sơn Tùng M-TP bị đánh giá là hành vi ứng xử thiếu văn hóa trong showbiz.

Không chỉ có Sơn Tùng M-TP, nhiều nghệ sĩ trẻ Việt cũng có cách ứng xử khó chấp nhận, đơn giản chỉ muốn thể hiện cái "tôi" chưa thực sự trưởng thành. Câu chuyện của ca sĩ Hương Tràm, quán quân "The Voice - Giọng hát Việt" mùa đầu tiên đối đáp "bốp chát" với người thầy Thu Minh, hay việc ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng lên giọng với nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9.v.v.v vẫn là bài học lớn về cách ứng xử của ca sĩ trẻ. Những dòng "tâm thư" của Hương Tràm viết trên mạng xã hội, "lật tẩy" nhiều bí mật giữa cô và huấn luyện trong quá trình tham gia "Giọng hát Việt" đã bị nhiều khán giá "ném đá" không thương tiếc.

Hay gần đây nhất, hành động chống người thi hành công vụ của người mẫu kiêm diễn viên Trang Trần gây "choáng váng" người hâm mộ. Bị công an "tuýt còi" vì vi phạm luật giao thông, thay vì nhận lỗi, Trang Trần đã có thái độ bất hợp tác, có lời lẽ hành động chống lại người thi hành công vụ. Tất nhiên tất cả những người của công chúng này đều đã ngay lập tức có các hành vi nhận lỗi mong khán giả tha thứ, bỏ qua sau đó nhằm để cứu vớt hình ảnh của mình thì những gì mà họ ứng xử đã gây tổn thương vào tình yêu của khán giả dành cho những người nghệ sỹ thật khó cứu vãn.

Chưa hết, sự bùng nổ của internet và mạng xã hội, một mặt giúp nghệ sỹ đưa hình ảnh của mình đến gần hơn với công chúng nhưng mặt khác lại là nơi để họ "trút" những bức xúc,  lời nói thiếu văn hóa, công kích người khác. Thanh Trúc, thí sinh của cuộc thi Việt Nam Idol 2012 đã "đá đểu" thí sinh Bảo Anh của cuộc thi TheVoice diễn ra cùng thời điểm trên facebook cá nhân. Sự việc này, khiến giám khảo Nguyễn Quang Dũng đã phải "dạy bảo" thí sinh này ngay trên sóng truyền hình rằng, nên tập trung vào chuyên môn thay vì chỉ trích, đấu đá nhau trên mạng xã hội.

Rồi Đinh Mạnh Ninh, ca sĩ trưởng thành từ cuộc thi "Sao Mai điểm hẹn 2010" đã đăng lên trang cá nhân nhận định về "Yasuy - Thần tượng âm nhạc Việt Nam 2012" là "kéo cả thể hệ nhạc trẻ đi xuống". Cũng chính Đinh Mạnh Ninh, khi còn là thí sinh của Sao Mai điểm hẹn 2010 đã "bạo gan" cãi lại cả giám khảo Mỹ Tâm. Hành động này của anh đã bị cư dân mạng lên án kịch liệt vì thái độ coi mình là số 1, thiếu tôn trọng người khác. Dẫu biết rằng, mạng xã hội là một diễn đàn mở và ở trang cá nhân, mỗi người có thể tự do bày tỏ suy nghĩ của mình nhưng rõ ràng, ca sĩ phải tự đặt ra những giới hạn cho chính mình trong cách ứng xử.

"Sản phẩm" của sự "nuông chiều" thái quá trong showbiz?

Tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi ứng xử thiếu văn hóa của nghệ sỹ trẻ là sự "nuông chiều" của showbiz Việt. Bản thân showbiz không tạo ra hành vi ứng xử thiếu văn hóa nhưng ánh hào quang của nó khiến người ta ảo tưởng về bản thân mình.

Có lẽ, chưa bao giờ sự nổi tiếng lại trở nên dễ dàng như hiện nay. Sự bùng nổ thông tin, các chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng nở rộ với tần suất dày đặc đã khiến "nguồn" nhân tài cạn kiệt. Khi những tài năng đích thực chưa kịp "phát lộ" hoặc chưa "chín muồi"  thì việc tung hô, "đặt nhầm" danh xưng tài năng vào những người nào đó "gần giống" tài năng hẳn cũng là điều dễ hiểu. Như một giấc mơ thời @, nhiều người trẻ có chút năng khiếu nghệ thuật được gọi là "nghệ sỹ", "ca sĩ" chỉ sau một đêm thi, thậm chí là một bài hát.

Từ con số "không", họ đã trở thành "người hùng" với hình ảnh xuất hiện tràn ngập trên các phương tiện truyền thông. Sự nổi tiếng quá nhanh, ánh hào quang rực rỡ của showbiz khiến những người trẻ "choáng ngợp" và tự tin thái quá vào bản thân. Họ nghĩ rằng, mình là tài năng đích thực, là "của hiếm", "của lạ" trong showbiz nên có quyền ứng xử theo cách mình thích.

Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận rằng, nhiều nghệ sỹ trẻ chưa chuẩn bị "tâm thế" cho sự nổi tiếng và sự nổi tiếng quá nhanh khiến họ không kịp lấp đầy những khoảng trống văn hóa ứng xử. Đặc biệt, cách ứng xử của một số những người trẻ nổi tiếng hiện nay đã để lộ phông văn hóa nghèo nàn, kém cỏi về tri thức, khiếm khuyết về nhận thức, dẫn đến những cách hành xử với đồng nghiệp, cấp trên nhiều khi là rất thiếu văn hóa.

Sự tung hô quá mức của giới truyền thông cũng là nguyên nhân dẫn đến những ngộ nhận trong giới nghệ sỹ và vô tình "chung tay" truyền bá những hành vi ứng xử thiếu văn hóa. Một nguyên nhân nữa không thể không nhắc tới chính là sự hâm mộ cuồng nhiệt của khán giả trẻ.

Dường như có một nghịch lý trong showbiz Việt, trong khi nghệ sỹ chân chính khó để khán giả nhớ tên thì những nhân vật "tai tiếng" như Hương Tràm, Angela Phương Trinh, Quân Kun "sịp vàng", Lệ rơi… lại thu hút hàng trăm ngàn fan cuồng theo dõi trên mạng xã hội. Đồng ý rằng, ai cũng có quyền được yêu, được ghét theo quan niệm, theo "gu" thẩm mỹ riêng nhưng "fan cuồng" bất chấp tất cả thì khó có thể chấp nhận. Chính sự cuồng nhiệt của khán giả trẻ đã làm "hư" thần tượng của mình và làm xô lệch các chuẩn mực thẩm mỹ nghệ thuật.

Gỡ rối từ đâu?

Thông tin mới nhất thì Chương trình tìm kiếm "Thần tượng âm nhạc Việt Nam - Việt Nam Idol 2015" sẽ có phần định hướng và giáo dục nhân cách cho nghệ sĩ trẻ. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng trong showbiz Việt hiện nay.

Tôi cho rằng, hơn ai hết, Ban Tổ chức các cuộc thi tìm kiếm tài năng nghệ thuật cần chịu trách nhiệm về những tài năng mà mình phát hiện. Đó phải là "sản phẩm" hoàn hảo của tài năng và nhân cách hoặc ít ra cũng phải định hình được trong tiềm thức họ ý thức ứng xử có văn hóa trong showbiz.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp "tạm thời" vì thời gian thí sinh tham gia cuộc thi chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn. Nghệ sỹ phải đi một chặng đường dài trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình. Cần trang bị cho nghệ sỹ trẻ phông kiến thức văn hóa đủ rộng để "đối mặt" với trăm ngàn tình huống trong cuộc sống. Bên cạnh đó, cần phải giáo dục họ ý thức luôn biết khiêm tốn, cố gắng, nỗ lực hết mình, không ngừng học hỏi để hoàn thiện bản thân.

Văn hóa ứng xử trong showbiz nói chung, ca sĩ trẻ nói riêng vẫn là vấn đề "nóng" hiện nay. Làm sao để có được một lớp ca sĩ trẻ, tài năng, tâm huyết, ứng xử có văn hóa vẫn là bài toán khó. Sự bồng bột trong cách ứng xử của họ cần phải được đào tạo và rèn rũa trong quá trình hoàn thiện nghề nghiệp của mình. Đã đến lúc cần sử dụng đến những làn roi phê bình nghiêm khắc để định hướng, giáo dục, uốn nắn nghệ sỹ trẻ. Cần những tiếng nói từ giới truyền thông đấu tranh mạnh mẽ với cái xấu, đi ngược với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Hành vi ứng xử thiếu văn hóa không thể chấp nhận và càng không thể chấp nhận nếu đó là hành vi của nghệ sỹ bởi hàng ngàn bạn trẻ đang coi họ là "tấm gương" để soi sáng mỗi ngày.

Tường Phạm
.
.